Khi đi tìm cảm hứng và chủ đề để vẽ tranh, có nhiều họa sỹ ưa chuộng cách lấy hiện thực để nuôi dưỡng sự sáng tạo cho tâm hồn. Có người lại để cho mộng ảo tuôn trào để tạo nên những kiệt tác đậm tính mỹ cảm. Họa sỹ Hồ Hữu Thủ rơi vào trường hợp thứ hai.
Tranh của ông thể hiện sâu sắc nhiều loại cung bậc cảm xúc phức tạp. Có lúc, tranh phản ánh sự khắc khoải của một tâm hồn chới với, những nỗi thất vọng, buồn đau. Lại có khi, những tác phẩm mang đầy chất thơ, cho thấy sự an nhiên, tĩnh lặng của tâm hồn người họa sỹ.
Thời niên thiếu gắn liền với sơn ta
Năm 1960, họa sỹ Hồ Hữu Thủ theo học khoa sơn dầu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia Sài Gòn sau vài năm học về trang trí nội thất, mỹ thuật ứng dụng trước đó. Từ khi tốt nghiệp năm 1964 đến nay, ông luôn trung thành với sơn ta.
Sơn ta là một chất nhựa được lấy từ cây sơn của Việt Nam. Sơn xuất hiện chủ yếu ở vùng Phú Thọ. Từ chất liệu ban đầu, họa sỹ sẽ pha với các bột màu tự nhiên để tạo thành màu vẽ. Cái độc đáo của sơn ta là pha với nước hay dầu đều được. Đặc biệt, sơn dùng càng lâu thì càng lên “màu thời gian” rất đẹp. Bên cạnh đó, sơn ta cũng là chất liệu được dùng phổ biến trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung tại Việt Nam.
Theo đó, các tác phẩm của họa sỹ Hồ Hữu Thủ ghi dấu bởi nét tự nhiên, ý nhị, đậm màu thời gian qua cách sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu sơn ta. Sinh ra và lớn lên ở Bình Dương – cái nôi của sơn mài mỹ nghệ truyền thống của miền Nam, không có gì lạ khi Hồ Hữu Thủ đam mê và theo đuổi chất liệu độc đáo này.
Thậm chí, Hồ Hữu Thủ còn từng nêu ý kiến muốn đổi tên sơn mài thành “sơn ta tổng hợp”. Bởi theo ông, “sơn mài” không nên bị trói buộc vào định kiến là phải luôn bóng và láng.
Giải tỏa cho tâm hồn bằng hội họa
Đối với họa sỹ Hồ Hữu Thủ, vẽ tranh là một sự giải tỏa cảm xúc cho tâm hồn. Thế giới nghệ thuật mà ông xây đắp nên mang đậm tính thăng hoa, giàu tính mỹ cảm.
Trước đây, các tác phẩm đa phần được vẽ theo phong cách siêu thực và lãng mạn. Sau đó, ông chuyển sang vẽ tranh trừu tượng. Tranh ít xuất hiện chi tiết, đường nét. Mà ngược lại, họa sỹ tạo nên cái hồn của cảnh vật bằng cách vẽ rất ít chủ thể. Sự cô đọng trong bố cục đã tạo nên đặc trưng riêng trong các tác phẩm của ông.
Chủ đề trong tranh của Hồ Hữu Thủ thường là người phụ nữ, hoa sen, mảnh trăng. Có lúc, các chủ thể này xuất hiện đơn lẻ. Đôi khi, chúng đi thành từng cặp hoặc thậm chí là bộ ba. Các cô gái khi thì quấn quít, lả lơi cùng nhau. Khi lại ngồi một mình ngắm trăng, toát lên vẻ đẹp cô đơn, bí ẩn, lạ kỳ và đầy sức hút.
Sáng tạo từ tâm thức
Họa sỹ Hồ Hữu Thủ quan niệm sáng tác tốt phải là sáng tác bằng tâm thức. “Tâm thức là nguồn sáng tạo cho mọi người”, ông nói. Họa sỹ Hồ Hữu Thủ thường sáng tạo trong “tâm thức thiền”. Đây là cách nói của kiểu vẽ không lấy cảm hứng hay ý niệm. Hay nói cách khác là vẽ với một tâm hồn như đang “thiền”.
Cái đẹp trong tranh của ông luôn ôn hòa và sâu lắng. Có ý kiến cho rằng, điều này cũng gần như sự an nhiên mà người Việt Nam có được khi nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Đây cũng là người nhạc sỹ mà họa sỹ Hồ Hữu Thủ rất thân thiết.
Hồ Hữu Thủ cắt nghĩa: “Để đi vào trạng thái vẽ vô niệm (không cảm hứng, không cảm xúc, không ý niệm…) thì người nghệ sĩ phải trải qua quá trình ý niệm nhiều lần rồi, đến khi làm chủ kỹ thuật và nguồn sáng tạo sẵn có thì mới vẽ sang vô niệm được. Khi sang vô niệm rồi thì giống như chỉ mở cánh cửa ra, lấy “tranh” ra bày lên mặt toan (mặt phẳng) một cách vô thức, không rào cản”.
Cùng với đó, trong nghệ thuật, họa sỹ Hồ Hữu Thủ vẫn luôn cố gắng bước ra khỏi những khuôn khổ, quy tắc thông thường để sáng tạo. “Tôi nói không dùng ý tưởng nữa, sáng tạo phải là cái mới hoàn toàn. Cái mới không được nằm trong đầu, chứ nằm trong đầu rồi thì là cũ. Sáng tạo là phải làm ra một chủ thể chưa từng có trong đời”, ông kết luận.
LEGENDARY: 10 NĂM HỌA SỸ NGUYỄN QUỐC HUY CHINH PHỤC SƠN MÀI
NGHỆ SỸ OANH PHI PHI MANG TRIỂN LÃM SƠN MÀI ĐẾN SÀI GÒN
Bài: Lý Đợi / Trinh Huỳnh
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam