Quyền lực của trang phục trong phim

Có thể chúng ta không mấy quan tâm tới những người thiết kế trang phục trong phim nhưng đôi khi họ giữ quyền lực lớn hơn bạn tưởng

Sau một lễ trao giải điện ảnh, người ta thường dành nhiều thời gian bàn luận về bộ phim xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, diễn viên xuất sắc nhất… mà hiếm ai bỏ công bàn luận về giải thiết kế phục trang xuất sắc nhất. Song trong các bộ phim, phục trang là một yếu tố quan trọng, không chỉ nói lên bối cảnh, thời đại của câu chuyện trong phim mà còn góp phần thể hiện tính cách của nhân vật và thông điệp của tác phẩm. 

Bạn có thể không quan tâm nhiều về nữ hoàng Elizabeth đệ nhất của nước Anh nhưng sau khi xem phim Elizabeth: The Golden Age, bạn khó có thể quên vầng hào quang toát lên từ chiếc đầm satin vàng óng, cho thấy một thời kỳ thịnh vượng của đất nước này. Những người phụ trách trang phục cho phim có thể vừa là một nhà thiết kế, vừa là stylist và là người am hiểu sâu sắc về lịch sử, văn hóa…

Bộ phim thành công không chỉ tạo tiếng vang trong cộng đồng người yêu điện ảnh, mà còn có thể ảnh hưởng đến phong cách thời trang của cả một thời đại. Những món phụ kiện xuất hiện trong một bộ phim nói về thời xa xưa, nhưng rất có thể chúng sẽ trở thành mặt hàng “hot” của hiện tại sau khi phim công chiếu. Chính vì thế, thật thiếu sót nếu chúng ta bàn về thời trang mà không nói đến những người phụ trách và thiết kế trang phục cho các bộ phim.

Mẫu đầm lộng lẫy được thiết kế cho nhân vật chính trong phim Elizabeth: The Golden Age

Mẫu đầm lộng lẫy được thiết kế cho nhân vật chính trong phim Elizabeth: The Golden Age

TREND-SETTER GIẤU MẶT

Hẳn bạn còn nhớ làn sóng flapper đã dồn dập quay lại trong mùa xuân hè 2012. Các cô gái như đồng loạt quay lại thập niên 1920 với những chiếc đầm mềm mại, buông chùng, hết sức phù hợp với việc nhảy múa. Tuy nhiên, trước khi những chiếc đầm phong cách flapper xuất hiện tại các cửa hàng, người ta đã biết đến bầu không khí đắm say của thời đại nhạc jazz qua bộ phim Midnight in Paris. Nhà thiết kế trang phục trong phim, Sonia Grande, cho biết để tìm được những trang phục nói lên tinh thần nghệ thuật của một thời đại, cô phải “kiếm tìm không ngừng nghỉ trong các tiệm đồ cổ ở Paris, Luân Đôn, Madrid, Buenos Aires”. Có lẽ cô cũng không ngờ, các nhà thiết kế của Gucci, Chloé cũng có chung niềm cảm hứng với cô khi tung ra các trang phục phong cách flapper ngay sau đó.

Tinh thần của thập niên 1920 trở lại cùng phim Midnight In Paris và xu hướng thời trang xuân hè 2012

Tinh thần của thập niên 1920 trở lại cùng phim Midnight In Paris và xu hướng thời trang xuân hè 2012

Tất nhiên, Midnight in Paris không phải là một ví dụ hiếm hoi. Nếu nhìn lại lịch sử thời trang của nhân loại, có không ít bộ phim đã trở thành nguồn cảm hứng của các trào lưu thời trang. Biểu tượng Audrey Hepburn được tạo ra từ hình ảnh các nhân vật của cô trong những bộ phim kinh điển. Hẳn khó ai quên được những trang phục mà Audrey từng mặc trong bộ phim tình cảm My Fair Lady. Nhân vật Eliza trong phim có lẽ là một trong những người tạo ra trào lưu mặc đầm có cổ cao mà không hề gò bó. Tất nhiên, chuỗi ngọc trai và chiếc đầm đen ôm sát mà Audrey diện trong Breakfast at Tiffany’s là một trong những trang phục được nhiều người mặc nhất qua các thời đại. 

Tạo hình của Audrey Herburn trong phim My Fair Lady

Tạo hình của Audrey Herburn trong phim My Fair Lady

Một ví dụ thời sự hơn là nhà thiết kế trang phục cho phim Jacqueline Durran, người vừa giành giải Oscar hạng mục Thiết kế trang phục xuất sắc nhất cho Anna Karenina. Thực tế, tên tuổi của cô đã được nhiều người biết tới từ trước, khi chiếc đầm màu xanh lá cây mà cô thiết kế cho nhân vật của Keira Knightley trong phim Atonement được nhiều tờ báo tôn vinh là trang phục trong phim đẹp nhất mọi thời đại. Mẫu đầm sau đó đã bước ra khỏi màn ảnh, được không ít phụ nữ đặt may và tự hào diện đến các bữa tiệc.

Các ví dụ trên đều cho thấy sức ảnh hưởng của những thiết kế đẹp trên màn ảnh. Một khi trang phục được thiết kế đẹp thì dù câu chuyện trong phim có thuộc thời đại nào, những người yêu thời trang vẫn tìm được cách ứng dụng chúng trong đời sống thực.

Chiếc đầm xanh của Keira Knightley trong Atonement là một trong những thiết kế đẹp nhất lịch sử điện ảnh

Chiếc đầm xanh của Keira Knightley trong Atonement là một trong những thiết kế đẹp nhất lịch sử điện ảnh

CỘNG TÁC VỚI NHỮNG ÔNG LỚN

Một khi đã thấy được tầm ảnh hưởng của trang phục trong phim lên thị trường, các hãng thời trang tất nhiên sẽ không bỏ qua cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình trên màn bạc. Vinh dự từ giải Oscar của Jacqueline Durran phần nào cũng được chia cho hãng Chanel khi thương hiệu này đã tài trợ toàn bộ các trang sức trong phim. Vẻ đẹp của các quý bà trong giới quý tộc Nga càng được tôn lên bởi sắc lấp lánh của những chuỗi hạt hay hoa tai của thương hiệu thời trang Pháp.

Khó có thể đếm được hết các thương hiệu cao cấp đã xuất hiện trong bộ phim đình đám The Devil Wears Prada. Dù tác phẩm điện ảnh này có một phần nào đó mỉa mai sự phù phiếm của thế giới hàng hiệu, nhưng điều đó không ngăn cản được Chanel, Dolce & Gabbana, Calvin Klein… và Prada tha thiết muốn được giúp đỡ các nhà làm phim.

devil-wears-prada

Các trang phục của Anne Hathaway trong The Devil Wears Prada

Patricia Field, nhà thiết kế trang phục cho bộ phim về thế giới thời trang này, chỉ được giao kinh phí 100.000 đô-la Mỹ để thực hiện phục trang cho phim. Tuy nhiên, sau khi phim ra mắt, cô tự thấy trị giá số trang phục cao cấp được tài trợ lên đến con số triệu đô. Có lẽ nếu cô muốn nhiều hơn thế nữa thì các hãng thời trang cũng chẳng nề hà.

Patricia cũng nhận được sự giúp đỡ nồng nhiệt tương tự trên phim trường Sex and the City. Bộ phim ăn theo series phim truyền hình cùng tên đã có sự góp mặt của hàng loạt thương hiệu thời trang như Gilles Montezin và Vivienne Westwood.

2008_sex_and_the_city_costume

Bốn nhân vật với những bộ cánh thời trang trong phiên bản điện ảnh của Sex and the city

Thời trang và điện ảnh đã xây dựng được một mối quan hệ cộng sinh hoàn hảo. Thú vị hơn, mối quan hệ ấy không chỉ có lợi cho đôi bên mà còn có lợi cho khán giả, khi họ được mãn nhãn với những trang phục tuyệt vời cùng những bộ phim hay.

 Blak Swan mang lại giải Oscar cho Natalie Portman. Hình tượng thiên nga đen trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế, đáng chú ý nhất là bộ sưu tập trang phục cưới của Vivienne Westwood , cách đây hai năm.

Blak Swan mang lại giải Oscar cho Natalie Portman. Hình tượng thiên nga đen trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế, đáng chú ý nhất là bộ sưu tập trang phục cưới của Vivienne Westwood năm 2011

Bài: Huy Phương

Xem thêm