Harper’s Bazaar Việt Nam hẹn Xuân Lan vào 1 giờ chiều, tại một quán trà tĩnh lặng giữa lòng thành phố. Mặc cho trời Sài Gòn đang có cơn mưa nặng hạt, đúng giờ, chị nhắn cho tôi dòng tin ngắn gọn: “Chị đến nơi hẹn rồi em nhé!”. Khi chúng tôi đến, chị cùng ê-kíp đang bàn luận sôi nổi về tuần lễ thời trang dành cho trẻ em vừa mới diễn ra. Đây là lần đầu tiên, tôi chứng kiến một Xuân Lan rất khác, dường như đối lập hoàn toàn với vẻ gai góc, lạnh lùng của một siêu mẫu đầu đàn.
Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi hầu như không cần mở lời. Xuân Lan, bằng niềm đam mê thời trang, sự hồ hởi với dự án mới và tình cảm của một người mẹ, luôn giữ nụ cười trên môi khi kể cho Harper’s Bazaar nghe về dự án lần này. Chị luôn cười và hơn hết, ánh mắt luôn lấp lánh niềm hạnh phúc, máu lửa. Một cuộc phỏng vấn thông thường, với những câu hỏi đáp tẻ nhạt có lẽ không cần thiết trong trường hợp này, bởi chúng tôi sẽ mang đến cho bạn những lời tự sự dung dị mà đầy nhiệt huyết, chan chứa tình yêu con trẻ và thời trang, sôi trào trong huyết quản của Xuân Lan.
Thời trang qua lăng kính người mẹ
“Ý tưởng về một tuần lễ thời trang dành cho thiếu nhi đến với tôi rất bất chợt, hầu như không có bất kỳ dự định hay chuẩn bị gì. Đặc biệt, sau khi làm mẹ, nhân sinh quan và thế giới quan của tôi thay đổi rất nhiều. Từ khi có bé Thỏ, cuộc đời tôi mỗi ngày đều trôi qua đầy màu sắc, ngập tràn yêu thương. Là một người mẹ, tôi nghĩ mọi bà mẹ trên thế giới này, đều muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho thiên thần nhỏ của mình.
Những điều tốt nhất ấy không cần phải là thứ gì to tát, mà bắt nguồn từ miếng ăn, giấc ngủ hay trang phục cho con. Mỗi khi mua sắm (là người làm trong ngành thời trang, tất nhiên tôi rất thích lượn lờ mua sắm), tôi chợt nhận ra thị trường thời trang thiếu nhi Việt Nam còn quá nhiều lỗ hổng và thiếu tính tương tác. Các bà mẹ sẵn sàng bỏ tiền mua sắm cho con nhưng lại không có nhiều lựa chọn. Thời trang thiếu nhi Việt Nam thiếu một cầu nối, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Từ đó, tôi nghĩ mình nên làm một điều gì đó như bắt chiếc cầu, đưa thời trang Việt thoát khỏi vùng trũng của châu Á.
Điều đặc biệt của dự án thời trang dành cho thiếu nhi lần này là các người mẫu, những em bé trình diễn đều ở độ tuổi từ 3–14. Học viện đào tạo người mẫu CA3 do tôi sáng lập và đảm trách, sẽ chịu trách nhiệm đào tạo và hướng dẫn các bé những kỹ năng catwalk cơ bản nhất. CA3 được thành lập với mong muốn tạo dựng một sân chơi, giáo dục các kỹ năng mềm cho các bé. Từ đó, các bé học được tính kỷ luật, khả năng tập trung, giao tiếp cũng như ý thức “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.
Điều khó khăn và thách thức với chúng tôi là làm thế nào để hướng các bé (có độ tuổi dưới 7) có thể tập trung trình diễn như những người mẫu chuyên nghiệp. Bước trên sàn catwalk, các bé sẽ có lúc phân tâm, ngượng ngịu hay thậm chí là sợ sệt. Để hướng dẫn, chúng tôi tiếp cận bằng tình yêu của người mẹ, “rù rì tỉ tê” cho các bé hiểu và làm theo. Các cô giáo của CA3 hướng dẫn cho các bé những bước đi trên sàn catwatk. Giải thích vì sao không nên cười khi trình diễn. Và giúp các bé nhận ra niềm vui, niềm tự hào khi sải bước trên sàn diễn. Tất nhiên, để các bé nghe, hiểu và trình diễn được như hiện tại, là một quá trình dài tiếp xúc và hướng dẫn. Thậm chí, có khi phải tốn đến hàng năm trời khơi gợi mới giúp các bé tập trung và bước đi như những người mẫu chuyên nghiệp.
Thời trang của sự hồn nhiên con trẻ
Một điều đặc biệt nữa là ngay sau khi các show diễn ra, từng nhà thiết kế đã tự tay trao thù lao được đựng trong những phong bì cho các người mẫu nhí, thay lời cảm ơn. Tôi nghĩ đây là cách khích lệ hiệu quả, giúp các bé thấu hiểu và trân trọng giá trị của sức lao động. Sau mỗi show diễn, các bé cũng đã tự tay gấp trang phục trình diễn, trả lại cho nhà thiết kế cùng lời cảm ơn vì đã làm ra một bộ trang phục đẹp. Và trên tất cả, tôi tin rằng sự hồn nhiên, ngây thơ của các bé sẽ nâng tầm trang phục, thổi những khúc nhạc thơ ngây, trong trẻo vào thời trang.
Đã có đến 9 nhà thiết kế tham gia trình diễn trong Tuần lễ thời trang thiếu nhi Việt Nam. Tuy được tổ chức lần đầu tiên, nhưng tôi đã rất chú trọng tìm kiếm những cá tính thời trang nổi trội, với chất lượng và sự tiện dụng dành cho trẻ em đặt lên hàng đầu. Đứng ở cương vị một người mẹ, tôi chọn lựa thời trang cho thiên thần của mình, để tìm kiếm và thuyết phục các nhà thiết kế. Tất nhiên, như bạn thấy, Tuần lễ thời trang thiếu nhi Việt Nam đã không thể thiếu Đỗ Mạnh Cường và Kelly Bùi, hai tên tuổi đã trở thành “người một nhà” với tôi.
Hiện tại, tôi đã có thể tự hào tuyên bố: “Chúng ta đã có một Tuần lễ thời trang thiếu nhi Việt Nam”. Tất nhiên, mọi sự khởi đầu đều có muôn vàn khó khăn, thiếu sót nhưng tôi nghĩ những điều đó sẽ cho tôi thêm kinh nghiệm để tổ chức những show diễn chỉn chu hơn trong tương lai. Tôi nghĩ mình đã thành công khi dám biến ước mơ, lý tưởng thành hiện thực. Những bước đi đầu tiên bao giờ cũng khó khăn, nhưng chẳng phải “Người ta đi mãi rồi thành đường thôi” đó sao?
HỎI ĐÁP NHANH
BAZAAR: Phong cách thời trang yêu thích của chị?
XUÂN LAN: Tối giản, không cần quá nhiều màu sắc, chi tiết hay họa tiết. Tôi thích ngắm nhìn những kỹ thuật ẩn sâu trong một bộ trang phục đẹp đẽ với những đường cắt cúp thượng thừa, đường may tài hoa.
BAZAAR: Nhà thiết kế thời trang chị yêu thích?
XUÂN LAN: Lanvin. Bản sắc đặc thù không thể thiếu trong thiết kế của Lanvin là sự sang trọng, lãng mạn và nữ tính tuyệt đối. Lanvin là người viết nên định nghĩa của “nữ tính” và thể hiện nữ tính bằng thời trang.
BAZAAR: Nếu phải đến một vùng đất xa lạ, chị sẽ mang theo món mỹ phẩm hay thời trang nào bên mình?
XUÂN LAN: Bé Thỏ! Xuân Lan chỉ xin mang cô con gái rượu bên mình.
BAZAAR: Điều gì làm nên sự đặc biệt của CA3?
XUÂN LAN: Các cô giáo tại CA3 đều có kỹ năng sư phạm. Chúng tôi tiếp cận và thấu hiểu các bé, cùng nhu cầu của các bé trước khi hướng dẫn kỹ năng trình diễn. Con nít tựa như một mặt gương soi tinh khiết, khi chúng ta kỳ vọng những điều đẹp đẽ ở các con, các con cũng sẽ phản hồi lại bằng những điều đẹp đẽ tương tự.
***
Ảnh: THÁI KID’S
Trang điểm: ĐINH TRẦN
Fashion Director: SARAH NGUYỄN.
Stylist: EMIL VY
Bài: QUỲNH HƯƠNG
Harper’s Bazaar Việt Nam