MICHELLE OBAMA NÓI VỀ CẢM HỨNG VIẾT NÊN CUỐN TỰ TRUYỆN “BECOMING”

Trước ngày ra mắt tác phẩm hồi ký Becoming, Cựu Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama mở lòng với người bạn thân Oprah Winfrey. Họ nói về tình yêu, sự lãnh đạo và hành trình của bà từ khu Nam Chicago đến Nhà Trắng, và nhiều điều khác Nhiếp ảnh gia Miller Mobley

Michelle Obama Oprah

A HEARST SPECIAL EVENT – Cuộc trò chuyện giữa Michelle Obama và người bạn thân Oprah Winfrey

OPRAH WINFREY: Trước tiên tôi phải nói là không gì khiến tôi thích hơn khi được đọc một quyển sách hay. Khi đọc phần Lời tựa, tôi đã nhận ra hồi ký của bà là một quyển sách đặc biệt. Tôi rất tự hào về bà. Quyển sách vừa mềm mỏng, vừa thuyết phục, đầy quyền năng, nhưng lại nguyên bản. Hàng triệu người có lẽ đang thắc mắc không biết bà thế nào rồi, cuộc sống hậu Nhà Trắng ra sao…

MICHELLE OBAMA: À, tôi bắt đầu viết phần lời tựa trong những tuần đầu tiên sau khi chuyển nhà về Washington. Nhà mới chỉ cách Nhà Trắng vài dặm. Đó là một ngôi nhà bằng gạch, ngôi nhà bình thường đầu tiên mà tôi được ở sau tám năm.

OPRAH WINFREY: Phải, tám năm.

MICHELLE OBAMA: Mọi chuyện bắt đầu vào một trong những đêm đầu tiên tôi ở nhà một mình. Bọn trẻ ra ngoài chơi. Malia đang trong giai đoạn gap year của con bé. Barack đang đi du lịch. Đó là lần đầu tiên tôi ở nhà một mình. Chị biết đấy, làm Đệ nhất Phu nhân thì chị hiếm khi được ở một mình. Lúc nào cũng có người vây quanh chị, cả vệ sỹ nữa. Nhà Trắng có một tòa nhà đầy những anh chàng thuộc đội đặc nhiệm SWAT (người dịch: Special Weapons and Tactics). Chị không thể mở cửa sổ hay bước ra ngoài mà không gây ồn ào đâu.

OPRAH WINFREY: Thậm chí không được mở cửa sổ?

MICHELLE OBAMA OPRAH: Đúng vậy. Một hôm Sasha thử mở – đúng hơn là cả Sasha và Malia. Ngay lập tức điện thoại reng: “Đóng cửa lại!”.

Giờ tôi mới được ở trong nhà của mình, với hai chú chó cưng Bo và Sunny. Tôi xuống cầu thang, vào bếp, mở cửa tủ trong căn bếp của chính mình. Việc này tôi không làm được khi còn ở Nhà Trắng. Ở đó luôn có người hỏi: “Bà cần gì? Bà muốn lấy gì? Để tôi lấy cho bà”.

Bây giờ, tôi tự làm cho mình một chiếc bánh mì nướng với phô mai. Rồi tôi ra sân sau, ngồi xuống hiên nghe tiếng chó sủa từ xa vẳng lại. Tôi nhận ra Bo và Sunny trước giờ chưa từng nghe tiếng sủa của chó hàng xóm. Bọn chúng nghếch lên kiểu: “Tiếng gì thế?” Tôi gật gù: “Yep, chào mừng mấy cưng đến với thế giới thực”.

OPRAH WINFREY: Qua quyển sách, tôi có thể thấy tất cả những gì bà đã làm đều là bước chuẩn bị cho bà của ngày hôm nay và cả những năm sau. Tôi tin là thế.

MICHELLE OBAMA: Nó là như vậy nếu ta nghĩ vậy. Nếu ta nghiêm túc với bản thân, mỗi quyết định sẽ giúp ta tượng hình ra con người mà ta muốn trở thành.

OPRAH WINFREY: Đúng vậy, tôi thấy bà đã như vậy từ lớp Một. Bà luôn tích cực vươn lên với tinh thần A+++.

MICHELLE OBAMA: Nhìn lại mới thấy từ nhỏ, tôi đã sớm quan sát được tình hình và hiểu ra vấn đề. Bố mẹ tôi cho con cái tự do suy nghĩ và lên ý tưởng ngay từ hồi bé.

OPRAH WINFREY: Bố mẹ để cho bà và anh trai Craig tự nhận thức cuộc sống sao?

MICHELLE OBAMA: Ô vâng, ông bà thực sự đã làm vậy. Tôi đã sớm hiểu rằng cần phải đạt được thành tựu. Người ta luôn theo dõi trẻ con từ nhỏ. Nếu đứa trẻ không bộc lộ tiềm năng gì, lại còn là người da màu trong gia đình lao động ở khu Nam, thì sẽ bị gán ngay là loại chẳng làm nên trò trống gì. Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng tôi không chăm chỉ. Tôi không muốn bị đánh đồng với “đám trẻ con đó”. Đám “trẻ con hư hỏng”. Chẳng có trẻ con hư hỏng. Chỉ có những nghịch cảnh tồi tệ.

OPRAH WINFREY: Bà có một câu mà tôi rất thích. Tôi nghĩ nên in nó lên áo thun: “Thất bại chỉ là một cảm xúc bắt nguồn từ lâu, trước khi trở thành hiện thực. Nó chính là sự thương tổn cộng với thái độ thiếu tự tin, rồi bị sự sợ hãi thúc đẩy, mà thường là cố tình”. Thất bại chỉ là một cảm xúc bắt nguồn từ lâu trước khi trở thành hiện thực. Bà nhận thức được điều này từ khi nào?

MICHELLE OBAMA: Lớp Một. Tôi đã thấy sự chuyển biến của khu vực quanh nhà. Gia đình tôi đến đây vào thập niên ’70. Chúng tôi sống cùng bà dì trong căn hộ nhỏ xíu trên nhà của bà. Bà là giáo viên. Dượng gác cổng cho Pullman. Hai người mua được căn nhà trong khu vực đa phần là người da trắng. Căn hộ của chúng tôi bé tới nỗi phòng khách được chia thành ba “phòng”. Hai phòng cho tôi và anh Craig. Mỗi phòng có một cái giường đơn và ngăn cách bằng tấm vách gỗ. Làm gì có tường thật. Chúng tôi nói chuyện với nhau qua vách. Kiểu: “Craig?” “Gì đấy?” “Em dậy rồi. Anh dậy chưa?” Chúng tôi chơi ném vớ qua vách nữa.

Michelle Obama Oprah

MICHELLE OBAMA TRÒ CHUYỆN CÙNG OPRAH WINFREY. ẢNH: JASON SCHMIDT CHỤP CHO BAZAAR.

“Chúng ta phải trao cho các con niềm hy vọng. Không có thành tựu nào được làm nên từ nỗi sợ.”

—Michelle Obama

OPRAH WINFREY: Trong Becoming, bà vẽ nên một bức tranh thật đẹp về bà, anh trai và bố mẹ. Mỗi người trong gia đình đứng ở một góc của hình vuông.

MICHELLE OBAMA: Đúng vậy. Gia đình tôi sống bình dị, nhưng viên mãn. Chúng tôi chẳng đòi hỏi gì nhiều. Nếu chúng tôi làm tốt thì bởi vì chúng tôi muốn làm tốt. Phần thưởng chỉ là một bữa tối đi ăn pizza hay mấy viên kem.

Khu chúng tôi ở thoạt tiên toàn người da trắng. Đến khi tôi vào trung học, khu vực này trở thành khu của người Mỹ gốc Phi. Tôi bắt đầu cảm nhận hiệu ứng trong cộng đồng và trong trường học. Cái cảm nhận mà một đứa trẻ không được đầu tư sẽ không thể nhận ra. Ngay từ lớp Một, tôi đã thấy như thế rồi.

OPRAH WINFREY: Bà nói rằng bố mẹ đã đầu tư cho bà. Họ không mua nhà ở, cũng không đi nghỉ mát…

MICHELLE OBAMA: Bố mẹ cho chúng tôi tất cả. Mẹ tôi không đi làm tóc hay mua quần áo mới. Bố tôi đi làm ca. Bố mẹ tôi hy sinh tất cả cho các con.

OPRAH WINFREY: Lúc đó bà đã nhận ra sự hy sinh sao?

MICHELLE OBAMA: Bố mẹ tôi chẳng bao giờ để các con thấy có lỗi. Nhưng tôi có mắt chứ. Tôi thấy bố tôi mặc có mỗi một bộ đồng phục đi làm hàng ngày.

OPRAH WINFREY: Bố bà cũng lái chiếc Buick Electra 225, y như bố tôi.

MICHELLE OBAMA: Deuce and a Quarter.

OPRAH WINFREY: Deuce and a Quarter.

MICHELLE OBAMA: Lúc lái chiếc Deuce and a Quarter dạo quanh mấy khu phố đẹp hơn, nhìn ngắm mấy ngôi nhà khang trang hơn, cả nhà tôi cũng ao ước một chút. Nhưng với bố tôi, chiếc Deuce and a Quarter không chỉ là một chiếc xe. Bố tôi mắc chứng MS (Multiple Sclerosis – Đa xơ cứng). Có một thời gian ông đi lại khá khó khăn. Chiếc xe như đôi cánh của ông.

OPRAH WINFREY: Đúng thế.

MICHELLE OBAMA: Chiếc xe có siêu năng lực. Tôi gọi nó là viên con nhộng. Khi ngồi vào xe thì cả nhà sẽ nhìn thế giới theo cách khác.

OPRAH WINFREY: Tốt nghiệp trung học, bà lên trường Princeton, sau đó là Harvard Law School. Rồi bà làm việc cho công ty luật danh tiếng ở Chicago. Vậy mà hồi ký của bà viết: “Tôi ghét làm luật sư”.

MICHELLE OBAMA: Dũng cảm lắm tôi mới có thể nói điều ấy ra. Trong sách tôi mô tả con đường đứa bé khao khát thành đạt đã bước đi, và nhiều đứa trẻ hăng say khác cũng làm: đánh dấu những hạng mục. Đạt điểm tốt: đánh dấu. Vào trường tốt nhất, trường Princeton: đánh dấu. Vào rồi thì học gì? Ờ, học gì để có điểm cao mà còn vào trường luật: đánh dấu. Vào trường luật: đánh dấu.

Tôi không đi chệch hướng, cũng không muốn rủi ro. Tôi tự giới hạn bản thân để trở thành mẫu người mà tôi ao ước. Tôi đã mất nhiều – những mất mát ấy dẫn đến suy nghĩ: “Mình đã bao giờ nghĩ kỹ về hình tượng lý tưởng của mình chưa?” Chưa bao giờ. Lúc nghĩ vậy, tôi đang ngồi trên tầng 47 cao ốc văn phòng, kiểm tra các cáo trạng và ghi chú.

OPRAH WINFREY: Điều tôi thích nhất ở quyển sách chính là nó mang thông điệp: “Bạn có quyền thay đổi suy nghĩ của mình”. Bà có nỗi sợ nào không?

MICHELLE OBAMA: Sợ chết được. Mẹ tôi không bình luận về những lựa chọn của tôi. Bà theo kiểu hãy cố mà sống. Một lần, bà ra sân bay đón tôi sau khi tôi lập hồ sơ ở Washington D.C về. Tôi bảo bà: “Con không thể thế này cả đời được. Con không thể cứ chăm chăm vào đống giấy tờ”. Tôi không kể kỹ đâu, nhưng nản chết được. Lập hồ sơ. Thế là tôi kể với mẹ ở trong xe: “Con chẳng vui. Con không đam mê việc này”. Và mẹ tôi, người mẹ thản nhiên, hãy cố mà sống, của tôi nói: “Kiếm tiền đã. Nghĩ đến chuyện hạnh phúc sau”. Tôi chỉ biết: “Ồ, thôi được rồi”.

Câu nói của tôi có thể làm mẹ thấy tôi đang tự nuông chiều mình quá. Rồi tôi nghĩ: “Ôi chà, sao mình có thể có thứ đam mê xa xỉ như thế?” Mẹ tôi không có được điều ấy. Mãi đến khi anh em tôi vào trung học, bà mới bắt đầu tìm lại chính mình. Cuộc sống quá khắc nghiệt với bà. Thế rồi tôi gặp Barack Obama.

OPRAH WINFREY: Barack Obama.

MICHELLE OBAMA: Anh ấy khác hẳn loại những đứa trẻ đánh dấu các hạng mục. Anh ấy tha hồ chệch hướng.

OPRAH WINFREY: Bà mô tả sự gặp gỡ với ông ấy thế này: “Tôi cẩn trọng xây dựng đời mình. Tôi sắp xếp mọi thứ thật ngăn nắp, như thể xếp miếng giấy origami thật chính xác… Anh ấy giống một cơn gió đe dọa phá bung tất cả”. Hồi đầu, bà không thích bị phá bung.

MICHELLE OBAMA: Ồ không, không đâu.

OPRAH WINFREY: Có đoạn này làm tôi cười chết:”Tôi tỉnh dậy trong đêm, thấy anh ấy nhìn chằm chằm lên trần nhà. Ánh đèn ngoài đường hắt lên gương mặt căng thẳng. Anh đang suy tư điều gì? Tình cảm của chúng tôi? Hay về người cha quá cố? Tôi thì thào: ‘Anh nghĩ gì vậy?’ Anh ấy quay qua nhìn tôi, cười bẽn lẽn: ‘A, anh đang nghĩ về sự bất công trong chế độ lương bổng’ “.

MICHELLE OBAMA: Chồng tôi là vậy đấy.

Michelle Obama Oprah

CỰU ĐỆ NHẤT PHU NHÂN TRONG CĂN PHÒNG ĐỎ Ở NHÀ TRẮNG

OPRAH WINFREY: Bà rất cởi mở khi chia sẻ về quan hệ tình cảm cá nhân. Từ màn cầu hôn cho đến những khác biệt giữa hai người hồi đầu cuộc hôn nhân. Bà viết: “Tôi nhận ra những câu như ‘Anh đang về’ hay ‘Sắp tới nhà rồi’ chỉ là nói cho tôi vui. Tôi đã tin những lời đó một thời gian. Tôi tắm cho bọn trẻ, nhưng chưa cho đi ngủ vội. Chờ bố về cho ôm bố một cái”. Bà tả cảnh chờ Barack: “Anh bảo: ‘Anh đang về, anh đang về’.”. Anh không về. Bà tắt đèn. Tôi như nghe được tiếng công tắc. Bà đi ngủ trong giận dữ.

MICHELLE OBAMA: Tôi giận mà. Khi ta kết hôn và có con, mọi kế hoạch lại bị đảo lộn hết cả. Nhất là khi sự nghiệp của chồng cuốn sạch mọi thứ. Chính trị là vậy đó. Barack Obama dạy tôi cần đi chệch hướng. Nhưng cách chệch hướng của anh ấy làm tôi vật vờ trong gió. Tôi có hai đứa con và phải cố gắng thu xếp mọi thứ. Barack thì như con thoi giữa Washington hay Springfield. Anh ấy lạc quan về thời gian lắm (cười). Anh cứ tưởng anh có nhiều thời gian hơn thực tế nên cứ lấp đầy nó liên tục.

Barack Obama như nghệ sĩ xiếc biểu diễn xoay đĩa trên đầu gậy. Trò chơi chỉ thú vị khi những cái đĩa sắp rơi. Là một cặp, chúng tôi phải cải thiện tình hình. Chúng tôi phải đến chuyên gia tư vấn để được hỗ trợ vượt qua tình cảnh ấy.

OPRAH WINFREY: Vậy ông ấy đã tranh luận, hay thảo luận, với bà thế nào mà bà đồng ý cho ông ấy tranh cử tổng thống? Trong sách bà viết rằng cứ ai hỏi, Barack đều bảo đó là quyết định của cả gia đình. Nghe như kiểu: “Nếu Michelle đồng ý, thì tôi có thể làm”.

MICHELLE OBAMA: Chị tưởng tượng phải mang gánh nặng ấy. Anh ấy làm được không? Nên làm không? Sẽ làm không? Chuyện này bắt đầu từ hồi Barack ứng cử thống đốc bang Illinois. Rồi anh ấy ứng cử vào Quốc hội, rồi Thượng viện Mỹ. Barack là người lịch thiệp và thông minh. Chính trị thì xấu xí và lắm khi tồi tệ. Tôi không biết tính bồn chồn của anh ấy có làm mọi thứ rối lên không. Tôi không muốn thấy anh ấy trong môi trường đó.

Nhưng mặt khác, tôi thấy thế giới và những thử thách mà chúng ta đang đối mặt. Sống càng lâu, đọc càng nhiều, ta sẽ thấy có quá nhiều vấn đề to lớn và phức tạp. Rồi tôi nghĩ: “Tôi đã gặp người đàn ông nào khác có những tài năng như của anh không?” Sự thanh lịch, tử tế, lòng cảm thông và sự thông thái. Anh ấy đọc gì nhớ nấy. Khả năng hùng biện. Đã cống hiến cho cộng đồng và luôn nhiệt tình kiểu như: “Đây là trách nhiệm của tôi”. Làm sao chị có thể nói không? Nên tôi đã thoát ra khỏi vai trò người vợ, đặt mình vào vị trí công dân và đồng ý.

OPRAH WINFREY: Bà có thấy áp lực khi gia đình mình là Đệ nhất gia đình da màu đầu tiên?

MICHELLE OBAMA: Ô hô! [cười]

OPRAH WINFREY: Ô hô! Chúng ta được dạy rằng phải nỗ lực gấp đôi người khác nếu muốn được hưởng bằng phân nửa họ. Khi bà ra, tôi đang nói: “Bà ấy kỹ tính lắm, một bước cũng không sai”.

MICHELLE OBAMA: Chị có nghĩ đó chỉ là sự tình cờ?

OPRAH WINFREY: Tôi không nghĩ vậy. Nhưng bà có thấy bị áp lực không?

MICHELLE OBAMA: Áp lực từ giây phút đầu tiên khi quyết định tranh cử. Phải thuyết phục ngay từ gốc rằng người da đen có thể chiến thắng. Thậm chí chưa phải Iowa, mà phải thuyết phục ngay trong cộng đồng người da màu. Những người lớn tuổi như ông bà tôi không bao giờ tin. Họ rất muốn chúng tôi chiến thắng, nhưng cuộc sống đã dạy họ: “Không. Không bao giờ được”. Hillary vẫn phù hợp hơn với họ, vì bà nổi tiếng.

OPRAH WINFREY: Đúng vậy.

MICHELLE OBAMA: Mở lòng hy vọng nước Mỹ sẽ gạt bỏ sự kỳ thị chủng tộc để bầu một người da màu. Nghe đau lắm. Chỉ khi Barack thắng ở Iowa, mọi người mới nghĩ: “Có thể được”.

OPRAH WINFREY: Một đoạn trong cuốn sách đề cập đến vấn đề mà khối kênh tin tức sẽ chọc vào. Bà viết về việc Donald Trump tung tin chồng bà không sinh ra tại Mỹ. Bà viết: “Donald Trump, với thói ồn ào và bóng gió khinh suất, đã đe dọa an toàn của gia đình tôi. Vì vậy, tôi không bao giờ tha thứ cho ông ta”. Tại sao bà lại đề cập đến chuyện đó vào lúc này?

MICHELLE OBAMA: Tôi nghĩ ông ta không hiểu việc ông ta làm. Ông ta thấy như trò đùa. Người lãnh đạo quốc gia thường xuyên đối mặt với nguy hiểm cả trong và ngoài nước. Con cái họ bị đe dọa. Nghĩ xem, có kẻ điên nào đó tưởng tượng chồng tôi là mối đe dọa quốc gia. Các con tôi đi học, chơi thể thao, đi tiệc… Ông ta không hiểu đây không phải là trò chơi. Tôi mong cả nước hiểu. Trước đây tôi đã không làm lớn chuyện, nhưng giờ thì tôi nói. Phát ngôn như vậy thì quá ẩu, gây nguy hiểm cho gia đình tôi. Đó là điều bịa đặt. Ông ta biết đó chỉ là bịa đặt.

OPRAH WINFREY: Đúng vậy.

MICHELLE OBAMA: Một viên đạn bay vào Phòng Bầu dục Vàng khi chúng tôi ở Nhà Trắng. Một kẻ khùng từ Đại lộ Hiến pháp bắn vào. Viên đạn trúng góc trên cửa sổ Ban công Truman, nơi gia đình tôi thường ngồi. May lúc đó không có ai. Người ta bắt được kẻ bắn súng. Tôi cứ nhìn cái lỗ đạn đó để cảm nhận được thực tế cuộc sống của gia đình mình.

OPRAH WINFREY: Bà kết thúc cuốn sách bằng cách viết về giá trị trường tồn. Bà nói bà luôn lạc quan: “Tôi giữ cho mình sự kết nối với một sức mạnh quyền lực hơn bất cứ cuộc bầu cử nào, vị lãnh đạo nào, hay dư luận nào – đó là sự lạc quan.Với tôi, đây là niềm tin, là thuốc chống bệnh sợ”. Bà có cảm thấy đất nước của chúng ta có sự lạc quan đó?

MICHELLE OBAMA: Có. Chúng ta phải lạc quan. Vì các con. Chúng ta bày bàn ăn cho chúng, vậy không được đãi chúng bằng các món tầm bậy. Hãy mang hy vọng cho chúng. Nỗi sợ không mang đến sự tiến bộ. Chúng ta đang trải qua giai đoạn đó. Lãnh đạo bằng cách làm mọi người sợ hãi là hèn hạ. Trẻ con sinh ra với hy vọng và lạc quan, bất kể nguồn gốc và môi trường sống. Chúng ta dạy con cái rằng chúng sẽ đạt được ước mơ. Vậy chúng ta phải lạc quan. Và phải điều hành thế giới theo cách ấy.

OPRAH WINFREY: Bà vẫn cảm thấy lạc quan cho đất nước của chúng ta?

MICHELLE OBAMA: [Ngấn nước mắt] Phải như vậy thôi.

***

ALL-STAR. TUNIC, PROENZA SCHOULER.
HOA TAI, JENNIFER FISHER.
DÂY CHUYỀN, SOPHIE BUHAI.
LÀM TÓC: YENE DAMTEW.
TRANG ĐIỂM: CARL RAY.
BIÊN TẬP THỜI TRANG: MEREDITH KOOP

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm

Nhân vật

MICHELLE OBAMA NÓI VỀ CẢM HỨNG VIẾT NÊN CUỐN TỰ TRUYỆN “BECOMING”
Michelle Obama
  • Tên đầy đủ: Michelle LaVaughn Robinson Obama
  • Chiều cao: 1.80m
  • Học vấn: Harvard University (1985–1988), Princeton University (1981–1985), Whitney Young Magnet High School (1977–1981)
Năm sinh : 17-1-1964
Nơi sinh : Chicago, Illinois, Mỹ
Lĩnh vực hoạt động/nghề nghiệp : Luật sư, nhà văn
Gia đình: Chồng Barack Obama. Con Malia Ann Obama, Sasha Obama
Thành tựu chính
    • Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ từ năm 2009 đến năm 2017.