Nguyễn Thu Hà (hay Hà Cúc) sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh nguyên phụ liệu may mặc trên phố Lương Văn Can, Hà Nội. Vì thế, ngay từ thời thơ ấu, thế giới của Hà Cúc đã ngập tràn vải vóc, tiếng đạp chân cót két của chiếc máy may Liên Xô cũ, vẻ lấp lánh của những hạt cườm hay cúc áo đủ màu sắc. Đó chính là cánh cửa tuyệt vời nhất giúp cô gái trẻ bước vào ngành thời trang vốn rất khốc liệt.
Chữ “Cúc” đến với Hà trong một giấc mơ
Nếu là người thích áo dài, hẳn bạn sẽ biết đến Hà Cúc. Thương hiệu thời trang đến từ Hà Nội ghi dấu ấn với các mẫu áo dài truyền thống tinh xảo, chất lượng sau 10 năm có mặt tại thị trường.
Hỏi Hà về cái tên Hà Cúc, cô tâm sự:
“Vào đêm trước ngày ra mắt những thiết kế, tôi đã nằm mơ về một giọng nữ rất nhỏ nhẹ bảo “đặt tên là Cúc đi!”. Tôi vẫn còn nhớ như in trong giấc mơ đó, mình đi giữa một rừng hoa cúc đại đóa với màu vàng rực rỡ. Khi tỉnh dậy, tôi quyết định ngay tên thương hiệu là Hà Cúc.
Bông cúc vàng đại đóa từ đó đối với tôi là biểu tượng của sự may mắn. Tôi có chút duy tâm nên giấc mơ đó chính là sự lựa chọn bởi Tổ nghề. Tôi nghĩ nghề đã chọn mình và vì thế phải nghe theo trái tim mách bảo”.
Gia đình nuôi dưỡng tâm hồn và là chỗ dựa kinh tế duy nhất đối với Hà Cúc
May mắn trên con đường vất vả gầy dựng sự nghiệp của Hà Cúc luôn có bố mẹ đồng hành. Gia đình cô có một nhà kho trữ vải lụa quý. Đó là nơi cô thường trốn để ngồi vẽ và mơ mộng về việc những tấm vải này nhìn sẽ như thế nào trên người.
Hà Cúc cười kể lại: “Tôi vẽ những tưởng tượng của mình, nguệch ngoạc trên trang giấy bằng bút chì gỗ 2B. Tôi có hàng trăm cuốn sổ vẽ như thế. Đó là thú vui duy nhất suốt thời niên thiếu. Đến khi học cấp 3, trong khi mọi người ganh đua học hành thì tôi chỉ vẽ. Vì tôi đã biết mình muốn làm gì khi lớn lên”.
Bố mẹ Hà Cúc là thương nhân nên rất cởi mở trong việc định hướng tương lai của con. Ông bà ủng hộ cô con gái cưng ngay từ bé. Có thể nói, gia đình chính là chiếc nôi để cô nuôi dưỡng đam mê lớn với thời trang. Bố mẹ cũng là những “nhà đầu tư thiên thần” lớn, hỗ trợ Hà Cúc trọn vẹn trong 10 năm qua.
Chữ tín quan trọng hơn tất thảy
Trong suy nghĩ của Hà Cúc, áo dài rất thiêng liêng, là di sản văn hóa dân tộc. Khi bắt đầu làm thời trang, Hà Cúc cho rằng mình chưa đủ kinh nghiệm để đảm đương. Với cô, một người được nuôi dưỡng trên con phố lâu đời nổi tiếng về may mặc, áo dài vốn là biểu tượng của sự tinh tế. Lúc đó, Hà có nhiều nỗi sợ.
Cho đến khi nhìn những tiền bối như Công Trí hay Thủy Nguyễn (thương hiệu Thủy Design House) thành công với áo dài, Hà Cúc nhận ra đã đến lúc biến sự tôn thờ thành động lực. Kể từ đó, nhà thiết kế Hà thành gắn bó với áo dài và cũng không ngờ duyên với bộ trang phục truyền thống lâu đến vậy. Hà bồi hồi: “Có rất nhiều vị khách nói chỉ cần nhìn thấy họa tiết đó, dáng áo đó là biết ngay áo dài Hà Cúc”.
Áo dài của Hà Cúc thêu tay tỉ mỉ. Trước khi đến với khách hàng, chính Hà sẽ gửi áo tới mọi xưởng thêu thủ công lành nghề trên khắp Việt Nam, để hoàn thiện sản phẩm ở mức độ cao nhất.
“Tôi yêu áo dài và nhận thấy rằng, công việc của mình có thể giúp đỡ nhiều người ở mọi miền đất nước có công ăn việc làm. Đây cũng là cơ hội phát triển nghề thêu tay, bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa, kỹ thuật và sản phẩm thủ công Việt Nam. Đó là hành trình ý nghĩa nhất mà Hà thấy áo dài đã đem lại. Vì thế Hà Cúc quyết định dấn thân và đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn nữa”.
Khi tôi hỏi điều gì khiến Hà Cúc được yêu mến và tin tưởng, nhà thiết kế trả lời rất nhanh: “Ngoài chất lượng các sản phẩm, tôi quan trọng chữ tín. Thậm chí đôi khi mình chấp nhận chịu thiệt để giữ trọn vẹn chữ tín của mình. Đây là quy tắc kinh doanh đã ăn vào trong máu và được truyền đời trong gia đình”.
Gần đây, Hà Cúc tiếp tục mở thương hiệu áo cưới với sứ mệnh mang những điều hạnh phúc nhất đến người khác. Trong lòng cô gái trẻ, việc tốt đẹp nhất chính là xây dựng một di sản, biến di sản đó trở thành niềm tự hào có thể kế tục và kéo dài mãi.
XEM THÊM CÁC NHÀ THIẾT KẾ TRẺ KHÁC:
NHÀ SÁNG LẬP FLORALPUNK JULIA ĐOÀN KHÔNG MUỐN BỊ GIỚI HẠN TRONG LĨNH VỰC TRANG SỨC
NHÀ THIẾT KẾ CƯỜNG ĐÀM NHÌN TRUYỀN THỐNG QUA LĂNG KÍNH VỊ LAI
Editor: Anh Phạm. Photo: Cready Creative.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam