Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc: Kẻ mộng mơ đơn độc

Phạm Tuấn Ngọc ghi dấu ấn riêng biệt trong nhiếp ảnh bằng việc thực hành các kỹ thuật hình ảnh và bản in vô cùng độc đáo

Harper's Bazaar_Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc Noirfoto_02

Chân dung Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc, nhà sáng lập của Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery

Bắt đầu niềm đam mê nhiếp ảnh lúc nào không rõ, chỉ biết năm lên 6, trong bức thư gửi bà ngoại ở Đức, cậu bé Phạm Tuấn Ngọc đã xin một chiếc máy ảnh. Thế rồi, khi bước ra khỏi Việt Nam năm 2006, trở thành du học sinh tại Thụy Điển, sau đó là Pháp, anh đã biến đam mê nhiếp ảnh trở thành công việc sau này.

Chàng sinh viên ngành Thương mại Điện tử cầm máy rong ruổi khắp đường phố Paris. Ngày qua ngày, anh dung nạp vô vàn kiến thức, từ chụp ảnh phim đen trắng đến các kỹ thuật nhiếp ảnh thủ công. Tuấn Ngọc luôn thử nghiệm những kỹ thuật phức tạp và rất ít người thực hiện. Anh cho rằng, điều đó sẽ góp phần thúc đẩy quá trình giữ gìn các giá trị của phương thức tạo hình ảnh kinh điển.

Từ những thước ảnh chụp đen trắng…

Harper's Bazaar_Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc Noirfoto_04
Tháng 3–2019, Tuấn Ngọc mở triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên 9 – Paris in Black and White. Triển lãm trưng bày những bức ảnh đen trắng anh chụp tại Paris từ 9 năm trước. Với nghệ sĩ nhiếp ảnh người Hà Nội, ảnh đen trắng hay còn gọi là nhiếp ảnh đơn sắc luôn là thách thức. Bởi nó buộc nhiếp ảnh gia phải vượt qua giới hạn màu sắc, khám phá hình dạng, kết cấu và tông màu của môi trường để có một bức ảnh đẹp nhất.

Harper's Bazaar_Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc Noirfoto_02
Tuấn Ngọc lý giải: “Tôi thấy ảnh phim đen trắng hợp với mình, vì nó thật. Từ chất liệu phim đẹp, đến tính thẩm mỹ chân thật nhưng vẫn đủ cảm xúc. Sau đó là quá trình sản xuất, chụp phim, tráng phim, rửa ảnh. Mọi công đoạn đều do tôi hoàn thành tại Noirfoto. Cảm giác tự làm ra một sản phẩm mang tính thủ công và cá nhân khiến tôi cảm thấy… rất đã”.

… đến triển lãm Chloris mang đến cái nhìn mới về nghệ thuật nhiếp ảnh

 Harper's Bazaar_Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc Noirfoto_07
Lần đầu tiên tại Việt Nam, những bông hoa trên ảnh không do máy ảnh chụp, mà nhiếp ảnh gia dùng hoa thật hấp thụ ánh nắng để in trên giấy bạc. Phạm Tuấn Ngọc sử dụng ánh nắng, nhiệt độ, độ ẩm… để những cánh hoa tự “tái sinh” và “hóa thạch” trên nền giấy ảnh phủ bạc.

“Trong ánh sáng và sức nóng mãnh liệt, mọi tinh chất của hoa bị rút kiệt. Hình hài bị biến đổi, giày vò trong hỏa biến để linh hồn được tái sinh. Như triết lý luân hồi, vạn vật đều có thể hồi sinh chuyển kiếp, như cách loài phượng hoàng lửa huyền bí bốc cháy rồi tái sinh từ đống tro tàn”, anh chia sẻ.

Đây cũng là triết lý sống luôn đau đáu trong tâm hồn của Phạm Tuấn Ngọc. Người nghệ sĩ sinh năm 1982 luôn suy nghĩ về nhân sinh, về sự tồn tại của vạn vật.

Harper's Bazaar_Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc Noirfoto_08
Kết quả của sự tìm tòi, học hỏi này là những tác phẩm độc bản và mới lạ trong triển lãm Chloris thu hút sự chú ý của công chúng. Không phải là những bức tranh vẽ, càng không phải là ảnh chụp, khái niệm về một lĩnh vực nghệ thuật đứng giữa hội họa và nhiếp ảnh đã được Tuấn Ngọc phát triển.

>>> XEM THÊM: ĐẾN TRIỂN LÃM CHLORIS CỦA NGHỆ SĨ PHẠM TUẤN NGỌC ĐỂ CẢM THẤY YÊN BÌNH

Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc: Một mình một kiểu, một kẻ mộng mơ độc hành

Phạm Tuấn Ngọc cho hay: “Dù là phim đen trắng hay sử dụng kỹ thuật bản in, tôi cho rằng chủ thể trong những tác phẩm của mình đều rất lãng mạn, nên thơ và tích cực. Và sẽ luôn như thế”. Do vậy, các bức ảnh của anh mang một màu sắc rất tình, rất đẹp và vô cùng cảm xúc.

Hơn 15 năm tìm tòi và thực hành, Tuấn Ngọc gần như một mình một suy nghĩ, một lối đi. Thế nên, việc mở Noirfoto với mục đích trở thành một sân chơi, để anh tụ tập những tư duy nghệ thuật sáng tạo có cùng đam mê.

Harper's Bazaar_Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc Noirfoto_03
Harper’s Bazaar hỏi Phạm Tuấn Ngọc: “Có khi nào anh nản không? Tìm cảm hứng ở đâu mà ngày nào cũng làm việc như thế?”. Anh chỉ cười: “Nản thì cứ làm thôi, làm tới khi nào hết nản”.

Anh chọn cuộc sống vui vẻ, bình an, hàng ngày dành 16/24 tiếng trong phòng tối của Noirfoto để tìm kiếm thêm nhiều ý tưởng, kỹ thuật mới. Mới đây, anh lại khiến mọi người thích thú khi đem các sản phẩm in ảnh trên lụa của mình ra thủ đô tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022. Bộ tác phẩm Ngũ hành gồm năm tấm rèm, sử dụng kỹ thuật sơ khởi của nhiếp ảnh có tên cyanotype mang đến hiệu ứng thị giác thú vị.

Có lẽ con đường nghệ thuật này của Tuấn Ngọc sẽ còn rất dài. Nhưng chắc chắn tương lai anh sẽ có thêm những cộng sự chia sẻ niềm đam mê này tại Noirfoto.

>>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: TRIỂN LÃM “ALTERNATE EXISTENCE/S” PHẢN ÁNH NỬA THẾ KỶ PHÁT TRIỂN CỦA NHIẾP ẢNH

Bài: Ngọc Anh
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm

Nhân vật

Nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc: Kẻ mộng mơ đơn độc
Phạm Tuấn Ngọc

• Sinh  ngày: 27/8/1982

Học vấn: Thạc sĩ ngành Thương mại Điện tử.

• Các triển lãm ghi dấu ấn: Paris 9 (solo, 2019), Salon Ánh sáng (nhóm, 2020), Chloris (solo, 2022).

• Câu trích dẫn yêu thích: Always forgive your enemies; Nothing annoys them so muchOscar Wilde