Thông tin Zac Posen quyết định đóng cửa nhà mốt lan truyền nhanh chóng. Nó gây hoang mang trong một giới thời trang bấp bênh trước những cái tên lớn phải thông báo phá sản như Barney’s New York, Forever 21.
Nhiều người cho rằng Zac Posen chưa đủ giỏi. Trong thời điểm hiện tại, nhà thiết kế trẻ này không phải là người duy nhất tìm một công ty lớn đỡ đầu cho thương hiệu cá nhân. Tuy nhiên, trong khi cả Stuart Weitzman lẫn Roberto Cavalli đều thành công trong thương vụ chuyển giao, thì Zac Posen lại không tìm được bến đỗ cuối cùng.
Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, Zac Posen không phải kẻ thua cuộc. Và bạn sẽ còn nhìn thấy anh ấy trên thương trường thời trang về lâu dài.
Khởi đầu “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”
Zac Posen thành công từ khi còn rất trẻ. Lập thương hiệu riêng từ năm 2001, ngay sau khi mới chập chững ra trường. Thắng giải thưởng danh giá CFDA năm 2004. Được nhiều gương mặt nổi tiếng trong giới thời trang ưu ái; như ông Sidney Toledano, CEO của Christian Dior; và ông Domenico de Sole, chủ tịch của Gucci lúc bấy giờ. Trang phục Zac Posen liên tục xuất hiện trên thảm đỏ. Chàng trai trẻ trở nên có phần tự kiêu về thành công này.
Thế rồi khủng hoảng kinh tế ập đến năm 2008.
Bỗng nhiên, anh nhận ra rằng để lập ra một doanh nghiệp rất dễ, nhưng để giúp nó phát triển mới khó. Để giúp thương hiệu vượt qua cơn khủng hoảng, Zac Posen biến thành người nghiện công việc.
Mỗi năm, Zac Posen thiết kế tổng cộng 14 bộ sưu tập – BST cho dòng Zac Posen; BST cho ZAC Zac Posen, một thương hiệu con giá mềm hơn; và cho Brooks Brothers (anh bắt đầu cộng tác với Brooks Brothers từ năm 2014). Khi lên thiết kế thời trang thảm đỏ cho các ngôi sao, anh sẽ chịu khó thay đổi từng chi tiết theo yêu cầu của họ. Anh cũng tìm kiếm những cơ hội mở rộng kinh doanh; như thiết kế đồng phục tiếp viên hàng không cho hãng Delta; ra mắt sách dạy nấu ăn; và xuất hiện trên show truyền hình thực tế Project Runway Mỹ.
Mặc dù bận rộn như vậy, nhưng không bao giờ Zac Posen để thiên hạ nhận ra sự tất bật của mình. Mỗi khi đi tiệc hay đi họp, anh đều đến đúng giờ, xuất hiện chỉn chu trong một bộ com-lê tự thiết kế, đầu tóc được chải tươm tất.
Một nhà thiết kế thời trang hiểu rõ thời cuộc
Có thể nói, Zac Posen am hiểu cách điều hành doanh nghiệp hơn là chỉ đơn thuần thiết kế thời trang. Anh biết rằng mình cần sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, ngôi sao và giới báo chí để thành công. Nhà thiết kế luôn tự mình đón chào những người quan trọng này, với hy vọng họ sẽ giúp thương hiệu của anh tiếp tục thành công.
Khi một nhà đầu tư mong muốn gia nhập một thương hiệu thời trang, họ luôn mang theo mình cái nhìn từ góc độ kinh tế. Và không phải nhà thiết kế nào cũng chịu nhượng bộ quyền quyết định tại “đứa con tinh thần” của mình. Zac Posen thì khác. Chẳng vì vậy mà anh mau chóng nhận được đầu tư từ ông Sean Combs, sau đó là Ron Burkle.
Chưa kể, anh cũng biết rõ rằng chỉ thời trang thôi không đủ hấp dẫn. Phải có những câu chuyện giật gân, những gương mặt đình đám liên kết với thương hiệu.
“Như một vở kịch được diễn, thật xa hoa và phù phiếm. Tất nhiên, tôi cố gắng tạo ra điều gì đó tinh tế hơn chỉ là tạo scandal trên truyền thông. Nhưng cuối cùng, tôi nghĩ, người ta thích sự điên rồ đó hơn là muốn nhìn ngắm thời trang.”
– Zac Posen
Zac Posen đã kiệt lực
Khi ông Ron Burkle trở thành nhà đầu tư, Zac Posen vẫn đủ khéo léo để giữ lại quyền điều hành thương hiệu. Anh giữ vững nhịp thiết kế đều đặn, trong khi tiếp tục kết nối với truyền thông và công chúng để quảng bá cho thương hiệu và tăng cường doanh thu. Đến khi thương hiệu không còn đủ tiền để tham gia sàn diễn runway tại tuần lễ thời trang, Zac Posen vẫn cố gắng tổ chức trunk show tại boutique riêng.
Có thể thấy rõ, Zac Posen làm việc cật lực. Và anh đã kiệt sức.
Sức một người không thể chèo chống cả doanh nghiệp mãi mãi. Nhất là khi thương hiệu Zac Posen của những chiếc đầm công chúa trở nên lạc lõng trong một thế giới chối từ sự xa hoa. Phong trào normcore dấy lên, thời trang high street với những đôi giày thể thao trở thành biểu tượng mới.
Có thể nói rằng việc Zac Posen đóng cửa thương hiệu chẳng khác gì khi Raf Simons “chạy trốn” khỏi nhà Dior vì chịu không nổi áp lực công việc.
Tương lai nào cho Zac Posen?
Sau khi đóng cửa thương hiệu riêng, Zac Posen vẫn dành toàn thời gian cho Brooks Brothers. Nhưng đồng thời, anh sẽ có khoảng không để thở và bình tĩnh lại sau những quay cuồng của nhiều năm qua.
Hơn là việc tiếp tục thiết kế những sản phẩm thời trang thị trường không còn cần, Zac Posen sẽ có thời gian hồi phục để tìm lại những sản phẩm thị trường mong muốn. Trong khi việc đóng cửa một thương hiệu rất đau đớn, nó không biến anh thành một kẻ thua cuộc. Nó chỉ chứng minh rằng Zac Posen hiểu rõ điều gì quan trọng cho tương lai của mình.
Harper’s Bazaar Việt Nam