Vua Charles III – vị tân vương bị hiểu lầm của nước Anh

Nữ hoàng Elizabeth qua đời, Thái tử Charles trở thành vua của Vương quốc Anh. Mọi người đều đặt ra hoài nghi về ông – thành viên hoàng gia ít được truyền thông nhắc đến. Liệu khi trị vì ông có đối mặt xử lý tốt những khủng hoảng căng thẳng hoàng gia đang xảy ra?

Tân quốc vương Charles III, vị vua của Vương quốc Anh kế vị ngai vàng. Ảnh: Getty Images

Ngày Thứ Bảy, 10/9, thái tử Charles chính thức trở thành vị vua mới của Vương quốc Anh, mang tước hiệu Charles III. Tuy lễ đăng quang của ông chưa được tổ chức chính thức, cuộc hành trình của vị quân chủ mới hẳn sẽ không thể tránh khỏi trường hợp ít được hoan nghênh hơn mẹ của mình, cố nữ hoàng Elizabeth II.

Ông từng bị giới truyền thông mổ xẻ không thương tiếc vì tư duy đi trước thời đại về biến đổi khí hậu – là một nhà môi trường học, ông ủng hộ nông nghiệp hữu cơ và phê bình thực phẩm biến đổi gen. Và cũng bị nhiều người ghét vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc với cố công nương Diana. Vào năm ngoái, ông chỉ nhận được 11% sự yêu thích trong cuộc khảo sát về hoàng gia Anh.

Nhưng đằng sau những lời chê bai, Charles là một vị vua giàu lòng trắc ẩn và ông tự tin tiến đến vị trí đã dành cả cuộc đời để chuẩn bị.

Charles III dành cả đời để chuẩn bị cho ngôi vị vua Vương quốc Anh

Nữ hoàng Anh Elizabeth II ôm con trai đầu lòng cạnh chồng là hoàng thân Philip. Ảnh: Getty Images

Charles Philip Arthur George được sinh ra tại Cung điện Buckingham vào ngày 14 tháng 11 năm 1948, vào năm thứ 12 dưới triều đại của ông nội là Vua George VI. Ngay từ khi sinh ra, ông được chăm chút để trở thành vua. Khi chỉ mới 3 tuổi, ông trở thành người thừa kế sau khi mẹ ông trở thành hoàng hậu vào năm 1952.

Cách nuôi dạy của Charles luôn khác với các vị vua tương lai trước đó. Những người đi trước thường được giáo dục bởi các gia sư riêng. Nhưng Charles đã theo học các trường nội trú từ khi còn nhỏ. Đầu tiên, ông theo học trường Hill House ở Tây London trước khi trở thành học sinh nội trú tại Trường Cheam ở Berkshire (nơi từng được theo học bởi cha ông là Hoàng tử Philip). Sau đó, ông được gửi đến Gordonstoun, một trường nội trú có tiếng hà khắc ở Scotland. Charles từng mô tả khoảng thời gian ở đó như địa ngục: Cô đơn và bị bắt nạt.

Charles ngày vào học ở trường nội trú Gordonstoun, 1962. Ảnh: Getty Images

Sau đó, Charles quyết định sẽ theo học đại học – điều mà những người thừa kế trước chưa từng làm. Phá vỡ truyền thống một lần nữa, ông đến Đại học Trinity, Cambridge, để nghiên cứu khảo cổ học và nhân chủng học vật lý và xã hội nhưng sau đó chuyển sang lịch sử.

Trong thời gian học tập, ông chính thức trở thành Hoàng tử xứ Wales, tại một buổi lễ trang trọng vào năm 1969. Đó là danh hiệu theo truyền thống do người thừa kế ngai vàng nắm giữ. Ông đã trải qua chín tuần tại một trường đại học xứ Wales, nơi ông nói rằng ông phải đối mặt với sự phản đối gần như hàng ngày từ những người theo chủ nghĩa dân tộc. Vào năm sau, ông trở thành người thừa kế đầu tiên của Anh được cấp bằng đại học.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II trao vương miện cho thái tử Charles, 1969. Ảnh: Getty Images

Khi còn là một hoàng tử trẻ, Charles có diện mạo bảnh bao, thích trượt tuyết, lướt sóng và lặn biển. Ông còn nổi tiếng là một tay chơi polo nhạy bén và cũng đã từng cưỡi ngựa trong một số cuộc đua cạnh tranh.

Giống như nhiều thành viên hoàng gia, ông gia nhập lực lượng vũ trang. Ban đầu là Không quân Hoàng gia vào năm 1971 và sau đó là Hải quân, thăng quan các cấp bậc để chỉ huy tàu quét mìn HMS Bronington và kết thúc hoạt động tại ngũ vào năm 1976.

Thái tử Charles cưỡi ngựa cùng em gái là công chúa Anne, 1969. Ảnh: Getty Images

Năm 1979, chú cố của ông, Lord Mountbatten, người mà ông mô tả là “người ông mà tôi chưa từng có”, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom của Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA), một mất mát đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông. “Có vẻ như nền tảng của tất cả những gì chúng ta yêu quý trong cuộc sống đã bị xé nát không thể chữa lành được”, ông từng nói.

Khi rời Hải quân vào năm 1976, ông phải loay hoay tìm kiếm một chỗ đứng trong cuộc sống cộng đồng vì không có công việc hợp pháp rõ ràng nào cho người thừa kế. “Đó là điều khiến nó trở nên thú vị, đầy thử thách và tất nhiên là phức tạp,” ông nói về vai diễn trong bộ phim tài liệu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của mình. Đến nay, ông cũng là người giữ vị trí thái tử lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh.

Bị chỉ trích vì cuộc hôn nhân với cố công nương Diana và tình yêu với Camilla Parker Bowles

Có thể thấy Charles là một vị thái tử thông minh, tài giỏi, có học cao. Tuy nhiên, lý do chính nhất khiến ông bị các thần dân xa lánh chủ yếu vì ly hôn với Diana – cố công nương được hàng triệu người yêu mến.

Hôn lễ năm 1981. Ảnh: Anwar Hussein/Getty Images

Khi ông và Diana Spencer kết hôn vào năm 1981, khoảng 750 triệu khán giả truyền hình toàn cầu chứng kiến hôn lễ mộng mơ. Diana là con dâu hoàng gia hoàn hảo: Xuất thân quý tộc từ gia tộc Spencer, mang vẻ đẹp ngây thơ của một bông hồng nước Anh, và năng nổ hoạt động xã hội. Cặp đôi hoàng gia có chung hai con trai William và Harry lần lượt sinh năm 1982 và 1984.

Tuy nhiên, điều thực tế ít ai biết lúc ấy là trước hôn nhân, thái tử Charles đã yêu say đắm một cô gái khác, Camilla Parker Bowles. Tuy nhiên mối tình bị ngăn cản vì Camilla đã một lần ly hôn. Theo nghĩa vụ của một thái tử, ông chấp nhận hôn nhân với Diana, nhưng chưa bao giờ trao tim mình cho cố công nương.

Cuộc hôn nhân không hạnh phúc này khiến Diana đổ lỗi cho Camilla trên sóng truyền hình: “Có ba người trong cuộc hôn nhân này”. Dù vậy, khi đó Charles cho biết ông vẫn chung thủy “cho đến khi cuộc hôn nhân tan vỡ, không thể cứu vãn”. Cả hai ly hôn vào năm 1996.

Công nương Diana, Thái tử Charles bên hoàng tử William và Harry. Ảnh: Shutterstock

>>> XEM THÊM: GIÀY CƯỚI CỦA CÔNG NƯƠNG DIANA CHỨA ĐỰNG THÔNG ĐIỆP BÍ MẬT GỬI THÁI TỬ CHARLES

Một năm sau đó, khi Diana tử vong trong vụ tai nạn ô tô ở Paris báo chí đã phản đối ông và Camilla gay gắt và tiếng nói của ông cũng đã giảm xuống. Phải mất nhiều năm, nhiều người ở Anh mới tha thứ cho Charles vì ​​thừa nhận sự không chung thủy của mình với Diana trước khi “công chúa quốc dân” qua đời.

Mất rất lâu về sau để vị thế của ông được cải thiện. Năm 2005, ông chính thức kết hôn với tình yêu của mình. Người phụ nữ đã trải qua dư luận của công chúng một thời gian dài. Về sau, phong cách dễ gần của vương hậu cũng đã được sự chấp nhận và khen ngợi.

Hôn lễ năm 2005 giản dị của vua Anh tương lai Charles III và Camilla. Bà được phong tước vị nữ công tước xứ Cornwall. Ảnh: Getty Images

Những đóng góp quan trọng cho nước Anh của vua Charles III

Là một cậu bé nhút nhát với người cha độc đoán, Charles lớn lên thành một người đàn ông đôi khi vụng về nhưng lại luôn tự tin vào ý kiến ​​của chính mình. Không giống như mẹ Elizabeth II, người luôn từ chối công khai quan điểm cá nhân, vua Charles III từ khi còn là thái tử đã có các bài phát biểu rành mạch về các vấn đề như: biến đổi khí hậu, năng lượng xanh và thuốc thay thế.

Vào những năm 1970, khi nền kinh tế của Anh đang gặp khó khăn nghiêm trọng, ông đã sử dụng khoản tiền trợ cấp hải quân 7.400 bảng Anh của mình để tài trợ cho các sáng kiến ​​cộng đồng. Sau đó, với các thành phố bị tàn phá bởi bạo loạn và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, Tổ chức Prince’s Trust của ông bắt đầu giúp đỡ những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn khởi nghiệp.

Ông thích tập luyện và đã viết một cuốn sách dành cho trẻ em, The Old Man of Lochnagar. Ông cũng đam mê nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm của Shakespeare, opera và Leonard Cohen.

Vị tân vương giàu lòng nhân ái và cũng bình dị. Ảnh: Getty Images

Vua Anh Charles III cũng không ngần ngại lấn sâu vào các vấn đề chính trị. Ông thường xuyên lên tiếng về sự khoan dung tôn giáo và chống lại chứng sợ Hồi giáo. Điều mà một số người ghi nhận là đã giúp ngăn chặn phản ứng dữ dội sau một loạt các cuộc tấn công khủng bố chết người do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện ở London vào năm 2005.

Từ lâu, ông cũng đã thúc đẩy việc hợp lý hóa chế độ quân chủ, một phần để minh bạch mọi thứ với hầu bao của công chúng. Với tư cách là vua, ông sẽ có thể thực hiện đầy đủ kế hoạch đó. Do đó, sự kết thúc của Thời đại Elizabeth sẽ là một bước chuyển quan trọng. Không chỉ vì sự ra đi của của nữ hoàng mà còn vì vị quân chủ Charles III sẽ đưa những ý tưởng mà ông đã dành cả đời để chuẩn bị.

Charles III thời còn là thái tử bên cạnh mẹ, cố nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: Getty Images

Khi nào lễ đăng quang vua Charles III diễn ra?

Việc Nữ hoàng Elizabeth II qua đời để lại cho công chúng hai câu hỏi không chắc chắn về tương lai: tang lễ của bà sẽ diễn ra khi nào và khi nào Charles sẽ làm lễ đăng quang lên ngôi vua của Vương quốc Anh. Mặc dù ngày tang lễ chính thức Nữ hoàng vẫn chưa được xác nhận, nhưng có khả năng nó sẽ diễn ra 10 ngày hoặc nhiều hơn, theo quy định của Chiến dịch LONDON BRIDGE. Trong khi trước đó, đám tang của Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh, diễn ra 8 ngày sau khi ông qua đời.

Vì vậy lễ đăng quang của Charles III nhiều khả năng sẽ không diễn ra sớm. Mặc dù ông đã chính thức trở thành vị vua cai trị ngay sau khi Nữ hoàng qua đời, nhưng buổi lễ lên ngôi có thể sẽ diễn ra sau khi thời gian để tang qua đi. Trong quá khứ, Nữ hoàng Elizabeth đã không tổ chức lễ đăng quang hơn một năm sau cái chết của cha bà, Vua George VI.

Ảnh: Getty Images

>>> XEM THÊM: CUỘC ĐỜI NỮ HOÀNG ANH ELIZABETH II QUA 30 TẤM ẢNH TỪ THỜI TRẺ

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm