Vào hôm 3/2, Paco Rabanne đã qua đời tại nhà riêng Portsall, nước Pháp. Ông hưởng thọ 88 tuổi. Tin nhà thiết kế Paco Rabanne qua đời được tập đoàn Tây Ban Nha PUIG – công ty mua lại doanh nghiệp thời trang và nước hoa của ông vào năm 1987 – xác nhận. Cả thế giới thời trang ngả mũi cúi chào, tiễn đưa một trong những nhà thiết kế đi đầu làn sóng mang cảm hứng kỹ thuật thời đại tên lửa vào thời trang, để lại những thiết kế phong cách vị lai đến nay vẫn còn truyền cảm hứng cho giới mộ điệu.
Nhà thiết kế Paco Rabanne là ai?
Cậu bé Francisco Rabaneda sinh năm 1934 ở ngoại ô San Sebastián, Tây Ban Nha nhưng ngay từ khi còn nhỏ đã di cư sang Pháp để tị nạn sau thời kỳ Nội chiến Tây Ban Nha. Do người bố là lính bị xử tử trong cuộc chiến, cậu bé đổi tên thành Paco Rabanne và được mẹ, thợ may chính của nhà thiết kế Cristobál Balenciaga, một tay nuôi lớn. “Mang trái tim Tây Ban Nha và được Pháp đón nhận”, hồi ký của ông viết.
Năm 18 tuổi, Paco Rabanne theo học ngành kiến trúc tại đại học École Nationale des Beaux Arts ở Paris. Thế nhưng khi rảnh rỗi thì chàng trai trẻ lại thiết kế trang sức và cúc áo. “Tôi nhận ra rằng với thời trang, tôi có nhiều cơ hội sáng tạo hơn”, ông từng nói. Cuối cùng, Paco Rabanne chuyển hướng hoàn toàn và dấn thân vào lĩnh vực thời trang khi ra trường.
Khi thành lập thương hiệu riêng, Paco Rabanne ngay lập tức tạo tiếng vang vì những thiết kế “thiếu vải”. Ông chủ yếu tạo nên những sản phẩm bằng kim loại hay chất liệu công nghệ mới như: da thuộc màu dạ quang, lưới mắt xích, vải dệt kim bằng sợi nhôm… Tinh thần phá cách này giúp ông sớm được hội những nhà thời trang cao cấp Elsa Schiaparelli, Balenciaga và Hubert de Givenchy chào đón.
Các thiết kế nổi tiếng nhất của Paco Rabanne
Để tôn vinh nhà thiết kế lỗi lạc đã cống hiến sáng tạo của mình vào lịch sử thời trang, chúng ta cùng nhìn lại 5 khoảnh khắc trong sự nghiệp của ông đã kết tinh mãi mãi với thời gian.
Bộ sưu tập đầu tay Manifesto: 12 Unwearable Dresses in Contemporary Materials ra mắt năm 1966
Ở tuổi 30, Rabanne đã trình làng những bức vẽ thời trang đầu tiên của mình. Chỉ hai năm sau, vào năm 1966, ông ra mắt buổi trình diễn thời trang đầu tiên với chủ đề khiêu khích: Mười hai bộ váy không mặc được bằng chất liệu đương đại.
Được trình bày tại George V ở Paris, bộ sưu tập đã phá vỡ hoàn toàn các quy ước thời bấy giờ. Các trang phục được chế tạo từ giấy sinh thái, nhựa và kim loại, được lắp ráp bằng dây và keo. Các người mẫu diễn catwalk với chân trần – lần đầu tiên trong thời trang lúc ấy!
Thời trang của Rabanne lộ liễu nhiều hơn là che giấu, thẳng thừng phá vỡ các quy tắc chuẩn mực, điều mà mọi phụ nữ thời đó khao khát. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2002, ông nói: “Ở Pháp, trong những năm 60, chúng tôi có phong trào giải phóng phụ nữ tương tự như phong trào ở Mỹ… Đó là thời điểm mà phụ nữ nổi lên để trở thành chiến binh, vì họ cần khẳng định khát vọng giải phóng của mình. Bộ giáp gần như cần thiết”.
Thời trang mượn cảm hứng phi hành gia trong phim Barbarella (1968)
Dựa trên sự thành công của bộ sưu tập đầu tay, Paco Rabanne tiếp tục thử nghiệm với các chất liệu mới. Các thiết kế của ông vô cùng được lòng những minh tinh bậc nhất làng giải trí quốc tế thời bấy giờ, những người phụ nữ mạnh mẽ có chính kiến. Đó là Audrey Hepburn, người mặc thiết kế của ông trong bộ phim Two for the Road (1967). Ca sỹ Brigitte Bardot, người đã quảng bá trang phục Paco Rabanne trong MV Contact (1968).
Nhưng nếu có một ngôi sao nào thực sự đi vào lịch sử với tư cách là gương mặt biểu tượng của thương hiệu, thì đó chắc chắn là Jane Fonda trong bộ phim Barbarella của năm 1968 do Roger Vadim đạo diễn.
Barbarella là một bộ phim khoa học viễn tưởng, mượn câu chuyện từ truyện tranh của Jean-Claude Forest, phản ánh tinh thần vui tươi và đôi khi ranh mãnh. Paco Rabanne đã được mời xây dựng tủ đồ cho nữ chính Jane Fonda. Ông mang đến những chiếc áo nịt ngực kim loại, áo lót có ứng dụng Plexiglas hiệu ứng màu nude, áo khoác kiểu phi hành gia màu bạc và trang phục lamé gợi cảm.
Một năm sau khi bộ phim ra mắt, con người chính thức đặt chân lên mặt trăng. Các thiết kế lấy cảm hứng từ phi hành gia của Paco Rabanne, cùng với những nhà thiết kế khác như André Courrégès và Pierre Cardin, tạo nên một xu hướng hoàn toàn mới trong thời trang, phản ánh cuộc đua lên vũ trụ của loài người.
Chiếc đầm đắt nhất thế giới ra mắt năm 1969
Tháng 05/1969, nhân dịp khai trương triển lãm kim cương thế giới, Paco Rabanne đã chế tạo ra chiếc đầm “đắt nhất thế giới”. Thiết kế mini mang phom dáng chữ A quen thuộc của Mod Style, được làm từ vàng và kim cương. Nhà thiết kế sử dụng 9kg vàng, nấu chảy ra tạo thành một ngàn miếng vảy kim loại, kết nối với nhau bằng 5000 vòng mắt xích vàng. Ở trên ngực là 22 viên kim cương tổng cộng 300 carat.
Chiếc túi mắt xích gây sốc của năm 1969
Coco Chanel không phải là một fan hâm mộ của Rabanne, đến nỗi bà từng gọi ông ấy một cách xúc phạm là “thợ kim loại” thay vì nhà thiết kế. Chiếc túi xách toàn kim loại Le 1969 ra đời như một phản ứng hài hước mà Paco Rabanne dành cho biệt danh cay nghiệt này.
Vào thời điểm đó, Coco Chanel đang hoàn tất mẫu túi có tay cầm bằng dây xích của mình. Để đáp lại, Pacao Rabanne cũng quyết định thiết kế túi xách có quai kim loại. Nhưng thay vì làm bằng da thuộc, nó lại được gắn từ các đĩa kim loại cỡ đồng xu được kết nối với nhau bằng các vòng mắt xích. Dây kim loại thiết kế thô sơ như trêu ngươi chiếc túi có quai cầm mắt xích mạ vàng đỏm dáng của Chanel.
Suy cho cùng, Paco Rabanne không quan tâm đến việc thiết kế quần áo để mặc mà là “Sáng tạo phải gây sốc”, ông ấy thường nhắc đi nhắc lại điều này. Nhưng trong thời trang điều gì càng lạ lại càng được để mắt và khao khát chiếm hữu. Hai ca sỹ nổi tiếng Brigitte Bardot và Françoise Hardy đã tay trong tay thiết kế của ông thời bình sinh. Ngày nay, hơn năm mươi năm sau, Le 1969 vẫn ở trong vòng tay của những người phụ nữ thời trang sành điệu nhất.
Chai nước hoa ra mắt năm 1979
Tuy tìm được danh tiếng trong làng thời trang, Paco Rabanne lại thành công về mặt tài chính khi lấn sang lĩnh vực nước hoa.
Năm 1979, nhà thiết kế tung ra Métal, một loại nước hoa có tầng lớp mùi hướng “dành cho những phụ nữ trẻ yêu thích các phụ kiện bằng kim loại”. Năm 1968, tập đoàn Tây Ban Nha PUIG đã mua giấy phép sản xuất nước hoa của Paco Rabanne và bắt đầu tung ra những loại nước hoa đáng nhớ trên thị trường, bắt đầu với cái tên Calandre vào năm 1969, một loại nước hoa quyết đoán và mãnh liệt được sinh ra với khát vọng thách thức nước hoa truyền thống.
Kể từ đó, việc sản xuất không bao giờ ngừng lại và năm này qua năm khác chứng kiến các sản phẩm mới gặt hái thành công về doanh số bán hàng. Trong số đó dòng nước hoa 1 Million có hình dạng thỏi vàng đã đi vào lịch sử, với tư cách là loại nước hoa nổi tiếng và bán chạy nhất trên thế giới trong lĩnh vực nước hoa dành cho nam giới.
Di sản Paco Rabanne để lại
Có lẽ do đã quá thành công về mặt tài chính nhờ nước hoa, ông tuyên bố nghỉ hưu non khi ra mắt bộ sưu tập Haute Couture Thu Đông 2000. Vốn, do đã bán thương hiệu cho tập đoàn PUIG năm 1987 nên ông cũng không còn điều hành doanh nghiệp sôi nổi nữa. Tuy vậy, các thiết kế của Paco Rabanne vẫn nổi tiếng do được các ngôi sao yêu thích và trưng dụng.
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam