Một quan niệm sai lầm về các nhà thiết kế thời trang là tất cả những người họ đang kinh doanh quần áo đẹp. Nhưng cái đẹp, theo kiểu thiết kế thanh nhã và hài hòa, hướng đến việc làm hài lòng thị giác – lại không phải luôn là mục tiêu duy nhất.
Nhà thiết kế Dries Van Noten từng nói trong cuộc phỏng vấn năm 2012 rằng: “Chẳng có gì nhàm chán bằng một thứ gì đó đẹp đẽ. Tôi thích những thứ xấu xí. Tôi thích những thứ làm người khác ngạc nhiên.” Và để làm điều đó, anh thường bắt đầu BST bằng cách xác định màu sắc anh không thích; sau đó đưa chúng vào sử dụng.
Có thể nói, chưa bao giờ như lúc này, sự xấu xí trong thời trang lại được tôn vinh đến vậy. Các nhãn hiệu thu hút sự chú ý bằng cách tạo ra những bộ quần áo trông có vẻ ngớ ngẩn; trong mớ hỗn loạn của những sắc màu bệch bạc và cọc cạch – như cú tát trời giáng dành cho tiêu chuẩn về cái đẹp.
Một trong những cái tên tiên phong trong điều này còn có cả Gucci, khi trình làng bộ sưu tập với các chi tiết lộn xộn và xung khắc lẫn nhau. Tương tự như vậy, Balenciaga và Vetements, hai nhãn hiệu do nhà thiết kế Demna Gvasalia đứng đầu đã cố ý dùng tỉ lệ kỳ cục cùng vải kém chất lượng để tạo ra những bộ cánh trông vô cùng khó chịu.
Và ngày càng nhiều nhà mốt hơn đang thử nghiệm với các giới hạn của mức độ đẹp – xấu. Trong bộ sưu tập nam mới nhất, Van Noten, nhà thiết kế với đầy đủ khả năng tạo ra những phục trang đẹp đẽ, đã trình làng mẫu áo khoác bị (được) cố ý làm xấu, khi pha trộn giữa những tông màu buồn tẻ với hoạ tiết hoa tầm thường gợi liên tưởng đến miếng giấy dán tường cũ kỹ; đi cùng các đôi giày mũi vuông trông vô cùng lố bịch.
Trên thực tế, sự xấu xí trong thời trang đã thu hút sự chú ý lớn trong một thời gian dài. Mà có lẽ bắt đầu từ sự nổi lên của normcore. Normcore chính là một thái độ; hay thực chất, có thể chỉ là một trò đùa, được đặt ra từ năm 2014 để chỉ những bộ quần áo không hề có gu hay đặc tính rõ rệt.
Điều thú vị về trào lưu này chính là trên thực tế, nguồn gốc của nó lại sâu xa hơn rất nhiều. Nó phản ánh sự thu hút lâu dài và bền vững của thời trang đối với vẻ ngoài xấu xí, kém thẩm mỹ. Cũng giống như cái đẹp, chúng có sức quyến rũ không thể cưỡng lại được.
Dẫu vậy, việc những thứ nào bị coi là xấu xí, trên thực tế, lại rất khó xác định. Đó là một khái niệm rất dao động. Đặc biệt trong thời trang, nơi sở thích thay đổi nhanh bằng các xu hướng trên truyền thông xã hội. Nhưng thậm chí khi nhìn ra bao quát, vẫn rất khó để hiểu sự xấu xí; như nhà phê bình văn hoá Stephen Bayley đã khẳng định trong cuốn sách Ugly: Thẩm mỹ học của mọi thứ năm 2013.
Sự xấu xí thường được đóng khung như sắc thái đối diện của cái đẹp. Và trong khi vẻ đẹp đã được nghiên cứu kỹ lưỡng qua lịch sử; vẻ xấu xí lại không thường xuyên nhận được sự đối xử tương tự. Nó cũng thay đổi cùng với các ý tưởng văn hoá; mà chính văn hoá lại thay đổi theo thời gian. Bayley viết: “Tôi không có xu hướng thiên về chủ nghĩa tương đối. Nhưng bạn càng nhìn lâu vào sự xấu xí, ý tưởng này càng trở nên khó nắm bắt”.
Bạn có thể mô tả xấu xí như là một đặc tính ta không có nghĩa vụ phải thích. Điều này đối nghịch với tiêu chuẩn chung về cái đẹp chuẩn mực. Theo nghĩa đó, nó phá hoại hiện trạng, vốn được định nghĩa bởi một nền văn hoá lớn; có quyền lực định hình đâu là “đẹp” và đâu là “xấu”. Trong quá khứ, bộ sưu tập của huyền thoại Yves Saint Laurent đã trộn lẫn nhiều yếu tố mâu thuẫn; đến nỗi xuất hiện trên tạp chí với tiêu đề Bad Taste a Bad Thing? (Cái Xấu là Tốt sao?). Và nhà thiết kế Anthony Vaccarello cũng đã thử sức với khái niệm tương tự; khi cho ra đời bộ sưu tập đầu tiên với vai trò Giám đốc sáng tạo.
Đọc thêm: Màu hồng: Nỗi ám ảnh của thời trang cao cấp.
Những phẩm chất được cho là không mong muốn có thể gây ra sự lôi kéo mạnh mẽ. Ví dụ, trong thế kỷ 18 ở Pháp, một cơn sốt ngắn xuất hiện với loạt quần áo có màu sắc gọi là caca-dauphin, một màu nâu được làm giống với phân của hoàng tử trẻ Louis-Joseph, con đức vua Louis XVI và Marie Antoinette. Nhà sử học Carolyn Purnell viết trong tác phẩm mới, The Sensational Past, rằng những người giàu có đã mặc chúng để chứng minh rằng họ thời trang như thế nào; cũng như sự ủng hộ của họ với chế độ quân chủ ra sao.
Cuốn sách của Bayley cũng kể những trường hợp kinh điển về sự xấu xí trong lịch sử nghệ thuật. Chẳng hạn như bức chân dung Quentin Massy của Margaret, Áo từ khoảng năm 1513. Chính thức được đặt tên là An Old Woman. Nhưng bức hoạ lại được biết đến nhiều hơn với biệt danh The Duchly Ugly. Bức tranh xấu xí thu hút sự chú ý khổng lồ khi được đặt tại Phòng tranh Quốc Gia London; và trở thành một trong những hình ảnh bưu thiếp nổi tiếng nhất.
Bức hoạ này, theo ông, đã minh hoạ “quy luật tò mò rằng sự xấu xí không quan trọng là phải có ý nghĩa ghê tởm”; một khái niệm có thể được dẫn chứng bởi vô số ví dụ hiện đại. Như Pháp, hiện vẫn tồn tại khái niệm về jolie-laide, một người phụ nữ được xem là đẹp và xấu cùng lúc, để nói lên rằng cái đẹp chính là sự phản ánh chứ không phải tự thân.
Xấu xí: Bản thân đã là một thái độ
Điều đó cũng được thể hiện rất rõ trong khía cạnh thời trang. Giờ đây, những đôi sneakers to cồng kềnh đang trở thành đối tượng ham muốn bất đắc dĩ của rất nhiều người đàn ông có ý thức về phong cách. Ý niệm về thứ vốn không được xem là hấp dẫn này đã trở thành cách thức truyền tải về đẳng cấp của một bộ phận trong nội giới thời trang. Về những gì đang được xem là sành điệu ở thời điểm hiện tại.
Một phần của sự thu hút đến từ việc những mẫu thiết kế này có thể là bất cứ thứ gì; ngoại trừ sự nhạt nhẽo. Ít nhất, chúng không có nguy cơ bị gán mác “basic”; điều từng bị một biên tập viên ở Marie Claire cho là điều sỉ nhục trong thời trang; và cần bị tránh như cơn bệnh dịch đáng sợ. Nhờ đó, dù tốt hay xấu; cũng không thể phủ nhận các thiết kế xấu xí có những đặc tính không thể bị phớt lờ.
Quan điểm đó nhận được sự đồng tình từ cả những huyền thoại trong thế giới phù phiếm. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2013, Miuccia Prada, một trong những người cất lên tiếng nói cao nhất về sự xấu xí trong thời trang, chia sẻ: “Đối với tôi, việc đào sâu vào sự xấu xí thú vị hơn nhiều so với tư tưởng thông thường của cái đẹp. Vì sao? Vì sự xấu xí chính là con người. Nó chạm đến những mặt xấu xa và bẩn thỉu nhất của mỗi người chúng ta.”
Sự xấu xí trong thời trang: Chất liệu thực của cuộc sống đời thường
Gvasalia của Balenciaga và Vetements cũng như người đồng sự của ông từ Liên Xô cũ; nhà thiết kế Gosha Rubinskiy và Lotta Volkova; thường được mệnh danh là “những người thực tế”. Họ tạo ra những bộ phục trang với phom dáng kỳ quặc; cùng chất vải trông có vẻ rẻ tiền, hay nói thẳng ra là trông như rác rưởi. Ngược lại, một bộ đầm dạ hội đẹp đẽ; với các đường nét hoàn hảo và chi tiết thủ công tinh tế; lại gợi lên một viễn cảnh xa vời với sự hỗn loạn của cuộc sống con người. Đó là chưa kể chúng chỉ phù hợp với một vài dáng người chuẩn nhất định; điều đặt ra câu hỏi lớn về tính tương quan với cuộc sống.
Sự xấu xí, hay tạm gọi là kém thẩm mỹ đang hiện diện. Nó rõ nét hơn bất cứ xu hướng nào đã qua. Đó là những gì đã liên tục xảy ra. Ngay cả trong công việc của những người được biết đến với khả năng tạo nên vẻ đẹp đích thực.
Thậm chí, có thể không công bằng khi xem sự xấu xí như trạng thái đối nghịch với cái đẹp. Chúng có mối tương quan nội tại vô cùng mật thiết, và đều quyến rũ theo cách thức rất riêng.
Harper’s Bazaar Việt Nam