Nhà thiết kế Thierry Mugler, người vừa trở lại ánh hào quang trong những năm gần đây khi gắn liền với Cardi B, Kim Kardashian, Beyoncé… vừa qua đời ở tuổi 73, hôm Chủ Nhật 23/1/2022. Hiện nay chưa rõ nguyên nhân về cái chết của ông. Nhưng sự ra đi của Thierry Mugler khiến làng thời trang quốc tế bị sốc, nhất là vì ông tạ thế chỉ vài ngày sau André Leon Talley, biên tập viên thời trang nổi tiếng của Mỹ, và chỉ 2 tháng sau khi Virgil Abloh ra đi vì bệnh ung thư.
Nhắc đến Thierry Mugler, không thể không nói đến chiếc đầm mà Kim Kardashian từng mặc trên thảm đỏ Met Gala 2019, đính vô số hạt pha lê tựa như những giọt nước tí tách rơi xuống; hay chiếc đầm vỏ sò vintage mà rapper Cardi B khoác lên mình khi tham dự lễ trao giải Grammy lần thứ 61. Nhưng Thierry Mugler đã là một nhân vật tiếng tăm từ trước khi Kim Kardashian hay Cardi B nổi tiếng. Chỉ là, ông gần như biến mất khỏi các hoạt động của giới thời trang sau hai thập kỷ nghỉ hưu non và lui về cánh gà, an nhàn với những các hoạt động nghệ thuật khác.
Hãy cùng Harper’s Bazaar nhìn lại cuộc sống và sự nghiệp của nhà thiết kế người Pháp.
Thuở ấu thơ của một đứa trẻ nổi loạn
Ông sinh ra tại Strasbourg, Pháp, vào năm 1948. Thuở ấu thơ, Thierry Mugler là một đứa trẻ nổi loạn. Ông cho biết mình luôn bất mãn với cuộc sống có quá nhiều sự áp đặt từ gia đình và xã hội. Chính vì vậy, ông luôn mơ ước tạo ra một thế giới của riêng mình.
Đến tuổi thiếu niên, ông dành toàn bộ thời gian để viết lách, may vá, và nghiền ngẫm những bộ phim kinh điển. Mugler làm quen với nghệ thuật từ sàn diễn ballet. Sáu năm tu nghiệp miệt mài trên sân khấu đã mang lại cho Mugler sự nhạy cảm với cái đẹp cùng nền tảng mỹ thuật vững chãi. Vậy nhưng, Mugler chấm dứt nghiệp ballet khi mới tròn 20 tuổi.
Bộ sưu tập đầu tiên của nhà thiết kế Thierry Mugler
Năm 1968, Thierry Mugler đặt chân đến Paris. Công việc đầu tiên của chàng trai trẻ là trưng bày tủ kính hàng hoá cho cửa hàng Gudule. Thời gian này, Mugler cũng bắt tay vào công việc thiết kế tự do. Chỉ trong thời gian ngắn, ông trình làng bộ sưu tập đầu tay Café de Paris, vào năm 1973. Cộng sự của ông lúc đó là doanh nhân Alain Caradeuc.
Nhà thiết kế Thierry Mugler cho biết mình không mong muốn điều gì quá cầu kỳ thuở mới lập nghiệp. “Tất cả những gì tôi muốn thực hiện là những phom dáng rất thuần khiết kiểu Parisian: Bộ suit đen đơn giản, áo trench coat, đầm đen LBD, đầm da hội đuôi cá… Tôi là người đầu tiên thiết kế đầm màu nude tôn dáng. Lúc ấy, chẳng ai thiết kế đầm tạo cảm giác nuy cả”.
Thương hiệu Thierry Mugler nhanh chóng phát triển. Ông có thêm sự góp sức của chàng sinh viên trẻ Azzedine Alaia. Năm 1978, Mugler khai trương cửa hiệu đầu tiên tại Places dé Victories. Đồng thời, ông giới thiệu dòng thời trang đầu tiên dành cho nam giới.
Nhà thiết kế đi ngược lại với trào lưu, tôn vinh tỉ lệ vàng của cơ thể phái đẹp
Thập niên 1960 được định hình bởi phong cách bohemian và hippie. Thập niên 1970 và 1980 lại bùng nổ phong trào avant garde do các nhà thiết kế phương Đông khởi xướng.
Nhà thiết kế Thierry Mugler lại lội ngược dòng xu hướng. Ông thiết kế nên những bộ sưu tập theo trường phái nghệ thuật ý niệm (conceptual art), pha lẫn chút khái niệm ái tình nhục dục (fetishism) tôn vinh sự gợi cảm của đường nét cơ thể phái nữ.
Cũng như các nhà thiết kế khác, những sáng tạo của Thierry Mugler luôn được đón nhận bởi hai luồng ý kiến trái chiều. Giới thời trang không ngừng xuýt xoa về sự tài năng và cá tính ấn tượng của ông. Nhưng cũng không ít người cho rằng nhà thiết kế Thierry Mugler là “kẻ thù của phụ nữ”. Vì các thiết kế của ông cổ súy phụ nữ theo đuổi những số đo cơ thể phi thực tế.
Sự ám ảnh về tỉ lệ vàng gò ép, làm chỉ những người phụ nữ dáng chuẩn, eo thon và khuôn ngực đầy đặn mớ mặc được thiết kế của Thierry Mugler. Sự khắt khe ấy khiến Thierry bị công luận gán cho cái mác “tội đồ của phái đẹp”. Nhiều phụ nữ cảm thấy bị xúc phạm, bởi những thiết kế hoàn hảo kia không dành cho họ.
Nói về điều này, Thierry Mugler khẳng định: “Mọi người nói trang phục của tôi chống lại phụ nữ, đó là vì chúng không dễ mặc. Tôi muốn làm như vậy để phụ nữ phấn đấu đến một dáng hình chuẩn. Họ nên thấy mình lộng lẫy trong chính vẻ đẹp của mình chứ không chỉ lộng lẫy nhờ trang phục”.
Những thiết kế của Thierry Mugler gắn liền với vũ đạo và kịch nghệ
Thời trang của Mugler không chỉ tư duy về kiểu dáng hay chất liệu. Ông chú tâm vào câu chuyện xuyên suốt, giúp kết nối tất cả các yếu tố: trang phục, phụ kiện, người mẫu, ánh sáng, âm nhạc và sân khấu. Mỗi bộ sưu tập phải kể một câu chuyện. Có thể thấy, thuở ấu thơ với vũ đạo ballet đã tạo nên một nền tảng đậm chất kịch nghệ cho Thierry Mugler. Ông cho rằng, sàn runway không phải là nơi thương mại hóa các thiết kế. Thay vào đó, runway phải là một sân khấu kịch nghệ, như Broadway vậy.
“Mugler thuộc thế hệ những nhà thiết kế đã hoàn toàn tuyệt chủng ở thời đại này. Những bộ não như Mugler luôn tìm thấy thời trang như một hình thái riêng biệt của nghệ thuật. Người xem phải cảm nhận trang phục bằng cả năm giác quan. Những năm 70, 80, 90, thời trang được tung cánh tự do. Chẳng hề lệ thuộc vào những con số doanh thu hay áp lực từ các khách hàng”. Nhà tổ chức triển lãm thời trang Thierry-Maxime Loriot cho biết.
Đỉnh cao danh vọng vào thập niên 1980 và đầu 1990
Phong cách thời trang độc tôn của Mugler thu hút cả nhà phân phối và giới chuyên môn. Thiết kế của ông đăng đối về cấu trúc và hài hòa về cảm quan thị giác. Yêu thích phong cách của ông, nhà thiết kế Mekla Tresanton bảo trợ cho Mugler. Và Thierry Mugler đạt đến đỉnh cao của danh vọng trong suốt thập niên 1980 và 1990.
Cái tên Thierry Mugler còn đi đôi với một trong những chiếc đầm dạ hội nổi tiếng nhất của thập niên 1990: Chiếc đầm nhung cut out màu đen tuyền mà Demi Moore đã mặc trong bộ phim Indecent Proposal năm 1993 trong khi thốt lên câu thoại kinh điển, “Chiếc đầm này có thể bán. Nhưng tôi thì không”.
Sự gai góc mang màu sắc gothic cùng chất viễn tưởng là huyết mạch nuôi dưỡng sự sáng tạo của Mugler. Ông say mê đặc biệt đối với những loài côn trùng, các sinh vật viễn tưởng và những loài thảo vật kịch độc. Trước Mugler, hiếm ai nghĩ đến sử dụng kim loại và nhựa latex vào thời trang. Những bộ giáp mang hình ảnh vệ binh ngân hà, các thiết kế bodysuit latex ôm sát, áo corset đúc khuôn đầy màu sắc… Đó là sự khởi phát cho trào lưu tìm tòi những nguyên liệu mới mẻ.
Giới mộ điệu thời trang sẽ không bao giờ quên show diễn kỷ niệm 10 năm của nhà thiết kế Thierry Mugler. Báo chí giai đoạn đó hết lòng khen ngợi rằng đó là “siêu show thời trang”. Show diễn quy tụ hơn 6,000 khán giả.
Loriot chia sẻ: “Mugler không đơn thuần thiết kế thời trang. Ông tạo ra một thế giới của riêng mình. Ông ban phát cho khán giả sự chọn lựa để trở thành bất cứ điều gì họ mơ ước, biến đổi họ cùng với ma lực của thời trang. Mugler tin rằng sự kỳ diệu của áo quần có thể đưa con người vào những giấc mơ hoang đường nhất”.
Từ thời trang đến ngành công nghiệp nước hoa khổng lồ
Trong thế giới của Mugler, những giọt hương cũng mang tầm vóc khổng lồ và có sức lan tỏa mãnh liệt. Sự thành công trong thị trường nước hoa đã chứng tỏ tài năng và đầu óc kinh doanh bén nhạy của thiên tài nước Pháp.
Đứa con đầu lòng, Angel, là “quả bom” công kích thị trường nước hoa ở thập niên 80. Dòng nước hoa lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của một vì sao. Ông đã thử nghiệm đến 600 công thức khác nhau trước khi chọn một giọt hương để chinh phục cả thế giới.
Những đứa con sinh sau của Mugler là Alien, Womanity, Angel Muse, và bộ sưu tập Mirror. Tất cả đều góp mặt vào bảng công thần những hợp hương bất tử của nhân loại.
Sự thoái trào vào thập niên 2000
Dù dòng nước hoa phát triển mạnh mẽ, dòng thời trang của Thierry Mugler lại sụt giảm doanh thu. Cuối thập niên 1990, các thiết kế của ông không còn hợp với thị hiếu mua sắm của khách hàng, và bị đánh bật bởi những thương hiệu trẻ hơn như Marc Jacobs, Versace, Calvin Klein… Để cứu vãn tình hình, nhà thiết kế Thierry Mugler đã bán thương hiệu cho Clarins. Tuy nhiên, Clarins không thể giúp đỡ được gì. Năm 2003, nhà mốt Mugler chính thức đóng cửa, và chỉ lưu lại mỗi dòng nước hoa.
Cũng vì vậy, năm 2003, Mugler tuyên bố giải nghệ. Ông bắt đầu dấn thân vào những công việc sáng tạo nghệ thuật khác. Ông cũng thay đổi diện mạo của mình. Ông thậm chí thay tên đổi họ, từ Mugler thành Manfred, nhằm loan báo với công chúng rằng: Ông thực sự trở về với bản ngã thật, cả về thể xác lẫn linh hồn.
Kể từ khi dừng thiết kế thời trang, Manfred bắt tay thực hiện các bộ phim ngắn. Ông hợp tác cùng những nữ tài tử Pháp như Isabelle Huppert và Juliette Binoche. Ông cũng thiết kế phục trang cho nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn và các nghệ sỹ. Không chỉ thế. Manfred còn “lấn sân” sang các lĩnh vực kiến trúc, nhiếp ảnh và hội họa. Ở bất kỳ ngành kỹ nghệ nào, ông vẫn giữ được sự thành công và mến mộ của công chúng.
Sự trở lại với hào quang của Manfred Thierry Mugler
Dù nghỉ hưu non, Manfred Thierry Mugler vẫn được các ngôi sao rào đón. Năm 2009, ông được Beyoncé mời làm nhà cố vấn và thiết kế phục trang biểu diễn cho tour diễn I Am… World Tour của nữ ca sỹ. Nhờ sự ảnh hưởng của các ngôi sao, thương hiệu Thierry Mugler trở lại với sàn diễn quốc tế mùa Thu Đông 2011, dưới sự lèo lái của giám đốc sáng tạo Nicola Formichetti. Năm 2018, Casey Cadwallader thay thế và tiếp tục sáng tạo nên những thiết kế đậm chất trào phúng, táo bạo và siêu gợi cảm, nhưng theo chiều hướng có phần tối giản hơn.
Bên cạnh các thiết kế mới, bản thân Manfred Thierry Mugler cũng sở hữu thư viện 7000 thiết kế vintage từ nhiều thập niên trước. Ông hào phóng mở tủ đồ cho các ngôi sao vay mượn. Từ Lady Gaga, Kim Kardashian, Cardi B, Miley Cyrus, Bella Hadid… đặc biệt yêu thích thiết kế của ông trên thảm đỏ, khi xu hướng hoài cổ (retro) trỗi dậy.
Ông cũng đồng ý mở triển lãm để giúp công chúng yêu thời trang có thể tiếp cận lịch sử nhà mốt mình. Triển lãm tại Pháp năm 2021 mang tên Thierry Mugler, Couturissime, trùng vào mùa Tuần lễ thời trang Paris Xuân Hè 2022, là triển lãm cuối cùng của ông trước khi tạ thế.
CARDI B ĐẾN DỰ TRIỂN LÃM THIERRY MUGLER, COUTURISSIME TẠI PARIS
NHỮNG TRANG PHỤC “ĐIÊN” NHẤT ĐÊM HỘI THỜI TRANG MET GALA 2019
VIRGIL ABLOH QUA ĐỜI VÌ UNG THƯ: NHÌN LẠI CUỘC ĐỜI NHÀ THIẾT KẾ
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam