Tương truyền, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ở Việt Nam được phát triển từ thời Hùng Vương. Công chúa Thiều Hoa, con gái Vua Hùng Vương thứ 6 (1712 – 1632 Trước Công Nguyên), đã từ thành Phong Châu sang Cổ Đô dạy dân nghề dệt lụa. Lụa ở làng Cổ Đô lúc bấy giờ là sản vật tiến Vua. Công chúa được xem là vị tổ nghề dệt lụa nước ta.
Nhìn rộng ra, sách sử thế giới ghi lại rằng ngành tơ lụa có từ thế kỷ 4 trước CN, từ đất nước Trung Hoa cổ đại. Qua nhiều thiên niên kỷ, quy trình sản xuất lụa tơ tằm không có nhiều thay đổi. Tằm ăn dâu và nhả kén. Kén tằm được thu hoạch và biến thành sợi lụa tơ tằm, dùng để se sợi và dệt vải.
Ngày nay, chúng ta thường quen miệng gọi taffeta, satin là các loại vải lụa tơ tằm. Thực chất, suy nghĩ này chưa đúng. Phải gọi là các kiểu dệt vải lụa mới đúng.
Từ sợi lụa tơ tằm thu hoạch từ kén, dệt nên với các kiểu đa dạng, con người có thể tạo ra nhiều loại vải khác nhau. Kết cấu vải, mật độ sợi tơ, độ dày và độ bóng là một số những yếu tố được tác động để làm thay đổi chất liệu lụa tơ tằm. Thậm chí, tuy sợi tơ tằm không có tính năng co giãn, kiểu dệt cũng có thể tạo ra biên độ thun cho tấm vải.
Hãy cùng Harper’s Bazaar điểm qua các kiểu dệt tơ tằm phổ biến tại Việt Nam.
Các kiểu dệt lụa tơ tằm tạo vải có bề mặt bóng
Nói đến lụa tơ tằm, người ta thường nghĩ đến những thước vải bóng loáng, có phần óng ánh (iridescent) chuyển màu dưới ánh sáng. Lý do vì kiểu dệt lụa tơ tằm phổ biến nhất là kiểu dệt satin.
Satin: Kiểu dệt phổ thông
Là loại lụa phổ biến nhất, được dệt với các kỹ thuật dệt satin. Kiểu dệt bân đoạn, tạo nên mặt trên bóng và mặt dưới mờ. Kiểu dệt satin thường được áp dụng cho sợi lụa tơ tằm, sợi polyester (còn được gọi là vải phi bóng), và cả sợi cotton.
Ưu điểm: Satin mềm và êm, thấm hút mồ hôi tốt, không bám vào da, lại cực nhẹ. Chính vì thế, lụa satin thường được sử dụng trong các trang phục sang trọng, quần áo lót, các món đồ nội thất, và chăn ra giường.
Khuyết điểm: Mặt vải dễ bị sờn, mất độ bóng nếu nhúng nước nên phải giặt hấp.
Taffeta Satin: Kiểu dệt lụa bóng và đứng vải
Taffeta satin là sự kết hợp giữa kiểu dệt Taffeta và Satin. Kiểu dệt vải này có một mặt bóng và một mặt mờ.
Taffeta là kiểu dệt xuất xứ từ Trung Đông vào thế kỷ 12. Từ “taffeta” đến từ chữ “taftah” trong tiếng Ba Tư, có ý nghĩa là dệt xoắn. Taffeta được tạo ra từ kỹ thuật dệt trơn, một sợi lên một sợi xuống. Các sợi xoắn vào nhau trước khi dệt, nhờ đó tạo ra độ cứng của vải.
Satin, như chúng ta đã biết, thường có độ rũ cao, độ óng ánh tự nhiên. Trong khi đó, taffeta với kiểu dệt xoắn thường cứng cáp, bền chắc và có độ đứng mình hơn. Sự giao thoa giữa hai kiểu dệt cho ta loại lụa vừa giữ được độ óng ả của satin mà vẫn đứng dáng như taffeta.
Ưu điểm: Loại này phù hợp may áo tay phồng hoặc các loại đầm dạ hội cần giữ dáng.
Nhược điểm: Không thể giặt tay do gây mất độ bóng của bề mặt vải khi tiếp xúc với nước.
Các kiểu dệt lụa tơ tằm tạo vải kết cấu dạng lì (matte)
Giới thời trang phương Tây không thích các loại vải lụa tơ tằm quá bóng. Những kiểu dệt tạo bề mặt dạng lì (matte) không được quá ưa chuộng ở Việt Nam, nhưng lại được xuất khẩu nhiều do được ưa chuộng ở phương Tây hay Nhật Bản.
Twill: Kiểu dệt thường thấy trong khăn lụa tơ tằm cao cấp
Twill được đặt tên từ phong cách sợi đan chéo (twill weave). Nhìn mặt vải rất dễ nhận ra nhờ các đường chéo đều đặn. Kiểu dệt chéo tạo sự chắc chắn cho loại lụa này. Kết cấu dày dặn, có độ lì (matte) thay vì bóng loáng như satin. Với kiểu dệt này, hai mặt lụa twill thường có kết cấu khác nhau. Các thương hiệu cao cấp như Hermès, Dior, Gucci đều dùng loại lụa chéo này để may khăn quàng. Lụa Mikado của Nhật Bản là một loại vải được dệt kiểu chéo.
Ưu điểm: Giới hâm mộ lụa tơ tằm cũng chuộng loại này hơn satin do có thể giặt tay hoặc giặt máy ở chế độ giặt nhẹ.
Khuyết điểm: Không mềm mại như kiểu dệt satin, dễ nhăn hơn, nên không được khuyên dùng để làm quần áo, nội y.
Crepe de Chine: Vải lụa tơ tằm được ưa chuộng cho các loại trang phục dạ hội
Crepe de Chine hay được gọi tắt là lụa CDC. Đây là từ ngữ người Pháp dùng gọi lụa tơ tằm khi lần đầu tiên được tiếp xúc với vải lụa. Dịch ra có nghĩa là “vải của Trung Hoa”, do Trung Hoa trong tiếng Pháp là Chine. CDC vô cùng thịnh hành vào những năm 1960 ở Hollywood. Đây là dòng lụa mềm, hơi nhám và bóng nhẹ. Sợi xoắn nhiều trước khi dệt nên vải nổi vân cát trên bề mặt.
Ưu điểm: Lụa CDC thường ít nhăn và tạo cảm giác nhẹ và mịn khi lướt tay trên mặt lụa. Có khả năng chống nhăn tốt. Có thể được giặt tay với nước lạnh.
Khuyết điểm: Không có độ bóng nên đôi khi bị nhầm lẫn với vải chất lượng thấp hơn.
Kawa: Kiểu dệt lụa sang trọng từ Nhật Bản
Đây là một loại vải lụa dày, mặt vải nổi cát đều. Khi chạm sẽ cảm nhận được độ nhám từ cá vân cát này trên bề mặt vải. Kawa có độ rũ cao, tạo cảm giác mềm mại cho người mặc. Lụa Kawa mềm mà không bóng, thích hợp cho trang phục của cả nam và nữ. Có thể dùng Kawa để thay thế cho lụa Crepe de Chine.
Toshi: Kiểu dệt lụa tơ tằm thường thấy trong Kimono Nhật
Toshi là kiểu dệt lụa truyền thống của Nhật Bản. Loại lụa này thường được dùng để may kimono và khăn quấn ở phần thắt lưng (obi) của các trang phục truyền thống của đất nước mặt trời. Kiểu dệt này tạo nên những đường vân độc đáo trên bề mặt, trông không khác gì những gợn sóng lăn tăn đuổi theo nhau.
Gấm (brocade/jacquard): Kiểu dệt lụa tạo những vân chìm
Gấm (brocade) là loại vải dệt với những họa tiết chìm nổi, tạo độ bóng tương phản sáng tối. Họa tiết được tạo thủ công với khung cửi dệt tay.
Sau đó, năm 1804, nghệ nhân Pháp Joseph Marie Jacquard sáng chế ra khung cửi dệt tự động. Khi dệt lụa bằng khung cửi tự động, người ta tính toán kỹ cách kết hợp sợi để tạo ra các hoa văn phức tạp và đa dạng hơn khi so với gấm dệt tay. Những thước vải dệt từ chiếc máy Jacquard được quen miệng gọi là vải gấm jacquard.
Gấm jacquard là loại lụa đa dạng nhất thế giới thời trang. Các loại khăn trải giường hay bọc ghế sopha cao cấp cũng thường dùng Jacquard.
Ưu điểm: Nhờ được dệt máy, gấm có nhiều họa tiết đa dạng. Kiểu dệt nặng, bền và khó hư hỏng.
Khuyết điểm: Họa tiết có thể khiến người mặc trông bị già.
Lụa tơ tằm kết hợp với sợi đũi
Đa phần các loại vải lụa tơ tằm được dệt từ sợi đơn. Tuy nhiên, đôi khi con tằm nhả sợi không đồng đều, dẫn đến những sợi lụa chặp đôi thô và dày hơn loại sợi mịn. Những sợi lụa này được gọi là tơ đũi (raw silk). Đặc điểm nhận diện của tơ đũi là bề mặt thường có những điểm lỗi (slub) trông như vón cục.
Trong quá khứ, sợi lụa này bị xem là phế liệu. Ngày nay, tơ đũi cũng sử dụng để dệt vải, tạo nên những thước vải thô mộc đầy cá tính. Tuy nhiên, người Việt ít chuộng các loại vải tơ tằm dệt từ lụa đũi này.
Taffeta raw silk: Kết hợp taffeta và tơ đũi
Kiểu dệt Taffeta có thể được kết hợp với raw silk (tơ đũi) để tạo nên những thước vải có phần thô mộc. Khi dùng tơ thô để dệt sẽ tạo ra loại vải bền, cứng mình và bóng, đổi màu óng ánh khi nhìn từ nhiều phía. Kiểu dệt taffeta raw silk còn có thể được gọi là lụa Dupioni trong tiếng Ý.
Ưu điểm: Chất liệu phù hợp với các loại đầm dạ hội, đầm cocktail, váy cưới. Cũng có thể dùng để may màn cửa khi kết hợp với lớp lót chống nắng. Do bề mặt có những điểm lỗi nên khó nhận ra những vết trầy xước trong khâu sử dụng.
Nhược điểm: Cần được giặt hấp để bảo quản độ bóng của vải.
Shantung: Kiểu dệt lụa đũi từ Trung Quốc
Shantung là kiểu lụa dệt trơn có nguồn gốc từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Quan sát kỹ bề mặt của loại lụa này trông như những đốt cây tre xếp đều đặn. Tuỳ vào loại sợi tơ được sử dụng mà độ thô hay mịn trên bề mặt vải có thể thay đổi. Nói chung, sợi dùng cho kiểu dệt shantung cũng là sợi phế liệu, tuy không hoàn toàn thô như raw silk (sợi đũi). Do đó trên mặt vải, đôi khi sẽ nhìn thấy những lỗi vải gồ lên đặc trưng, tạo vẻ đẹp riêng cho loại lụa này.
Ưu điểm: Với độ đứng vải, lụa tơ tằm shantung phù hợp để may váy cưới, đầm dạ hội tạo phom đứng.
Nhược điểm: Cần được giặt hấp để bảo quản độ bóng của vải. Độ dày không đồng nhất vì sợi đũi dệt vải có thể tạo nên khó khăn trong khâu may vá.
Các kiểu dệt lụa tơ tằm tạo vải xuyên thấu
Chiffon: Kiểu dệt lụa mềm mại, không quá trong
Chiffon là kiểu dệt thoi với kiểu sợi xoắn. Quá trình dệt tạo ra một loại vải nhẹ và bóng mờ. Khi chạm vào, vải có cảm giác hơi xốp, và mềm nhẹ. Đó là nhờ những lỗ nhỏ trên vải trong quá trình dệt. Kiểu dệt chiffon tạo ra loại vải mỏng, hơi xuyên thấu, có độ co giãn nhẹ.
Ưu điểm: Lụa chiffon có khả năng bắt sáng tốt, thay đổi theo từng góc tôn lên sự duyên dáng, nữ tính cho người mặc.
Khuyết điểm: Chiffon dễ bị xước, phải cẩn thận khi mặc.
Organza: Kiểu dệt lụa xuyên thấu và đứng vải
Lụa organza mỏng và trong suốt. Đây là kiểu dệt trơn, với các sợi ngang và sợi dọc có cùng kích thước và số lượng ở mỗi đầu. Thuật ngữ “organza” có nguồn gốc từ “organzine”, để chỉ các loại chỉ tơ được làm bằng phương pháp kéo sợi xoắn đơn giản. Vẻ mong manh, cho nhiều ánh sáng lọt qua của organza do số lượng tơ đơn dùng để bện sợi dệt thấp hơn so sợi dùng cho các kiểu dệt khác. Khi phóng lớn, thấy các sợi đan xen như một tấm lưới mỏng. Chất lượng của organza đo bằng số lỗ trên mỗi inch (HPI) chứ không phải số sợi chỉ. Khi chỉ số HPI càng cao thì chất lượng vải càng tốt.
Ưu điểm: Đủ bền để có thể thêu, đính thủ công.
Khuyết điểm: Dễ bị xước.
Habutai: Kiểu dệt lụa tơ tằm xuyên thấu từ Nhật Bản
Habutai còn có những cách viết khác là Habotai hoặc Habutae. Đây là loại vải lụa tơ tằm có kiểu dệt trơn với các sợi ngang và sợi dọc đan xen theo quy tắc một một. Kiểu dệt này có xuất xứ từ Nhật Bản. Habutai có độ rũ, độ mỏng nhẹ, mềm mại và thoáng khí. Lụa khá trong, tuy nhiên so với chiffon, độ trong suốt của habutai thấp hơn. Ở Nhật Bản, habutai còn được dùng để làm kimono, khăn mù soa.
Ưu điểm: Habutai có độ bền cao, khó xước, khó nhăn. Phù hợp để may trang phục mặc hàng ngày như áo sơ-mi, áo blouse.
QUY TRÌNH SẢN XUẤT LỤA TƠ TẰMQuy trình sản xuất lụa tơ tằm có năm giai đoạn: nuôi tằm, nhả tơ tạo kén, ươm tơ, dệt vải và nhuộm lụa. Việc sản xuất thường kéo dài tầm hai tháng. Trong gian đoạn đầu tiên, người nuôi tằm sẽ chọn ra những lá dâu không quá già và thái nhỏ cho tằm ăn. Tằm trong gian đoạn này thích nghi với thời tiết mát mẻ. Người nuôi tằm phải rất cẩn trọng vì nếu nhiệt độ không đều và không thích hợp sẽ làm giảm chất lượng tơ. Sang giai đoạn hai, con tằm nhả tơ tạo kén. Lúc này người nuôi để tằm bò lên các né để đóng kén, và đưa né ra nơi có ánh nắng nhẹ vì ánh nắng sẽ giúp kén được khô và có màu óng ả. Sau khi tằm nhả tơ, kén được thu hoạch và đi ươm tơ. Giai đoạn ươm tơ là giai đoạn cần ước lượng thời gian kỹ lưỡng trong quy trình sản xuất vải lụa. Tơ cần ươm ngay khi tằm kết thúc nhả tơ. Nếu chậm trễ, con tằm sau khi thành nhộng sẽ biến thành bướm ngài cắn kén chui ra. Tơ sẽ bị đứt. Ươm tơ là việc kéo sợi tơ từ tổ kén để se thành sợi tơ tằm. Người thợ sẽ chọn kén có nhiều tơ, và tương đồng về hình dạng cũng như kích thước. Họ đun kén trong nước nóng để loại bỏ sericin, một hợp chất protein bọc ngoài kén tằm. Sericin tạo thành chất keo bảo vệ kén tằm. Khi ngâm trong nước sôi, keo rã ra và làm kén mềm hơn, dễ rút sợi. Sợi tơ sau đó được se lại thành các sợi chỉ tơ quấn thành cuộn để đưa đi dệt. Hermès chế tác khăn lụa từ chất liệu twill. Ảnh: Instagram @hermes Tuỳ vào kiểu dệt mà sợi tơ được bện nhiều hoặc ít. Như đã thấy, lụa có nhiều kiểu dệt khác nhau. Các kiểu dệt phổ biến phải kể đến là satin, dệt trơn (plain), và dệt chéo (twill). Nhưng dù là kiểu dệt nào, loại vải nào, giá thành lụa đều tính toán dựa trên độ nặng của vải, gọi là momme. Đó là vì nguyên liệu đầu vào, sợi tơ, tính bằng kilogram, không tính bằng đơn vị đo chiều dài. Độ nặng càng cao thì chất liệu vải càng đắt. Việc nhuộm lụa có thể được hoàn thành trước hoặc sau khi dệt sợi tơ thành vải. Theo truyền thống Á Đông, nguyên liệu nhuộm thường dùng thảo mộc, vỏ cây, lá cây, các loại củ… Giờ đây, công nghệ mới đã hoàn thiện kỹ thuật nhuộm giúp màu sắc của lụa đa dạng hơn. Đặc biệt việc nhuộm sợi trước khi dệt tạo ra những loại hoa văn bền màu và sắc sảo hơn so với việc in hoạ tiết sau khi dệt. |
CÁCH GIẶT ỦI VÀ BẢO QUẢN LỤA TƠ TẰM BỀN ĐẸP, CHỐNG CŨ VẢI
PHÂN BIỆT GIỮA VỎ GỐI LỤA TƠ TẰM VÀ VỎ GỐI SATIN
KHÁNH VÂN MANG TƠ TẰM VIỆT ĐẾN CUỘC THI HOA HẬU HOÀN VŨ THẾ GIỚI
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam