Imelda Remedios Visitación Trinidad Romuáldez-Marcos (1929) là phu nhân cố tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Bà nổi tiếng với khối tài sản triệu đô và được mệnh danh là “bướm thép” của làng chính trị khi không ngừng củng cố quyền lực của mình qua nhiều biến cố lịch sử. Bên cạnh đó, Imelda cũng nổi tiếng khắp thế giới với bộ sưu tập giày, trang phục và trang sức khổng lồ mà bất cứ tín đồ thời trang nào cũng ao ước.
Tuổi thơ cơ cực bên dưới hầm giữ xe
Tuy sinh ra trong gia tộc giàu có Romualdez nhưng cha của Imelda lại không phải là người có tiếng nói trong dòng họ. Ông có 5 người con trong cuộc hôn nhân đầu tiên trước khi ông gặp và tái hôn cùng Remedios Trinidad. Hai người có với nhau một cô con gái xinh đẹp là Imelda Romualdez.
Những người anh em của bà không chấp nhận cuộc hôn nhân thứ 2 của cha mình và phản ứng dữ dội với em gái út vừa ra đời. Tuổi thơ của bà là những ngày sống trong hầm giữ xe ẩm mốc và mục nát, ban đêm họ nằm ngủ trên một tấm bàn dài. Cuộc sống của Imelda càng rơi vào khủng hoảng khi cha bà, chỗ dựa duy nhất của hai mẹ con qua đời vì căn bệnh viêm phổi.
Sau này, khi đã trở thành một Đệ nhất phu nhân quyền lực và xa hoa bà dường như xóa hết mọi dấu vết về quá khứ đau buồn cơ cực của mình. Năm 1972, Imelda đã cho phá hủy tất cả ngôi nhà nơi bà từng sống.
Người con gái khiến hai đời tổng thống Philippine say mê
Rất lâu trước khi gặp gỡ Ferdinand Marcos, ông Elpidio Quirino – Tổng thống đương nhiệm của Philippine là người đầu tiên phải lòng “Đóa hồng của Tacloban”. Năm 18 tuổi, Imelda với vẻ đẹp trời phú và tài năng nghệ thuật đã giúp bà thường xuyên xuất hiện trước công chúng.
Tổng thống Elpidio Quirino đến thăm Tacloban năm 1949 khi ông được vinh danh tại bữa tiệc tổ chức tại Đại học Divine World. Imelda được mời đến để hát tặng các quan chức cấp cao và ngay lập tức tổng thống Quirino bị quyến rũ bởi sự lộng lẫy của cô gái trẻ.
Ông đã chia sẻ ý định làm quen Imelda với với Bộ trưởng Tài chính Pio Pedrosa (theo cuốn “Câu chuyện chưa kể về Imelda Marcos”). Tại thời điểm đó Quirino đã quá vợ tuy nhiên vì uy tín chính trị ông đã không thực hiện điều này.
Những tranh cãi tại cuộc thi Hoa Hậu Manila 1953
Năm 1953, cuộc thi Hoa hậu Manila bùng nổ với sự quan tâm của đông đảo người dân vì người chiến thắng sẽ đại diện cho thành phố trong cuộc thi Hoa hậu Philippines tại Hội chợ triển lãm quốc tế.
Imelda háo hức tham dự cuộc thi, bà kêu gọi sự hỗ trợ từ trường học của mình, PWU. Trường này miễn cưỡng đồng ý nhưng con đường đến danh hiệu Hoa hậu không hề rải hoa hồng với Imelda. Người chiến thắng được công bố là Norma Jimenez. Imelda dường như không thể chấp nhận thất bại này, với sự giúp đỡ của những người bạn tại City Hall, đơn phản đối kết quả cuộc thi được đưa lên với những lập luận Jimenez đã đi cửa sau để đoạt được danh hiệu này.
Ngày 3-3-1953, Thị trưởng Lacson buộc phải đưa ra thông báo dựa trên quyết định của Hội đồng quản trị Hội chợ quốc tế: Imelda Romualdez trở thành đại diện chính thức của Manila trong cuộc thi Hoa hậu Philippine. Mặt khác, Jimenez vẫn là người chiến thắng chính thức. Tại cuộc thi hoa hậu Philippine năm đó, mặc dù bị đánh bại nhưng Imelda trở về như “Nàng thơ của Manila” – Danh hiệu đặc biệt mà thị trưởng Arsenio Lacson dành tặng cô.
Bộ sưu tập 3.000 đôi giày và trang sức khổng lồ từ những cuộc mua sắm nức tiếng
Imelda có sở thích mua sắm theo catalog, năm 1981 bà mua toàn bộ tác phẩm tại một phiên đấu giá nghệ thuật trị giá 5 triệu đô-la Mỹ của hãng đấu giá nổi tiếng Sotheby’s. Một trong số những cuộc dạo chơi tốn kém được ghi vào lịch sử thế giới là hành trình 90 ngày của Imelda tại New York, Rome và Copenhagen với con số tiêu tốn lên tới 7 triệu đô-la Mỹ. Chưa hết, Imelda còn từng gây sốc khi chi 10 triệu đô cải tạo hoàn toàn một thị trấn tại Philippine để tổ chức đám cưới thế kỉ cho con gái.
Năm 1986 trong cuộc chạy trốn khỏi Philippine cùng chồng, cựu phu nhân để lại 3.000 đôi giày đắt tiền gồm những thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Charles Jourdan, Christian Dior, Salvatore Ferragamo, Chanel và Prada. Kho tàng giày này đã trở thành biểu tượng cho lối sống xa hoa của cựu Đệ nhất phu nhân. Có thể nói cuộc sống cơ cực lúc nhỏ đã trở thành nỗi ám ảnh với Imelda khiến bà trở thành một trong những tín đồ mua sắm khét tiếng của thế giới.
Những vật phẩm thu được từ căn nhà của họ được lưu giữ nhiều năm tại dinh Tổng thống và bảo tàng quốc gia tại Manila. Đáng buồn thay hơn 150 thùng quần áo, phụ kiện và giày của nhà Marcos do khu vực cất giữ nằm gần sống đã bị độ ẩm và mốc meo tàn phá. Orlando Abinion, người phụ trách đánh giá thiệt hại của khối tài sản này cho biết một số món bị mối và mốc meo phá hủy không thể phục hồi.
Tháng 11-2015, một Ủy ban chính phủ được lập ra để trao nhiệm vụ phục hồi những tác phẩm nghệ thuật và khối tài sản khổng lồ từ nhà Ferdinand Marcos. Khoảng 200 tác phẩm nghệ thuật bị mất tích thuộc sở hữu của cựu đệ nhất phu nhân gồm các bức tranh của Van Gogh, Picasso và Rembrandt. Ngoài ra, bà còn có bộ sưu tập trang sức có giá trị khổng lồ với những viên đá quý hiếm mà đến nay vẫn chưa định giá hết được. Trong đó có một viên kim cương màu hồng của Ấn Độ được chế tác vào thế kỷ 18 trị giá ít nhất là 5 triệu đô, quý ngang với viên kim cương Hy Vọng nổi tiếng thế giới, và một vương miện đính kim cương của Cartier ước tính trị giá hơn 100.000 đô-la Mỹ.
Những món đồ trang sức đã được lưu trữ trong một kho tiền tại các ngân hàng trung ương Philippines trong gần 30 năm. “Nếu không biết xuất xứ bộ sưu tập, tôi có thể đã nghĩ nó đến từ một hoàng gia nào đó”, David Warren, người đứng đầu nhà đấu giá Christie’s cho biết. Bộ sưu tập gồm rất nhiều món giá và cực hiếm trên thế giới này được mang ra thẩm định và chính phủ Philippines sẽ quyết định có mang ra đấu giá hay không.
Người đàn bà thép của chính trị Philippine
Trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, Imelda Marcos vẫn không ngừng nỗ lực khẳng định quyền lực của mình trong giới chính trị. Trong thời gian trị vì của chồng, bà từng là Bộ trưởng nhà ở và Thống đốc Manila.
Sau 20 năm cầm quyền, ông Marcos bị lật đổ trong cuộc nổi dậy năm 1986. Gia đình Marcos lưu vong tại Mỹ nhưng Imelda đã nhanh chóng quay lại Philippine vào năm 1991 và trở thành dân biểu Quốc hội từ năm 1995 – 1998 sau hai lần thất bại trong các cuộc tranh cử vào chiếc ghế Tổng thống (1992, 1998).
Nằm trong chiến dịch tranh cử, hình ảnh Imelda Marcos nghiêng người, đặt nụ hôn lên quan tài kính chứa xác ướp của người chồng quá cố tại tầng hầm ngôi nhà ở thị trấn Batac, bắc Philippines – quê hương của ông Marcos để lại ấn tượng sâu sắc đến công chúng.
Dù đã ngoài 80 nhưng tham vọng chính trị của bà chưa bao giờ ngừng lại. Cựu đệ nhất phu nhân vẫn vô cùng sành điệu, bà là chính trị gia giàu thứ 2 tại Philippines với khối tài sản trị giá 932,8 triệu peso (22 triệu USD) vào năm 2011 (sau nhà vô địch quyền anh kiêm dân biểu Manny Pacquiao với 1,3 tỉ peso) theo kết quả kê khai của AFP.
Tổng hợp: Nhung Nguyễn – Harper’s Bazaar Việt Nam