Vũ Cát Tường – Mạnh mẽ và yếu mềm

Cô ca sỹ trẻ cho rằng trong công việc, mình là người thực tế nhưng lại nương theo cảm xúc để yêu người và yêu cuộc sống hơn

Bốn năm từ kể từ khi trở thành Á quân The Voice và bước chân vào showbiz, cô sinh viên Kỹ thuật y sinh Vũ Cát Tường ngày nào tự nhận mình đã thay đổi rất nhiều, nhất là việc cười nhiều và làm cho người khác cười nhiều hơn. Khi Bazaar hẹn gặp Vũ Cát Tường để phỏng vấn, cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn chọn một quán cà phê nằm trên đường Đông Du, TP.HCM. Gọi một cốc cà phê nóng sau khi chọn góc quán quen thuộc nhìn ra dòng xe cộ tấp nập, Tường chia sẻ: “Đây là chỗ ngồi tôi thích nhất, vì khách ra vào quán khá nhiều nhưng không mấy ai để ý đến sự có mặt của mình. Chỗ đông người nhất thật ra lại là chỗ bình yên nhất”. Cô bật mí đây cũng là nơi mình có cảm hứng sáng tác bài Em ơi mà nhiều bạn trẻ yêu thích dịp Valentine vừa qua.

BAZAAR: Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá – giỏi của trường Đại học quốc tế rồi rẽ sang làm ca sỹ, Tường có bao giờ tiếc nuối không?

Vũ Cát Tường: Mỗi giai đoạn trong cuộc sống, mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau. Khoa học và y sinh từng là đam mê lớn của tôi, nhưng âm nhạc mới là định mệnh. Tôi biết ơn những ngày tháng cũ, môi trường cũ đã nhào nặn nên một Vũ Cát Tường quyết đoán, thực tế, hiểu rõ mình là ai, đang ở vị trí nào. Nhờ vậy, khi bước qua một môi trường mà người ta thường ví von là “ảo như showbiz”, ngay cả khi có sẵn trong tay một vài bài hit, tôi vẫn không cho phép mình kiêu ngạo hay “bay la đà”. Khoa học và sự logic bên trong nó luôn kéo tôi về thực tại nhanh chóng sau những phút giây lâng lâng vì vui sướng.

Tôi cũng xem âm nhạc của mình như một môn khoa học, và phòng làm việc của mình là phòng thí nghiệm. Nơi đó, tôi phân tích, nghe đi nghe lại ca khúc mới của mình vào các thời điểm khác nhau trong ngày, trong các tâm trạng khác nhau. Tôi đo đếm thử các yếu tố để cấu thành một ca khúc hit của nước ngoài, từ đó đưa ra phán đoán cho đứa con tinh thần của mình. Khoa học vẫn hiện diện trong sự nghiệp ca hát của tôi, bằng cách này hay cách khác.

BAZAAR: Hai năm ra trường, Tường nhìn cuộc sống có gì thay đổi so với trước đây?

Vũ Cát Tường: Thay đổi nhiều lắm chứ. Đầu tiên là ngoại hình, phong cách thời trang cho đến cả cách ứng xử, giao thiệp và đối thoại với bản thân. Ngày xưa tôi giống dân nghiên cứu, chỉ thích sống trong phòng thí nghiệm và đọc sách. Tôi nghiêm túc, ít cười khi nghe người khác nói và tất nhiên cũng không biết cách làm cho người khác cười. Dân kỹ thuật chúng tôi sống rất lý tính, thường giải quyết các vấn đề một cách cố hữu và logic. Còn khi đi hát, tôi phải tương tác với khán giả nhiều hơn, thiết lập các mối quan hệ cho công việc cũng như xử lý các tình huống dưới ánh đèn sân khấu. Tất nhiên tôi thích Vũ Cát Tường của hôm nay hơn. Nhưng nếu không bước qua những khúc sông cũ, biết đâu mình đã chẳng tìm đến được với con đường này? Mọi thứ sinh ra đều có lý do của nó, tôi tin vậy.

BAZAAR: Là nghệ sỹ mà lý tính và cố hữu, chị có thấy mình hơi “bất thường” không?

Vũ Cát Tường: Nếu không bất thường thì đã chẳng phải là Vũ Cát Tường (cười). Thật ra, tôi chỉ thực tế trong công việc thôi, chứ trong những mặt khác, tôi tuân theo cảm xúc. Dân kỹ thuật chúng tôi thường nghĩ mình tính giỏi lắm, nhưng thật ra trên đời có những thứ không cách nào toan tính được. Tôi chưa bao giờ thấy ai toan tính trong tình yêu hay âm nhạc lại thành công mãi mãi. Tôi hầu như không nghe nhạc Việt để tránh tình trạng bị dẫn dắt cảm xúc bởi thị trường. Có lẽ vì vậy mà nhiều người nói với tôi: “Nhạc Vũ Cát Tường nghe là dễ nhận ra lắm”. Cảm hứng sáng tác của tôi bây giờ rất nhiều và ổn định, chỉ có điều tung ca khúc mới khi nào thì lại là một bài toán mình cần phải giải.

Đôi khi không phải làm gì nhiều, chỉ cần giữ được cái chất riêng thôi đã khó rồi. Có khi, mình lại phải chủ động để có được thứ mà mình gọi là đam mê. Chẳng hạn, tôi thích tác phẩm Cô gái đến từ hôm qua của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Khi biết sẽ có phim điện ảnh chuyển thể từ truyện, tôi đã không ngần ngại gặp đạo diễn để đề nghị được viết nhạc cho phim.

edi_nvcc_2l9a4080

Âm nhạc của tôi như một môn khoa học và phòng thu âm cũng là phòng thí nghiệm, nơi đo đếm các yếu tố cấu thành nên một bản hit

BAZAAR: Nếu gọi âm nhạc là một loại hình kinh doanh thì Vũ Cát Tường đang nắm giữ vị trí nào?

Vũ Cát Tường: Tôi có một ê-kíp làm việc khoảng 10 người. Mọi người xem nhau như cộng sự, cùng đóng góp ý kiến để công việc được vận hành một cách tốt nhất. Tôi không thích ê-kíp gọi mình là sếp, giám đốc… Theo tôi, quyền lực mềm là thứ quyền lực hiệu quả nhất. Vì vậy, thay vì ra lệnh, tôi thường chọn cách mềm mỏng hơn. Tôi thích họp hành ở địa điểm là một quán cà phê đẹp. Thi thoảng, khi quá tải với những lịch diễn, tôi đề nghị ê-kíp cho mình nghỉ ngơi vài ngày đi du lịch, tái tạo năng lượng.

BAZAAR: Dạo gần đây thấy Vũ Cát Tường nữ tính hơn, lại còn sáng tác cả nhạc dành cho Valentine nữa. Hình như chị đang yêu?

VCT: Thật ra tôi lúc nào cũng đang yêu mà. Yêu bản thân, yêu mọi người và yêu cái đẹp thì mới sáng tác được chứ. Đến giai đoạn này, tôi nhìn cuộc sống rất dễ chịu. Tôi không còn quan trọng việc mặc vest hay váy, cứ thấy đẹp là khoác lên người thôi. Giới tính và cách xưng hô em hay anh trong bài hát cũng không còn bị giới hạn như trước. Có lúc, bạn thấy tôi rất mạnh mẽ, đàn ông. Có lúc, tôi mềm mại, yếu mềm và đầy đam mê khi yêu. Tôi vẫn đang trong quá trình giải mã tâm hồn mình, và cứ để mọi thứ diễn ra tự nhiên, thay vì có một “chiến dịch” lột xác nào đó.

BAZAAR: Nhưng Vũ Cát Tường cũng đã có một cuộc lột xác về hình thể đấy thôi.

Vũ Cát Tường: Cái này thì tôi thừa nhận (cười). Nhưng nó cũng không phải là điều dễ dàng vì tôi thuộc tạng người dễ tăng cân. Phải mất đến ba năm, tôi mới có hình thể tạm được như thế này. Gym không chỉ là môn thể dục, nó thật sự là một phong cách sống. Nếu bạn có một personal trainer giỏi, bạn sẽ được nhiều thứ hơn cả ngoại hình. Huấn luỵện viên của tôi chẳng hạn, ông ấy là một người có khả năng truyền cảm hứng, xốc tinh thần rất tuyệt. Có khi, tôi xin dời lịch tập một buổi vì công việc đột xuất, thầy sẽ trả lời: “Đó không phải là lý do chính đáng, chỉ là con không biết cách quản lý thời gian của mình”.

Nhiều lúc tập đuối sức quá, tôi muốn từ bỏ, nhưng nghĩ đến lời hứa của mình với thầy và trách nhiệm với bản thân. Từ một người có sức bền yếu, chỉ nâng được tạ 2kg, tôi đã nâng được tạ 20kg. Bài học thầy đưa ra đơn giản nhưng rất sâu sắc: “Khi tạ đã được đẩy ra khỏi giá thì chỉ có một cách là nâng lên cho bằng được, nếu hạ xuống thì tạ sẽ tự đập vào mặt mình”. Tập gym không chỉ để có ngoại hình đẹp, nó còn là phương pháp rèn luyện ý chí và tinh thần kiên cường để đối mặt với các khó khăn trong cuộc sống.

BAZAAR: Cảm ơn Vũ Cát Tường và mong bạn giữ được ngọn lửa đam mê trong cuộc sống.

Bài: AN NHIÊN.

Ảnh: KIM BÁNH TRÔI NƯỚC

Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 5/2017

Xem thêm