Bạn còn nhớ trang phục Lady Gaga diện khi hát quốc ca trong Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 1–2021? Sắc đỏ của váy tượng trưng cho lòng yêu nước. Cánh chim bồ câu ngậm cành ô-liu mang thông điệp hòa bình và sự hàn gắn. Tháng Bảy rồi, Bella Hadid khuấy đảo thảm đỏ liên hoan phim Cannes 2021 với chiếc vòng cổ mô phỏng hai lá phổi. Các nghệ nhân đã tốn đến 1.000 giờ làm việc để tạo ra chiếc vòng cổ lạ lùng mà tuyệt mỹ, khiến bất kỳ ai cũng phải thốt lên “wow” khi ngắm nhìn.
Cả hai trang phục trênđều là thiết kế Haute Couture của House of Schiaparelli, thương hiệu được đặt theo tên nhà sáng lập Elsa Schiaparelli. Nhắc đến Schiaparelli là nhắc đến chủ nghĩa siêu thực, sắc hồng chói (Shocking Pink) và cuộc đời một thiên tài nổi loạn.
Elsa Schiaparelli, ái nữ nổi loạn của gia đình quý tộc Italy
Elsa Luisa Maria Schiaparelli sinh năm 1890, trong gia đình quý tộc thượng lưu ở Rome. Lớn lên trong môi trường tinh hoa, Schiaparelli yêu lịch sử, tôn giáo, các truyền thuyết và nền văn minh cổ đại.
Thuở thiếu thời, Elsa đã cực kỳ cá tính. Năm lên 6, cô bé Elsa từng bỏ nhà đi ba ngày. Elsa còn nhét hạt giống hoa vào tai, mũi, miệng với mong muốn trở nên xinh đẹp hơn với gương mặt phủ đầy hoa. Tính cách và ước muốn khác người này cũng trở thành một phần quan trọng trong sự nghiệp thiết kế của Schiaparelli.
Những chiến tích thời trang đầu tiên tại Paris
Năm 1913, Schiaparelli bỏ nhà để đến London. Cô chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt với vị hôn phu giàu có người Nga. Tại London, cô yêu cuồng, cưới vội, rồi cùng chồng chuyển đến New York. 7 năm sau, chồng bỏ rơi Elsa khi cô mới sinh một bé gái. Túng quẫn, và nhờ sự giúp đỡ của một người bạn, Schiaparelli mang con tới Paris năm 1922. Cô bắt đầu may áo quần.
Năm 1927, Schiaparelli mở cửa hiệu mang tên mình. Bộ sưu tập đầu tiên là những chiếc áo len Trompe l’oeil. Thiết kế cháy hàng vì tạo hiệu ứng thị giác như người mặc quàng một chiếc khăn quanh cổ và buộc nơ bướm.
Trompe l’oeil thực chất là kỹ thuật đánh lừa thị giác trong hội họa. Có nền tảng từ gia đình quý tộc tiếp xúc với nghệ thuật từ bé, Schiaparelli đã vận dụng tài tình kỹ thuật của hội họa vào thời trang.
Buổi đầu sự nghiệp, Schiaparelli tập trung vào trang phục thể thao. Năm 1931, nhà thiết kế làm sống lại chiếc quần cullotes và khiến công chúng xôn xao khi xuống phố với chiếc quần lửng ống rộng này. Culottes đã xuất hiện từ lâu, nhưng chính Schiaparelli là người đã táo bạo biến trang phục này thành thiết kế dành cho phụ nữ.
Năm 1929, dù kinh tế thế giới rơi vào Đại suy thoái, Schiaparelli và thương hiệu mang tên mình vẫn phát triển vượt bậc cả về thương mại lẫn tiếng tăm.
Schiaparelli và thời trang siêu thực
Tại Paris, Elsa Schiaparelli thân thiết với nhiều nghệ sĩ siêu thực. Bà thường tổ chức những dạ tiệc với chủ đề siêu thực. Bebe Berard, Jean Cocteau, Salvador Dalí, Vertes, Van Dongen… là những danh họa Elsa thân thiết. Óc thẩm mỹ kỳ lạ và trí tưởng tượng phong phú của Elsa Schiaparelli được các họa sĩ hiện thực hóa bằng những nét vẽ.
Thời trang siêu thực tạo ra cái nhìn viển vông kỳ lạ về trang phục. Chúng khai thác chủ đề những giấc mơ, khai phá trí tưởng tượng. Để rồi, mọi hiểu biết thông thường của con người về quần áo hoàn toàn bị đảo lộn. Và đó cũng là cách thời trang bước ra ngoài thực tại buồn tẻ.
Trong những người bạn họa sỹ, sự hợp tác với Salvador Dalí là nổi tiếng nhất, đánh dấu cột mốc rõ nét cho thời trang siêu thực của Schiaparelli.
>>> Xem thêm: SIÊU THỰC LÀ GÌ? TRƯỜNG PHÁI NGHỆ THUẬT SURREALISM TRONG THỜI TRANG
Năm 1937, bà trình làng váy tôm hùm do Dalí vẽ. Nét vẽ chân thực đến độ công chúng như chiêm ngưỡng một con tôm thật xuất hiện trên quần áo. Năm 1938, bộ đôi lại trình làng Tears Dress. Chiếc váy cũng sử dụng kỹ thuật Trompe l’oeil đánh lừa thị giác. Chúng tạo ảo ảnh về những giọt nước mắt. Sự hợp tác đạt đến đỉnh cao điên rồ trong chủ nghĩa siêu thực với thiết kế nón đội đầu hình chiếc hài lộn ngược Shoe Hat mùa Thu Đông 1937/38.
Nhà thiết kế thành công bậc nhất thập niên 1930–1940
Suốt thời kỳ hoàng kim, Schiaparelli trình làng hàng loạt bộ sưu tập với chủ đề siêu thực như Stop Look and Listen (1935); Paris 1937 (1937); Zodiac (Hoàng đạo), Pagan (Đa thần giáo), Circus (Rạp xiếc) năm 1938. Đầm Skeleton Dress “chần” bộ xương người; vòng cổ trong suốt tái hiện hình ảnh côn trùng bò trên da; nón đính côn trùng… là các tác phẩm “bá đạo” của Elsa Schiaparelli.
Những thiết kế khác thường, vượt ngoài quan niệm truyền thống về thời trang của Schiaparelli thu hút các minh tinh lừng danh. Từ Marlene Dietrich, Katharine Hepburn, Greta Garbo, đến Mae West… Trang phục của Schiaparelli đậm tính nghệ thuật nhưng vẫn đậm chất thương mại. Bà trở thành nhà thiết kế tiên phong, thành công bậc nhất thập niên 1930–1940.
“Elsa Schiaparelli là người nghệ sỹ thực thụ duy nhất trong thế giới couture”
– Nhà couturier huyền thoại Cristóbal Balenciaga –
Shocking Pink, sắc hồng rực của kẻ nổi loạn
Trước thời Schiaparelli, màu hồng được sử dụng với sắc nhạt. Thế kỷ 18, hồng không được xem là biểu tượng của nữ tính. Thế kỷ 19, hồng là tông màu nam tính và dành cho các cậu bé. Lúc này xanh dành cho nữ. Cuối Thế Chiến 2, hồng “chuyển giới” thành sắc màu nữ tính với sắc hồng pastel và hồng đào.
Là người nổi loạn, Schiaparelli chán ngấy những tông màu buồn tẻ. Năm 1937, bằng kỹ thuật pha trộn màu sắc, bà tạo ra màu hồng đậm và chói mang tên Shocking Pink. Sắc hồng gây sốc này là phép cộng hoàn hảo cho thời trang siêu thực của Schiaparelli.
Hình ảnh nữ diễn viên Zsa Zsa Gabor mặc váy hồng rực của Elsa Schiaparelli trong Moulin Rouge (1952) thành tiền đề cho nhiều thiết kế hồng trên màn ảnh sau này. Đó là Marilyn Monroe trong Gentlemen Prefer Blondes (1953); Reese Witherspoon ở Legally Blonde (2001) hay váy áo hồng của búp bê Barbie trong văn hóa đại chúng.
Năm 1954, Elsa Schiaparelli tạm đóng cửa thương hiệu. Thời trang siêu thực nhường chỗ cho phong cách thanh lịch, lãng mạn hậu chiến. Mãi đến năm 2013, Marco Zanini mới hồi sinh thương hiệu.
Từ đó đến nay, thương hiệu vẫn mang sắc Shocking Pink di sản và chất siêu thực của nhà sáng lập vào trong từng thiết kế. Chúng xốc nổi, phá tan mọi lề thói và khiến công chúng choáng váng. Bởi, với Schiaparelli, thời trang không chỉ là váy hay đầm. Chúng là cả một thế giới tưởng tượng của nữ thiên tài.
>>> Xem thêm: MÀU HỒNG: NỖI ÁM ẢNH CỦA THỜI TRANG CAO CẤP
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam