Kansai Yamamoto: NTK người Nhật quyên góp cho ngành thời trang Việt

Nhà thiết kế người Nhật này từng làm nên những trang phục biểu diễn hoành tráng cho David Bowie, Elton John và Lady Gaga

Bộ sưu tập Louis Vuitton Cruise 2018 cộng tác cùng Kansai Yamamoto. Ảnh: Louis Vuitton

Nhà thiết kế kỳ cựu Kansai Yamamoto vừa qua đời, hưởng thọ 76 tuổi. Ông nổi tiếng là người đi đầu trong việc khuếch trương văn hóa kịch nghệ Kabuki Nhật ra nước ngoài.

Bộ sưu tập ông bắt tay thực hiện cùng Louis Vuitton mùa Cruise 2018 là một trong những show resort hoành tráng nhất mà nhà mốt Pháp từng thực hiện ở Nhật. Ông còn là người từng thiết kế thời trang tour diễn cho những nhân vật lớn như David Bowie, Lady Gaga, và Elton John. Nhưng bạn có biết, Kansai Yamamoto có một mối liên hệ sâu sắc với Việt Nam?

Kansai Yamamoto là ai?

Một Kansai Yamamoto trẻ tuổi bên người mẫu Sayoko Yamaguchi. Ảnh chụp năm 1982 ở Tokyo, AP.

Ông là nhà thiết kế Nhật Bản nổi tiếng với phong cách basara. Một phong cách hoàn toàn đối lập với nghệ thuật wabi-sabi đậm tính thiền định của Phật giáo Nhật Bản, mà chúng ta đã quen ở những thương hiệu Nhật khác.

Phong cách basara loè loẹt, gây sốc vì những hình ảnh ma quái trong thần thoại Nhật, như những hình xăm bạo lực trên lưng lũ yakuza (mafia Nhật). Có thể nói, phong cách basara đồng nghĩa với chủ nghĩa tối đa (maximalism) ở phương Tây.

Một thiết kế có mặt nạ kịch kabuki Nhật Bản. Ảnh: Hiroshi Yoda

Hình ảnh những hình xăm ngổ ngáo và gai góc này thực ra vô cùng gần gũi với văn hóa Nhật Bản, đặc biệt là tầng lớp lao động nghèo. Nó tiến hoá từ nghệ thuật Nhật Bản vào thế kỷ 16-17, thời kỳ phong cách sống xa hoa Azuchi-Momoyama cuối những năm Chiến quốc Nhật. Ông Kansai Yamamoto đã mang hình ảnh này của Nhật gây nên một cú sốc văn hóa ở phương Tây.

Con đường thành danh đầy trắc trở của Kansai Yamamoto

Trước khi nói về những thành quả huy hoàng của ông Kansai Yamamoto, chúng ta phải tìm hiểu đôi chút về quá khứ của ông, để biết được vì sao ông lại mang phong cách trái ngược với phong cách văn hóa mà Nhật Bản muốn xuất khẩu ra thế giới.

Tờ báo Anh The Guardian đã miêu tả lại cuộc sống thời thơ ấu của Kansai Yamamoto với những dòng chữ sau: chật vật và khổ sở.

Cậu bé Kansai Yamamoto sinh ra năm 1944 trong một gia đình nghèo ở thành phố cảng Yokohama, ngay sát bên Tokyo. Bố cậu là một thợ may, nhưng ly dị với người mẹ của Kansai Yamamoto năm cậu mới 7 tuổi. Gia đình quá nghèo, nhưng lại có đến ba đứa con trai. Không nuôi nổi nên bố đem gửi các cậu vào viện nhi đồng nhờ nuôi giúp. Lớn lên Kansai Yamamoto học may để phụ bố khâu vá kiếm tiền.

Vì gia cảnh khó khăn nên Kansai Yamamoto rất ham học. Chàng trai trẻ đậu trường đại học Nihon chuyên ngành tiếng Anh. Tưởng rằng, con đường này sẽ mang lại nghề nghiệp ổn định cho cậu, khi Nhật Bản đang theo đà hội nhập với thế giới. Nhưng không. Kansai Yamamoto nhận ra rằng mình không thích môn học này. Cậu đột ngột bỏ học; đi làm công cho một hãng thời trang của Junko Koshino và Hisashi Hosono.

Sau đó, chàng trai trẻ gặp lại người mẹ của mình. Thông qua bà, anh biết rằng trường đại học thời trang ở Tokyo, Bunka Fashion College, có tổ chức cuộc thi thời trang và giải thưởng không bị giới hạn trong các sinh viên của trường. Tham gia dự thi, anh thắng giải thưởng ấy năm 1967. Rồi năm 1971, thành lập công ty riêng khi mới 28 tuổi.

Tuy nhiên, Nhật Bản không thích phong cách basara của anh. Vì vậy Kansai Yamamoto chuyển hướng sang Anh Quốc tìm cơ hội.

Thành danh tại Tây phương

Một trong những bộ trang phục ấn tượng của David Bowie làm nên phong cách Ziggy Stardust do Kansai Yamamoto thiết kế

Vị khách hàng lớn đầu tiên của Kansai Yamamoto là một người Tây hiểu rõ về nghệ thuật kabuki Nhật Bản: huyền thoại nhạc rock David Bowie.

Khi Kansai Yamamoto đến Anh Quốc để trình diễn bộ sưu tập năm 1971, David Bowie cũng đang bận rộn chuẩn bị cho nhân vật trên sân khấu của mình, Ziggy Stardust. Điểm nhận diện của nhân vật này là bộ tóc đỏ vuốt keo kiểu mullet, vốn được mượn từ hình hài mái tóc nhân vật trong nghệ thuật sân khấu kabuki của Nhật.

Khi tờ tạp chí Harper’s and Queen của Anh viết về show diễn Kansai Yamamoto, họ đã phải thốt lên: “Sự bùng nổ từ Nhật Bản”.

Show diễn của Kansai Yamamoto đã thu hút sự tò mò của David Bowie. Nhận ra phong cách tương đồng giữa Kansai Yamamoto và bản thân mình, David Bowie đặt mua (giấu tên) nhiều mẫu thiết kế.

Không lâu sau đó, một người bạn của Kansai Yamamoto đã thức anh dậy lúc 4 giờ sáng ở Nhật. “Sang New York ngay đi. Có một chuyện thú vị bất ngờ cho cậu”. Bỏ hết mọi công việc, anh đặt vé máy bay đến New York, và gọi taxi đi thẳng tới rạp hát Radio City Music Hall, nơi show của David Bowie đang diễn ra. Mở đầu show, David Bowie hạ từ trên không xuống, mặc trang phục của anh.

“Trên sân khấu ấy, có một ma thuật đang diễn ra. Trang phục của tôi từ từ hóa thân thành một phần của David Bowie”.

– Kansai Yamamoto nhớ lại –

David Bowie (trái) và Kansai Yamamoto (phải) trong một buổi thử đồ ở Nhật năm 1973. Trong ảnh, David Bowie mặc bộ jumpsuit được đặt tên là Space Samurai. Nó lấy cảm hứng từ bộ hakama mà đàn ông Nhật mặc cùng kimono truyền thống. Ảnh: Sukita

Hai người nghệ sỹ và nhà thiết kế đã gặp mặt nhau hậu show diễn. Sự đồng cảm về nghệ thuật ngay lập tức biến họ thành bạn thân. David Bowie đã mời Kansai Yamamoto thiết kế hàng loạt trang phục biểu diễn cho những tour diễn sắp tới của mình.

Và Kansai Yamamoto đã tăng cường mang hình ảnh kịch kabuki lên trang phục cho David Bowie. Ví dụ như viết tên David Bowie bằng những dòng chữ tượng hình Kanji. Kansai Yamamoto còn khéo léo thiết kế chúng để David Bowie dễ thay đồ trên sân khấu, tạo nên những tiết mục ấn tượng khác nhau.

>>> Xem thêm: LADY GAGA TÁI HIỆN DAVID BOWIE XUẤT THẦN TẠI GRAMMY 2016

Cú vấp ngã hậu David Bowie

Một bộ cánh của ông Yamamoto được bảo tàng Philadelphia Museum of Art lưu giữ. Nó gồm áo body suit, áo khoác dạng cánh dơi, và giày clog kiểu Nhật. Thiết kế năm 1971.

Năm 1974, Kansai Yamamoto một lần nữa mang trang phục sang phương Tây biểu diễn. Lần này là Paris. Nhưng show diễn này thất bại nặng nề, khiến anh phá sản.

Lúc này, thế giới đang gặp khủng hoảng dầu mỏ. Các khách hàng chỉ muốn tìm trang phục đơn giản, dễ mặc, bình dị cho hàng ngày. Phong cách basara dữ dội của Kansai Yamamoto không còn được ưa chuộng. Nhưng anh vẫn cố gắng, tiếp tục kiên trì với phong cách cá nhân của mình đến tận năm 1992.

