Thời trang chịu sức ảnh hưởng nặng từ những trào lưu mỹ thuật, điển hình là trào lưu Pop Art hay Art Nouveau.
Hàng thập kỷ sau khi trào lưu Pop Art lần đầu tiên xuất hiện, nó vẫn tiếp tục là một trong những trào lưu nghệ thuật được giới thời trang ưa thích nhất. Sự dễ hiểu của văn hóa đại chúng. Màu sắc tươi vui bắt mắt. Thông điệp lạc quan về một thế giới hiện đại. Tất cả những yếu tố này góp phần tạo nên khả năng lan tỏa mạnh mẽ của trào lưu Pop Art trong thời trang.
Đối với trào lưu Pop Art, có một số nghệ sỹ nổi trội đã mang lại cảm hứng cho các nhà thiết kế đến tận bây giờ. Những nghệ sỹ nào mang sức ảnh hưởng lớn nhất đến với làng thời trang? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.
Roy Lichtenstein (1933 – 1997): Nghệ sỹ Pop Art nổi tiếng với truyện tranh
Ông là một họa sỹ chuyên vẽ tranh châm biếm. Lichtenstein nổi tiếng vì những tác phẩm lấy ý tưởng từ các quảng cáo và truyện tranh Mỹ. Tranh vẽ của ông, tuy được vẽ bằng sơn màu trên nền vải, lại mô phỏng hiệu ứng mực in ra từ máy công nghiệp với các chấm bi CMYK và đường vằn của vết mực.
Nổi tiếng nhất của Lichtenstein là hai tác phẩm Whaaam! (1963), sao chép một trích đoạn từ bộ truyện All-American Men of War của DC Comics và Drowning Girl (1963), lấy ý tưởng từ truyện Secret Hearts cũng của DC Comics.
Andy Warhol (1928 – 1987): Người mai mối thời trang và Pop Art trong thập niên 1960
Đã nhắc đến Pop art thì không thể không nhắc đến các bức họa màu Marilyn Monroe đầy sắc màu hay bức hình lon súp cà chua Campbell của Andy Warhol.
Andy Warhol khởi nghiệp với việc vẽ tranh quảng cáo. Ông nổi danh với những bức họa giày nói riêng và tranh quảng cáo nói chung bằng mực có vẻ ngẫu hứng. Ông cũng từng là một họa sỹ minh họa thời trang, cộng tác lâu dài với tạp chí Harper’s Bazaar Mỹ và những cửa hàng thời trang lớn như Barney’s, Neiman Marcus…
Keith Haring (1958 – 1990): Nghệ sỹ trường phái bích họa graffiti, một nhánh nhỏ của Pop Art
Nghệ sỹ hưởng dương 31 tuổi này theo đuổi một nhánh nhỏ hơn của trào lưu Pop Art, gọi là trường phái Graffiti. Sinh ra và lớn lên ở Pennsylvania, nhưng lại theo học ở New York, tuổi trẻ của Keith Haring thấm đẫm những ảnh hưởng của văn hóa Graffiti đang nổi sóng vào thập niên 1980.
Năm 1982, Keith Haring là một trong 12 nghệ sỹ được tham gia vào chiến dịch của Public Art Fund, đăng tải tác phẩm lên biển bảng quảng cáo điện tử tại quảng trường Times Square. Nhưng nghệ sỹ này lại thích vẽ bích họa trên các bảng quảng cáo bỏ trống dưới khu vực tàu điện ngầm hơn.
Các tác phẩm của anh thường cho thấy những hình người ngộ nghĩnh đang nhảy múa, truyền tải thông điệp về một cuộc sống tốt hơn trong xã hội: Chống nghiện hút, chống phân biệt chủng tộc, đề cao nhận thức tình dục an toàn vì cộng đồng LGBTQ+…
Các tác phẩm của Keith Haring được giới thời trang truyền bá rộng rãi. Qua những chiến dịch bắt tay cùng Adidas, Lacoste, UNIQLO, Supreme, Coach, Alice + Olivia…
Yayoi Kusama (sinh 1929): Nữ hoàng chấm bi
Thực chất, Yayoi Kusama không phải là nghệ sỹ thuộc trào lưu Pop Art nguyên thủy. Bà được liệt kê vào dòng nghệ sỹ hội họa đương đại. Các thiết kế của bà chia lẻ, có cái thì đi theo trường phái Pop Art, cái khác lại Trừu tượng, thậm chí là Siêu thực (Surrealism).
Tuy nhiên, nổi tiếng nhất là các tác phẩm chấm bi phong cách Pop Art. Bà đã bắt đầu vẽ chúng từ thập niên 1950 đến nay. Vì vậy mà nữ họa sỹ người Nhật được mệnh danh là “nữ hoàng chấm bi”. Bà gọi họa tiết chấm bi là “Infinity Nets”, tức cái lưới vô tận. Vì chúng hình thành do chứng hoang tưởng của bà, khi nhìn đâu thì bà cũng thấy họa tiết chấm bi.
Năm 27 tuổi, Yayoi Kusama chuyển đến Mỹ sinh sống và là một người hoạt động xã hội sôi nổi. Bà từng viết một lá thư cho phép Richard Nixon (tổng thống Mỹ bấy giờ) ngủ với mình nếu ông đình chiến tại Việt Nam!
Yayoi Kusama mắc chứng tâm thần nhẹ. Tuy nhiên bà có ba điểm khác những người điên thông thường:
1) Bà biết rất rõ mình có vấn đề về tâm thần.
2) Bà tự nguyện sống trong bệnh viện tâm thần, từ năm 1977 đến bây giờ.
3) Nghệ thuật là cách để bà đối phó với căn bệnh tâm thần. Và nhờ chứng hoang tưởng mà bà tìm ra nguồn sáng tạo tưởng chừng vô tận.
Takashi Murakami (sinh 1962): Nghệ sỹ Superflat
Nghệ sỹ hội họa đương đại người Nhật này sinh ra và lớn lên ở Tokyo, một cái nôi của truyện tranh và phim hoạt hình. Khi lớn lên, anh rất muốn được làm việc cho ngành phim hoạt hình Nhật Bản (gọi là anime). Vì vậy mà trường phái của Takashi Murakami bị ảnh hưởng mạnh vì lối vẽ hoạt họa Nhật Bản.
Năm 2000, Takashi Murakami khai sinh ra trường phái Superflat. Anh lý giải, phong cách mỹ thuật của hoạt hình Nhật Bản thiên về lối vẽ 2D, thay vì chú trọng việc tạo khối 3D như mỹ thuật Tây phương. Tương tự, Superflat cũng hiện diện trong xã hội Nhật Bản hậu Thế chiến II, anh nói, khi thị hiếu đại chúng khiến nghệ thuật đương đại trở thành thứ gì đó cao cấp, xoá nhoà lằn ranh giữa các tầng lớp già–trẻ, giàu–nghèo.
Với suy nghĩ này, Takashi Murakami đã tạo nên một loạt các tác phẩm nghệ thuật đắt đỏ. Nhưng rồi tái bản chúng ở hình thức rẻ tiền để giới bình dân cũng dễ dàng sưu tầm chúng.
Takashi Murakami đã cộng tác với hàng loạt thương hiệu và nhà thiết kế thời trang để lan tỏa làn sóng Superflat của mình. Có thể kể đến Marc Jacobs và Louis Vuitton, Virgil Abloh, Supreme, Pangaia, Vans… Ông cũng thiết kế nên MV You Should See Me in a Crown của Billie Eilish năm 2019, trang trí nó với những bông hoa và con mắt Eye Love màu sắc cầu vồng của mình.
Jeff Koons (sinh 1955): Nghệ sỹ đương đại thừa hưởng tinh hoa của trào lưu Pop Art
Như Takashi Murakami và Yayoi Kusama, Jeff Koons cũng không phải một nghệ sỹ của trào lưu Pop Art thuở sơ khai. Nhưng ông lại thừa hưởng nét văn hóa của trào lưu này: Sự châm biếm về ngành công nghệ sản xuất hàng loạt, biến đồ dùng thường ngày thành tác phẩm nghệ thuật, v.v.
Các tác phẩm nổi tiếng nhất của Jeff Koons là những bức tượng mô phỏng thú vật tạo hình từ bóng bay.
Jeff Koons từng cộng tác với H&M, Stella McCartney, và Google. Virgil Abloh chia sẻ rằng, Jeff Koons là một trong những người gây cảm hứng nhất cho mình.
Tuy nhiên, năm 2017, khi bắt tay với Louis Vuitton ra mắt bộ sưu tập Master’s Collection, có thể thấy Jeff Koons có khả năng sẽ lấn sân sang mảng thời trang nhiều hơn nữa.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam