Tôi gặp Hoàng Dung tại khu sảnh của khách sạn The Reverie Saigon. Ngoài danh hiệu Hoa hậu Áo dài, chị thường chỉ được biết đến là một người sở hữu tủ đồ hiệu khổng lồ. Nhưng khi trò chuyện với chị, tôi mới biết chị am hiểu thời trang đến dường nào. Sự am hiểu của chị đến từ niềm đam mê thuần túy.
Chưng diện cho bản thân
Chị bảo: “Từ nhỏ tôi đã thích mặc đẹp rồi. Đi đâu cũng phải quần là áo lượt”. Lớn lên, niềm đam mê ấy cũng lớn dần theo chị. “Tôi không chưng diện cho người, mà là cho bản thân. Không phải ai nhìn vào cũng biết tôi đang diện hàng hiệu. Có những thương hiệu tôi thích mà không phổ biến lắm với đại chúng. Như dòng ready-to-wear của Elie Saab”. Chị khẳng định: “Các thiết kế tinh tế từ những thương hiệu lớn khiến tôi cảm thấy thoải mái, xinh đẹp và được trân trọng”.
Chị nói bằng tất cả niềm yêu thích và ngưỡng mộ với các tạo tác tuyệt đẹp ấy: “So với túi xách, tôi thích trang phục hơn. Nhiều người bảo tôi mua sắm như vậy là tốn kém. Giá một bộ đồ có thể mua được hai cái túi xách rồi! Nhưng chúng thực sự đẹp quá nên tôi không cầm lòng được. Tôi thích sở hữu các thiết kế từ Elie Saab và Zuhair Murad. Đây là hai thương hiệu đồ dạ hội nổi tiếng thế giới. Ngặt nỗi, tôi không có nhiều dịp mặc, chỉ có thể treo lên để chiêm ngưỡng”.
Với chị, khi chọn mua một thiết kế, ngoài chuyện kỹ thuật cắt may, chất liệu, mẫu mã, chị còn yêu cả giá trị thương hiệu và câu chuyện đằng sau nó. Đơn cử như túi Birkin của Hermès. Tên túi được đặt theo nữ ca sỹ người Pháp Jane Birkin. Cô là người truyền ý tưởng và cảm hứng cho giám đốc sáng tạo của Hermès sáng tạo ra chiếc túi khi hai người đang ngồi trên máy bay. Trong khi đó, túi Kelly được đặt tên theo Công nương Monaco, Grace Kelly. Sở hữu chúng cũng không hề dễ dàng. Bạn không chỉ có tiền là mua được.
Chị hào hứng: “Điều đó thêm vào giá trị cho chiếc túi và khiến nó càng độc đáo hơn. Tuy nhiên, nó vẫn phải có giá trị cốt lõi của mình. Đó là phải tốt và đẹp. Một sản phẩm không có chất lượng mà gán cho nó một câu chuyện rồi bán với giá trên trời thì sẽ không thu hút được sự chú ý của người sành thời trang”.
>>> Xem thêm: LỊCH SỬ CỦA TÚI BIRKIN HUYỀN THOẠI
Vấn đề túi giả
Cuộc nói chuyện của chúng tôi xoay vần đến những vấn đề nổi cộm về thời trang hiện nay.
“Thế chị nghĩ gì về chuyện một ngôi sao nữ sử dụng túi giả gần đây?” – tôi đánh bạo hỏi.
Chị ngần ngại trước khi trả lời. Tính chị vốn dĩ hòa vi quý. Chị tôn trọng và không phán xét về lựa chọn của người khác. Tuy nhiên, chị cũng thẳng thắn: “ Người ta có thể làm cái gì mình cho là đúng. Tôi từng gặp hai loại người. Có người không cần quan tâm đó là thương hiệu gì, Dior hay Hermès. Họ chỉ cần đó là đồ hiệu mà thôi. Những người đó thì tôi không bàn tới. Tuy nhiên, tôi cực kỳ ghét việc không đủ tiền hay không có ý định mua túi thật mà lại đi mua túi giả để khoe khoang”.
Vì sao các thương hiệu được sự công nhận của người tiêu dùng? Đó là kết quả của việc đầu tư nghiên cứu, sản xuất cùng tất cả các hoạt động tiếp thị, bán hàng và dịch vụ khách hàng. Chúng tạo ra các giá trị hữu hình và vô hình. Số tiền mà ta phải bỏ ra chính là cái giá tương xứng để sở hữu những giá trị như thế.
Chị kết luận: “Hãy tự hào khi đang mang trên mình những di sản đó. Chứ không phải là bỏ ra số tiền chỉ bằng 1/10, 1/100 chỉ để sở hữu một món đồ gắn mác đó, nhưng lại được làm bởi một nhóm người khác. Người gọi là fake vì nó đưa mình vào tình huống đổi giá trị thật để lấy giá trị ảo”.
Vấn đề lông thú
Trên blog cá nhân của mình, chị không ngần ngại bày tỏ tình yêu với lông thú. Chị cho biết, ba loại lông đắt nhất thế giới là Chinchilla, Lynx và Sable. Giá tham khảo cho 1 áo lông Chinchilla do các nhà thiết kế nổi tiếng thực hiện vào khoảng 50-80 ngàn đô la Mỹ tùy độ dài.
Chị trầm trồ: “Lông thú thật ấm và mềm lắm. Có đề xuất thay thế lông thú thật bằng lông giả. Tuy nhiên, lông giả chưa chắc đã tốt”. Thực chất, lông giả có hại cho môi trường vì sợi lông được làm từ sợi tổng hợp và không phân hủy sinh học được. Do đó, nó không có giá trị tái chế và tái sử dụng như lông thật.
Chị đã có nhiều bài viết nhằm chia sẻ kiến thức về việc lựa chọn và bảo quản lông thú. Theo chị, lông thú là một món đồ đắt tiền. Có người còn cho rằng mua đồ lông còn đáng giá hơn cả vàng. Tương tự như chị, nhiều người cũng rất chịu chi vào trang phục lông thú. Tuy nhiên, nếu để hỏng thì rất phung phí. Bảo quản lông thú cực kỳ khó, nhất là ở Việt Nam. Tại nhà, chị dành ra một căn phòng duy trì độ ẩm và nhiệt độ thích hợp chứa đồ lông và đồ da. Nếu không làm thế, không khí nóng mùa hè sẽ khiến lông sinh ra vi khuẩn, vừa làm ô nhiễm môi trường sống của gia đình, vừa làm hư hại sản phẩm.
Trong thời điểm nhạy cảm hiện nay, các thương hiệu đình đám lần lượt tuyên bố bài trừ lông thú thật dưới sức ép của PETA và dư luận. Hoàng Dung đã từng vấp phải nhiều phản đối. Chị cho biết: “Trên đời không có gì đúng và sai hoàn toàn cả. Lông thú là một món đồ rất đắt tiền. Bỏ tiền ra mua hay bảo quản đều phải cần kiến thức. Tôi sở hữu nhiều trang phục lông thú, lại viết nhiều về chúng nên nhiều người thấy mình đang cổ súy. Đúng sai là ranh giới mong manh. Dùng lăng kính này để nhìn thì nó đúng, nhìn theo cách khác thì nó sai. Lông thú thì cũng vậy. Mình không đúng hẳn thì người ta không sai hẳn”.
Người phụ nữ có niềm đam mê chia sẻ về thời trang
Trước khi chia tay, chị bộc bạch: “Cá nhân tôi rất đồng tình với câu nói của ông Karl Lagerfeld: ‘Chừng nào còn ăn thịt và dùng đồ da thì đừng phán xét đồ lông’. PETA có thể dàn dựng những đoạn clip thật man rợ để đánh vào tâm lý mọi người. Những người am hiểu về thời trang đều biết: Đánh giết man rợ sẽ làm hỏng hết bộ lông. Chúng ta nên tỉnh táo xem thông điệp sau đó là gì”.
Sắp tới, chị sẽ mở một kênh YouTube riêng để có thể cung cấp thêm những kiến thức về thời trang đến mọi người.
***
Chỉ đạo nghệ thuật: KHUẤT NĂNG VĨNH
Ảnh: KỲ ANH
Stylist: MINH NGỌC
Trang điểm và làm tóc: PHAN MINH LỘC
Ánh sáng: TẤN PHÁT
Trợ lý nhiếp ảnh: TIBUI
Harper’s Bazaar Việt Nam