Bước khởi đầu cho hành trình Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam – Miss Cosmo Vietnam 2023 chính là Dự án Quảng bá Văn hóa Dân tộc.
Trở lại với tên gọi mới mẻ, tiêu chí cùng định hướng phát triển đặc biệt, cuộc thi nhanh chóng nhận về khối lượng lớn các bài thi chất lượng của nhiều nhà thiết kế (NTK). Được đầu tư kỹ lưỡng từ hình thức đến nội dung, mỗi thiết kế, mỗi bộ trang phục đều ẩn chứa câu chuyện văn hóa đặc trưng của từng vùng miền, vùng đất, bộ phận người dân Việt Nam từ xưa đến nay.
Sự kết hợp hài hòa giữa thời trang với văn hóa mà cuộc thi hướng đến đã truyền động lực để các NTK trẻ không ngừng cống hiến và nâng tầm thời trang Việt Nam. Các NTK trẻ một lần nữa chứng minh các bạn là thế hệ tài năng tương lai của đất nước khi đã thể hiện sự sáng tạo không giới hạn và nguồn cảm hứng phù hợp với chủ đề, tạo nên những bộ trang phục dân tộc đặc biệt lẫn khác biệt.
Từ những vẻ đẹp dung dị đời thường như chiếc khăn rằn, câu ca dao tục ngữ đến cả hình ảnh trống đồng Đông Sơn, rồng thời Lý đều được tái hiện sống động trong các tác phẩm năm nay.
Âm vang thời đại với Trống đồng, Chim lạc
Lạc Thần của NTK Nguyễn Tuấn Việt
NTK Nguyễn Tuấn Việt gây ấn tượng với bài thi Lạc Thần. Bộ trang phục được lấy cảm hứng từ hình ảnh trống đồng và chim lạc, tượng trưng cho thời Văn Lang – nhà nước đầu tiên của Việt Nam được cai trị bởi các Vua Hùng – để thể hiện vai trò và tầm quan trọng của người phụ nữ từ những ngày đầu tiên.
Lạc Thần mang hình ảnh nữ chiến binh, thể hiện phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam, từ sự hiền đức và nhẹ nhàng đến sự mạnh mẽ để bảo vệ chính mình và những người mà họ yêu thương. Lạc Thần mang ý nghĩa tình yêu và sự đoàn kết của người phụ nữ Việt Nam và dân tộc đối với đất nước, đồng thời cũng thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với ông cha ta.
Âm Trống của NTK Nguyễn Thị Hiền
Chia sẻ đến khán giả tình yêu cho trống đồng Đông Sơn: Biểu tượng văn hóa Việt cổ thể hiện tài năng và nghệ thuật, NTK Nguyễn Thị Hiền thể hiện sự sáng tạo với Âm Trống. Trống đồng Đông Sơn là một biểu tượng đặc trưng của Văn hóa Đông Sơn, từ thế kỷ 7 TCN đến thế kỷ 6 CN, của người Việt cổ.
Những hoa văn phong phú khắc trên trống đồng Đông Sơn miêu tả chân thật cuộc sống và sinh hoạt của con người thời kỳ xây dựng nước. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam hiện đã lưu giữ một số lượng lớn trống đồng Đông Sơn, tạo thành bộ sưu tập lớn nhất thế giới. Trên mặt trống, có một ngôi sao nhiều cánh, tượng trưng cho thần Mặt Trời, bởi người dân Văn Lang tin rằng có một vị thần liên quan đến Mặt Trời.
Lý Long Tinh Vân của NTK Thân Minh Thái
Hình ảnh con rồng thời Lý đã được NTK Thân Minh Thái biến hóa thành những chi tiết hiện đại trong thiết kế Lý Long Tinh Vân. Được thiết kế với những đường cong mềm mại, con rồng thời kỳ này còn tượng trưng cho nguồn nước và niềm mơ ước của cư dân trồng lúa. Hình ảnh con rồng thời Lý mang phong cách rất khác biệt so với các triều đại khác trong lịch sử.
Bộ trang phục Lý Long Tinh Vân không chỉ đại diện cho phong cách và thẩm mỹ, mà còn là một cách thể hiện tình yêu và tự hào dành cho văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam. Sự kết hợp giữa hình ảnh con rồng và những chi tiết mềm mại, tinh tế trên trang phục tạo nên một sự hài hòa độc đáo, thể hiện sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại.
Phụng Lý Nữ Sơn của NTK Hà Huy Giang
Cũng mang đến hình ảnh một “linh vật” quen thuộc của văn hóa dân tộc, NTK Hà Huy Giang nâng cấp bộ trang phục Phụng Lý Nữ Sơn với một màu sắc mới. Trang phục Phụng Lý Nữ Sơn được lấy cảm hứng từ hình ảnh con phượng trong hiện vật đất nung – lá đề chim phượng. Điều này không chỉ mang lại giá trị văn hóa, lịch sử và mỹ thuật, mà còn tạo ra sự đặc biệt cho bộ trang phục dân tộc này.
Hình ảnh chim phượng trên trang phục được thể hiện ở tư thế nhún đẩy dâng ngọc báu, đầu ngẩng cao, thân hình mềm mại và thanh thoát. Nhờ sự biến tấu này, chim phượng trở thành một phần đặc biệt và đặc trưng cho trang phục. Đuôi phượng phía sau được thiết kế như dãy núi trùng điệp, vân mây và mặt trời, tượng trưng cho sự trỗi dậy, trường tồn và phồn vinh.
Hơi thở mới cho những biểu tượng văn hóa xưa
Rằn Ri Phương Nam của NTK Đỗ Đăng Khoa
NTK Đỗ Đăng Khoa mang đến hình ảnh chiếc khăn rằn quen thuộc nhưng cũng đầy sáng tạo của phụ nữ miền Nam xưa qua tác phẩm Rằn Ri Phương Nam. Chiếc khăn rằn – biểu tượng thân thương đồng hành cùng người dân nơi vùng đất Miền Tây Nam Bộ qua hàng thập kỷ.
Hình ảnh các bà, các mẹ và các chị đeo chiếc khăn rằn truyền thống duyên dáng quấn quanh cổ hoặc đội trên đầu không chỉ là tấm che nắng hay chỉ để thấm những giọt mồ hôi mà còn chứa giá trị thẩm mỹ, là hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Phương Nam dịu dàng, chân chất.
Tân Tài Tử của NTK Lê Hạo Vĩ
Vẫn là một văn hóa đặc trưng của miền Tây Nam Bộ nhưng NTK Lê Hạo Vĩ lại chia sẻ nét đẹp của loại hình đờn ca tài tử với bài dự thi Tân Tài Tử. Đờn ca tài tử vốn đã là một truyền thống văn hoá đối với con dân miền Tây Nam Bộ và đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể.
Bộ trang phục theo sát chủ đề cuộc thi, với những form dáng tối dáng nhưng vô cùng cuốn hút và mạnh mẽ. Sử dụng hình ảnh của câu lạc bộ đờn ca tài tử và cách điệu lên để tổng thể hài hoà. Màu xanh và trắng xám là hai màu chủ đạo góp phần giúp trang phục bắt mắt hơn. Phần cáng sen và bodysuit sẽ sử dụng hiệu ứng đèn led để trang phục ấn tượng và tạo hiệu ứng trình diễn
Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội của NTK Vũ Gia Nguyên
Với hình ảnh lá vàng rơi bên những tòa nhà cổ, con phố thân thương, mùa của hoa sữa, hương cốm,…, bộ trang phục Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội của NTK Vũ Gia Nguyên đã tái hiện nét đẹp văn hóa đặc trưng của Thủ đô mỗi độ thu về.
Không chỉ đơn thuần là một bộ trang phục thời trang, thiết kế còn là một cách để lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp của mùa thu Thủ đô. Nó là một sự kết hợp tinh tế giữa thiết kế và ý nghĩa văn hóa, mang đến cho người mặc và những người xung quanh một trải nghiệm đặc biệt và đậm chất Hà Nội mùa thu.
Xinh Xúng Xính của NTK Đoàn Nhật Anh
Lấy cảm hứng từ những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của 54 dân tộc anh em, Xinh Xúng Xính của NTK Đoàn Nhật Anh mang trong mình vẻ đẹp độc đáo, sáng tạo. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, vừa truyền tải được bản sắc dân tộc vốn có, vừa tôn lên vẻ đẹp đầy cuốn hút, quyến rũ, kiêu sa. Đặc biệt, biểu tượng cồng Chiêng được sáng tạo ấn tượng với hệ thống mã QR chứa trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của thời đại, Mã vạch QR ngày càng phổ biến. Nó giúp ích rất nhiều về mọi mặt và nhất là truyền đạt thông tin. Kết hợp mã QR là một điểm mới, hoàn toàn chưa xuất hiện trước đây trong các bộ trang phục dân tộc. Vì phần mã QR này rất dễ in ấn và thay thế nên bộ trang phục Xinh Xúng Xính chắc chắn sẽ mang tính ứng dụng cao, có thể tham gia nhiều hoạt động Quảng Bá Văn Hóa Dân Tộc hơn.
Lời tri ân cho thế hệ ông cha với vẻ đẹp lịch sử kiên cường
Cầu Ngư của NTK Trần Nhật Khánh
Một tục lệ truyền thống được NTK Trần Nhật Khánh tôn vinh qua bài dự thi Cầu Ngư. Bộ trang phục Cầu Ngư được lấy cảm hứng từ Lễ hội Cầu Ngư, một lễ hội có nguồn gốc từ tục thờ ông Nam Hải, một tập tục truyền thống của cư dân vùng biển từ Quảng Ninh trở vào, và diễn ra vào khoảng tháng hai và tháng ba âm lịch.
Cầu Ngư không chỉ là một biểu tượng văn hóa độc đáo, mà còn là một cách để tôn vinh và gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc. Nó là một sự kết hợp giữa nghệ thuật và ý nghĩa sâu sắc, thể hiện lòng tự hào và lòng biết ơn đối với quê hương và nguồn cội của mình.
Hồn Thiêng Đất Việt của NTK Trần Quang Khang
Bộ trang phục Hồn Thiêng Đất Việt của NTK Trần Quang Khang được lấy cảm hứng từ Liên Hoa Đài hay còn gọi là Chùa Một Cột – một biểu tượng văn hoá lâu đời của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng vào năm 1049 vào thời vua Lý Thái Tông.
Hồn Thiêng Đất Việt mang đến một thông điệp vô cùng ý nghĩa về sự tự hào, lòng biết ơn cội nguồn, trách nhiệm và gìn giữ những bản sắc dân tộc, biến hoá để thích nghi với những giá trị văn hoá mà cha ông ta đã gầy công xây dựng và bảo tồn.
Giấc Mơ Cánh Cò của NTK Nguyễn Hoàng Sang
Sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại tiếp tục được thể hiện qua tác phẩm Giấc Mơ Cánh Cò của NTK Nguyễn Hoàng Sang. Thiết kế được lấy cảm hứng từ chim cò, loài chim đặc trưng của miền quê Việt Nam, gắn liền với hình ảnh người nông dân và ruộng lúa. Hình ảnh của những cánh cò đang sải cánh bay trên tầng mây lớp lớp gợi nhớ về một giấc mơ về quê hương thương nhớ.
Giấc Mơ Cánh Cò kết hợp giữa sự mạnh mẽ và hiện đại với nét truyền thống của con người Việt Nam. Áo tứ thân và nón quai thao mang đậm nét đặc trưng của người phụ nữ Kinh Bắc, vùng quê Bắc Ninh. Áo tứ thân không chỉ thể hiện bản sắc của vùng quê Kinh Bắc mà còn thể hiện nét đẹp dân tộc, nét đẹp của những người con Rồng cháu Tiên.
Tinh Hoa Tục Ngữ Nước Việt của NTK Hoàng Ngọc Lâm
Hay hơn thế là âm thanh của những câu ca dao tục ngữ được bồi đắp trọn vẹn trong bài thi Tinh Hoa Tục Ngữ Nước Việt của NTK Hoàng Ngọc Lâm. Bộ trang phục được thiết kế dựa trên câu nói tục ngữ của ông cha ta về thời tiết: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Câu nói này không chỉ là một tấm gương phản ánh sự khôn ngoan và kinh nghiệm tích lũy qua hàng trăm năm, mà còn là một phần của di sản văn hóa vô cùng quý giá mà chúng ta có thể tự hào.
Bộ trang phục Tinh Hoa Tục Ngữ Nước Việt không chỉ đơn thuần là một bước tiến về công nghệ, mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và tương lai, gắn kết thế hệ trước và thế hệ sau, để truyền lại những giá trị văn hóa và lòng biết ơn đối với ông cha ta đã đúc kết và để lại cho bao đời.
Sấu Năm Chèo của NTK Nguyễn Hoàng Sang
Ngoài ra, các nhà thiết kế trẻ còn đưa vào những thiết kế lấy cảm hứng từ truyền thống, câu chuyện huyền thoại gắn bó với đời sống của người dân từ xa xưa. Sấu Năm Chèo – Bộ trang phục được lấy cảm hứng từ câu chuyện huyền thoại về “Ông Năm Chèo”, một con cá sấu 5 chân sống dưới lòng sông Vàm Nao (tỉnh An Giang).
NTK Nguyễn Hoàng Sang đã tạo ra Sấu Năm Chèo với ý tưởng là một một nữ chiến binh kiên cường, mạnh mẽ và sẵn sàng đối mặt với bất kỳ thử thách nào. Áo giáp của nữ chiến binh được thiết kế để phản ánh sự mạnh mẽ và bảo vệ, cùng với cây giáo và móc câu để bắt cá sấu. Trang phục không chỉ mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc mà còn thể hiện lòng tự hào và niềm tin vào khả năng của con người Việt Nam.
THỂ LỆ THAM DỰ DỰ ÁN QUẢNG BÁ VĂN HÓA DÂN TỘCCuộc thi diễn ra từ ngày hôm nay đến hết ngày 13/09/2023, gồm 3 vòng thi: Vòng 1 – Lên ý tưởng: • Nhà thiết kế lên ý tưởng và gửi bản scan bài dự thi về cho BTC. Vòng 2 – Thuyết trình ý tưởng: • Nhà thiết kế trình bày ý tưởng trước hội đồng Ban giám khảo. Vòng 3 – Thực hiện ý tưởng: • Nhà thiết kế thực hiện trang phục dưới sự hướng dẫn của BTC và mentor cuộc thi. Những yêu cầu về thiết kế: • Nhà thiết kế được tự do sáng tạo và lấy ý tưởng từ những giá trị thuộc về văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc Việt Nam, đảm bảo tính thẩm mỹ và phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. • Bài dự thi được vẽ tay trên giấy A4 hoặc vẽ đồ hoạ trên máy tính, theo chiều dọc của tờ giấy. • Bản thiết kế phải thể hiện mặt trước và mặt sau của bộ trang phục, cũng như hiệu ứng biến hoá (nếu có). • Mẫu thiết kế được đặt tên và có phần giới thiệu ngắn gọn về ý tưởng. • Nhà thiết kế gửi bài dự thi về mail: nationalcostume.cosmo@unimediasg.vn, bao gồm: Họ và tên Nhà thiết kế, Số điện thoại liên lạc, Bản SCAN mẫu thiết kế, Tên và ý nghĩa của tác phẩm |
THEO DÒNG SỰ KIỆN:
DỰ ÁN QUẢNG BÁ VĂN HÓA DÂN TỘC CỦA MISS COSMO VIETNAM 2023 CÔNG BỐ NHỮNG THIẾT KẾ ĐẦU TIÊN
CÁC MỸ NHÂN CÓ CHIỀU CAO “KHỦNG” GHI DANH MISS COSMO VIETNAM
Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam