Năm 2020, tưởng như tình hình kinh doanh thời trang không mấy khá khẩm. Thế nhưng thị trường mua bán và sáp nhập vẫn nhộn nhịp. Tập đoàn LVMH sẽ vẫn thu mua lại thương hiệu Tiffany & Co, ở mức giá giảm 400 triệu đô-la Mỹ. Alibaba và Richemont cùng đầu tư vào Farfetch, công ty e-commerce chuyên bán hàng xa xỉ trực tuyến. Và bây giờ, thương hiệu streetwear Supreme đã về với tập đoàn VF Corporation với mức giá 1,6 tỷ Bảng Anh.
Supreme: Thương hiệu streetwear gây sốt giới hypebeast
Thương hiệu Supreme được nhiều người đặt cho biệt danh là “Chanel của giới thời trang đường phố (streetwear)”. Lý do vì số lượng sản xuất giới hạn luôn luôn gây hưng phấn cho dân chơi streetwear (còn gọi là cộng đồng hypebeast).
Supreme không có nhiều cửa hàng. Hãng chỉ có 12 địa điểm toàn cầu. Địa điểm cũng được giấu ở những góc khuất, chứ chẳng ở trung tâm sang trọng. Thế nhưng mỗi khi thương hiệu thông báo sẽ ra sản phẩm, các fan sẽ xếp hàng từ nửa đêm hôm trước để có cơ hội sở hữu sản phẩm ấy. Sau đó, các mặt hàng này sẽ được chuyển nhượng trên những website bán hàng sang tay với mức giá cao gấp 5, 10 lần.
Sức nóng của cái tên Supreme khiến hàng loạt thương hiệu, từ bình dân đến cao cấp, muốn cộng tác với hãng. Nike, Levi’s, Louis Vuitton, Rimowa…là một số ít ví dụ.
Tưởng như Supreme sẽ vĩnh viễn giữ vị thế là một hãng thời trang độc lập, không trực thuộc bất cứ tập đoàn nào. Nhưng không. Tháng 11/2020, nhà sáng lập Supreme, James Jebbia, chính thức bán thương hiệu cho tập đoàn VF Corporation.
>>> Xem thêm: LẦN ĐẦU TIÊN SUPREME CÓ SON MÔI! VÀ CHẮC CHẮN NÓ SẼ BÁN HẾT SẠCH TRONG TÍCH TẮC
VF Corporation: Tập đoàn thời trang thể thao, dã ngoại hùng mạnh
Chúng ta không mấy biết về cái tên VF Corporation. Nhưng chúng ta lại rất quen thuộc với các thương hiệu của hãng. Trong số đó có Vans, The North Face, Kipling, Smartwool và Timberland. Hầu hết đều là các thương hiệu thời trang thể thao, dã ngoại.
VF chẳng xa lạ gì đối với giới mê dòng thời trang cool ngầu. The North Face là một trong những thương hiệu phục trang đi tuyết được ưa chuộng nhất ở giới trẻ. Đặc biệt là các mẫu áo phao (puffer jacket) có viền bằng lông thú thật. Vans thì khỏi nói, luôn được cộng đồng mê trượt ván (skater) ủng hộ. Đây cũng là cộng đồng hăng hái sưu tầm streetwear.
Vì vậy, việc tập đoàn VF theo đuổi thương hiệu Supreme cũng dễ hiểu. Có một sự cộng hưởng dễ thấy giữa Supreme và các thương hiệu khác của VF.
Lý giải mức giá thâu tóm thương hiệu Supreme của tập đoàn VF
Việc VF bỏ ra 2,1 tỷ đô-la Mỹ (49 nghìn tỷ đồng!) thâu tóm Supreme khiến nhiều người bị sốc. Nhưng, tập đoàn cho biết đây là cái giá đúng đắn.
1. Theo VF, Supreme có doanh số đạt 500 triệu đô-la Mỹ hàng năm.
Con số này đã gấp đôi so với cách đây chỉ ba năm, vào 2017. Và 60% doanh thu đến từ hệ thống mua hàng qua mạng. Dự kiến, doanh số này sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 8–10% trong ba năm tới.
2. Mô hình bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (DTC – Direct to Consumer) của Supreme là tương lai của ngành thời trang.
Việc không cần phải chi trả hoa hồng cho một đại lý trung gian, ví dụ các trung tâm thương mại, giúp Supreme có biên lợi nhuận cao. Đặc biệt, khi các “ông lớn” bán lẻ như Neiman Marcus, Barney’s New York phá sản, những thương hiệu vốn dựa dẫm hoàn toàn vào họ nay mất đi kênh phân phối chính của mình.
Mô hình của Supreme không khác gì Hermès và Louis Vuitton. Hai thương hiệu xa xỉ này cũng chỉ phân phối qua các cửa hàng của riêng mình, cũng như trên mạng. Bạn không thể mua sản phẩm Hermès và Louis Vuitton tại các trung tâm thương mại. Prada, vừa qua, cũng thông báo sẽ giảm bán hàng qua các kênh trung gian để tập trung cho cửa hàng và website chính thức.
3. Những bộ sưu tập phiên bản giới hạn gây sức hấp dẫn lớn.
Ngành thời trang đang đối mặt với khủng hản sản xuất quá đà. Khi một thương hiệu có nhiều hàng thừa, hàng tồn, họ sẽ làm gì? Bán giảm giá. Điều này làm giảm giá trị thương hiệu của họ.
Supreme, do chỉ sản xuất vừa đủ (hay còn nói là sản xuất ít hơn so với nhu cầu thị trường), tạo nên một nhu cầu ảo. Điều này tăng giá trị thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. Và đây cũng là lý do sản phẩm của Supreme có thị trường sang nhượng second hand trị giá 2,1 tỉ đô-la Mỹ.
4. Streetwear là tương lai.
Do tập đoàn VF là một công ty có mặt trên sàn chứng khoán, giới đầu tư đã theo dõi thương vụ này sát sao. Họ đều đa phần ủng hộ việc VF thâu tóm Supreme. Vì streetwear sẽ chỉ bành trướng trong tương lai.
Streetwear là một văn hóa đi đôi với nhạc hip hop, rap, R&B. Mà nay đã đến thời của rap và hip hop.
Hãy nhìn đêm chung kết chương trình Rap Việt 2020 vừa diễn ra. Các rapper trên sân khấu đều mặc streetwear. Mà đêm chung kết của chương trình này đạt hơn một triệu lượt xem đồng thời. Chắc chắn sẽ có những bạn trẻ, thần tượng các rapper, muốn ăn mặc giống họ. Đấy là các khách hàng tiềm năng của giới streetwear.
Lúc nhỏ, có thể họ chẳng đủ tiên mua ván trượt Supreme. Nhưng họ sẽ lớn lên, họ sẽ đi làm. Lúc sở hữu được đồng lương đầu tiên, họ sẽ chắc chắn bỏ tiền ra sở hữu giấc mơ thuở thiếu thời của mình. Và tập đoàn VF, do đã sở hữu Supreme, đã sẵn sàng đón nhận lứa khách hàng trẻ này.
>>> Xem thêm: PHONG CÁCH THỜI TRANG ĐẬM CHẤT “HYPEBEAST” CỦA RAPPER BINZ
Liệu Supreme sẽ vẫn “cool” sau thương vụ này?
Tất nhiên thì nhiều fan không quá vui vẻ với thương vụ này. Điều họ e ngại là tập đoàn VF, ưu tiên doanh số, sẽ khiến Supreme trở nên thị trường và đại trà hơn.
Trích lời nhà sáng lập Supreme: “Thương hiệu phải cool để có thể sống sót”. Mà các thương hiệu cool chưa chắc mang lại hiệu quả kinh tế Ban quản trị mong muốn.
Hiện tại, VF đã trấn an rằng họ sẽ không can thiệp vào cách Supreme vận hành. Toàn bộ nhóm quản lý của Supreme, trong đó có nhà sáng lập James Jebbia, sẽ ở lại để tiếp tục vận hành thương hiệu. Nhà sáng lập cũng cho biết, mình chỉ đồng ý bán thương hiệu vì VF có tiền sử giữ vững được độ cool của các thương hiệu về dưới trướng mình.
Chanel vẫn là một thương hiệu độc lập. Còn Supreme có lẽ không còn là “Chanel của thời trang đường phố” khi về với VF Corporation.
Có lẽ thì đây là điều khá tránh khỏi. Khi thị phần streetwear đủ chín chắn, nó sẽ lột xác, thoát khỏi cái mác ngông nghênh của giới trẻ nổi loạn để gia nhập vào các tập đoàn lớn. Cũng như rap và hip hop thoát khỏi underground để trở thành một dòng nhạc thị trường.
>>> Xem thêm: XU HƯỚNG KINH DOANH THỜI TRANG MỚI: KHÔNG THỂ BỎ QUA THỜI TRANG ĐƯỜNG PHỐ
Harper’s Bazaar Việt Nam