Xuyên suốt thời gian này, anh vẫn tiếp tục cộng tác với David Bowie. Nam ca sỹ và rocker người Anh mách, sao Kansai Yamamoto không đi vào ngành tổ chức sự kiện? Phong cách basara của anh sẽ rất phù hợp cho các show hoành tráng. Hãy biến thời trang thành một show giải trí, David Bowie nói. Và đây chính là lời gợi ý giúp Kansai Yamamoto định hướng cho bản thân những năm cuối đời.

Tạo nên tên tuổi với các sự kiện hoành tráng

Ông trở nên nổi tiếng với các show diễn thời trang đậm chất giải trí, Kansai Super Show. Ảnh: KAZUHIRO NOGI / AFP

Kansai Yamamoto bắt đầu tổ chức các sự kiện “Kansai Super Show” từ thập niên 1990. “Lúc ấy, mọi người còn chia rẽ thời trang và sự kiện giải trí. Nhưng chúng thực chất có điểm đồng nhất”.

Show diễn đầu tiên của ông là Hello! Russia, diễn ra tại Quảng trường Đỏ ở Moscow năm 1993. Trò chuyện với FPCJ, ông cho biết, “Tôi chọn Nga vì vốn Nhật và Nga đang có tranh chấp lãnh thổ. Tại Nhật Bản, hình ảnh của Nga vô cùng cực đoan. Tôi nghĩ, chắc Nga cũng nghĩ về Nhật như thế. Và tôi muốn show của mình trở thành cây cầu văn hóa kết nối hai quốc gia”.

Sau đó, ông Kansai Yamamoto đến Việt Nam. Ông bị tò mò bởi câu hỏi, “Vì sao một quốc gia nhỏ bé như Việt Nam lại có thể chiến thắng Mỹ?”

Khi đến Việt Nam, ông ngỡ ngàng trước tay nghề của nghệ nhân thêu Việt. Từ đó, ông quyết định muốn cống hiến nhiều hơn cho ngành thời trang Việt.

Năm 1995, ông tổ chức show thời trang Hello! Vietnam trên hồ Hoàn Kiếm tại Hà Nội. Điểm đặc biệt của show diễn này là mang “tuyết” đến xứ nóng. Êkíp của ông đã cắt các hạt tuyết ra từ…bánh tráng. Ông cho biết, độ nhẹ của bánh tráng sẽ tạo hiệu ứng bay lả tả rất giống tuyết. Đồng thời, êkíp còn nghiên cứu nên dùng bao nhiêu bánh tráng là vừa đủ làm thức ăn cá khi nó rơi vào hồ.

Các em bé mặc thiết kế của Kansai Yamamoto biểu diễn trên hồ Gươm năm 1995. Ảnh: AP/Fashion Encyclopedia

Ông còn quyên góp tiền bạc, giúp xây dựng khóa thời trang tại một trường đại học Hà Nội. Ông cười và nói, “tôi nghe nói, trường nhận được rất nhiều đơn xin học. Và thành tích ra trường của các em rất cao”.

Sau đó, ông Kansai Yamamoto trở về Nhật, tiếp tục hành trình tổ chức các show thời trang hoành tráng của mình.

Ông tiếp tục làm việc suốt thập niên cuối của cuộc đời mình. Năm 2013, ông thiết kế thời trang lưu diễn cho Lady Gaga. Ông còn dự kiến tổ chức thêm một show diễn nữa với David Bowie, nhưng tiếc thay, huyền thoại âm nhạc đã qua đời năm 2016 trước khi dự án thành sự thật.

Lady Gaga trong một thiết kế của Kansai Yamamoto, 2018.

Khi Lady Gaga tái hiện hình ảnh của David Bowie trên sân khấu Grammy 2016, cô cũng nhờ ông Kansai Yamamoto thiết kế trang phục biểu diễn cho mình.

Tháng 2/2020, ông bị chẩn đoán nhiễm bệnh ung thư máu. Ngày 21/7/2020, ông Kansai Yamamoto qua đời, hưởng thọ 76 tuổi.

>>> Xem thêm: HUYỀN THOẠI NHẠC ROCK DAVID BOWIE QUA ĐỜI Ở TUỔI 69 VÌ BỆNH UNG THƯ

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm