Cập nhật ngày 30/10: Theo trang WWD, các nhân viên tại nhà mốt Lanvin rất bất bình chuyện Alber Elbaz bị buộc phải ra đi. Một nhân viên giấu tên đã phát biểu trên kênh radio Pháp RTL hôm qua rằng, tuyên bố rời nhà mốt của Alber Elbaz đã khiến 330 người trong công ty bật khóc và không ngừng gọi tên “Alber, Alber, Alber”.
Giờ đây, hội đồng nhân viên của công ty đã yêu cầu có một cuộc họp khẩn với bà chủ Shaw-Lan Wang để bàn về việc Alber Elbaz bị sa thải. Hội này cũng đang xem xét đến khả năng nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
Ngày 29/10: Quả là một tuần đầy biến động trong thời trang. Khi tin Raf Simons từ chức tại nhà Dior còn chưa hết xôn xao thì hôm nay, nhà thiết kế Alber Elbaz chính thức tuyên bố rời nhà mốt Lanvin sau 14 năm gắn bó.
Sự ra đi của Alber Elbaz càng củng cố tin đồn ông sẽ là người thay thế Raf Simons giữ chức Giám đốc sáng tạo nhà Dior. Trước đây từng có tin Dior đã tiếp cận Alber Elbaz sau khi sa thải John Galliano năm 2011, nhưng khi ấy Alber còn nắm giữ cổ phần ở Lanvin nên hãng đã không tiến tới. Hiện nay vẫn chưa biết Alber Elbaz có bán đi cổ phần tại Lanvin khi ông ra đi hay không.
Trong thông cáo chính thức về việc này, Alber Elbaz cho biết sự ra đi của ông đến từ quyết định của bà chủ công ty, Shaw-Lan Wang.
“Ở thời điểm này sự ra đi của tôi khỏi nhà Lanvin dựa trên quyết định của người nắm cổ phần lớn nhất. Tôi muốn bày tỏ lòng cảm kích và những lời ấm áp đến tất cả những người đã làm việc hết mình cùng tôi trong quá trình hồi sinh thương hiệu Lanvin suốt 14 năm qua, những đồng nghiệp tuyệt vời tại Lanvin đã luôn đồng hành cùng tôi, hỗ trợ cho tôi trong công việc. Cùng với nhau chúng tôi đã trải qua những thử thách sáng tạo dưới cái tên Lanvin và đưa nhà mốt tỏa sáng trở lại đúng vị trí trong hàng ngũ những nhà mốt cao cấp tại Pháp”.
“Tôi cầu chúc trong tương lai Lanvin sẽ đạt được vị trí xứng đáng trong số những thương hiệu cao cấp hàng đầu của Pháp, và hy vọng thương hiệu sẽ có một tầm nhìn kinh doanh cần thiết để tiếp cận hướng đi đúng đắn”.
Theo WWD đưa tin, nguyên nhân khiến nhà thiết kế 54 tuổi bị buộc rời khỏi nhà mốt ông gắn bó suốt 14 năm là do sự bất đồng với bà chủ công ty, Shaw-Lan Wang và CEO Michèle Huiban. Alber Elbaz đã cố gắng thuyết phục bà Wang bán cổ phần của bà cho một chủ đầu tư khác có tầm nhìn chiến lược hơn để đưa ra đường lối phát triển mới cho Lanvin.
Mới tuần trước, khi Alber Elbaz lên nhận giải Superstar trong đêm gala Fashion Group International’s Night of the Stars, ông đã có những lời phát biểu đầy ẩn ý:
“Chúng tôi, những nhà thiết kế, bắt đầu từ những nhà couture với giấc mơ, trực giác và cảm xúc đong đầy. Chúng tôi bắt đầu với câu hỏi “Phụ nữ muốn gì? Phụ nữ cần gì? Tôi có thể làm gì để khiến cuộc sống của phụ nữ tốt hơn và dễ dàng hơn? Làm thế nào để khiến người phụ nữ đẹp hơn?’ Đó là những gì chúng tôi từng làm trước đây”, ông nói. “Thế rồi chúng tôi trở thành những Giám đốc sáng tạo, chúng tôi phải sáng tạo, nhưng phần lớn chỉ là chỉ đạo. Và giờ đây chúng tôi trở thành những người tạo dựng hình ảnh (image-makers), đảm bảo mọi thứ tuyệt đẹp khi lên phim ảnh. Màn hình phải thật sặc sỡ như đang hét lên, đó là quy tắc. Và sự lòe loẹt ầm ĩ trở thành một thứ gì đó rất “cool”, không chỉ trong thời trang. Nhưng tôi lại thích những lời thì thầm hơn. Tôi nghĩ những gì êm ái sẽ thấm sâu và giữ lâu hơn”.
Trước khi tạo dựng danh tiếng tại Lanvin, nhà tạo mốt người Israel gốc Morocco này từng trải qua nhiều lận đận trong sự nghiệp. Từng làm qua nhiều công việc liên quan đến may mặc, năm 1997, Elbaz được giới thiệu đến Guy Laroche và trở thành ngôi sao mới trong giới thời trang. Hai năm sau, anh tìm đến Yves Saint Laurent. Tài năng của Elbaz khiến người sáng lập của hãng định trao cho anh vai trò thiết kế chính để mình yên tâm về hưu.
Trớ trêu thay, Gucci Group đã mua lại nhãn hiệu ready-to-wear Yves Saint Laurent Rive Gauche. Giám đốc sáng tạo của Gucci lúc đó là Tom Ford đã đích thân đảm nhiệm trọng trách thiết kế. Alber Elbaz chuyển sang Ý, làm việc cho hãng Krizia. Thế nhưng cũng chẳng được bao lâu, cuộc tranh cãi với người sáng lập hãng đã đẩy Elbaz ra đường. Chán nản, anh đã đi du lịch khắp nơi và ấp ủ những ý tưởng mới trong vòng một năm.
Năm 2001, anh quay lại và trở thành giám đốc sáng tạo của Lanvin. Những thiết kế quyến rũ của anh đã khiến Sarah Jessica Parker, Nicole Kidman… say mê. Anh đã giúp doanh thu hàng năm của hãng thời trang đã phát triển hơn một thế kỷ này tăng lên gấp đôi chỉ vài năm sau đó. Năm 2010, anh còn thiết kế dòng sản phẩm Lanvin cho H&M khiến nhiều fan xếp hàng cả đêm để được sở hữu những trang phục tuyệt đẹp này.
Harper’s Bazaar Việt Nam