Li Mo mới chỉ có 25 tuổi. Rời Trung Quốc khi mới 16 tuổi sang Mỹ học thiết kế thời trang, cô gái trẻ giờ đây đã ẵm rất nhiều giải thưởng thiết kế trong tay. Cô kể với Harper’s Bazaar: “Tôi là người mơ mộng. Nhưng bây giờ, tôi là người dệt giấc mơ”.
Nguồn cội văn hóa mang lại cảm hứng
“Hồi nhỏ ở Trung Quốc, tôi không học thiết kế thời trang. Nhưng lớn lên trong gia đình gốc Quảng Đông, truyền thống văn hoá Trung Quốc thấm đẫm trong tâm hồn tôi. Tác phẩm đầu tay của tôi là Spark. Mẫu thiết kế này làm bằng sợi kim loại, vải organza và vinyl. Spark lấy cảm hứng từ mẹ tôi. Các chất liệu khác nhau phản ánh tính cách của mẹ tôi. Châm ngôn Trung quốc có câu ’Bàn tay sắt bọc nhung’. Bà rất cứng rắn khi nuôi dạy tôi. Nhưng đôi găng tay nhung tượng trưng cho tình mẹ, làm mềm sự cứng rắn. Phom dáng của Spark bắt nguồn từ chiếc sườn xám của người Hoa. Cả thế giới biết về trang phục dân tộc này của chúng tôi. Dù tốt nghiệp thời trang tại Mỹ, chính nguồn cội đã giúp thăng hoa năng lực thiết kế của tôi”, Li Mo tự hào nói về cảm hứng và tình yêu đất nước của mình.
Hoài bão của nhà thiết kế trẻ Li Mo
Ngay từ nhỏ, bộ óc của Li Mo đã luôn nảy ra đủ thứ ý tưởng sáng tạo mà cô mô tả là “điên rồ”. Cô bé luôn tưởng tượng ra những người khác nhau mặc trang phục do mình thiết kế.
Li Mo thần tượng Leonardo Da Vinci. Cô khâm phục phong cách sáng tạo và sự táo bạo của ông. Da Vinci đã làm cho cô tin rằng: năng lực của con người không có giới hạn. Cô học cách dùng vật cụ thể để mô tả cảm xúc của mình.
>>Xem thêm: VÉN MÀN BÍ MẬT TRANH “BỮA ĂN TỐI CUỐI CÙNG” CỦA LEONARDO DA VINCI NHỜ CÔNG NGHỆ GOOGLE
Tới Mỹ, Li Mo học tại trường thiết kế danh tiếng Fashion Institute of Technology (FIT). Cô đã tốt nghiệp ngành Thiết kế và Kinh doanh Thời trang. Những kiến thức về công nghệ học được ở trường giúp Li biến ước mơ ngày nhỏ thành nghề nghiệp hiện tại. Cô ước mình sẽ tạo dựng được danh tiếng để đời.
Phong cách thiết kế
Con đường trở thành nhà thiết kế không phải trải đầy hoa hồng. Muốn thành công, nhà thiết kế phải tạo ra được một phong cách nổi bật và khác hẳn những người khác. Li Mo đã thử nghiệm và sáng tạo rất nhiều mẫu khác nhau. Từ mẫu Spark nho nhỏ ban đầu lấy cảm hứng từ kiến trúc, cô thực hiện tiếp nhiều mẫu khác. Explore táo bạo và nổi bật. Blue u uẩn, thực tế và gợi cảm. Shade lại hữu hiệu và tập trung vào công năng. Tất cả các mẫu này chứng kiến con đường trưởng thành của nhà thiết kế trẻ.
Li Mo ưa thích phong cách unisex (phi giới tính). Cô cười lớn: “Tôi là phụ nữ, nhưng có khả năng suy nghĩ và hành động như đàn ông. Để giữ cho mình một phong cách ổn định, với tôi, thật khó. Tôi mê phong cách cổ điển và giản thiểu (minimalism), nhưng lại ám ảnh về màu sắc. Cho nên nếu bảo phải mô tả phong cách thiết kế của mình, tôi nghĩ chắc cứ gọi là nam tính hoá nữ tính với xu hướng trang phục may sẵn cao cấp”.
Giành được nhiều giải thưởng dù tuổi nghề chưa nhiều
Bộ sưu tập các giải thưởng của Li Mo thật đáng nể. Nhà thiết kế trẻ đã đoạt hàng loạt giải Vàng, giải Danh dự trong nhiều cuộc thi thiết kế nổi tiếng của thế giới (xem chi tiết trong phần Profile nhân vật ở bên cạnh). Li Mo nhỏ nhẹ: “Chẳng thành công nào đến dễ dàng. Mỗi giải thưởng tôi đã giành được đều đổi bằng công sức vất vả và tài năng sáng tạo”. Các giải thưởng này mang lại cho Li Mo danh tiếng trong giới thời trang quốc tế. Tiếp đó là nhiều đề nghị từ các thương hiệu thời trang danh giá, dù cô mới vừa tốt nghiệp đại học.
Cô vừa được mời làm thiết kế kỹ thuật cho RHUDE, thương hiệu thời trang nam cao cấp. Thương hiệu này hiện phân phối trên kênh thương mại điện tử NET-A-PORTER, với hơn 6 triệu khách hàng cao cấp từ khắp thế giới. Không chỉ thế, cô còn được mời thiết kế cho thương hiệu nội thất Isabear Collective. Chiếc ghế Skeleton Chair của hãng sử dụng mẫu vải haute couture do Li Mo thực hiện. Ghế sẽ tung ra vào mùa đông 2022.
Các sưu tập Li Mo chụp trong bài này
Papillon
Bộ thứ nhất là Papillon, phát triển hai mẫu cũ Explore và Spark. Explore gồm quần và áo dệt kim chui đầu. Thiết kế lấy cảm hứng từ Pop Art, loại hình nghệ thuật phổ biến những năm 1950. Các màu tương phản như cam, hồng, xanh lá trên nền trắng mô tả những thử thách thế giới đang phải vượt qua trong năm 2020. Spark tượng trưng cho tình yêu của mẹ dành cho Li Mo.
Lost in Malibu
Bộ thứ hai là Lost in Malibu. Một mẫu là chiếc áo dệt kim xanh dương kết hợp với áo vest ôm bằng da nhân tạo. Áo dệt trên máy dệt công nghệ mới nhất Stoll. Áo khoác da sử dụng vật liệu tái chế. Mẫu thiết kế cuối cùng là áo khoác cotton đen mặc bên ngoài bộ quần liền áo lưới. Lost in Malibu tượng trưng cho cảm giác thoát tục khi ra khỏi sự tù túng trong thành phố, để đón gió đại dương.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam