Anh Dũng bật khóc vì bức xúc 2 đồng đội ngay trên cánh đồng
Với tên gọi “Cánh đồng sau mùa gặt”, Top 12 nhà thiết kế Project Runway Vietnam 2015 được đưa về đồng lúa bạt ngàn để thử sức với công việc của những người nông dân thực thụ. Họ được trải nghiệm với những công việc bình thường của một người nông dân Việt Nam, như gặt lúa và hái bắp (ngô). Hẳn đây là những công việc không hề xa lạ nhưng lại là một thử thách khó khăn đối với những chàng trai cô gái trẻ tuổi quen với nhịp sống hiện đại của thành thị.
Các nhà thiết kế được chia làm 3 nhóm một cách ngẫu nhiên và mâu thuẫn bắt đầu từ đây khi nhóm của Anh Dũng có Châu Kha và nhà thiết kế khuyết tật Hà Thị Thông. Theo Dũng, chính sự “chậm chạp” trong công việc của hai thành viên còn lại đã khiến anh phải về cuối ở thử thách này. Anh Dũng cho rằng “dường như chỉ có mình tôi đang làm việc”. Chàng bạch mã hoàng tử của Project Runway Vietnam 2015 đã bật khóc giữa cánh đồng vì quá mệt và không quen với công việc đồng án.
Thử thách dùng bắp làm chất liệu thiết kế gây “sốc” cho nhà thiết kế
Trong phiên bản Project Runway các nước, các nhà thiết kế phải trải qua nhiều thử thách với độ khó khác nhau để ban giám khảo đánh giá được sự sáng tạo, sự am hiểu về thời trang về chất liệu của họ. Một trong những thử thách cũng là điểm hấp dẫn khán giả truyền hình nhất của chương trình này chính là những bộ trang phục lộng lẫy được thiết kế từ những nguyên vật liệu “có-một-không-hai”.
Ngay khi mentor Thanh Tùng tuyên bố thử thách thiết kế trang phục Xuân Hè với các nguyên liệu từ cánh đồng bắp sau mùa gặt, cuộc chiến của 12 nhà thiết kế mới thật sự bắt đầu. Từ những nguyên liệu tưởng chừng như không liên quan gì đến thời trang, các nhà thiết kế đã phải tận dụng từng lá bắp, thân bắp, lõi, hạt và ngay cả đá sỏi dưới đất để “thổi hồn” vào những bộ trang phục đầy sáng tạo và ấn tượng của mình.
Vừa phải thiết kế một trang phục sáng tạo và trổ tài xử lý chất liệu tinh tế, họ vừa phải làm cho khán giả quên mất những thiết kế mà họ nhìn thấy không phải được làm từ cây bắp. Đó là một thử thách vô cùng khó khăn với các nhà thiết kế trẻ.
Tuy nhiên, với tài năng và bản lĩnh của mình, họ đã thể hiện khả năng biến hóa đa dạng linh hoạt khi xử lí chất liệu cho thử thách lần này.
Trần Hùng kết hợp lá, thân, và hạt bắp tạo thành họa tiết giàu kết cấu trên chiếc áo mang hơi hướng kimono Nhật Bản. Tuy phô diễn kỹ thuật xử lý chất liệu tốt nhưng theo các giám khảo, thiết kế của anh không hợp chủ đề Xuân Hè.
Hà Thị Thông tỉ mỉ ủi từng lá bắp, dùng kỹ thuật tinh tế của mình tạo nên một chiếc đầm mullet hở lưng khá mềm mại trên người Hồng Xuân.
Châu Kha tạo nên bộ đầm với họa tiết lấy cảm hứng từ những khối hình học đều nhận được đánh giá khá cao từ ban giám khảo chuyên môn.
Giang Tú, thí sinh giành chiến thắng ở tập đầu tiên lại mắc sai lầm thường gặp của các nhà thiết kế trẻ: đó là sự tham lam. Anh cố gắng bày biện “một bàn tiệc” đầy các nguyên liệu từ cây bắp như lá úa, râu bắp, kể cả sỏi đá lên trên thiết kế của mình. Nhà thiết kế Công Trí đã nhân trường hợp này, khuyên các nhà thiết kế phải biết tiết chế trong thời trang, tránh tạo nên một tổng thể rườm rà không điểm nhấn.
Ai phải ra về? Kẻ dở hay người lạc đề?
Bám sát đề bài của thử thách lần này là biến những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi từ cây bắp thành chất liệu chính của trang phục, Nguyễn Tiến Truyển đã trở thành người chiến thắng trong thử thách lần này. Thiết kế của Tiến Truyển thể hiện khả năng xử lý chất liệu và tạo phom dáng hình khối độc đáo, đặc biệt cảm hứng từ chiếc cổ áo và tay ráp-lăng của áo dài khiến bộ đầm của anh càng thêm ghi điểm.
3 thí sinh vào top nguy hiểm lần này là Anh Minh, Anh Dũng và Hải Yến. Trong đó, thiết kế của Anh Minh thể hiện kỹ thuật tốt cũng như ý tưởng lạ là biến vỏ bắp thành lông vũ nhưng phạm sai lầm ở sự kết hợp hai kiểu hoa văn không phù hợp, dẫn đến bộ đầm mất đi tính thẩm mỹ.
Hải Yến thể hiện sự non kém tay nghề so với các thí sinh khác ở thử thách lần này. Trong khi các đối thủ của cô cố gắng tạo nên chất liệu mới từ những nguyên liệu thô của cây bắp thì Yến chọn cách thức an toàn là đắp lá bắp khô lên nền vải tạo thành hình cánh bướm trên áo, còn phần chân váy chỉ trang trí những hoa văn vụng về từ cỏ và những sợi dây chỉ vàng. Chưa kể, Hải Yến thừa nhận phần chân váy chưa hoàn chỉnh vì không đủ thời gian thực hiện, so với những thiết kế xử lý phức tạp hơn của các thí sinh khác trong cùng thời gian, bộ trang phục của Hải Yến thật sự gây thấy vọng với những người yêu mến cô từ những vòng đầu.
Dù sao, trong một cuộc thi, kẻ dở vẫn đỡ hơn người lạc đề. Phạm Anh Dũng đã phạm một sai lầm cơ bản là làm sai đề bài, lấy chất liệu chính làm chất liệu trang trí cho trang phục. Dù thiết kế theo nhận xét của các giám khảo là không tệ, thậm chí thể hiện tay nghề thủ công và tính ứng dụng cao nhưng chàng trai có ngoại hình thư sinh đã phải dừng chân vì hoàn toàn lạc đề.
Giám khảo Trương Ngọc Ánh đã nhắc xuyên suốt các tập: “Với thời trang, hôm nay các bạn có thể thành công nhưng ngày mai các bạn có thể thất bại”. Từ lâu, thiết kế thời trang đã là một ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh rất cao và chịu nhiều áp lực đào thải. Chính vì thế, yếu tố cốt lõi giúp các NTK trẻ có đủ nghị lực để vượt qua chặng đường đầy thử thách sắp tới của Project Runway 2015 chính là lòng đam mê và tình yêu chân chính đối với nghề. Liệu ai sẽ là người tiếp theo phải nói lời chia tay với cuộc thi? 11 nhà thiết kế sẽ đối diện với những thử thách nào phía trước? Hãy đón xem tập 3 Project Runway Vietnam 2015 với tên gọi “All stars – Câu chuyện những ngôi sao” sẽ được phát sóng lúc 20h thứ bảy, ngày 02-01-2016 trên kênh VTV3.
Harper’s Bazaar Việt Nam là đối tác truyền thông chính của chương trình.
Harper’s Bazaar Việt Nam