Thời gian vừa qua, tôi đọc khá nhiều bài chỉ trích phim Halston vừa công chiếu trên Netflix. Bộ phim này xoay quanh cuộc đời của nhà thiết kế Roy Halston Frowick. Từ khi thành danh là người thiết kế mũ cho Cựu đệ nhất phu nhân Hoa kỳ Jackie O’ Kennedy, cho đến khi qua đời vì bệnh Sarcoma Kaposi, một căn bệnh ung thư phổi thường gặp ở đối tượng nhiễm HIV.
Một số ý kiến chỉ trích đến từ gia đình Frowick (thân nhân của nhà thiết kế), cho rằng bộ phim sai sự thật. GQ Mỹ lại cho rằng, bộ phim thất bại trong ý đồ truyền tải ma thuật trong thiết kế của Roy Halston. “Chúng ta chẳng hiểu vì sao phụ nữ lại thích đầm của Halston như vậy. Bộ phim chỉ gợi dục chứ chẳng hề gợi cảm, dù gợi cảm mới là tính chất của thiết kế Halston”, Rachel Tashjan viết cho GQ.
Về một mặt, tôi đồng tình với ký giả Rachel Tashjan. Bộ phim Halston của Netflix không đề cập mấy về khía cạnh thiết kế thời trang. Về một mặt khác, nó lại chia sẻ rất chặt chẽ về cách vận hành một thương hiệu thời trang – điều mà tôi nghĩ sẽ giúp ích cho nhiều nhà thiết kế trẻ trong công cuộc khởi nghiệp hơn là việc chỉ nói về cảm hứng sáng tạo của Halston.
>>> Xem thêm: NHÀ THIẾT KẾ ROY HALSTON LÀ AI MÀ NETFLIX PHẢI LÀM PHIM VỀ ÔNG?
Điều hành một thương hiệu thời trang không đơn giản
Tôi từng gặp nhiều bạn trẻ nuôi ước mơ trở thành một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Họ sôi nổi chia sẻ về cảm hứng thiết kế, suy nghĩ cách chụp bộ ảnh đặc sắc, hay ao ước có cơ hội may đồ cho ngôi sao.
Nhưng vận hành một thương hiệu thời trang không chỉ đơn giản là thiết kế trang phục. Bạn còn phải học cách quản lý nhân sự, kiểm soát giấy tờ sổ sách, cân bằng giữa chi phí và doanh thu, quảng bá thương hiệu v.v.
Cảm giác của tôi khi xem bộ phim Halston trên Netflix là: Đây là một bộ phim nói về cách điều hành doanh nghiệp! Thương hiệu Halston chết dần chết mòn vì những khúc mắc trong khâu điều hành, chứ không phải vì nhà thiết kế thiếu tài năng hay sáng tạo. Tôi cho rằng, các bạn trẻ sẽ học được khối bài học kinh doanh khi xem bộ phim này.
Sau đây là một 4 bài học về cách kinh doanh thời trang mà phim Halston trên Netflix truyền đạt.
1. Cần sự cân bằng giữa sáng tạo và thực tế
Thông thường, người sáng tạo ghét làm giấy tờ sổ sách, cho rằng quan tâm đến tiền bạc sẽ khiến họ mất đi cảm hứng sáng tạo. Kẻ làm kế toán quá thực tế nên khó lòng mà bay bổng như nghệ sỹ được.
Chúng ta thấy rõ hai thái cực đối lập nhau qua sự đối đầu giữa Roy Halston và nhân viên kiểm toán từ tập đoàn Esmark Inc ở tập 4 của bộ phim Netflix.
Ông kiểm toán viên hết hồn vì những hóa đơn trên trời của nhà thiết kế, từ tiền đặt mua hoa lan hơn trăm nghìn đô-la Mỹ mỗi tháng, cho đến những chuyến bay xuyên lục địa đắt đỏ. Bù lại, Roy Halston Frowick cho rằng sự kìm kẹp của phía kiểm toán khiến ông mất hết cả tinh thần thiết kế.
Roy Halston không hề biết rằng, thực chất thương hiệu thời trang đang bắt đầu lỗ trầm trọng, và chỉ có sống sót nhờ doanh thu từ dòng nước hoa. Do không mở lòng với êkíp đầu tư và kiểm toán, ông đã khiến họ thất vọng về bản thân, từ đó mất đi sự kiểm soát của thương hiệu cá nhân.
Bài học kinh doanh thời trang: Sự kết hợp giữa thời trang và kinh doanh là cần thiết. Nếu không giỏi về vấn đề vận hành doanh nghiệp, nhà thiết kế nên tìm một đối tác khởi nghiệp (partner) có thể bù đắp về khoản này. Ví dụ như Yves Saint Laurent và Pierre Bergé, hay Đỗ Mạnh Cường và Phạm Huy Cận.
2. Xây dựng mối quan hệ xã hội giúp thương hiệu trường tồn
Roy Halston Frowick khởi nghiệp ở cương vị thiết kế mũ nón. Nhưng cuối thập niên 1960, sự nghiệp của ông bị ảnh hưởng khi các quý bà quý cô chuyển sang chuộng mốt tóc phồng và ngừng đội nón mũ. Lúc này, ông quyết định ra mắt bộ sưu tập thời trang may đo sẵn để cứu vãn tình hình.
Xuyên suốt giai đoạn này, bạn có thể thấy rằng nhà thiết kế sống sót hoàn toàn nhờ quen biết những người phụ nữ quyền lực trong xã hội. Bằng cách khôn khéo giữ mối quan hệ với các khách hàng từng đặt mũ nón của mình, ông đã tìm được nguồn lực giúp mình khởi nghiệp.
Đầu tiên là kết nối với quý bà dầu mỏ Estelle Marsh, xin mượn tiền để mở cửa hàng. Kế đó là móc nối với Babe Paley, một fashionista được giới thượng lưu New York noi theo. Khi Babe Paley đặt mua các mẫu đầm Ultrasuede, sự hậu thuẫn của bà giúp thương hiệu Halston vững gót chân tại kinh đô thời trang này. Về sau, khi thương hiệu Halston bị xuống dốc, ông đã thiết kế trang phục biểu diễn cho vở ballet Persephone của vũ công kỳ cựu Martha Graham, khiến cả New York một lần nữa phải ngưỡng mộ và nhớ về tài năng của ông.
Bài học kinh doanh thời trang: Trước khi lập nghiệp, nhà thiết kế nên tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ xã hội và làm tên tuổi cho bản thân. Cho dù đó là tham gia một cuộc thi thời trang, thực tập cho một thương hiệu thời trang khác, hay năng nổ đến những hội thảo và làm quen với những khách mời khác.
3. Thiết kế đẹp không bằng thiết kế đúng thời điểm
Có hai ví dụ phim Halston trên Netflix đưa ra về việc nhà thiết kế đã nắm bắt sai thời cơ trong việc kinh doanh.
Đầu tiên là việc thiết kế quần jeans. Nhà đầu tư David Mahoney đã đề nghị Halston tung ra quần jeans để cạnh tranh với Calvin Klein. Nhưng Halston, nửa bê tha vì nghiện ngập, nửa vì xem thường Calvin Klein, nên đã từ chối. Đến khi ông muốn cứu vãn tình hình thì quá trễ. Thị trường quần jeans đã bão hoà. Và cái tên Calvin Klein lật đổ địa vị của Halston, trở thành thương hiệu Mỹ thành công nhất.
Thứ nhì là cú bắt tay cùng JCPenney năm 1983. Sự kết hợp giữa một couturier cao cấp và chuỗi trung tâm thương mại thấp cấp khiến nhiều người tẩy chay thương hiệu Halston thời bấy giờ. Nhưng bây giờ, những màn bắt tay giữa thời trang cao cấp và bình dân là chuyện bình thường ở huyện. Chỉ có thể trách Halston đi trước thời đại quá sớm.
Bài học kinh doanh thời trang: Để luôn dẫn đầu xu hướng, nhưng không quá xa vời trào lưu thực tế, bạn có thể theo dõi mục xu hướng trên những tạp chí thời trang. Những người có tiềm lực kinh tế mạnh thậm chí có thể trả tiền cho bản nghiên cứu thị trường mà các công ty tư vấn tài chính xuất bản định kỳ.
4. Tin tưởng vào trực giác cá nhân, nhưng đừng “ảo tưởng sức mạnh” khi đã thành công
Khi làm kinh doanh, chúng ta cần tin tưởng vào trực giác của mình. Sự nhạy bén kinh doanh ấy được đúc kết từ kinh nghiệm làm ăn, số liệu từ những bản báo cáo tài chính và nghiên cứu thị trường, cũng như chút máu “liều” khi phải thử nghiệm điều gì đó khác biệt với những người xung quanh.
Lấy ví dụ khi Halston đồng ý tung ra hương nước hoa. Ông đã nhờ bạn thân, Elsa Peretti, thiết kế chai nước hoa. Ý tưởng của bà là chai hình dáng bất cân xứng, nắp đóng hơi méo mó, khác hẳn những hình dáng chai lọ đang có trên thị trường. Ngay lập tức, nó bị từ chối bởi các nhà đầu tư vì “khó sản xuất hàng loạt”. Halston, tin tưởng vào sức mạnh thương hiệu của mình, cũng như óc thẩm mỹ của Elsa Peretti, đã thẳng tay ký séc trả tiền cho chí phí sản xuất. Và chai nước hoa trở thành một cú hit lớn.
Tuy nhiên, ở đỉnh cao sự nghiệp, Roy Halston Frowick bắt đầu chìm đắm trong những cơn nghiện ngập và cuộc vui thâu đêm suốt sáng ở Studio 54. Bất kỳ ai muốn góp ý với Halston về việc nên thay đổi, ông đều gạt phăng ý kiến của họ. Ông không chịu thỏa hiệp với các nhà đầu tư cho thương hiệu, và thường xuyên trễ deadline thiết kế. Sự cứng đầu của Halston lúc này không dựa trên bất kỳ kinh nghiệm gì, mà chỉ là do không thể vực bản thân dậy hậu những cơn say.
Bài học kinh doanh thời trang: Khi bạn thân của bạn – người chẳng được bất kỳ lợi ích gì từ công việc kinh doanh của bạn – góp ý rằng, bạn có những vấn đề lớn và nên thay đổi, thì có lẽ, bạn hãy nghe lờ họ!
>>> Xem thêm: BẠN ĐANG SỐNG LẠC QUAN HAY “ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH”?
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam