Khi mùa thu tới, điều tôi trông chờ nhất là được ăn hồng. Hương vị của quả hồng tuyệt vời làm sao. Nó ngọt không thể tả. Trái hồng đỏ, khi chín rục, thì thịt mềm, nhân lại sần sật. Hồng giòn nhỏ hơn thì nhai vui miệng, vị ngọt vừa phải không ngấy.
Đôi khi, quá hưng phấn để được ăn hồng, tôi cứ cắt đại mấy quả ra nhâm nhi. Nhiều lúc bổ phải loại chưa chín tới, còn chát, tôi cũng tiếc, chẳng vứt mà cứ bóc vỏ rồi ăn luôn. Vì mùa hồng chỉ được ba tháng trong năm, từ khoảng tháng 8 đến tháng 11. Hết mùa thu thì chẳng còn quả hồng tươi mà ăn.
Tuy nhiên, khi đi khám sức khỏe, bác sỹ lại nói với tôi rằng, thói quen của tôi rất hại cho bao tử và đường ruột. Vì vị chát trong trái hồng là một nguyên nhân gây tắc ruột rất đáng gờm. Ông nói, tôi nên hạn chế lượng hồng ăn mỗi ngày và cẩn thận khi trọn trái cây.
Nếu bạn cũng như tôi, mê mệt vì hồng, hãy đọc kỹ bài viết này để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Ăn hồng có gây hại bao tử không? Vị chát trong quả hồng ẩn chứa mối nguy hại tiềm tàng
Các loại hồng khi chưa chín, đặc biệt là loại hồng đỏ hachiya, đều có rất nhiều tannin. Đây chính là nguồn căn gây nên vị chát tê miệng khi ăn quả hồng xanh. Tannin thường có nhiều trong vỏ và lớp ngoài của quả hồng. Vì vậy, đôi khi bạn có thể hạn chế vị chát khi lột vỏ thứ trái cây này.
Tannin trong hồng chát, khi tiến vào trong bao tử, có thể kết hợp với axít và các chất xơ chưa tiêu hóa hết, vón cục thành dị vật dạ dày (bezoar).
Theo khoa học, thực chất có rất nhiều nguyên nhân tạo nên dị vật dạ dày. Ví dụ như ăn quá nhiều chất xơ khó tiêu hóa, bị ăn phải lông/tóc, thậm chí do thuốc men… Nhưng đặc biệt, có một kiểu dị vật dạ dày hình thành riêng vì ăn quá nhiều quả hồng, gọi là Diospyrobezoar.
Trường hợp dùng quá nhiều hồng gây vón cục dị vật bao tử, bạn có thể cảm giác sình bụng, buồn nôn, đau đầu, nhạt miệng và không thèm ăn.
Ăn hồng như thế nào cho đúng?
Tuy nhiên, điều may mắn là nếu bạn lỡ miệng ăn phải quả hồng chát, thì đừng lo. Dị vật bao tử kích cỡ nhỏ có thể được đào thải tự nhiên. Tuy nhiên, nếu như bạn ngày nào cũng ăn hồng chát, với số lượng lớn, thì bạn nên cẩn thận. Tệ nhất thì phải cần can thiệp y khoa (như trường hợp của người đàn ông 57 tuổi này cần phải mổ).
Bác sỹ cũng bảo tôi rằng, có thể tìm đến một số giải pháp để hạn chế tannin trong quả hồng tiến vào bao tử. Một vài giải pháp bao gồm:
- Chọn mua giống hồng không chát. Các giống hồng được chia ra làm hai nhóm, hồng chát hoặc hồng không chát. Hồng đỏ (những quả hình oval thuôn dài) thuộc loại chát. Còn quả hồng giòn (hình tròn dẹt dẹt) lại thuộc loại không chát.
- Luôn luôn ăn hồng đã chín. Và gọt bỏ vỏ sẽ giúp loại bỏ tannin nhiều nhất có thể.
- Không nên ăn hồng khi bụng đói. Điều này sẽ hạn chế tannin trong hồng tiếp xúc trực tiếp với axít bao tử.
- Cuối cùng, không nên ăn quá nhiều hồng.
Đừng vội xa lánh hồng chỉ vì vị chát
Đọc đến đây, tôi cá nhiều bạn sẽ nghĩ chẳng dám ăn hồng nữa để hạn chế tình trạng dị vật bao tử. Thực chất, như khoa học đã chứng minh thì ăn nhiều xơ cũng có thể gây vón cục trong bao tử. Điều quan trọng nhất luôn là dùng thức ăn điều độ và ăn chậm nhai kỹ.
Ngoài ra, hồng còn là loại trái cây rất tốt cho sức khỏe. Trong trái hồng giàu vitamin A, C, E, K, B6, kali và mangan. Đặc biệt, mangan là khoáng chất rất cần cho cơ thể phụ nữ, nhất là vào giai đoạn kinh nguyệt và mãn kinh.
Đồng thời, hồng còn rất ít calorie. Dùng hồng thay thế snack, bạn không sợ nạp quá nhiều đường hay năng lượng vào cơ thể.
>>> Xem thêm: ĐÃ VÀO MÙA TÁO TÀU TƯƠI, MÓN SNACK THIÊN NHIÊN ÍT CALO
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam