4 tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối bạn có thể chưa biết

Tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối sai cách có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn. Hãy xem đó là gì.

Khi có dấu hiệu cảm cúm hoặc viêm mũi thì rửa mũi là cách hiệu quả để vệ sinh sạch thoáng khoang mũi. Thế nhưng bạn đã biết rửa mũi thế nào là đúng chưa? Tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối có thể gây tổn thương và làm mất đi các yếu tố miễn dịch của mũi xoang. Cùng Harper’s Bazaar Vietnam tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé!

Rửa mũi là gì?

4 tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối bạn có thể chưa biết

Rửa mũi là phương pháp điều trị tại nhà để rửa sạch xoang. Xoang mũi là những khoang rỗng chứa đầy không khí. Thông thường, chúng vẫn mở để bạn hít thở dễ dàng. Tuy nhiên, nếu xoang bị kích thích hoặc viêm, chất nhầy (nước mũi) có thể làm tắc nghẽn khoang mũi.

Rửa mũi sẽ làm loãng chất nhầy gây tắc nghẽn hoặc dị ứng. Đường mũi sẽ thông thoáng hơn, giảm các vấn đề về xoang và nghẹt mũi.

Rửa mũi bằng nước muối là gì?

Hiện nay, rửa mũi bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) là phương pháp phổ biến được nhiều người áp dụng tại nhà. Để tiện lợi hơn thì người ta dùng loại nước muối đóng chai 500ml. Với trẻ nhỏ sẽ dùng nước muối nhỏ mắt dạng chai nhỏ.

Việc rửa mũi thực hiện đơn giản bằng dung dịch nước muối và bình rửa. Tuy nhiên, nếu không biết cách sử dụng, bạn dễ gặp phải tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối.

>>> Đọc thêm: 9 TÁC HẠI CỦA TRÀ KOMBUCHA VÀ NHỮNG LƯU Ý KHI UỐNG

Rửa mũi bằng nước muối có tác dụng gì?

Rửa mũi bằng nước muối có tác dụng gì

Lợi ích của việc rửa mũi bằng nước muối chính là làm thông thoáng đường thở. Nước muối còn giúp giảm viêm xoang, giảm tình trạng chảy nước mũi sau và cũng tốt cho người bị hen suyễn.

Nhiều nghiên cứu còn cho thấy rửa mũi loại bỏ một số mầm bệnh do vi trùng, vi khuẩn và virus gây ra. Rửa mũi làm giảm các triệu chứng liên quan đến chất gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, bụi bẩn và lông thú cưng. Khi những chất này mắc kẹt trong mũi, chúng sẽ gây kích ứng xoang, nghẹt mũi, ngứa ở mũi hoặc hắt hơi, khó thở…

Tuy nhiên, rửa mũi phải đúng thao tác, đồ dùng phải tiệt trùng, phương pháp phải đúng chuẩn. Nước rửa mũi nếu dùng sai cách sẽ không phát huy hiệu quả và còn gây hại cho sức khỏe.

>>> Đọc thêm: 10 TÁC HẠI CỦA CÀ PHÊ BẠN NÊN BIẾT NẾU KHÔNG MUỐN NGUY HIỂM

Tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối là gì?

Cảm giác nóng rát trong mũi

1. Cảm giác nóng rát trong mũi

Khi rửa mũi đúng cách thì tác dụng phụ thường nhẹ và tạm thời. Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác nóng rát hoặc châm chích ở mũi. Ngoài ra, bạn có thể gặp kích ứng nhẹ ở đường mũi.

2. Tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối gây chảy máu cam

Chảy máu cam có thể xảy ra trong quá trình thụt rửa mũi, khi chất nhầy khô hoặc lớp vảy bong ra từ mũi.

Ngoài ra, nếu bạn ấn dụng cụ rửa mũi vào quá sâu hoặc quá mạnh thì sẽ gây ra tổn thương cho các mô mỏng manh của mũi. Những vết thương này cũng gây chảy máu cam.

3. Nhiễm trùng

Nếu dụng cụ rửa mũi không sạch sẽ, khoang mũi có thể bị nhiễm vi khuẩn gây nhiễm trùng. Vậy nên, bạn cần tránh dùng chung dụng cụ rửa mũi với người khác.

Bên cạnh đó, dùng nước không được khử trùng, kể cả nước máy để rửa mũi cũng rất nguy hiểm. Nước máy chứa nhiều vi sinh vật, bao gồm cả amip có thể xâm nhập vào cơ thể qua mũi, đi đến não và gây bệnh viêm màng não. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

4. Loại bỏ lớp niêm mạc bảo vệ mũi

Khi bạn bị viêm mũi, xoang sẽ chứa nhiều chất nhầy. Rửa mũi có hiệu quả trong việc làm loãng và rửa sạch chất nhầy dư thừa. Tuy nhiên, khi bạn lạm dụng rửa mũi thường xuyên (kể cả khi không bị nghẹt mũi) thì việc này gây hại nhiều hơn.

Tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối quá nhiều sẽ làm mất đi lớp màng nhầy bảo vệ khoang mũi. Lớp màng này có tác dụng bẫy các chất kích thích và vi trùng xâm nhập vào lỗ mũi. Nó cũng chứa protein tiêu diệt vi khuẩn trước khi chúng xâm nhập vào phổi. Rửa mũi quá nhiều làm mất đi lớp niêm mạc bảo vệ, khiến bạn dễ mắc bệnh nhiễm trùng xoang.

>>> Đọc thêm: 5 TÁC HẠI CỦA TRÁI NHÀU LÀ GÌ? CHẾ BIẾN TRÁI NHÀU NHƯ THẾ NÀO?

Rửa mũi bằng nước muối đúng cách là như thế nào?

Rửa mũi bằng nước muối đúng cách

Cách sử dụng chai nước muối đóng sẵn mua tại hiệu thuốc để rửa mũi như sau:

Bước 1:

Bạn đứng trước bồn rửa hoặc chuẩn bị chậu để hứng dung dịch rửa mũi (với trẻ nhỏ).

Bước 2:

Hơi cúi người về trước. Nghiêng đầu sang trái và đưa bình rửa mũi vào lỗ mũi bên phải. Dùng tay bóp bình với lực vừa đủ để nước muối chảy vào mũi phải và chảy ra mũi trái.

Bước 3:

Đổi bên, đưa dung dịch từ mũi trái chảy ra mũi phải. Xịt hết dung dịch trong bình. Sau đó bạn xì mũi để tống hết chất nhầy và nước muối còn lại ra khỏi mũi. Không xì quá mạnh vì sẽ gây đau tai.

Khi rửa mũi bằng nước muối tại nhà, bạn cần lưu ý:

• Trong khi rửa mũi hãy thở bằng miệng.

• 1 chai nước muối chỉ dùng cho 1 lần duy nhất. Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi rửa mũi.

• Dụng cụ rửa mũi phải tiệt trùng kỹ lưỡng để tránh vi khuẩn xâm nhập vào khoang mũi.

• Thao tác nhẹ nhàng để không làm tổn thương thành mũi.

• Nước rửa mũi xuống họng thì phải khạc nhổ ra, không được nuốt vào dễ gây nhiễm khuẩn đường ruột.

• Nên dừng lại nếu bạn cảm thấy khó chịu khi rửa mũi.

>>> Đọc thêm: 7 LỢI ÍCH VÀ 4 TÁC HẠI CỦA SỮA ĐẬU NÀNH ĐỐI VỚI NỮ GIỚI

Cách phòng tránh tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối

Ai không nên rửa mũi bằng nước muối

1. Ai không nên rửa mũi bằng nước muối?

Không phải ai cũng có thể rửa mũi. Bạn không nên rửa mũi nếu:

• Bị nhiễm trùng tai.

• Bị áp lực ở 1 hoặc 2 bên tai.

• 1 trong 2 lỗ mũi bị tắc hoàn toàn.

• Vừa mới phẫu thuật tai hoặc xoang.

Ngoài ra, không nên rửa mũi cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu em bé bị nghẹt mũi, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về phương pháp điều trị phù hợp.

2. Có nên rửa mũi bằng nước muối thường xuyên không?

Nhiều người “nghiện” rửa mũi vì chúng làm giảm cảm giác khó chịu khi bị nghẹt hoặc viêm mũi. Tuy nhiên, nếu rửa mũi quá nhiều ngay cả khi không bị viêm mũi cũng sẽ không tốt. Nước muối sẽ làm khô và bào mỏng niêm mạc mũi. Lâu dần, mũi sẽ mất đi hệ miễn dịch, giảm khả năng chống lại virus, vi khuẩn gây bệnh.

Bạn chỉ nên rửa mũi khi xuất hiện các triệu chứng. Còn nếu không thì việc rửa mũi hàng ngày cũng không cần thiết.

>>> Đọc thêm: 6 TÁC HẠI CỦA NƯỚC ÉP CẦN TÂY ÍT AI NGỜ TỚI

3. Có thể dùng loại nước nào để rửa mũi?

Có thể dùng loại nước nào để rửa mũi

Ngoài nước muối, bạn có thể dùng những loại nước sau để rửa mũi:

• Nước máy đun sôi, được đun sôi trong tối đa 5 phút, để nguội đến nhiệt độ phòng và sau đó sử dụng trong vòng 24 giờ.

• Nước cất hoặc nước vô trùng có thể mua ở cửa hàng.

• Nước lọc đã đi qua bộ lọc nhằm loại bỏ các sinh vật truyền nhiễm.

Bạn tuyệt đối không bao giờ sử dụng nước máy để rửa mũi vì nó không được lọc hoặc xử lý và có thể chứa vi khuẩn.

4. Một số cách khác để giảm viêm xoang mũi là gì?

Có một số phương pháp điều trị tại nhà có thể giúp giảm bớt tắc nghẽn hoặc nhiễm trùng xoang như:

• Dùng thuốc thông mũi không kê đơn

• Dùng máy tạo độ ẩm trong phòng

• Dùng tinh dầu như tinh dầu bạch đàn, bạc hà…

5. Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Bạn rửa mũi khi xuất hiện các triệu chứng viêm xoang hoặc cảm lạnh. Tuy nhiên, các triệu chứng kéo dài hơn 10 ngày, kèm cơn đau đầu hoặc sốt, bạn nên đi khám bác sĩ.

Ngoài ra, nếu việc sử dụng dụng cụ rửa mũi khiến bạn chảy máu mũi, đau đầu, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để thao tác đúng cách.

Rửa mũi có thể giúp giảm bớt tình trạng nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi khó chịu. Chỉ cần chú ý thực hiện đúng cách là bạn có thể tránh được tác hại của việc rửa mũi bằng nước muối. Chúc bạn thành công.

>>> Đọc thêm: CÔNG DỤNG VÀ TÁC HẠI CỦA LÁ MƠ LÔNG NHIỀU NGƯỜI CHƯA BIẾT

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm