Lê Thị Lựu, nữ họa sỹ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam

Khi nền nghệ thuật nước nhà còn do cánh mày râu “thống trị”, Lê Thị Lựu nổi lên như nữ danh họa đầu tiên của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Bà còn là nhà thơ và cây bút sắc sảo.

Chân dung nữ họa sỹ Lê Thị Lựu

Nếu yêu thích mỹ thuật Việt Nam vào giai đoạn Đông Dương, bạn không thể không biết đến bộ tứ Đông Dương bên trời Âu. Đó là Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm.

Trong số họ, Lê Thị Lựu là nữ họa sỹ duy nhất. Thủ khoa hội hoạ khóa III (1927-1932) không chỉ là một danh họa với những tác phẩm nghệ thuật vô giá mà còn là một người phụ nữ đẹp từ cốt cách, dáng hình.

Bà đã theo chồng sang Pháp sinh sống từ những năm 1940. Ba mươi năm sau khi bà mất, gia đình của nữ họa sỹ tài hoa đưa bà “trở về” quê hương qua 29 tác phẩm của bà. Hiện, các tác phẩm đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh.

Tranh lụa Sơn nữ (1980) là một trong những tác phẩm thành công nhất của Lê Thị Lựu. Trong tác phẩm này, bà tung hoành màu sắc, tự do gần như tuyệt đối

Tiểu sử của danh họa Lê Thị Lựu

Lê Thị Lựu sinh ngày 19-1-1911 ở làng Thổ Khối, Bắc Ninh. Năm 1926, bà ghi tên mình vào lớp dự bị của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và đỗ vào trường khoá III năm 1927.

Tranh của bà luôn được các thầy Victor Tardieu (một trong hai nhà đồng sáng lập của trường) và thầy Joseph Inguimberry khen ngợi. Ngay khi còn là sinh viên, Lê Thị Lựu đã có hai bức tranh sơn dầu trong triển lãm tranh đầu tiên với trường: Chân dung Ông Hai Thiếu nhi trong vườn chuối.

Theo lời kể của ông Ngô Thế Tân, bà lớn lên trong một gia đình giáo dục đạo đức Nho phong. Do vậy, thời còn là sinh viên, bà cũng đã gặp không ít bối rối khi phải vẽ thực tập ảnh người đàn ông khoả thân. Ngoài ra, là phụ nữ lấn sân vào thế giới đàn ông, đôi khi bà cũng bị các bạn trai trong lớp đố kỵ. Họ thậm chí lấy dao rạch tranh hay bôi xoá tranh của bà.

Thế nhưng, nữ hoạ sỹ vẫn ra trường với bằng thủ khoa và đã trở thành giáo sư ở các trường có uy tín lúc bấy giờ như Trường Bưởi, Trường Hàng Bái (Hà Nội), Trường Mỹ Thuật Gia Định (Sài Gòn). Lê Thị Lựu thường xuyên được các báo trong nước nhắc tới.

Chân dung nữ hoạ sĩ tài năng, Lê Thị Lựu tại Paris 1947

Ảnh chụp nữ họa sỹ Lê Thị Lựu tại Paris năm 1947

Tái gầy dựng lại sự nghiệp

Năm 1940 bà theo chồng sang Pháp. Chuyến đi trời Âu tưởng chừng ngắn hạn, nhưng kết quả là Lê Thị Lựu sống cả đời bên Pháp.

So với ba họa sĩ trong bộ tứ Đông Dương, con đường nghệ thuật của Lê Thị Lựu có nhiều truân chuyên hơn. Qua Pháp, cùng chồng sang Phi Châu rồi quay về lại Pháp, bà đã phải mất gần 15 năm mới cầm bút để tiếp tục con đường hội hoạ của mình.

Bà từng tâm sự thuở sinh thời:

“Tôi sang đây năm 1940 mà mãi đến năm 1956 tôi mới có thể vẽ lại. […] Lâu ngày không cầm bút lông, giấy lụa nên tôi càng không dám tin tưởng mình có thể trở lại nghề vẽ. Nhưng sau nhờ các bạn họa sỹ thân khuyến khích nên tôi cố gắng”.

Ba bức trên nền lụa đầu tiên khi bà trở lại hội hoạ đã đoạt giải Nhất (Premier Prix) và được hai người Mỹ mua ngay buổi khai mạc tại Phòng Triển lãm Hội Liên hiệp Nữ Hoạ sỹ, Điêu khắc và Chạm trổ. Chính vì thế, bà dần lấy lại tự tin và tiếp tục sáng tác cho đến cuối đời. Trong hơn nửa thế kỷ sáng tác, nữ họa sỹ đã để lại tầm 300 tác phẩm nghệ thuật.

Tranh lụa Ba mẹ con goá phụ (1954) lưu lại dấu ấn của thời kỳ Lê Thị Lựu chịu ảnh hưởng của Modigliani

Trường phái tranh lụa mang tên Lê Thị Lựu

Nhắc đến Lê Thị Lựu, không thể không nói đến những bức tranh lụa nổi tiếng của bà. “Sự lựa chọn này như một tiền định gắn bó với bản chất của người nghệ sỹ”, nhà văn Thuỵ Khuê, tác giả của cuốn sách Lê Thị Lựu – Ấn Tượng Hoàng Hôn, nhận định.

Nữ hoạ sỹ đã tìm cách giao hoà nghệ thuật vẽ lụa với kỹ thuật Ấn tượng để tạo phong cách riêng của mình. So với tranh lụa cổ của Nguyễn Phan Chánh hay tranh lụa của Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, tranh lụa Lê Thị Lựu có nét mềm mại, tự nhiên đậm tính nữ.

Tranh lụa Nhị Kiều (1954). Trong bức này, bà đã thay đổi bút pháp, màu sắc và thời đại. Hình ảnh hai chị em Thuý Kiều - Thuý Vân có nhan sắc người Hoa lai Việt.

Tranh lụa Nhị Kiều (1954). Trong bức này, bà đã thay đổi bút pháp, màu sắc và thời đại. Hình ảnh hai chị em Thuý Kiều – Thuý Vân có nhan sắc người Hoa lai Việt.

Bà chủ yếu sáng tác về thiếu nhi, thiếu phụ, thiếu nữ. Những nhân vật được hoạ theo trí tưởng tượng của nữ họa sỹ. Chủ thể có khuôn mặt trái xuan, cân đối, hài hòa. Đôi mắt hiền hoà âu yếm, thường đượm buồn.

Màu sắc cũng thế. Tranh Lê Thị Lựu giàu màu sắc, tươi vui, nhẹ nhàng. Ánh sáng trong tranh êm dịu, nhưng thoảng nét buồn thanh tĩnh. Đó cũng bởi vì bà thích trường phái Cổ điển và Ấn tượng.

Tranh lụa Thiếu nữ tắm hồ sen (1971-1972). Với thể loại tranh khoả thân, bà chỉ thực hiện bức này và một bức chân dung.

Bức tranh lụa Dông tố (1980) là tác phẩm được Lê Thị Lựu yêu thích. Bà không bán và luôn treo cạnh giường lúc sinh thời

Bức tranh lụa Dông tố (1980) là tác phẩm được Lê Thị Lựu yêu thích. Bà không bán và luôn treo cạnh giường lúc sinh thời

Ngoài lụa, Lê Thị Lựu cũng từng vẽ tranh sơn dầu. Thực chất, bà đã bắt đầu sự nghiệp với loại tranh này. Tranh sơn dầu Lê Thị Lựu vẽ không chỉ chân dung mà còn cả phong cảnh. Bà thường ghi lại phong cảnh trong những kỳ nghỉ hè của mình. Mỗi cảnh một bầu không khí riêng, nhưng dù vẽ phong cảnh đất Pháp thanh tịnh, bà vẫn giữ gắm hình ảnh quê nhà vào tác phẩm.

Bức tranh sơn dầu, Bến Honfleur. Gam màu nhạt êm dịu tạo nét thanh, tịnh, phảng phất nét buồn

Bức tranh sơn dầu, Bến Honfleur. Gam màu nhạt êm dịu tạo nét thanh, tịnh, phảng phất nét buồn

Lê Thị Lựu: Người đàn bà tài sắc vẹn toàn

Theo mô tả của nhà văn Thuỵ Khuê: “Lê Thị Lựu là một người cao lớn đối với dáng vóc của một phụ nữ Việt. Bà đẹp toàn diện từ nét mặt, làn tóc đến thân hình”.

Dù ở trời Tây, nhưng Lê Thị Lựu vẫn luôn giữ hình ảnh của một người phụ nữ chuẩn Bắc, coi trọng gia đình. Trong những hình ảnh của bà, thường thấy Lê Thị Lựu diện áo dài, trang sức đơn giản cùng vòng kiềng, tóc búi gọn. Lúc ở pháp, bà dành nhiều thời gian quán xuyến việc gia đình. Ông Ngô Thế Tân, chồng bà, từng chia sẻ: Bà làm bếp vào bậc khéo dù không thích nấu ăn.

Bài thơ Lê Thị Lựu viết tại An dường Đường ở Tande 08/07/1983 dưới bút danh Thạch Ẩn

Ngoài hội hoạ, bà còn là một nhà thơ, ký bút hiệu Thạch Ẩn, tên do một nhà sư đặt cho bà. Bà cộng tác với các tạp chí nổi tiếng một thời: Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Đàn bà mới. Những bài thơ của bà, như tranh vẽ, cũng ẩn chứa những nỗi niềm.

Ngày 6-6-1988, Lê Thị Lựu từ trần do xuất huyết não. Những ngày cuối đời, bà vẫn vẽ dù tay run. Bức tranh cuối cùng bà hoà tất là Tam đại Đồng Đường.

Bức tranh Lê Thị Lựu hoàn tất cuối cùng Tam đại đồng đường (1988). Đề tài ba thế hệ cũng là một trong những đề tài được nữ hoạ sỹ vẽ nhiều lần. Bà thường hay đắn đo khi cầm bút. Bức tranh này bà cũng vẽ đi vẽ lại trong mấy năm liền.

THÔNG TIN CHO BẠN

Các tác phẩm nghệ thuật của Lê Thị Lựu đang được trưng bày tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 97A Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM

Nguồn ảnh: Trích từ  sách “Lê Thị Lựu – Ấn tượng hoàng hôn” của tác giả Thụy Khuê
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm