Chuyến hồi hương này còn mang đến sự thay đổi lớn cho hãng thời trang danh tiếng này. Đó là hãng Yves Saint Laurent (YSL) đổi tên thành Saint Laurent Paris theo yêu cầu của Hedi Slimane.
HÀNH TRÌNH TRỞ VỀ YSL
Hedi Slimane trở về ngôi nhà YSL với cương vị nhà thiết kế chính và giám đốc sáng tạo các bộ sưu tập womenswear. Đó là một quyết định táo bạo và thú vị của Pierre Bergé khi chỉ định Slimane từ vị trí thiết kế thời trang nam của YSL (bắt đầu từ năm 1996) chuyển sang thị trường dành cho nữ. Mối duyên của Slimane với đế chế YSL lại nối tiếp sau khoảng thời gian tưởng như gãy đứt.
Slimane đã từng được sở hữu nhiều “vương miện” trong nhiều năm. Sau 4 năm đạt được những thành công trong vai trò giám đốc sáng tạo thời trang nam của YSL, Slimane rời thương hiệu khi Tom Ford xuất hiện. Anh chuyển sang Dior từ năm 2000 đến 2007. Ở ngôi nhà Dior, Hedi Slimane đã biến Dior Homme trở thành thương hiệu thời trang dành cho nam thành công nhất đầu thế kỷ XXI với dáng vest ôm sát cơ thể và quần jeans cạp trễ ống côn. Mặc dù còn nhiều tranh cãi xung quanh việc Slimane tạo ra hình tượng người đàn ông mặc đồ skinny suit ôm sát, có vẻ thiếu manly, nhưng kỳ lạ thay, các Adam đã đánh giá cao tính thời trang và chấp nhận hàng loạt mẫu vest của Dior Homme. Thậm chí, ông hoàng Karl Lagerfeld còn tập luyện đến mức giảm hẳn 40kg chỉ để mặc vừa những bộ suit size 0 do Slimane thiết kế.
Tuy nhiên, Slimane lại muốn bước đến cánh cổng trở thành nhiếp ảnh gia mà anh ôm ấp từ thuở còn là cậu thiếu niên nên quyết định từ bỏ Dior. Một lần nữa, tài năng của anh trong lĩnh vực nhiếp ảnh lại được khẳng định. Bìa album The Fame Monster của Lady Gaga chính là do Slimane bấm máy. Tháng 3 năm 2012, hành trình của Slimane lại bước sang trang mới. Pierre Bergé mời anh trở về YSL, lần này dưới một vai trò mới đầy thách thức: thiết kế thời trang dành cho nữ.
SLIMANE ĐÃ SẴN SÀNG
Người đồng sáng lập nhà YSL, Pierre Bergé, chia sẻ: “Slimane từng làm việc với YSL và cũng chính là yếu nhân tạo nên danh tiếng của thương hiệu. Slimane vô cùng xuất sắc trong vị trí một nhà thiết kế và am hiểu truyền thống, linh hồn YSL. Tôi chờ đợi bộ sưu tập tiếp theo của Slimane và chúc anh tiếp tục gặt hái thắng lợi”. Thương hiệu YSL lập tức đổi tên thành Saint Laurent Paris theo yêu cầu của Hedi Slimane. Đây chính là tên những cửa hiệu đầu tiên bán dòng thời trang may sẵn của YSL, như một lời khẳng định nhãn hiệu đã sẵn sàng tiếp nối những giá trị vĩnh cửu đã làm nên đế chế YSL huy hoàng trong lịch sử.
Lần lượt, Slimane trình làng bộ sưu tập Xuân Hè 2013, Resort 2013, Thu Đông 2013–2014 và lập tức gây xôn xao dư luận. Bộ sưu tập đầu tiên Xuân Hè 2013 mang đầy tinh thần của YSL với chất liệu vải mousseline nữ tính, jacket đính sequin, quần tây ôm, áo choàng dài… đến mức người hâm mộ phải công nhận: “Cứ như được xem trang phục do chàng trai trẻ Yves Saint Laurent sáng tạo ra nếu ông ấy còn sống”. Thế rồi, một số người hoài nghi bộ sưu tập có vẻ kém tính sáng tạo vì chỉ kế thừa Le Smoking collection của Saint Laurent từng nổi sóng trên tất cả mặt báo năm 1966, nhưng trong các bộ sưu tập kế tiếp, người ta lại nhận ra đã “bé cái nhầm”. Slimane khiến công chúng bất ngờ khi làm sống lại phong cách grunge ngẫu hứng của thập niên 1990, trẻ trung và nổi loạn. Giới mộ điệu lại hồi hộp mong chờ những cú sốc bất ngờ tiếp theo của Slimane, như Pierre Bergé đã hứa hẹn: “Anh ấy muốn gây sốc. Một khi đã là nghệ sỹ, người ta buộc phải thích gây sốc”.
Slimane đã cho xây dựng một studio thiết kế ở Los Angeles và một studio ở Paris. Có vẻ như anh đã sẵn sàng cho ra đời thế hệ vàng tiếp theo của YSL.
Bài: Coco Thủy – Ảnh: Reuters, Imaxtree