Trước khi gặp Hân, tôi đã nghe đến danh giày Một. Mấy người bạn thân của tôi là fan ruột của các đôi giày phong cách tối giản từ local brand Việt này. “Đi êm chân, giá cả cũng hợp lý nữa”, họ bảo tôi. Đến khi gặp Hân, tôi nghĩ, những đôi giày Một chính là hiện thân cho cá tính của Hân. Mộc mạc, chân thành, vững tâm với những gì mình đang theo đuổi.
Mộc mạc
Huỳnh Quang Ngọc Hân và tôi hẹn trò chuyện với nhau tại văn phòng Một, được đặt trong một tòa nhà ngay mặt tiền con đường sầm uất. Dù bên ngoài có ồn ã đến mấy, bên trong vẫn yên tĩnh đến lạ. Văn phòng có phải được thiết kế tối giản để phản ánh bản chất thương hiệu? “Không phải cố tình đâu, tụi mình chuyển đến nơi này được một tí là đại dịch ập đến. Cả bọn phải work from home đến tận bây giờ”, Hân nói về văn phòng còn rất mới và rất… trống. “Bây giờ lo nhất là không giữ nổi văn phòng. Cầu trời cho doanh số đủ tốt (cười)”.
Nói về sản phẩm mang đến doanh số lớn trong thị trường giày dép, người ta nghĩ đến giày cao gót dạ tiệc hay giày thể thao gây sốt giới sneakerhead. Vì sao Một không chọn một trong hai phom dáng ấy? “Giày Một được thiết kế cho phù hợp nhất với đời sống người Việt, trong khả năng những gì một startup có thể thực hiện được”, Hân nói giản đơn.
Thương hiệu giày Một do ba nhà đồng sáng lập cùng chung sức. Hân, với tấm bằng Thiết kế Sản phẩm Công nghiệp, phụ trách thiết kế sản phẩm. Anh Phạm Đỗ Kiến Quốc lo sản xuất và anh Hồng Minh Kỳ phụ trách bán hàng.
“Anh Quốc vận hành một xưởng may gia công giày xuất khẩu. Nhưng anh ấy đam mê tạo nên một thương hiệu thuần Việt, mang bản sắc Việt”, Hân kể lại. “Người Việt vóc dáng mảnh dẻ. Những đôi giày to ngoại cỡ được ưa chuộng ở phương Tây khiến người mình trông quá thấp bé khi mang vào, không cân đối với vóc dáng Việt. Do đó, tụi mình chọn phom dáng neutral cho giày Một”. Phom dáng này cân bằng giữa mọi thái cực: Không quá ôm chân cũng không to cực đại, không quá sporty hay quá điệu đà, không quá nam tính cũng chẳng nữ tính. “Thực sự phù hợp cho mọi lứa tuổi và giới tính”, Hân khẳng định.
Chân thành
Để khởi nghiệp không phải chuyện đơn giản. Nghiên cứu ra đôi giày đầu tiên, sản xuất, tung ra thị trường, nhận phản hồi từ người dùng để cải thiện mẫu mã… các khâu đều tốn kém kinh phí. Với những đôi giày giá mềm như Một, họ làm điều này như thế nào?
“Thực ra tụi mình không có kinh nghiệm trong chuyện định giá”, Hân nói. “Ban đầu tụi mình chọn mức giá hợp lý nhất với thu nhập người tiêu dùng Việt. Nhưng giá bán này không đủ để Một mạnh tay quảng cáo sản phẩm”.
Chính chất lượng của Một là lời quảng cáo tốt nhất. Những lời truyền miệng từ các khách hàng hài lòng với sản phẩm giúp góp phần đưa Một đi khắp Việt Nam, và cả quốc tế nữa. Thương hiệu Việt này hiện đang được bày bán trong một vài shop nhỏ ở Nhật Bản.
Hân kể lại, khi mình đang mang giày Một và ngồi uống cafe thì một anh người Nhật đến bắt chuyện do quá thích đôi giày. Hóa ra anh ta là nhà phân phối giày dép ở Nhật Bản. Anh ngỏ ý muốn đưa Một đến Nhật, và cam đoan hoàn tất mọi thủ tục nhập khẩu, thậm chí cả quảng cáo ở thị trường địa phương. “Thực sự tình cờ, chứ tụi mình không có ngân sách để tự sang Nhật bon chen đâu (cười)”.
Tư duy thẩm mỹ độc đáo của Một đã giúp thương hiệu lọt vào shortlist cho Giải thưởng Dezeen 2019. Dezeen là một kênh truyền thông chuyên nghiệp dành cho giới thiết kế. Trong năm Một được shortlist, local brand Việt này phải đối đầu với Allbirds – thương hiệu giày khởi nghiệp từ San Francisco được các quỹ Silicon Valley rót vốn. “Tụi mình không dám tin vào mắt mình khi thấy thông báo”, Hân nhớ lại.
Vững tâm
Khi được shortlist cho Giải thưởng Dezeen 2019, cả ê-kíp Một đã có rất nhiều kế hoạch phát triển lớn. Thế rồi đại dịch ập đến. Đến bây giờ, công ty vẫn đang cố gắng vượt qua những dư chấn để lại. Nguy hiểm lớn nhất đối với sự tồn vong của thương hiệu chính là không thể sản xuất đủ hàng để bán. “Mục tiêu hiện giờ là tập trung vào việc tăng doanh số để bù đắp lại cho những năm vừa rồi”, Hân nói.
Chuỗi cung ứng bị đứt đoạn là khó khăn lớn nhất cho thương hiệu. Để được gắn mác “Made in Vietnam”, toàn bộ các bộ phận trên thân giày phải được sản xuất ở Việt Nam, từ đế cao su đến vải cho mu giày. Tuy nhiên nguồn sợi thô dùng để dệt vải cần được nhập từ nước ngoài, do Việt Nam không có ngành công nghiệp sợi. Vấn đề nhập khẩu sợi đình trệ khiến cả công đoạn sản xuất của Một cũng bị ảnh hưởng theo.
“May mắn thay, mọi thứ đã gần như trở lại bình thường”, Hân chia sẻ. “Nhưng sau hai năm đại dịch thì năm nay tụi mình phải tính toán lại, cân bằng giữa ngân sách marketing và vốn đầu tư tiếp tục mở rộng việc kinh doanh”.
Sau nhiều trắc trở, năm 2022, Một liên tiếp tung ra các mẫu giày mới. Đó là đôi Đá vào mùa hè và đôi Nước ngọt vào mùa thu. Cho Tết 2023, thương hiệu cũng đã mở bán mẫu Nảy mầm phiên bản giới hạn.
Ra mắt sản phẩm mới hậu đại dịch, khó khăn lớn nhất là lạm phát. “Mọi thứ tăng giá ảnh hưởng rất nhiều đến việc vận hành và phát triển”, Hân cho biết. “Mình nghĩ đây là giai đoạn mang tính quyết định cho Một. Mặc dù còn nhiều câu hỏi cần được giải đáp nhưng tụi mình vẫn lạc quan”.
Không có trường lớp hay cơ sở đào tạo nào chuẩn bị cho người khởi nghiệp những sóng gió thương trường và thị trường. Khi rất nhiều người muốn manh nha tự thành lập local brand, Hân có bất kỳ lời chia sẻ kinh nghiệm nào cho họ không?
Lời khuyên đầu tiên là đừng sợ việc phải đi đường dài. “Không có đường tắt nào tốt đẹp sẽ chờ sẵn để bạn đi. Không có thành công nào xảy ra nhanh chóng và dễ dàng”, Hân nói.
Thứ nhì là đi tìm đồng đội đáng tin cậy. “Khi mình không có chuyên môn trong một lĩnh vực, thì cần khôn ngoan làm việc chung với người khác để tạo ra giá trị chung. Nếu mình có chuyên môn tốt mà không nhận thức được tầm quan trọng của tập thể, thì chỉ có thể tạo ra những giá trị phục vụ cho bản thân mình thôi”.
Và cuối cùng, đó là hãy vững tin vào sự khác biệt của bản thân. “Càng hiểu rõ bản thân là ai, bạn sẽ càng đỡ băn khoăn về những lựa chọn của mình, và không đưa ra những mục tiêu quá vô lý với bản thân”.
>>> THAM KHẢO: TOP 5 THƯƠNG HIỆU GIÀY NỘI ĐỊA ĐƯỢC LÒNG GIỚI TRẺ VIỆT NAM
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam