Nhà thiết kế Trần Thị Tú là một trong hai đại diện cho Việt Nam, trình diễn bộ sưu tập tại Tuần lễ thời trang Kuala Lumpur 2017. Cũng chính cô gái ấy đã vượt qua 20 nhà thiết kế tài năng trong khu vực, trở thành quán quân AirAsia Runway Designer Search 2017 ngay lần đầu tham dự.
Thế mà khi nghe tôi hỏi về những suy nghĩ đằng sau chiến thắng, Tú chỉ trả lời đơn giản: “Về mặt tư tưởng, tôi mong các bạn trẻ đã từng bắt đầu giống như tôi – tức là không có tiền, không có mối quan hệ, hiểu một điều: Nói rằng để thành công trong nghề này cần có tiền, không sai. Nhưng mình có quyền không chọn con đường đó mà chọn lấy tình yêu chân chính cho nghề. Cũng giống như ba mẹ, dù sinh con ra trong giàu sang hay nghèo khó; họ vẫn nuôi đứa con đó trưởng thành.”
Cảm hứng không đến một cách mộng mơ
Cái “tình” đối với con đường mình đang theo đuổi mà nhà thiết kế Trần Thị Tú nói đến; chỉ cần nhìn vào các thiết kế giành chiến thắng hôm ấy, tôi có thể hiểu được ngay. Bộ sưu tập dựa theo chủ đề “Cảm hứng châu Á”. Các thiết kế sử dụng chủ yếu hoa văn và màu nâu đỏ của gốm sứ Phù Lãng. Tà áo dài truyền thống được cách tân bằng xu hướng và kiểu dáng trang phục hiện đại.
Cô gái 24 tuổi nói rằng, cảm hứng không đến một cách mộng mơ như nhiều người vẫn nghĩ. “Không có gì là ngẫu nhiên hay bất chợt nảy nở cả”; Tú phải lao vào quá trình tìm kiếm và nghiên cứu để chọn ra thứ phù hợp nhất với chủ đề cuộc thi. Câu trả lời cuối cùng cô tìm thấy chính là gốm Phù Lãng. Không trau chuốt cầu kỳ hay sắc sảo, thu hút; gốm Phù Lãng chân chất nhưng có nét đặc biệt riêng. Chính điều đó mới là nét văn hóa riêng của người Việt Nam. Kỹ thuật thêu đính thủ công cầu kỳ và khả năng xử lý chất liệu tốt đã tạo ra những hiệu ứng sân khấu không thể ngờ đến.
Nhà thiết kế Trần Thị Tú và cái duyên với thời trang
Con đường đến với thời trang của Trần Thị Tú gói gọn trong hai chữ “duyên số”. Có lúc Tú còn cho rằng việc mình theo đuổi khoa tạo dáng Công nghiệp tại Đại học Mở Hà Nội cũng chỉ vì ngẫu nhiên. Nhưng tình yêu đến muộn không có nghĩa là ngọn lửa của nó kém phần mạnh mẽ. Nghe những lời bàn ra rằng “ngành học đó chỉ dành cho kẻ mộng mơ”; Tú trả lời rằng: “Tôi mộng mơ để sống thực tế với chính mình, còn bạn lựa chọn thực tế để sống”.
Cô nói điều mình sợ nhất chính là các thiết kế của bản thân ra đời trong nhàm chán. Cũng giống như nhiều người trẻ hiện tại, loay hoay trong những quy chuẩn mà xã hội đặt ra về một cuộc sống bình thường. Tú muốn thử nghiệm và sẽ tiếp tục thử nghiệm; để những sản phẩm mình làm ra đều là kết quả của “lần đầu tiên” mới mẻ.
Thời trang là không ngừng trau dồi kiến thức
Nhắc đến con đường tương lai, Tú chỉ nói vui rằng đầu tiên sẽ dùng điểm thưởng của AirAsia để bay khắp nơi trước đã. Sau đó, cô muốn tiếp tục học hỏi về kỹ năng quản lý. Và phát triển thương hiệu để những sản phẩm của cô không chỉ đẹp mà còn đầy sức sống. “Các sản phẩm của nhà thiết kế Việt không hề thua kém về chất lượng”. Tú chia sẻ: “Tuy nhiên, phần chiến lược chưa tốt khiến cho sản phẩm chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường châu Á, cũng như quốc tế”.
Thiết kế thời trang không chỉ đơn thuần là làm và ngắm những tuyệt tác của mình ra đời. Mà nhà thiết kế phải không ngừng trau dồi kiến thức về thị trường. Và tư duy kinh doanh để khiến ngành thời trang Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Bài: Vân Anh
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 10/2017