“Lịch sử thời trang Ý cũng chính là lịch sử của nước Ý hậu Thế chiến 2”, ngài Stefano Dominella. Chủ tịch nhà mốt Maison Gattinoni mở đầu câu chuyện với Harper’s Bazaar. Ông đã đến Việt Nam tham dự Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam. Sự kiện diễn ra vào tháng 5 vừa qua. Trong một buổi sáng thư giãn hiếm hoi tại khách sạn Grand Hotel Saigon, chúng tôi đã trao đổi với nhau về lịch sử thời trang Ý nói chung và lịch sử thương hiệu Gattinoni nói riêng.
Từ một quốc gia nghèo đói và bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, nước Ý đã trở thành kinh đô của thời trang; điện ảnh và lối sống la dolce vita. Trong giai đoạn hoàng kim của thập niên 1950–1960 ấy, các diễn viên nổi tiếng, giới hoàng gia, thượng lưu, vợ của các chính khách… ồ ạt đổ về Rome để may cho mình những bộ trang phục thời thượng và hợp mốt nhất. Một trong những cái tên được các quý bà, quý cô thời ấy ưa chuộng là Gattinoni.
Đỉnh cao của thiết kế
Cũng như Coco Chanel và nhà mốt Chanel, câu chuyện của Gattinoni gắn liền với một người phụ nữ phi thường. Đó là Fernanda Gattinoni. Sinh năm 1906 tại Cocquio-Trevisago thuộc vùng Tây Bắc nước Ý, Fernanda chuyển đến London vào năm 19 tuổi. Bà làm việc cho nhà mốt Molyneaux, khi ấy vang danh với các thiết kế cho Hoàng gia Anh; và những diễn viên huyền thoại như Greta Garbo, Marlene Dietrich, Vivien Leigh…
Tài năng của Fernanda đặc biệt đến nỗi chính Coco Chanel đã từng ngỏ ý mời bà gia nhập đội ngũ của mình, nhưng bà từ chối và sau đó quyết định trở về Ý. Đến năm 1945, nhà mốt Gattinoni đã chính thức ra đời. Cửa hàng đầu tiên được mở tại Via Veneto, thành Rome.
Các thiết kế cao cấp và cổ điển của bà sớm thu hút sự mến mộ từ những người phụ nữ thanh lịch nhất lúc bấy giờ như Ingrid Bergman, Elizabeth Taylor, Jackie Kennedy, Công chúa Margaret… Nhưng có lẽ nổi tiếng nhất trong số đó chính là những thiết kế của bà cho Audrey Hepburn trong bộ phim Chiến tranh và hòa bình (1956).
“Audrey Hepburn đã có dịp thưởng thức một show diễn thời trang của Gattinoni. Ngay lập tức, bà say mê các thiết kế của Fernanda,” ngài Stefano Dominella chia sẻ. “Nữ diễn viên đã trực tiếp liên lạc và ngỏ lời mời Fernanda thực hiện phục trang cho mình.”
Fernanda đã làm mới đường chân ngực empire line. Chi tiết có từ thời Empress Joséphine de Beauharnais, vợ hoàng đế Napoleon, để trang trí cho chiếc đầm của Natasha do Audrey Hepburn thủ vai. Sưu tập thời trang “Natasha” này đã giúp Fernanda nhận được đề cử Oscar cho giải trang phục năm ấy. Kể từ đó, danh tiếng của bà càng vươn cao hơn bao giờ hết. Còn mẫu trang phục ấy đã trở thành một huyền thoại lịch sử.
Trong thập niên 1980, con trai của bà, Raniero Gattinoni, bắt đầu tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Ông nắm vai trò Giám đốc sáng tạo và đã có công phát triển thêm dòng ready-to-wear. Raniero đã mở rộng tầm ảnh hưởng của Gattinoni lên đến toàn cầu. “Raniero là một nghệ sỹ đích thực,” Stefano nhấn mạnh. “Ông đã thành công trong việc làm mới phong cách cổ điển của mẹ mình. Một phong cách phù hợp với thị trường và thị hiếu lúc bấy giờ; mà không mất đi linh hồn giúp làm nên tên tuổi của nhà mốt.”
Lịch sử dẫn lối tương lai
Với Stefano Dominella, bên cạnh niềm say mê với điện ảnh, kịch nghệ, văn học. Tình yêu với thời trang đến với ông vào những ngày còn cắp sách đến trường. Sau khi tốt nghiệp từ học viện thời trang Marangoni Institute danh tiếng ở Milan, Stefano bắt đầu phát triển sự nghiệp tại nhà mốt Valentino vào thập niên 1970. Sau đó ông gia nhập Gattinoni để sát cánh cùng Raniero từ những năm 1980.
Ngoài vị trí Chủ tịch của nhà mốt, Stefano hiện còn là Chủ tịch Ngành Dệt may, Thời trang và Phụ kiện thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất và doanh nghiệp tại Rome và Lazio (UNINDUSTRIA). Raniero và Stefano là bạn học thời niên thiếu. Stefano hồi tưởng khi ấy ông hay sang nhà Fernanda để học bài cùng Raniero, cùng nhau đi du lịch hè đến các bãi biển… “Tôi dành thời gian với mẹ ruột của mình,” ông cười bảo.
Sau khi Raniero mất sớm vào năm 1993 do căn bệnh ung thư máu, Stefano được bổ nhiệm làm Chủ tịch của nhà mốt Maison Gattinoni. Guillermo Mariotto trở thành Giám đốc sáng tạo. Fernanda vẫn đứng sau từng bước đi của nhà mốt, cho đến khi bà qua đời vào năm 2002 ở tuổi 95.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Tuy bận rộn với công việc kinh doanh và điều hành nhà mốt, Stefano vẫn dành thời gian truyền lửa cho thế hệ trẻ. Ông dạy học tại các trường đại học và học viện thời trang lớn ở Ý. “Tôi rất thích được tiếp xúc và làm việc với các tài năng trẻ,” Stefano chia sẻ. “Vì chính họ là tương lai của thời trang.” Hàng tuần ông thường xuất hiện trong chương trình truyền hình Moda di Moda (Mốt của thời trang). Trên kênh Rai 2 của Ý. Stefano chia sẻ những bài học quý báu về lịch sử thời trang. Chủ tịch nhà mốt Maison Gattinoni cũng giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập của các nhà thiết kế trẻ.
Ông Stefano bảo tuy Gattinoni đã thay đổi rất nhiều chặng đường hơn 70 năm phát triển. Nhưng không vì thế mà tinh thần thương hiệu không được gìn giữ một cách sáng tạo. “Người phụ nữ ngày nay rất khác xưa,” ông chia sẻ.
“Vào thời của Fernanda Gattinoni, các quý bà thường chỉ diện một thương hiệu may đo từ đầu đến chân. Người phụ nữ của Gattinoni trong thập niên 1950–1960 mang vẻ đẹp quý tộc. Và có chút hàn lâm. Nhưng ngày nay, một quý cô có thể thoái mái kết hợp và phối đồ theo sở thích của mình. Gattinoni trở nên phóng khoáng hơn, nhưng vẫn thanh lịch và không bao giờ phàm tục”.
Câu chuyện của Maison Gattinoni được kể tại Việt Nam
Stefano bảo thời trang phải có thông điệp cụ thể. Một sưu tập thời trang phải có khả năng kể một câu chuyện. Chúng ta thấy rõ điều này trong show diễn của Gattinoni. Khi ông mang bộ sưu tập trình diễn tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam mùa Xuân Hè 2018. Show diễn mở đầu với cậu bé cầm con gấu bông đi ngủ. Cậu bé nhanh chóng rơi vào giấc mộng thần tiên. Nơi các người mẫu khoác lên mình những gam màu nhẹ nhàng như hồng, xanh da trời hay trắng… Giấc mộng không phải lúc nào cũng tươi đẹp. Đôi khi những mụ phù thủy áo đen xuất hiện, làm giấc ngủ của cậu bé bị ám ảnh bởi bóng đêm đen tối. Thế nhưng ánh sáng ban ngày rồi sẽ đến, xua đi bóng đêm u ám.
“Tôi cho rằng mọi sinh viên theo học ngành thời trang nên tập làm quen với chất liệu và vải vóc trước khi học vẽ”, Stefano cho biết. “Nó cũng giống như khi nấu ăn. Bạn cần am hiểu nguyên vật liệu mà mình cần dùng. Có như vậy thì mới có thể tạo nên được những món ăn ngon”.
Hỏi Stefano Dominella đánh giá thế nào về thời trang Việt Nam qua chuyến thăm của ông lần này. Ông bảo kỹ thuật thủ công của người Việt làm ông kinh ngạc. Chủ tịch nhà mốt Maison Gattinoni nhận thấy những nét tương đồng ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại và nước Ý trong thập niên 1950. Ông cho rằng mọi thứ đều chỉ mới bắt đầu và cơ hội phát triển cho thời trang Việt rất tiềm tàng.
“Vấn đề quan trọng nhất nằm ở chất liệu, vải vóc. Đất nước các bạn có tay nghề thủ công tốt, và điều đó cần nên được nâng cao hơn nữa. Nhưng để vươn xa hơn trên thị trường thế giới, thay vì nhập các loại vải giá rẻ với chất lượng xấu từ nước ngoài; hãy dành thời gian nghiên cứu và phát triển các loại vải vóc cao cấp của riêng mình.” Chủ tịch nhà mốt Maison Gattinoni chia sẻ.
Lời khuyên cuối cùng mà Stefano muốn gửi gắm đến các NTK trẻ Việt là hãy nghiên cứu lịch sử thời trang. Thời trang đã có quá trình phát triển lâu dài. Đừng nghĩ bạn sẽ phát minh ra cái mới hoàn toàn mà chưa ai từng làm trước đây. Bạn cần nâng cấp, nhưng không được copy cái cũ. Học lịch sử thời trang cho bạn cảm hứng để sáng tạo và làm mới cái cũ.
“Không có lịch sử thì sẽ không có tương lai,” ông nhấn mạnh. “Khi bạn có cảm hứng từ ai đó. Thay vì bắt chước y nguyên, hãy dùng nó làm chất liệu để sáng tạo. Bạn hãy tìm tòi gu thẩm mỹ của riêng mình. Cũng đừng nên chỉ hướng về New York, Paris hay Milan để học hỏi. Hãy cảm thấy tự hào và để cho cảm hứng khơi gợi từ chính nền văn hóa của quê hương mình”.
Bài: Quyên Hoàng. Ảnh: Anh Dũng
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 6/2018