#TBT: Phim Người hầu gái dán nhãn 19+ của Hàn Quốc có gì hay?

Người hầu gái là bộ phim Hàn Quốc đầu tiên thắng giải Phim nước ngoài hay nhất tại giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm nước Anh. Review phim Người hầu gái sẽ chia sẻ 5 lý do bạn không nên bỏ lỡ tác phẩm này

Phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Fingersmith của nhà văn Sarah Waters. Người hầu gái (The Handmaiden) kể về câu chuyện tình yêu đồng tính giữa tiểu thư giàu có và một hầu gái. Bộ phim không chỉ bội thu thành tích tại quê nhà Hàn Quốc mà còn được thế giới công nhận. Kịch bản bất ngờ, cảnh quay nghệ thuật, dàn diễn viên thực lực là những yếu tố tạo nên thành công của phim. Harper’s Bazaar Vietnam sẽ review phim Người hầu gái một cách chi tiết hơn dưới đây.

Thông tin phim

review phim Người hầu gái

• Tên phim: The Handmaiden (tựa tiếng Việt: Người hầu gái)
• Thời lượng: 145 phút
• Đạo diễn: Chan Wook Park
• Diễn viên: Kim Min Hee, Ha Jung Woo, Cho Jin Woong
• Quốc gia: Hàn Quốc
• Thể loại: 19+, kịch tính, tâm lý
• Khởi chiếu: 2016

Thang điểm đánh giá:

• IMDb: 8.1/10
• Google: 90/100
• Rotten Tomatoes: 95/100

Review phim Người hầu gái, những giải thưởng và nhận định uy tín

The Handmaiden

Từ trái qua: Ha Jung Woo, Kim Tae Ri, Kim Min Hee và Cho Jin Woong

Người hầu gái thu hút 558.930 người xem tới rạp trong hai ngày đầu ra mắt, trở thành hiện tượng phòng vé. Bộ phim thậm chí vượt mặt bom tấn Hollywood – X-Men: Apocalypse – để đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu ăn khách nhất phòng vé trong tuần ở Hàn.

Phim giành giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất và Giải thiết kế xuất sắc của Hiệp hội các nhà phê bình điện ảnh Los Angeles vào tháng 12-2017. Người hầu gái cũng đi vào lịch sử khi trở thành bộ phim Hàn đầu tiên nhận giải Phim nước ngoài hay nhất tại giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm nước Anh (còn gọi là BAFTA).

Tác phẩm dán nhãn 19+ này còn gây sốt khi được chọn tranh Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes. Cũng tại liên hoan này, bộ phim đã nhận về vô số lời khen và bình luận có cánh của những tạp chí và cá nhân uy tín.

Review phim Người hầu gái

• The Guardian của Anh viết rằng: “Phim chứa nhiều cảnh bạo dâm gây rúng động hơn cả 50 sắc thái. Tác phẩm này là câu chuyện đầy sức thuyết phục về cách nữ giới vươn lên trong xã hội nam trị”.

• The Hollywood Reporter của Mỹ nhận định: “Dù chứa đầy cảnh nhục dục, ma mị, cảnh thống dâm, bộ phim giật gân của Park Chan Wook không rơi vào kiểu “rẻ tiền”. Thay vào đó, câu chuyện về người phụ nữ được xử lý bằng ngôn ngữ điện ảnh tinh xảo, khiến người xem đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác”. Nhà phê bình Deborah Young của tờ này không tiếc dùng mỹ từ cho bộ phim, nhấn mạnh rằng tinh túy điện ảnh châu Á gói gọn trong tác phẩm này.

• Cameron Bailey, trưởng ban giám khảo Liên hoan phim Toronto, chia sẻ cảm xúc sau khi xem bộ phim: “Đây là tác phẩm điện ảnh quá ấn tượng. Đến giờ những tiếng đập thình thịch trong tim tôi vẫn còn chưa dứt”.

Nội dung phim Người hầu gái (The Handmaiden)

Người hầu gái lấy bối cảnh ở Hàn Quốc hồi đầu thế kỷ XX, khi Hàn còn chịu ách đô hộ của Nhật Bản. Tiểu thư Hideko sinh sống trong một tòa lâu đài cùng người dượng lớn tuổi. Tuy lớn lên trong nhung lụa nhưng cô lại bị bạo hành tinh thần. Hideko luôn lo sợ và muốn thoát khỏi cuộc sống địa ngục đó.

Sook Hee là cô gái ít học. Thông qua lời giới thiệu của một nam tước, cô đến làm hầu gái cho tiểu thư Hideko. Trong quá trình tiếp xúc và hầu hạ cô chủ, giữa họ đã nảy sinh từ cảm.

Từ đây, hai cô gái đã bộc lộ những tâm tư thầm kín của bản thân. Đồng thời, Hideko và Sook Hee phải đối phó với những âm mưu thâm độc của những người xung quanh. Liệu mối tình trái ngang này sẽ đi về đâu? Cuộc đời của cô tiểu thư Hideko có được giải thoát khỏi căn biệt thự đó?

>>> Bạn có thể quan tâm: REVIEW DẪU BIẾT, BỘ PHIM SỦNG NGỌT DÀNH CHO TUỔI CẬP KÊ

Review phim Người hầu gái, 5 lý do tạo nên sức hút của phim

nội dung phim Người hầu gái

The Handmaiden (Người hầu gái) là một bộ phim điện ảnh tâm lý tràn ngập sự căng thẳng, kịch tính cho đến giây phút cuối cùng. Sau khi dự tranh Cannes, Người hầu gái được mua bản quyền phát hành ở 175 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng điểm qua 5 lý do tạo nên sức hút của phim.

1. Đạo diễn tài năng Park Chan Wook là cha đẻ của bộ phim

Đạo diễn Park Chan Wook cực kỳ nổi tiếng với tác phẩm Old boy (Giành giải Grand Prix tại Liên hoan phim Cannes 2004, một trong những phim điện ảnh xuất sắc nhất Hàn Quốc). Trước đó, ông từng giành giải Grand Prix ở Cannes 2003 cho Old boy và đoạt giải Jury Prize năm 2009 cho phim Thirst.

Vị đạo diễn tài ba này nổi tiếng với phong cách làm phim táo bạo, hung hăng và có chút điên loạn. Phim của ông thường đẩy người xem đến tột đỉnh của bất ngờ, tột đỉnh của mọi cảm xúc oán hận, thù địch.

Với Người hầu gái, tính bạo lực đã được giảm đi rất nhiều, thay vào đó là yếu tố nóng bỏng. Độ bất ngờ và sáng tạo trong kịch bản vẫn được giữ nguyên để bảo chứng cho phong cách của ông. Người hầu gái được nhiều báo chí nước ngoài ưu ái gọi bằng cái tên: Old boy phiên bản nữ quyền.

2. Kịch bản hồi hộp, twist chồng twist

Kịch bản hồi hộp, twist chồng twist

Người hầu gái dắt tay người xem đi từ cú lừa này đến cú lừa khác, một cách chóng mặt. Twist chồng twist, hết bất ngờ này đến bất ngờ kia. Từng âm mưu được cài cắm theo lớp lang và được lật mở vào lúc không ngờ nhất.

Một số tình tiết đầu phim có thể gây khó hiểu hoặc cảm giác khiên cưỡng. Tuy nhiên, đó là sự sắp đặt thông minh. Các tình tiết này đều sẽ được giải quyết thỏa đáng và logic. Kịch bản mới lạ, kết cấu chặt chẽ, cách kể chuyện cực kỳ lôi cuốn là một trong những yếu tố níu chân khán giả đến những giây phút cuối cùng.

3. Review phim Người hầu gái: Cảnh nóng táo bạo nhưng không dung tục

Review phim Người hầu gái: Cảnh nóng táo bạo nhưng không dung tục

Được dán nhãn phim 19+, không gì ngạc nhiên khi Người hầu gái tràn ngập cảnh nóng, từ hình ảnh cho đến lời thoại. Hầu hết các cảnh đốt mắt này đến từ hai nữ chính và được quay rất nghệ thuật, tỉ mỉ. Khán giả gần như không cảm thấy những cảnh nóng này là thừa thãi, câu khách hay dung tục.

Ngược lại, những phân đoạn ân ái trong phim vừa đẹp đẽ, vừa thơ và tình. Cảnh nóng táo bạo nhưng không thô thiển, gợi tình chứ không gợi dục, vừa nghệ thuật vừa thể hiện được ẩn ý đằng sau. Người xem dường như cảm nhận được tình cảm mãnh liệt, thăng hoa cũng như những khoái cảm trong tình yêu của cặp đôi chính.

4. Dàn diễn viên hóa thân xuất sắc

Dàn diễn viên hóa thân xuất sắc

Kim Tae Ri (trái) và Kim Min Hee

Phim trình làng với dàn diễn viên thực lực gồm Kim Min Hee, Cho Jin Woong, Ha Jung Woo và nữ diễn viên mới Kim Tae Ri. Các diễn viên đều cân tài cân sắc và hoàn thành trọn vẹn vai diễn của mình. Trong đó, đáng chú ý nhất là màn trình diễn thăng hoa của hai nữ chính.

Kim Min Hee với lối diễn xuất đầy biến hóa đã khắc họa thành công một tiểu thư sắc sảo, khôn ngoan ẩn sau bề ngoài mỏng manh, thơ ngây.

diễn viên Kim Tae Ri

Diễn viên Kim Tae Ri

Kim Tae Ri, nữ diễn viên lần đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng đã có màn chào sân mỹ mãn. Sook Hee xuất thân là kẻ móc túi, lừa đảo. Song nội tâm cô lại lương thiện, thậm chí có phần khù khờ. Vai diễn Sook Hee đã giúp cho Kim Tae Ri một bước thành sao, trở thành tên tuổi tiềm năng của điện ảnh Hàn Quốc.

5. Review phim Người hầu gái: Thông điệp phim ý nghĩa

Review phim Người hầu gái: Thông điệp phim ý nghĩa

Thông qua câu chuyện của nhân vật, Người hầu gái gửi đến thông điệp về vẻ đẹp và bản lĩnh của người phụ nữ. Hai cô gái có xuất thân và bối cảnh trái ngược nhau. Một người là tiểu thư khuê các; người kia quê mùa, vật lộn từng bữa bằng cách lừa lọc người khác.

Họ có điểm chung đều là nạn nhân đáng thương, bị xem là con rối trong tay đàn ông. Họ đã gặp nhau, bằng sự thông minh và can đảm của mình, đã tìm cách giải thoát cho nhau. Thông điệp nữ quyền của Người hầu gái hiện lên đanh thép nhưng cũng không kém phần nữ tính.

Ngoài ra, theo chia sẻ từ đạo diễn Park Chan Wook, thông điệp của bộ phim còn đề cập đến mức độ bạo tàn của sự phản bội.

Người hầu gái (The Handmaiden) là bộ phim 19+ táo bạo, kịch tính và cũng rất nghệ thuật. Tất cả mọi yếu tố từ kịch bản, màu phim, cảnh quay, âm thanh đến diễn viên đều rất hài hòa, trọn vẹn. Bài review phim Người hầu gái sẽ kết thúc bằng một lời thoại ấn tượng của tiểu thư Hideko: “Em có thể nguyền rủa tôi hay đánh cắp bất kỳ thứ gì, nhưng xin em đừng nói những lời dối trá với tôi”.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm