Phó tổng Nike xin nghỉ việc vì phi vụ kinh doanh giày thể thao của con trai

Tìm hiểu những mặt tối đằng sau việc kinh doanh giày thể thao hypebeast với công nghệ tối tân giúp các kẻ săn giày mua được những đôi giày hiếm mới lạ

Giày Nike hiếm thường có giá cực cao trên StockX, nền tảng bán hàng second hand chuyên trị dòng hàng hypebeast được những người kinh doanh giày thể thao ưa thích. Ảnh: Instagram @StockX

Bà Ann Hebert, phó tổng giám đốc tập đoàn Nike và giám đốc quản lý địa hạt Bắc Mỹ của hãng, vừa nộp đơn xin nghỉ sau hơn 25 năm tận tụy vì tập đoàn. Lý do vì con trai của bà chuyên săn lùng và bán lại những đôi giày thể thao quý hiếm, trong số đó có thiết kế của Nike.

Làm giàu bằng nghề kinh doanh giày thể thao, hàng streetwear quý hiếm

Các thương hiệu thời trang, để kích cầu mua sắm, luôn tạo ra những sản phẩm phiên bản giới hạn, số lượng sản xuất thấp, không được bán đại trà. Đối với Nike, các đôi giày hiếm được bán qua app SNKRS của hãng, chứ thậm chí chẳng lên kệ tại cửa hàng hay đại lý bán lẻ.

Vì mô hình kinh doanh này, xuất hiện một nhóm người chuyên đi săn lùng hàng hiếm. Họ sẽ tìm cách mua hết số lượng sản xuất từ thương hiệu. Sau đó bán sang tay lại trên thị trường second hand.

Việc kinh doanh hàng hiếm này đặc biệt thịnh hành trong giới chơi hàng thời trang hypebeast. Giới săn lùng hàng hiếm để rồi bán lại ở mức giá cao hơn đặc biệt chú trọng đến các thương hiệu có giá trị đầu tư cao – ví dụ The Supreme, dòng Air Jordan của Nike, Yeezy, Dover Street Market…

Đây cũng là mô hình kinh doanh làm nên thành công của con trai bà Ann Hebert.

Con trai làm giàu từ công ty mà mẹ làm công ăn lương thì có vi phạm đạo đức, luật pháp?

Joe Hebert (che mặt) khoe mớ giày Nike tậu được để bán sang tay trên thị trường second hand. Ảnh: Instagram @west.coast.streetwear

Joe Hebert, dù mới 19 tuổi, đã rất giàu có khi lập công ty riêng gọi là West Coast Streetwear.

Anh chàng này chuyên đặt mua những đôi giày thể thao quý hiếm, rồi bán lại trên những website dành cho dân chơi hypebeast như StockX. Được biết, trong chỉ một tháng, công ty West Coast Streetwear này thu về 600.000 đô-la Mỹ doanh thu từ việc bán sang tay hàng streetwear.

Nike cấm nhân viên của mình tham dự vào việc kinh doanh hàng hiếm trên thị trường second hand. Nhưng, theo nguồn tin chính thúc từ Nike, phó tổng Nike Ann Hebert từng thông báo với tập đoàn về việc kinh doanh của con trai năm 2018. Bà cam đoan không hỗ trợ cậu mua giày trực tiếp từ Nike. Vì vậy, Nike nhận xét, việc kinh doanh của Joe Hebert “không vi phạm bất kỳ điều khoản nào từ Nike”.

Tuy nhiên, khi bài phỏng vấn này được đăng đàn trên Bloomberg, cư dân mạng đã vô cùng phẫn nộ.

Một số người vẫn tin rằng, bà Ann Hebert “tiếp tay” cho con trai trong công cuộc mua bán giày hiếm. “Vừa được trả lương ở Nike. Vừa ăn lợi nhuận bán hàng sang tay trên thị trường second hand. Ngon quá còn gì”, một người dùng viết cay cú trên mạng xã hội Reddit.

Nhưng, dựa theo đoạn phỏng vấn thì Joe Hebert ăn lời chủ yếu ở hai mảng khác.

Scandal Nike: Phó tổng xin nghỉ việc vì vụ kinh doanh giày thể thao của con trai

Việc anh chàng hay khoe lô hàng “khủng” của mình càng khiến giới yêu giày thể thao tức giận. Ảnh: Instagram @west.coast.streetwear

Đầu tiên là dùng mã code giảm giá dành cho nhân viên từ mẹ để mua giày với mức rẻ mạt hơn, để rồi ăn biên lợi nhuận cao hơn khi bán hàng sang tay. Ngoài ra, anh chàng còn được mua sắm tại cửa hàng Nike Employee Store dành riêng cho nhân viên.

Thứ nhì là mượn thẻ tín dụng cá nhân của mẹ để mua hàng.

Tại Mỹ, hệ thống tín dụng cho phép bạn vay mượn tiền của ngân hàng để mua sắm trước. Đến cuối tháng thì bạn mới cần phải hoàn trả lại số tiền đã vay. Những người vừa bắt đầu có thẻ tín dụng thì có hạn mức vay mượn không cao. Còn những người như bà Ann Hebert, đã có thẻ tín dụng lâu năm, thì hạn mức vay mượn có thể lên đến hàng trăm ngàn đô-la Mỹ.

Vì vậy, việc Joe Hebert mượn thẻ tín dụng có hạn mức vay mượn cao của mẹ để kinh doanh khiến cậu chàng có lợi thế hơn những người khác. Có lần, cậu thẳng tay mua 132.000 đô-la Mỹ tiền giày từ thương hiệu Yeezy mà Kanye West bắt tay cùng Adidas thực hiện.

Đồng thời, với ngân sách cao từ mẹ thì Joe Hebert có thể mạnh tay đầu tư cho loại bot mua sắm tự động xịn. Nhờ vậy mà anh nhanh tay đặt mua được nhiều item hiếm trước các đối thủ cạnh tranh.

Video tham quan kho hàng của Joe Hebert nhận nhiều lời nhận xét miệt thị

Bốn ngày sau khi bài phỏng vấn Joe Hebert được xuất bản, đối mặt với các chỉ trích của cư dân mạng, bà Ann Hebert đã tình nguyện nghỉ việc tại Nike.

Hiện tại tập đoàn đang tìm người thay thế bà. Vị trí của bà Ann Hebert vô cùng quan trọng, vì là người tăng cường thúc đẩy việc bán hàng trực tiếp đến người tiên dùng (direct to consumer): chính là qua website của Nike và app SNKRS.

Tuy nhiên, trớ trêu thay, việc giảm thiểu bán hàng đến đại lý, tăng cường đẩy mạnh website cá nhân của Nike, cũng tiếp tay giúp các kẻ bán hàng sang tay như con trai bà Ann Hebert làm giàu. Vì những kẻ chuyên kinh doanh giày thể thao hiếm sẽ dùng công nghệ để mua sạch hàng hóa trên website của Nike, chỉ để tung ra trên thị trường second hand.

Vấn đề nhiều người dùng còn đặt ra cho Nike là làm thế nào để hãng bảo vệ người tiêu dùng chính thức và hạn chế những kẻ kinh doanh giày thể thao như Joe Hebert.

Giày Nike hiếm thường có giá cực cao trên Vestiaire Collective và StockX, những nền tảng bán hàng second hand được những người kinh doanh giày thể thao ưa thích. Ảnh: Instagram @vestiaireco

Một đôi Air Jordan hiếm của Nike chất lượng tốt thường có giá cực cao trên thị trường second hand. Ảnh: Instagram @vestiaireco

Công nghệ Bot mua sắm tự động trong kinh doanh hàng hypebeast là gì?

Đây thực chất là một phần mềm mua hàng tự động. Người dùng bot điền thông tin mua hàng (tên tuổi, địa chỉ, thẻ tín dụng) vào phần mềm. Rồi gắn vào đường link của sản phẩm mình muốn mua. Sau đó, khi sản phẩm được mở bán, phần mềm sẽ tự động mua hàng.

Do các thông tin đã được điền sẵn vào phần mềm, nó có thể đăng ký mua hàng nhanh tay hơn bất kỳ người thường nào. Đôi khi chỉ mất 0.2 giây để bot tự động hoàn thành đặt mua sản phẩm!

Những website bán hàng streetwear hiếm thường giới hạn số lượng – ví dụ, một người dùng chỉ được phép mua một sản phẩm. Vì vậy, các tay kinh doanh giày thể thao hiếm sẽ kết hợp bot với nhiều server và VPN để thay đổi IP (mã nguồn Internet mua hàng), giả dạng thành nhiều người mua đồng thời. Đây là cách thức giúp họ quét sạch các sản phẩm streetwear hypebeast khi nó vừa được tung ra.

Scandal Nike: Phó tổng xin nghỉ việc vì vụ kinh doanh giày thể thao của con trai

Giao diện website SNKRS, nơi Nike tung ra các mẫu giày thể thao quý hiếm. Các con bot sẽ vào app/web này để mua những item hot.

Các tập đoàn lớn luôn cải thiện công nghệ để chống bot. Tuy nhiên, chính những kẻ lập trình bot cũng thường xuyên cập nhật mã code để vượt qua sự soi sét của các website. Trớ trêu thay, luật pháp không nghiêm cấm việc sử dụng bot, nên đây vẫn là công nghệ mua hàng hiếm phổ biến của giới kinh doanh giày thể thao, hàng streetwear quý hiếm. Cũng vì vậy mà giá trị để mua bot không rẻ, có thể từ vài trăm đến vài ngàn đô-la Mỹ cho phần mềm tốt.

>>> Xem thêm: HIỂU VỀ THỜI TRANG HYPEBEAST VỚI PHONG CÁCH CÁ NHÂN CỦA RAPPER BINZ

Trích dẫn Bloomberg, NY Post, Complex, Highsnobiety
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm