Vốn là nhà thiết kế (NTK) kỹ tính và cầu toàn, Đỗ Mạnh Cường luôn không ngừng sáng tạo. Nói đến Đỗ Mạnh Cường là nói đến những lần ra mắt bộ sưu tập được đầu tư vô cùng kỹ lưỡng. Có thể nói những gì nhà thiết kế họ Đỗ cống hiến đã góp phần thay đổi diện mạo thời trang nước nhà. Trước khi anh lên đường ra Phú Quốc chuẩn bị show diễn Life in Color, Bazaar đã thực hiện bài phỏng vấn độc quyền với anh.
BAZAAR: Nhà văn Victor Hugo từng ép mình ngồi khỏa thân, ông giấu hết đồ đạc để buộc bản thân không rời khỏi phòng làm việc. Là một trong những nhà thiết kế bận rộn nhất Việt Nam, Đỗ Mạnh Cường làm cách nào để rời xa những cám dỗ thường nhật và đưa mình vào guồng quay công việc một cách hiệu quả nhất?
Từ nhỏ tôi vốn dĩ đã là một người độc lập, không bị cám dỗ bởi những thứ xung quanh như đi chơi hay tụ tập. Trong khi bạn bè đi chơi thì tôi học bài, phụ gia đình làm việc nhà. Tôi nhớ khi còn học cấp 2, cứ học xong là về nhà đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo… Nhà tôi có 2 chị em gái nữa nhưng tôi luôn là người làm những công việc này. Có lẽ vì vậy, tôi rèn cho mình được tính độc lập. Tôi tránh xa được những cám dỗ vì tôi luôn biết mình muốn gì và cần gì .
Giờ tôi là người ít bạn bè có lẽ vì tôi không có thời gian dành cho bạn bè nhiều. Hiếm khi thấy tôi ra ngoài cafe, đi bar, tụ tập ăn uống… như những người trẻ khác. Nhiều khi tôi thấy đó cũng là sự thiệt thòi đối với mình, vì tôi chỉ biết công việc. Nếu có rảnh rỗi chút tôi cũng đi thăm và chơi với con trai nuôi, không thì nghỉ ngơi vì áp lực công việc quá nhiều.
BAZAAR: Đỗ Mạnh Cường nổi tiếng với những show diễn được đầu tư mạnh tay độc nhất vô nhị. Điều này có gây áp lực cho anh trước mỗi show diễn? Anh có bao giờ cảm thấy không hài lòng vì những ý tưởng của mình không thực sự được truyền tải hết do sự giới hạn của sức người và nhân công, vật liệu?
Thực ra show diễn nào tôi cũng bị áp lực rất nhiều. Cũng có lẽ bởi tính cầu toàn và tham vọng của tôi. Không hẳn là áp lực show này phải hay và hấp dẫn hơn show trước. Tôi luôn quan niệm mỗi show diễn là một dấu ấn khác nhau trên con đường sự nghiệp của mình; mỗi show đều mang những tình cảm, cảm xúc rất khác nhau. Tôi đang chọn con đường không bằng phẳng để đi. Dù biết nó thực sự khó khăn nhưng tôi vẫn phải làm. Nhưng cũng vì vậy mà tôi luôn khác biệt và không bị lẫn lộn với bất kỳ NTK nào khác.
Chúng ta đang sống ở một nơi mà ngành công nghiệp thời trang chưa phát triển. Bản thân tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn vì kinh tế mỗi khi làm show. Những lúc như thế, tài khoản đều gần như rơi về con số không. Nhưng tính tôi vậy, đã không làm thì thôi, còn đã làm là làm đến cùng, và phải làm được điều mình muốn. Nhờ đó, tôi thường rất hài lòng vì những gì mình và ekip đã làm. Tôi cũng đủ tự tin để nói nếu đặt những show diễn của tôi cạnh show của những “ông lớn” trên thế giới, tôi sẽ không bị lép vế.
BAZAAR: “Để trở nên không thể thay thế được, mỗi người phải trở nên khác biệt”, Coco Chanel đã từng nói như thế. Vậy theo anh, mỗi NTK có nên theo đuổi một phong cách riêng, hay phải biến hoá không ngừng để đáp ứng nhu cầu của công chúng?
NTK muốn thành công bắt buộc phải có phong cách riêng, dấu ấn riêng. Nhưng tôi phải nói rõ, những NTK không phải là ngôi sao ca nhạc hay điện ảnh mà phải biến hoá không ngừng để đáp ứng nhu cầu của công chúng. Tôi làm việc để phục vụ cho đối tượng khách hàng mà tôi muốn hướng đến. Tôi không phục vụ tất cả mọi người, vì thực tế mỗi người có những nhu cầu rất khác nhau.
Sau 10 năm kinh doanh trong ngành thời trang, tôi thay đổi rất nhiều trong tư duy sáng tạo của mình. Giờ thì tôi hiểu vì sao Chanel luôn làm áo tweed từ năm này sang năm khác. Tôi hiểu vì sao mỗi năm cửa hàng Dolcle&Gabbana hay Valentino luôn trưng bày những kiểu quần áo giống nhau… Thay đổi nhưng không có nghĩa là hôm nay theo phong cách này, ngày mai theo phong cách khác. Thay đổi như vậy trong thời trang có nghĩa những gì bạn làm đã không được chấp nhận.
Với tôi, một NTK chỉ thành công thực sự khi họ có một phong cách cá nhân rõ nét. Nhìn vào mỗi BST, mỗi trang phục là biết ngay nó của NTK nào.
Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường
BAZAAR: Có một câu chuyện như thế này về NTK Rei Kawabuko. Trong những năm 1980, bà cho dời toàn bộ gương trong phòng thay đồ ở cửa hàng ra nơi khác. Vì bà muốn khách hàng của bà chuyển sự tập trung chú ý từ việc “họ trông như thế nào” sang “họ cảm thấy ra sao” khi mặc đồ thiết kế. Đối với anh, điều quan trọng nhất hình thành nên vẻ đẹp của một trang phục là gì? Là cảm giác thoải mái của người mặc khi khoác vào bộ trang phục đó, hay vẻ đẹp mà người khác cảm nhận được khi nhìn vào nó?
Với tôi, điều quan trọng nhất hình thành nên vẻ đẹp của một bộ trang phục chính là con người. Chỉ khi có người lựa chọn, mặc nó trên người, bộ trang phục ấy mới thực sự có linh hồn. Không biết người khác nghĩ thế nào, nhưng khi tôi lựa chọn một bộ trang phục và mặc chúng, tôi không quan tâm lắm đến việc người khác nghĩ gì mà chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình. Đó cũng là lý do vì sao ở Việt Nam, tôi là một trong số rất ít những người mặc và yêu thích trang phục của Rei Kawabuko.
BAZAAR: Anh nghĩ gì về mối liên hệ giữa NTK và khách hàng? Anh đối xử với khách hàng như thế nào? Nếu một ngày nào đó khách hàng đột nhiên không còn tìm tới, anh sẽ làm gì?
Đó là mối quan hệ cộng sinh, một NTK không thể được gọi là một NTK khi anh ta không có khách hàng; hay những sáng tạo không được chấp nhận. Còn khách hàng cần những NTK để cuộc sống của họ đẹp hơn với những bộ trang phục. Tôi thường xuyên tiếp xúc với khách hàng của mình để lắng nghe và hiểu những nhu cầu của họ. Nhất là khi khách hàng của tôi đa phần là những người trí thức và thành đạt. Tôi học hỏi được từ họ rất nhiều điều; còn họ luôn được nghe những tư vấn chân thành của tôi. Tôi không có thói quen nịnh khách để họ mua đồ mình. Lúc nào tôi cũng cho họ những lời khuyên phù hợp với thể hình, gương mặt và tính chất công việc…
Trên thực tế, tôi có những khách hàng đã gắn bó với mình 10 năm nay. Có những người có đến gần 1000 trang phục của tôi trong nhà họ; nhưng có những khách hàng cũng đã ra đi (có thể do càng ngày trang phục của tôi càng mắc). Song, điều đó không ảnh hưởng gì đến công việc kinh doanh của tôi cả. Sau mỗi BST, tôi luôn có thêm những khách hàng mới đầy tiềm năng.
“Tôi chưa bao giờ hối hận khi về lại Việt Nam”
Nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường
BAZAAR: Mười năm về Việt Nam lập nghiệp, điều gì khiến anh tự hào nhất? Và điều gì làm anh cảm thấy không hài lòng nhất? Anh có bao giờ nghĩ lại về quyết định làm việc cho nhà mốt hàng đầu ở Paris, thay vì về quê hương như bây giờ không?
Ngày xưa lúc tôi được mẹ cho đi học thời trang, rất nhiều người phản đối. Họ nói với mẹ tôi rằng tôi sẽ không làm được trò trống gì. Để có được ngày hôm nay, tôi đã phải có gắng rất nhiều. Điều khiến tôi tự hào nhất là tôi có thể tự đứng trên đôi chân của chính mình, làm mẹ tôi vui và hãnh diện vì những gì tôi đã làm được. Còn bất mãn ư? Tôi nghĩ cuộc đời này đã cho tôi quá nhiều thứ, chẳng có gì khiến tôi phải bất mãn cả. Có một số người muốn cản trở tôi trên con đường tôi đi. Nhưng tôi cũng chỉ coi đó là những thử thách mà mình phải vượt qua. Cứ sống bình thản thôi, mọi chuyện cũng đã có số phận của nó hết rồi.
Quyết định về Việt Nam là quyết định sáng suốt nhất mà tôi đã làm. Tôi chưa bao giờ hối hận về điều đó. Nếu không quay lại Việt Nam, làm sao tôi có được ngày hôm nay?
Đỗ Mạnh Cường: “Thời trang chẳng có nghĩa lý gì nếu không có con người”
BAZAAR: Anh từng cho biết anh rất cảm động trước những người muốn mua đồ của anh nhưng không đủ tiền. Vậy anh có từng nghĩ đến chuyện sẽ tạo ra dòng sản phẩm cấp thấp hơn để phù hợp với đại chúng?
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều đến việc đó nhưng thực sự thời gian và sức khỏe không cho phép. Công việc hiện tại đã lấy đi của tôi rất nhiều thứ. Thời gian tôi dành cho bản thân, gia đình hay bạn bè gần như rất ít. Tôi sẽ làm khi nào cảm thấy mình thực sự sẵn sàng.
BAZAAR: Thời trang có ý nghĩa với cuộc sống của anh như thế nào? Anh mô tả thế nào về thương hiệu cá nhân? Anh sẽ làm gì nếu không là nhà thiết kế?
Thời trang với tôi đơn giản là một công việc giúp tôi kiếm sống như bao công việc khác. Nếu không là NTK, có lẽ tôi sẽ là một nhà báo, nhà giáo, hay một người trông trẻ. Tôi vốn dĩ rất yêu trẻ con.
Có ba điều tôi muốn nói về thương hiệu cá nhân của mình: Đơn giản, tinh tế và sang trọng.
BAZAAR: Bill Cunningham từng nói: “Thời trang là lớp áo giáp giúp người ta tồn tại giữa thực tế cuộc sống”; Marc Jacobs lại cho rằng “Quần áo không có nghĩa lý gì trừ khi được mặc lên người”. Còn anh, anh nghĩ thế nào về mối tương quan giữa thời trang và cuộc sống; hay quần áo và con người?
Tôi cũng có quan niệm giống Marc Jacobs. Thời trang chẳng có nghĩa lý gì nếu không được con người chọn và mặc cả.
“Cuộc sống này sẽ vô cùng tẻ nhạt nếu thiếu đi màu sắc”
BAZAAR: Là một nghệ sỹ, anh thường lấy cảm hứng thiết kế từ đâu?
Cảm hứng trong thiết kế của tôi đến từ cuộc sống, từ con người, từ thiên nhiên hay những câu chuyện xung quanh đời sống của tôi. Nó có thể là những khách hàng quen thuộc, những ” nàng thơ” tôi đã kể trong The Muse. Một khu vườn đẹp, thơ mộng, lãng mạn cũng mang lại cảm hứng cho tôi như trong Le Jardin. Những cánh bướm mong manh nhiều màu sắc cũng mang đến cho tôi cảm hứng trong Butterfly. Hay những cặp song sinh, sự kỳ diệu mà tạo hoá ban cho con người tôi kể trong The Twins…
Và trong BST sắp tới, Life in Color (Cuộc sống đầy màu sắc), tôi có cảm hứng khi đến nghỉ ngơi ở resort JW Marriott Phú Quốc. Tôi đặc biệt ấn tượng mạnh với màu sắc và kiến trúc của nơi này nên nhanh chóng quyết định chọn đây là địa điểm trình diễn bộ sưu tập Life In Color. Địa điểm này đã mang lại cho tôi nguồn cảm hứng rất lớn. Nghỉ ngơi ở đây, tôi cảm giác mình sống trong một cuộc sống thú vị với rất nhiều màu sắc.
Tôi nghĩ cuộc sống này sẽ vô cùng tẻ nhạt nếu thiếu đi màu sắc. Vì vậy, bạn hãy để cuộc sống của mình tràn ngập trong những sắc màu. Và bạn sẽ thấy yêu đời hơn rất nhiều.
BAZAAR: Xin cảm ơn anh. Chúc show diễn sắp tới của anh thành công rực rỡ như ý nghĩa mà nó mang lại.
Harper’s Bazaar Việt Nam