Từng là ca sỹ nổi tiếng tại Hồng Kông, bà Trần Mỹ Linh đã bỏ tất cả để theo đuổi việc học. “Danh tiếng và tiền bạc giống như dòng nước chảy đến rồi đi, chỉ có học vấn mới là điều đáng quý nhất trong cuộc đời của con”. Lời cha mẹ dạy đã khắc sâu trong lòng bà. Nó khiến bà trăn trở về phương pháp giáo dục con trẻ, để rồi quyết định ghi danh vào trường đại học Toronto, chuyên ngành tâm lý trẻ em.
Năm 1986, bà kết hôn ở Nhật và sinh ra 3 cậu con trai. Bà tiếp tục việc học tại trường Stanford, vừa làm việc và chăm sóc con trai. Tháng 9 năm ngoái, con trai út của bà đã nối gót mẹ và hai anh đỗ vào trường Đại học Stanford, Mỹ. Thành công của gia đình “tứ kiệt” khiến không ít người ngưỡng mộ.
Ở tuổi 60, bà xuất bản cuốn sách “50 phương pháp giáo dục từ người mẹ có 3 con theo học Stanford”. Cuốn sách nhanh chóng được nhiều người đón đọc và trở thành kim chỉ nam cho phương pháp giáo dục con của nhiều gia đình. Bazaar xin chia sẻ lại quy tắc “10 không” nổi tiếng nhất do bà đúc kết từ kinh nghiệm bản thân.
1. Không so sánh con mình với con nhà người ta
Nếu so sánh quá nhiều sẽ khiến con mất tự tin, con sẽ che giấu tiềm năng trước mặt bố mẹ. Nhận thức được năng lực là điều rất quan trọng. Nếu bố mẹ đánh giá thấp năng lực của con, con có thể sẽ đi gây gổ với con nhà người ta. Con sẽ coi khinh con nhà người ta.
2. Phần thưởng cho con đừng nặng về vật chất
Không nên dùng vật chất để thưởng cho con. Trẻ con ham thích đồ chơi khoảng 2, 3 ngày. Sau đó, trẻ sẽ chán và vứt qua một bên. Đồ chơi chưa bao giờ là bạn vĩnh viễn của trẻ. Tôi nhớ, có một người mẹ từng kể rằng con chị ấy không thích tắm. Chị ấy muốn thưởng đồ chơi để dỗ cho con tắm.
Nhưng tôi thì không làm thế. Nếu bé là con gái, tôi bày cách này. “Khi con tắm sạch sẽ, con sẽ được trang điểm cho mẹ”. Nếu bé là con trai, hãy nói thế này: “Nếu con tắm sạch sẽ, con sẽ được trang điểm cho bố”. Con nhất định sẽ thích. Làm như vậy, phần thưởng cho con sẽ trở nên thú vị. Đó là cách giúp bố mẹ và con cái kết nối với nhau.
3. Không nên khắt khe thời gian biểu của con
Nhiều người mẹ khi dạy dỗ con sẽ thiết lập thời gian biểu cố định vào mỗi ngày. Sau khi con học mới được đi chơi. Điều đó không đúng, vì khi học con cũng có thể chơi, khi chơi, con cũng có thể học. Khi nào con học? Khi nào con được chơi? Tôi không bắt con phân biệt rạch ròi hai điều này.
Hôm đó, đúng lúc trời mưa. Tôi và con không làm gì cả, chỉ chơi thôi. Trong công viên nước, tôi và con thả lá cây rơi xuống, xem lá ai thả sẽ trôi nhanh hơn. Sau đó, tôi hỏi con: tại sao trời mưa nhỉ? Con đã bao giờ thắc mắc chưa? Tôi khiến con cảm thấy hứng thú khi tìm câu trả lời. Khi tận mắt nhìn thấy và cảm nhận, con sẽ học rất nhanh. Con sẽ không thấy chuyện học là đáng sợ.
4. Không để con tham gia quá nhiều lớp học ngoại khóa
Khi đề cao điểm số của các buổi học ngoại khoá, bạn sẽ khiến con trẻ suy nghĩ học chỉ vì điểm số. Nhiều năm học thêm như vậy có ích gì? Thay vì vậy, hãy dành thời gian đi chơi với gia đình. Như vậy tốt hơn cho trẻ. Ví dụ, con trai lớn của tôi rất thích cá. Thế là cả nhà tôi quyết định đi xem công viên thuỷ sinh.
Phương pháp giáo dục lấy con làm trung tâm
5. Không nên thay con quyết định
Biết quyết định là điều rất quan trọng. Từ nhỏ tôi đã dạy con. Ví dụ, đi mua kem, tôi để con tự chọn. Thời trung học, con trai lớn của tôi nói muốn đi du học ở Mỹ. Tôi đương nhiên muốn con học ở trường top 1, hoặc top 2 cũng được. Thế nhưng con tôi chọn ngôi trường đứng ở tận top 7.
Ngôi trường mà con tôi chọn, mỗi học sinh mới vào sẽ được phát cho một con ngựa. Mỗi ngày, con tôi phải chăm sóc con ngựa ấy trước rồi mới được đi ăn sáng. Điều đó đã dạy con tôi tinh thần trách nhiệm. Con tôi học ở đấy rất vui. Phương pháp giáo dục của trường đó rất tốt. Sự lựa chọn của con không sai.
Đọc thêm: 9 kỹ năng lãnh đạo cá nhân thiết yếu để thành công.
6. Không nên phản đối chuyện yêu đương thời trung học
Tình yêu giúp chúng ta hiểu cảm giác được yêu, và dạy chúng ta cách yêu thương mọi người. Nên tôi khuyến khích các con có bạn gái. Điều tôi dạy con là phải có trách nhiệm với bạn gái, tránh làm con gái người ta có thai. Thời trung học, các con tôi đều có bạn gái. Nhìn các con có vẻ rất vui. Khi con 9 tuổi, tôi đã dạy con về kiến thức giới tính.
7. Không nên đánh mắng con
Tôi không tán thành việc đánh mắng con trẻ. Chỉ mới đánh một roi, con liền hứa sẽ không phạm lỗi nữa. Có thật con đã nhanh chóng nhận ra sai lầm? Giảng giải rõ ràng sai lầm của con mới là cách dạy con tốt nhất. Tôi nhớ, có lần tôi đã giảng giải cho con suốt 8 tiếng đồng hồ. Giờ đây, con tôi nói rằng: “Khi đó con rất khổ. Thà lúc đó mẹ đánh con còn tốt hơn, bởi con có thể nhanh chóng chuồn lẹ.”
8. Không nên nói dối con
Làm cha mẹ thì tốt nhất không nên nói dối con. Ví dụ, tôi hứa ngày mai sẽ đưa con đến công viên đá bóng. Cho dù mệt, tôi cũng phải đi. Nếu không, con sẽ nghĩ tôi là kẻ nói dối. Cha mẹ nên tuân thủ lời hứa với con trẻ, nếu không trẻ sẽ nghĩ cha mẹ là kẻ nói dối. Nếu con không còn tin vào lời hứa, cuộc sống sau này của con sẽ rất cô đơn.
9. Không nên vì công việc bỏ rơi con
Con trai lớn của tôi rất thích cá. Trước khi đi ngủ khoảng 10 hoặc 15 phút, tôi thường chơi trò câu cá với con. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ con thường bảo: “Mẹ là cá, con là người câu cá”. Thời gian ở bên con, dù 2 phút hay 5 phút, đối với trẻ mà nói, chính là thiên đường. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến con.
Đọc thêm: Michelle Phan: Tiền không mua được hạnh phúc và quả đắng phía sau thành công.
10. Khi con đặt câu hỏi, không nên để con chờ đợi
Khi con đặt câu hỏi, tôi không để con phải chờ đợi. Một hôm, khi tôi đang nấu ăn, con tôi đến hỏi: “Mẹ ơi, tại sao bầu trời có màu xanh?”. Tôi không trả lời được. Tôi đã vặn lửa tắt bếp và nói: “Câu hỏi của con rất thú vị! Lát nữa mẹ con mình cùng đi tìm câu trả lời nhé!”.
Cho dù đang nấu nướng, tôi cũng không muốn để con phải chờ đợi. Dạy dỗ con trẻ là cho con công cụ để đi tìm ước mơ. Dù con thất bại cũng đừng chán nản. Hãy đi tìm ước mơ khác. Nếu con thành công, trước tiên phải khiêm tốn và chia sẻ thành công với mọi người.
Tôi không trông đợi quá nhiều ở con. Tôi chỉ mong các con giữ được tâm hồn lương thiện, yêu công việc, vui vẻ trong cuộc sống, kiên trì đến cùng, biết giúp đỡ mọi người, biết đủ, biết tự lập và tìm được người yêu mình. Đó chính là mục tiêu tôi dạy dỗ con.
Harper’s Bazaar Việt Nam