Khi nhắc đến đam mê hội họa, hẳn ai cũng nghĩ đến họa sỹ. Nhưng có người lại chọn cách chia sẻ tình yêu nghệ thuật của mình qua việc lan tỏa tác phẩm hội họa và thông tin về nghệ thuật đến với số đông. Đó là anh Việt Phạm (tên đầy đủ: Phạm Hà Anh Việt). Việt Phạm là nhà sáng lập Artcific, một nền tảng kết nối gallery và nghệ sĩ với nhà sưu tập.
Tiếp cận nghệ thuật từ khi còn ở châu Âu
Trước khi về Việt Nam, Việt Phạm có hơn tám năm sống và làm việc tại châu Âu. Đối với anh, đây là mối duyên lớn nhất của cuộc đời. Tại châu Âu, chàng trai trẻ thường xuyên đến các viện bảo tàng, phòng tranh, các buổi đấu giá. Việt Phạm bắt đầu say mê nghệ thuật từ đây.
Ngoài yêu nghệ thuật, Việt còn say mê công nghệ. Trong những năm tháng ở châu Âu, anh đã tạo nên ứng dụng GoEat Me, giúp hàng triệu bạn trẻ tại châu Âu khám phá ẩm thực một cách dễ dàng hơn.
Tại cựu lục địa, Việt Phạm trải nghiệm một nền nghệ thuật đương đại phát triển. Người yêu nghệ thuật có thể tìm kiếm, khám phá và sưu tầm các tác phẩm một cách dễ dàng. Nhưng nghệ thuật ở Đông Nam Á và Việt Nam lại khác.
Việt bộc bạch: Nói riêng về Đông Nam Á, những nhà sưu tập, muốn mua và tìm hiểu thông tin về tranh không có nhiều lựa chọn. Ở chiều ngược lại, các nghệ sỹ mới và các tác phẩm nội địa cũng không được biết đến rộng rãi. Anh nhận thấy nghệ thuật nước nhà đang thiếu một cầu nối. Từ suy nghĩ này, khi về Việt Nam, Việt Phạm đã kết hợp tình yêu công nghệ và nghệ thuật, để sáng lập nên nền tảng Artcific.
Artcific, nơi kết nối những người yêu nghệ thuật
Chia sẻ về Artcific, Việt Phạm bảo:
“Tôi cho rằng ngoài việc bảo toàn các tác phẩm từ thời Mỹ thuật Đông Dương và tự hào với Bộ Tứ (nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn), thì chúng ta phải song song phát triển các nghệ sỹ đương đại. Vì đó mới là thế hệ của tương lai.
Cái chúng ta thiếu là những tiếng nói trẻ trung từ thế hệ mới. Nền nghệ thuật nước nhà vẫn còn tư duy và cách làm của thế hệ cũ. Ngành nghệ thuật nước nhà cần phải thoát khỏi vùng an toàn, tiếp thu những cái mới”.
Khi sáng lập nên Artcific cùng bạn bè, Việt Phạm mong muốn tạo ra sân chơi cho các nghệ sĩ châu Á. Đây cũng là nơi kết nối các nhà sưu tập, và là “nơi lưu trữ dữ liệu nghệ thuật cho một thị trường đang bị bỏ ngỏ”. Một trong những hoạt động nổi bật của Artcific vừa qua chính là đấu giá tranh gây quỹ cho Bệnh viện thu dung số 6.
Mùa dịch, nhu cầu vật tư y tế thiết yếu, khẩu trang, thuốc kháng đông máu… ngày càng tăng cao đến mức ngặt nghèo. Khởi phát từ nhu cầu đó, Artcific tổ chức sự kiện đấu giá nghệ thuật.
Chỉ sau ba ngày khởi xướng, dự án đã nhận được hơn 30 tác phẩm cho hai phiên đấu giá tranh thiện nguyện. Các nghệ sỹ tham gia đóng góp đến từ cả nước. Đó là: Nguyễn Ngọc Liêm, Trần Nguyễn Trung Tín, Mai Tạ, Phúc Văn Đặng, Bùi Quốc Dũng…
Việt Phạm với mong ước mang nghệ thuật đến với nhiều người hơn
Với kiến thức và kinh nghiệm nghệ thuật đương đại từ châu Âu, Việt Phạm cho rằng hoạt động đấu giá từ thiện nghệ thuật không quá lạ lẫm với Việt Nam. Tuy nhiên, các buổi đấu giá quy mô đang dần ít đi vì dịch bệnh, thiên tai, sức mua giảm.
“Quy mô nhỏ dẫn đến các nhà tổ chức không có đủ kinh phí, động lực để tổ chức liên tục”.
Với sở thích và kiến thức về các hoạt động trên nền tảng số như website, mạng xã hội, mobile app, Việt Phạm tham vọng trong tương lai, Artcific có thể hướng đến tổ chức các hoạt động đấu giá và mua bán ngoài biên giới.
Hiện nay, trên trang web của Artcific, bạn có thể tìm thấy nhiều tranh do các họa sĩ trẻ triển vọng như Đào Văn Hoàng, Nguyễn Ngọc Liêm, Thế Thông, Nguyễn Hoàng Ngân. Bên cạnh đó, thông tin về các gallery, sự kiện nghệ thuật trên thế giới và trong nước cũng được cập nhật liên tục và đa dạng để người xem có thể tìm đến dễ dàng.
Chia sẻ về nghệ thuật đương đại, Việt Phạm bảo: “Nghệ thuật rất khó nói. Mỗi người có một “gu” cảm nhận khác nhau. Cái “gu” đó đến từ trải nghiệm của bản thân, cuộc sống, xã hội, tâm tính và góc nhìn của từng người”. Nếu như tôi được phép đưa ra lời khuyên, hãy đọc về nghệ sĩ, hãy tìm hiểu về tác phẩm để cảm được tác phẩm theo hướng riêng nhất của bản thân. Và nếu bạn đã thích, hãy sở hữu. Hãy đến xem tác phẩm nếu có thể, vì đó là tác phẩm bạn sẽ ngắm nhìn hằng ngày. Dù công nghệ có phát triển đến bao nhiêu thì cũng không thể thay thế được tác phẩm gốc”, Việt Phạm chia sẻ vào cuối buổi trò chuyện.
“Tôi biết rằng độc giả của Harper’s Bazaar là những người yêu cái đẹp và thích sự sáng tạo. Chúng tôi muốn mời bạn đồng hành cùng Artcific để đi tìm cái đẹp của ngành nghệ thuật với các hoạt động sáng tạo của đội ngũ chúng tôi trong quãng thời gian sắp tới”
THÔNG TIN CHO BẠNBạn có thể chiêm ngưỡng, tìm mua các tác phẩm nghệ thuật tại www.artcific.com. Artcific hiện cũng có mặt trên Appstore để giúp các nhà sưu tập và công chúng yêu nghệ thuật khám phá tranh với công nghệ AR. |
ARTCIFIC ĐẤU GIÁ THIỆN NGUYỆN TRANH NGHỆ THUẬT GÓP QUỸ MUA VẬT TƯ Y TẾ CHO SÀI GÒN
TRIỂN LÃM TRANH NGUYỄN NGỌC LIÊM NGẮM NHÌN “TĨNH LẶNG” TỪ ĐỒNG BẰNG ĐẾN NÚI CAO
Bài: Trinh Huỳnh
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam