Món đồ uống Cocktail bắt nguồn từ đâu?
Định nghĩa chính xác của cocktail lần đầu được nhắc đến vào năm 1806 trong tờ báo The Balance and Columbian Repository của Hudson, bang New York. Nó được giải nghĩa là “một hỗn hợp thức uống được pha trộn với nước, đường và rượu thảo mộc đắng” (bitters). Cocktail cũng có thể được gọi là ‘bittered sling’. Đây được xem là khung công thức chuẩn cho những loại cocktail kinh điển như Old Fashioned hay Nergroni.
Thế nhưng nhiều fan hâm mộ của thức uống này lại cho rằng cocktail phát minh bởi người Anh. Và ông tổ của nó chính là món punch với rượu mạnh, được pha cùng nước hoa quả. Có lẽ bởi bản chất của loại đồ uống này là khiến người ta chếnh choáng, nên nếu đào sâu vào lịch sử của nó ta sẽ thấy chúng vô cùng nhiều màu sắc và đa dạng.
Thức uống của sự sáng tạo và nghệ thuật
Điểm khởi đầu của cocktail chỉ là cách dùng các hương vị khác giúp cho rượu dễ uống hơn. Vào giữa thế kỷ 19, khi mà cơn sốt vàng đang đạt đỉnh điểm tại California, Mỹ, chàng trai trẻ Jerry Thomas bắt đầu hành nghề bartender tại đây. Sau đó, anh đã quay về New York và mở quán rượu đầu tiên của mình. Quán nằm phía dưới bảo tàng Barnum’s American. Cùng những cộng sự của mình, ông đã sáng tạo ra nhiều loại cocktail. Nổi tiếng nhất là Blue Blazer, một loại thức uống tỏa lửa xanh khi pha chế.
Không chỉ cho ra đời những món thức uống đẹp mắt và vừa miệng, Jerry Thomas còn nâng bartender (bar: quán bar, tender: người coi sóc) lên thành một nghệ thuật biểu diễn. Ông thường diện những trang phục cầu kỳ cùng nhiều món trang sức bắt mắt. Khi pha chế, Jerry thường tung hứng dụng cụ và tạo ra những màn biểu diễn vui mắt.
Ngoài việc quản lý quán bar của mình, Jerry Thomas cũng nhận lời đi “lưu diễn” ở nhiều nơi. Sổ sách có ghi lại rằng vào khoảng những năm 1850, khách sạn Occidental tại San Francisco đã trả lương cho Thomas 100 đô-la trong một tuần. Đây là mức lương còn cao hơn cả Phó tổng thống Hoa Kỳ thời bấy giờ!
Sự ra đời cộng hưởng của phương pháp lưu hành đá lạnh
Bạn có thể mường tượng vị của các món cocktail sẽ chán như thế nào nếu thiếu vài viên đá lạnh không? Chẳng thế mà sự nổi tiếng của cocktail đã kéo theo phương pháp lưu hành của món… nước đá. Xin lưu ý là đến khoảng năm 1913 thì chiếc tủ lạnh đầu tiên mới được tung ra thị trường. Vì thế vào khoảng thời gian phong trào uống và pha cocktail ra mắt, cách duy nhất để làm lạnh món uống này là… khai thác và nhập nước đá từ những vùng lạnh hơn.
Với cơ sở hạ tầng giao thông thời bấy giờ, việc này được xem là khá điên rồ. Ấy vậy mà Federic Tudor đã thành công sau bao lần thất bại. Những viên nước đá có mặt ở tất cả mọi ngóc ngách của Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Chiến thắng này đã biến ông trở thành tỷ phú và chết tên “Vua đá lạnh” Frederic Tudor. Doanh số và tiếng tăm của cocktail càng trở nên bùng nổ.
Những năm 1920, ngành pha chế này có chậm lại đôi chút vào thời kỳ cấm rượu. Khi ấy, các bartender đã sáng tạo nên những món uống và đặt những cái tên rất ngộ nghĩnh. Như Giggle Water (nước khúc khích) hay Bee’s Knee (đầu gối ong). Cũng ở giai đoạn này, những loại rượu được nấu lậu thường rất khó uống. Vì thế, giới bartender tìm cách đa dạng hóa để giấu đi vị cồn kinh khủng của chúng.
Ảnh hưởng của cocktail lên văn hóa, nghệ thuật và thời trang thế giới
Nếu thiếu cocktail thì chúng ta sẽ ra sao? Có lẽ phim ảnh sẽ buồn chán lắm nếu quán của Rick ở Casablanca chỉ bán mỗi cà-phê. Rồi những bữa tiệc của The great Gatsby còn gì hay nếu mọi người chỉ nhấm nháp rượu vang. Hay bộ phim Cocktail (1988) do Tom Cruise thủ vai chính sẽ không có nữa. Và cô nàng biên tập thời trang Carrie Bradshaw trong Sex and the City sẽ uống trà thay vì món cocktail Cosmopolitan màu hồng đầy nữ tính. Chàng điệp viên James Bond sẽ uống gì khi trên đời này không còn món martini?
Các nghệ sỹ nổi tiếng cũng luôn có riêng cho mình một loại cocktail yêu thích. Cây bút lừng danh Charles Bukowski thích uống boilermaker. Jack Kerouac mê món margarita kinh điển. Và Ernest Hemingway thì lại say sưa với món mojitos từ rum Cuba.
Văn hóa cocktail thực sự đã đi sâu và trở thành một phần trong cuộc sống chúng ta ngày nay. Nó là khởi nguồn cho giờ vui vẻ (happy hour – thời gian sau giờ đi làm, khoảng từ 6 tới 8 giờ tối). Lúc này mọi quán bar đều có chương trình giảm giá cho khách. Các quán rượu nổi tiếng cần phải có ít nhất vài món cocktail đặc biệt để lận lưng.
Những bữa tiệc cocktail thịnh hành đến nỗi giới thời trang có riêng hẳn một dòng trang phục – chiếc đầm cocktail. Chưa kể, những chiếc nhẫn cocktail đính đá nổi bật được xem như một ký hiệu của “hội kín” thời cấm rượu. Ngày nay, với người không sành cocktail, chúng vẫn được xem là món nữ trang sành điệu.
Văn hóa thưởng thức cocktail thời hiện đại
Ngày càng có nhiều quán bar được đầu tư cả về chất lẫn lượng. Việc tìm một nơi để thưởng thức cocktail là điều hoàn toàn không khó. Nghệ thuật pha chế cocktail cũng nhận được sự quan tâm của công chúng nhiều hơn. Các cuộc thi lớn và giải thưởng dành cho những món uống và bartender tài năng được tổ chức thường niên.
Hầu hết chúng ta ai cũng có vài món cocktail ưa thích. Những bartender cứng tay có thể pha chế ngay tại chỗ một loại cocktail phù hợp với khẩu vị của chính bạn. Ngoài danh sách cocktail kinh điển, hầu hết những quán bar nổi tiếng đều có danh sách cocktail bespoke.
Các thành phần gia vị, trái cây địa phương cũng thường được những quán bar lồng ghép vào những món uống của quán. Bởi thế, để tìm hiểu về nét văn hóa của một nơi mới đến, tôi cũng thường ghé thăm một quán bar nổi tiếng vào giờ vắng khách để có thể nói chuyện vãn với bartender nơi đó.
Không gian và thức uống cho sự thăng hoa của ý tưởng
Thật ra, ý tưởng cho bài viết này của tôi đã nảy đến khi tham dự buổi khai trương Dram, một quán bar mới ở Thảo Điền, quận 2, TP. HCM. Quán được dựng theo mô hình speakeasy bar (quán rượu bí mật). Lối vào của quán nằm bên cạnh một nhà hàng nhộn nhịp và hầu như không có biển hiệu gì.
Không gian bên trong quán có chút hoài cổ như những cảnh phim ở thập kỷ 50. Nổi tiếng nhất ở đây có lẽ là dòng cocktail từ whiskey. Menu thức uống của quán vô cùng đặc biệt. Nhờ đó, bạn có thể tự lên công thức cho ly whiskey sour hay old fashioned của mình một cách bài bản.
Cocktail là thứ nên được thưởng thức bởi cả năm giác quan. Bởi thế tôi thường thích ngồi ở quầy bar để ngắm nhìn những bartender pha chế món thức uống của mình. Cách họ tung hứng chiếc shaker, tiếng những viên đá va lanh canh hay mùi hương từ những thành phần của món rượu là yếu tố không thể thiếu khi thưởng thức cocktail. Và việc họ chọn chiếc ly nào cho từng món uống cũng đều có lý do tinh tế.
>>> Xem thêm: 7 loại cocktail cô gái nào cũng nên biết.
Đang mùa dịch bệnh nên các quán bar đều phải đóng cửa. Nhưng điều đó chỉ là tạm thời. Tuy nhiên hầu hết những bar tên tuổi đều cung cấp dịch vụ giao cocktail tận nhà đầy sáng tạo cho bạn nhâm nhi đấy. Hẹn ngày xã hội hết cách ly, Harper’s Bazaar sẽ gặp bạn bên quầy bar để chúng ta sẽ có thể tiếp tục hàn huyên về cocktail nhé!
Harper’s Bazaar Việt Nam