Khi Pierre-Alexis Dumas (giám đốc nghệ thuật chính của Hermès) lớn lên ở Paris, anh không bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghiệp của cha, ông Jean- Louis Dumas, chủ tịch Tập đoàn Hermès. Anh mơ ước trở thành một nhà phát minh. “Chính xác đấy, là một nhà phát minh. Tôi không nghĩ là mình sẽ trở thành một phần của Hermès và đắn đo trong một thời gian thật dài”, Dumas nhớ lại lúc cha dặn dò.
Hành trình về với Hermès của Pierre-Alexis Dumas
Dumas tốt nghiệp Đại học Brown ở Hoa Kỳ năm 1991 chuyên ngành visual art rồi làm việc cho một hãng sản xuất vải của Ý. Ở đây, anh đã ngộ ra nhiều chân lý: “Tôi yêu mọi việc mình đã làm lúc ấy. Tôi thiết kế họa tiết trên cà-vạt, cho những công ty lớn như Versace, cho ngành chất liệu may mặc, rồi bất ngờ khám phá ra mối liên kết giữa chuyên ngành nghệ thuật mà tôi đã học ở Đại học Brown với thời trang. Một ngày nọ, tôi biết chắc rằng vị trí của mình là phải nằm ở Hermès”.
Tại trụ sở của Hermès ở Rue du Faubourg St. Honoré, Paris, người giám đốc nghệ thuật tài hoa trầm ngâm: “Tôi biết cha tôi lo người khác sẽ nghĩ là ông thiên vị tôi. Cha tôi rất đặc biệt, luôn biết cách thu hút, chinh phục mọi người. Thật sự làm con trai của ông tạo cho tôi áp lực nhưng điều quan trọng hơn cả là Hermès đã lôi cuốn tôi”.
Vào khoảng năm 1992, Pierre-Alexis Dumas trở về Hermès và giữ vị trí quản lý kinh doanh các chi nhánh ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Anh.
Sau đó, cha của anh gặp vấn đề về sức khỏe và yêu cầu con trai trở về trụ sở chính tại Pháp. Tuy nhiên, lúc này Dumas vẫn chưa cảm thấy tự tin tiếp quản Hermès nên xin nghỉ phép một năm để theo học trường nghệ thuật ở London. “Tôi rất thích thời kỳ nghỉ phép để học hỏi thêm này vì nó giúp hồi phục sức sáng tạo của tôi”. Và rồi năm 2005, anh gia nhập Hermès với vị trí giám đốc nghệ thuật.
Tiếp nối công việc kinh doanh gia đình
Jean-Louis là một trong những tên tuổi lớn nhất trong ngành thời trang cao cấp. Ông trở thành chủ tịch tập đoàn Hermès từ năm 1978 đến 2006, nghỉ hưu rồi qua đời ở tuổi 72.
Tiếp nối những cống hiến tuyệt vời của cha mình, Pierre-Alexis Dumas biết rằng điều quan trọng nhất là anh phải tạo dấu ấn riêng cho Hermès. Anh muốn khẳng định tài năng bằng năng lực bản thân chứ không phải vì anh là con trai của Jean-Louis Dumas.
“Cha tôi là một nhà kinh doanh tài ba. Tính cách của ông đã ảnh hưởng đến anh họ của tôi, Axel Dumas (hiện đang giữ vị trí Tổng giám đốc điều hành) và cả tôi. Trong khi Axel giỏi tính toán thì tôi thích tập trung vào sáng tạo mẫu thiết kế mới”.
Năm 2008, Dumas liên kết với các họa sỹ cho ra đời bộ sưu tập khăn lụa Hermès Editeur với số lượng có hạn, lập tức trở thành cơn sốt với giới mộ điệu thời trang. Tập trung vào ngành nghề thủ công Dumas đã thành lập tổ chức Fondation d’Enterprise Hermès để hỗ trợ các nghệ nhân trong ngành nghề thủ công. “Cha tôi luôn mơ ước lập ra một tổ chức dành cho ngành nghề thủ công, những tác phẩm tạo ra bằng đôi tay tài hoa của nghệ sỹ”.
Tổ chức này tạo cơ hội cho các nghệ sỹ trẻ thực hiện nhiều dự án lớn với các nhà sản xuất của Hermès, gồm công ty chế tác đồ bạc danh tiếng Puiforcat hay xưởng sản xuất mỹ nghệ thủy tinh Saint-Louis. “Chúng tôi hiện có 35 xưởng sản xuất và 3.900 thợ thủ công tại Pháp. Tôi muốn đem cuộc sống mới đến cho các nhà xưởng này và các nghệ sỹ trẻ đã khơi nguồn cảm hứng thật dồi dào”.
Điểm mấu chốt của nghệ thuật thủ công tại Hermès là phải tạo ra được những điều thần kỳ. Mỗi người thợ tạo ra từng chiếc túi giống như trò chơi đòi hỏi tính kiên nhẫn. Họ phải lắp ghép mọi thứ trong một chu trình kéo dài 25 giờ để tạo ra một chiếc túi Hermès Birkin – món phụ kiện quý giá mà những người mê sưu tầm phải chờ ít nhất một năm mới được sở hữu.
Tạo ra một chiếc khăn lụa cổ điển cũng cần quá trình chuyên sâu không kém: hàng tháng trời làm bản kẽm để lên mẫu, mỗi màu sắc tạo ra lại cần một khoảng thời gian xử lý bằng kỹ thuật in lụa. Nếu một chiếc khăn có 30 màu, bản kẽm của chiếc khăn phải mất 600 giờ để hoàn thành. Trong khi mọi công ty đều muốn cắt giảm để tiết kiệm, Hermès vẫn đòi hỏi cao trong mỗi quy trình để giữ vững chất lượng và vị trí hàng đầu trong thị trường hàng cao cấp.
Ngoài thời trang, Hermès còn hướng đến phong cách sống thanh lịch, sang trọng bằng các sản phẩm thiết kế nội thất tinh tế. Khi quyết định tái sản xuất bộ sưu tập đồ nội thất theo phong cách art deco với nhà thiết kế Jean-Michel Frank, Dumas đã tìm cách biến đối để phù hợp với tinh thần mới của Hermès. “Nhiệm vụ của tôi là người nhạc trưởng phối hòa âm, phải làm sao để mọi “giai điệu” của những thiết kế mới phải phù hợp với tinh thần thanh lịch đến từng chi tiết của Hermès”.
Dấu ấn của Pierre-Alexis Dumas
Nhiều nguồn cảm hứng của người đàn ông có ba đứa con này đến vào ban đêm, ngủ dậy rồi hí hoáy viết vào cuốn sổ tay luôn đặt ở chiếc bàn cạnh giường. Một số ý tưởng khác lại ào đến trong lúc anh thư giãn trong bồn tắm. Dumas rất thích đi thăm phòng tranh và bảo tàng nên luôn yêu cầu thư ký xếp lịch để anh đến đây thường xuyên. Gần đây, anh đã dành 4 giờ ngắm tranh của Chritian Bonnefoi ở Paris.
Anh chia sẻ: “Tôi luôn mường tượng cuộc sống giống như một cuộc đi săn ý tưởng lớn”.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh đã đạt thành công hơn mong đợi. Sau khi tiếp quản công việc của cha trong vòng 7 năm, Dumas đã giúp Hermès tăng doanh thu vượt bậc, đạt xấp xỉ 3,9 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2011.
Tuy nhiên, Dumas chưa bao giờ so sánh mình với những thành công của cha trước đây. Anh nói: “Tôi làm việc để cho ra đời những siêu ý tưởng cho Hermès đương đại. Cuộc chơi là phải giữ nguyên bản năng gốc nhưng phải biết cách phát triển dựa trên nguồn cội đó”.
Chuyển ngữ: Coco Thủy – Ảnh: Tư liệu
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam