Các fan của Tiêu Chiến đang hết sức mâu thuẫn trong tuần này. Thần tượng của họ vừa thông báo chính thức quay lại làng giải trí sau một thời gian im hơi lặng tiếng. Sau đó, ngày 25/4 vừa qua, anh thầm lặng ra mắt ca khúc mới, Quang Điểm (光点). Hội fan của Tiêu Chiến ngay lập tức huy động nhau mua ca khúc này. Chỉ trong ít ngày, ca khúc Quang Điểm đã phá vỡ kỷ lục doanh thu cho một single được phát tán qua mạng. Nhưng đồng thời, nó lại dấy lên một luồng bão dư luận nữa xoay quanh việc chi tiêu của hội fan anh chàng.
Hội fan Tiêu Chiến cày kỷ lục doanh thu
Chỉ trong 48 tiếng đồng hồ, ca khúc Quang Điểm đã thu về hơn 25 triệu lượt tải về. Tổng doanh thu là 76 triệu Nhân dân tệ (khoảng 251,7 tỷ đồng). Cả hai con số này đều phá vỡ kỷ lục của thị trường giải trí Trung Quốc.
Những con số đạt kỷ lục này do hội fan Tiêu Chiến giúp anh “cày” nên. Trên Weibo, các hội trưởng, hội phó kêu gọi thành viên tải ca khúc về nhiều lần. Tiêu chí đặt ra là một fan chân chính nên mua bài hát này 105 lần. Còn những người có công ăn việc làm ổn định thì nên mua 1,005 lần, tối thiểu!
Việc các fan cày view MV, đánh giá phim, hoặc tiêu tiền mua sản phẩm do thần tượng quảng bá là chuyện bình thường. Vừa khẳng định giá trị thương mại của thần tượng, vừa chứng tỏ sự quan tâm của bản thân cho các dự án của thần tượng.
“Tôi cũng là học sinh đây! Mua ca khúc này 105 lần chỉ bằng mua cây son môi mới”, một fan viết trên Weibo. “Thay vì mua son môi, mỗi người mua 105 ca khúc đâu khó khăn mấy? Nếu chỉ mua một hay hai lần, các bạn có ngượng không?!”.
Một fan cuồng khác lại khẳng định, cứ mỗi 50 thành viên mua đủ 105 phiên bản, thì bản thân mình sẽ đóng góp thêm 105 bản nữa.
Tiêu Chiến đau đầu vì các fan
Hội fan của Tiêu Chiến nổi tiếng là nghiêm túc và hết mình vì thần tượng. Sau vụ scandal AO3 hồi đầu năm, họ đã chứng tỏ có khả năng huy động nhân lực ngoài sức tưởng tượng. Nay, vì giúp Tiêu Chiến đạt kỷ lục doanh thu cho ca khúc mới, hội fan Tiêu Chiến một lần nữa bị chỉ trích.
Trong số các fan của nam thần tượng, có nhiều đối tượng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, chưa tốt nghiệp hoặc làm ra tiền. Việc cày doanh thu cho thần tượng bằng tiền tiêu vặt mà ba mẹ cung cấp đã gây hình ảnh xấu cho các fan nhỏ tuổi.
Trước tình trạng này, studio Tiêu Chiến đã phải đưa ra thông báo: “Chúng tôi kêu gọi các fan hãy lý trí, quan tâm đến việc học hành, công việc và sức khỏe cá nhân trước tiên”, studio ghi chú trên Weibo.
Niềm kiêu hãnh của fan
Giá trị thương mại và sức hút truyền thông của các thần tượng luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu ở Trung Quốc. Hai thang điểm này là tiêu chí giúp thương hiệu đánh giá việc nên có nên hợp tác với các ngôi sao hay không. Chính vì vậy, hội fan luôn đặt chúng làm mục tiêu phấn đấu, để thần tượng của mình không bị lép vế trước các ngôi sao khác.
Pan Kexin, một fan 25 tuổi của nam ca sỹ Dịch Dương Thiên Tỉ, cho biết mình cảm thấy bị áp lực khi chi tiêu vì thần tượng. “Tôi luôn cảm thấy mình không thể giữ cái đầu lạnh khi nghĩ về anh ấy”, cô trả lời phỏng vấn tờ Sixth Tone. Mỗi năm, cô chi khoảng 10,000 Nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng) cho thần tượng. Trong đó có vé xem ca nhạc, tạp chí và các vật phẩm linh tinh. “Tôi luôn cảm thấy khá đuối, nhất là vì tôi không dư dả về mặt tài chính”.
Nhưng Pan Kexin không thể ngừng chi tiêu vì văn hóa ủng hộ thần tượng. “Tất cả là vì niềm kiêu hãnh của fan, vì danh dự của thần tượng”, cô giải thích.
Tuy nhiên, fan của Tiêu Chiến lại cho rằng thiên hạ không nên quản việc chi tiêu của họ.
“Cách tôi tiêu tiền là việc cá nhân, liên quan gì đến người khác? Ủng hộ anh ấy cũng chỉ bằng giá mua hai ly trà sữa”, một người dùng Weibo trả lời.
Giải thích văn hóa fan cuồng thần tượng
Liu Tingting, một phó giáo sư mảng truyền thông và báo chí tại trường đại học Tế Nam, Trung Quốc cho biết, văn hóa cuồng thần tượng tại đây đã ăn sâu vào máu của các fan.
“Các hội fan quá tập trung vào giá trị thương mại – ví dụ lượng like của một bài viết, lượng truy cập trên các trang web, hay doanh thu của album ca nhạc. Nhưng họ đã bỏ qua mất giá trị nghệ thuật của các sản phẩm. Thật đáng tiếc”, cô trả lời phỏng vấn tờ Sixth Tone.
Vị phó giáo sư này cũng nhấn mạnh thêm, đây là một trào lưu của xã hội. Việc chi tiêu tuỳ ý cho phép một người cảm thấy mình đang nắm giữ cuộc sống của mình. Giống như hồi dịch cúm corona vừa bùng phát, người tiêu dùng đổ dồn đi mua giấy vệ sinh và khẩu trang, nhằm tự trấn an rằng mình có thể kiểm soát những gì tệ nhất sắp diễn ra.
>>> Xem thêm: LÀM TỪ THIỆN CHỐNG DỊCH, HÀN HỒNG, TIÊU CHIẾN, VƯƠNG NHẤT BÁC DẪN ĐẦU DANH SÁCH DÀN SAO ĐƯỢC ƯA THÍCH
Trích dẫn SixthTone
Harper’s Bazaar Việt Nam