Andres Aquino rất thích dùng cụm từ “beautiful”. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi tiếp xúc, tôi đã nhận ra điều đó. Có lẽ vì vậy mà cả cuộc đời ông được cống hiến cho những giá trị mà ông đánh giá là beautiful. Sinh ở Dominican Republic “vài mùa xuân trước”, theo cách ông tự giới thiệu, Aquino hiện sống ở New York, Mỹ, và đi khắp thế giới tìm cảm hứng cho những dự án mới của mình.
Tôi gặp ông một buổi chiều mùa mưa ở Thảo Điền Village, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh. Ông mặc chiếc áo sơ mi hồng, đầu đội nón, ngồi xuề xòa uống nước trên chiếc ghế cạnh hồ bơi, ngắm nhiếp ảnh gia Huy Trần chụp hình cho Angelia Ong, Hoa hậu Trái đất năm 2015. Cô đang mặc một bộ trang phục trong sưu tập thời trang mới nhất của ông. Nó được thiết kế để trình diễn trong cuộc đua Thể Thức 1 tại Monaco hồi tháng 6.
Ông là nhà thiết kế của thương hiệu thời trang Andres Aquino. Là ông chủ và nhà sản xuất của New York Couture Fashion Week và Global Short Film Awards Festival tại Cannes, vậy nhưng ông khiêm nhường và thân thiện, chứ không bóng bẩy như những tài sản mà ông đang nắm giữ.
Sinh ra, ông đã có cái máu làm giải trí. Bảy tuổi, ông tham gia chương trình đầu tiên trên radio. Gia tài hoạt động giải trí của ông có đủ món: sân khấu, truyền hình, âm nhạc, người mẫu. Aquino là nhà tạo mẫu thời trang, người sản xuất chương trình nghệ thuật, người làm phim, và trên hết, ông là một doanh nhân rất thành đạt.
Hỏi cảm nghĩ của ông khi đến Việt Nam lần đầu tiên, ông ngạc nhiên thấy thời tiết, cảnh quan ở đây rất giống với Dominican Republic, nơi ông sinh ra. Cầm tấm danh thiếp của ông, tôi cười cười, hỏi lấp lửng: “Cái họ Aquino của ông nghe rất Philippines. Có khi nào ông là họ hàng với cựu tổng thống Benigno Aquino của Philippines không đấy?” Ông cười phá lên: “Không”. Rồi ông thêm: “Cứ ai làm được chuyện gì tốt thì tôi sẽ nhận họ hàng, còn nếu không là tôi không liên quan gì đâu nhé”.
Gương mặt lớn của thời trang
Những dự án của Andres Aquino trải rộng trên nhiều lĩnh vực, vì thế thật khó mô tả nghề nghiệp của ông. Andres Aquino từng là nhiếp ảnh gia và đã đi khắp thế giới chụp hình người mẫu. Là nhà thiết kế và thương hiệu thời trang cao cấp Andres Aquino được coi là “wearable couture”. Ông là nhà sản xuất New York Couture Fashion Week hai mùa mỗi năm, bắt đầu từ năm 2003, đến nay đã 15 năm. Andres Aquino không xa lạ gì với nhiều người trong giới thời trang Việt. Bởi ông đã tạo điều kiện cho nhiều người mẫu chiến thắng tại Vietnam’s Next Top Model xuất hiện trên sàn diễn New York Couture Fashion Week của mình. Từ bệ phóng ban đầu đó, nhiều bạn giờ đã tìm được chỗ đứng trong làng người mẫu quốc tế.
“Có lẽ khoảng 5 hay 6 top model của Vietnam’s Next Top Model đã trình diễn trong show của tôi. Tôi muốn mang nhiều nét đa dạng và tổng thể đến với show của tôi. Đa số dân chúng thế giới là người châu Á, nhưng sự hiện diện của họ trong thời trang rất nhỏ. Tôi muốn phá vỡ điểu đó. Tôi muốn thêm nhiều nhà thiết kế và người mẫu châu Á”, ông chia sẻ.
Triết lý của ông về cái đẹp?
“Cái đẹp không giới hạn ở một khu vực của hành tinh hay trong một tộc người. Nó có tính phổ biến, bao quát, đồng thời có tính địa phương. Cái đẹp ở nơi này có thể không được coi là đẹp ở nơi khác, nhưng cũng có những quan niệm về cái đẹp được cả thế giới chấp nhận. Khi tôi mang tất cả những người xinh đẹp này về bên nhau, họ sẽ hiểu rõ giá trị của nhau hơn nữa”.
>> Xem thêm: Lý Giám Tiền mang bộ sưu tập Dark Raven trình diễn tại New York Couture Fashion Week
Gương mặt lớn của điện ảnh
Không dừng lại ở thời trang, từ năm 2015, Andres Aquino bước chân vào cuộc chơi với điện ảnh. Cuộc chơi nào của ông cũng ở tầm vóc lớn, vì thế Global Short Film Awards Festival (GSF) ra đời. Liên hoan phim này được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes mỗi năm.
Tôi tranh thủ xin ông lời khuyên cho các thí sinh cuộc thi phim ngắn 321 Action đang tổ chức tại Việt Nam. Ông bảo: “Phim ảnh chuyển tải kinh nghiệm sống. Làm phim là kể chuyện. Người làm phim kể những câu chuyện gần gũi với cuộc sống của chính họ, xảy ra trong môi trường sống riêng của họ”. Ông mong sẽ có thêm nhiều nhà làm phim từ châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng, đến với GSF nhiều hơn nữa.
Có nhiều bộ phim xuất sắc được làm với số tiền đầu tư rất nhỏ. Vì sao? Bởi khi có ít tiền, người ta thường trở nên sáng tạo hơn
Hỏi ông làm sao các bộ phim này có thể thắng giải ở GSF, ông bảo: “Đơn giản thôi, nhà làm phim phải là người kể chuyện giỏi. Phim chẳng qua là kể chuyện bằng hình ảnh. Hãy kể câu chuyện về con người, thế đã đủ lý thú. Đừng bắt chước người khác, hãy kể câu chuyện của chính bạn”.
Hỏi ông có cần máy móc tối tân mới quay được phim đi dự GSF không, ông bảo không cần. Ở GSF có thể loại phim quay bằng mobile phone. “Có nhiều bộ phim xuất sắc được làm với số tiền đầu tư rất nhỏ. Vì sao? Bởi khi ít tiền, người ta sáng tạo hơn”, ông khuyên.
Kết thúc câu chuyện, ông cho tôi xem một sản phẩm mới của ông: chiếc điện thoại cầm tay Q-Phone. Tôi tò mò: “Điện thoại cầm tay? Là fan của iPhone, tôi không biết sản phẩm của ông có gì hơn iPhone?” Aquino cười: “Tôi không cần nói gì đâu, cô cứ xem đi”. Cầm chiếc điện thoại của ông lên, tôi lập tức… choáng. Trên màn hình là bộ phim Avatar ở định dạng 3D. Tôi gào lên: “Tôi không tin. Sao tôi không cần đeo kính mà vẫn xem được 3D?”
Ông cười, nụ cười sáng rỡ: “Điện thoại cầm tay 3D sẽ là công nghệ của tương lai”.
THÔNG TIN THÊM
• Điện thoại cầm tay Q-Phone không những xem được video ở định dạng 3D không cần đeo mắt kính, mà còn quay được phim 3D.
• Q-Phone sẽ được tung ra vào mùa hè 2018 với giá rẻ, chỉ khoảng 750 đô la Mỹ.
Bài: TRẦN NGUYỄN THIÊN HƯƠNG
Ảnh: JEAN-DANIEL LORIEUX, HUY TRẦN
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 7/2018