Cách đây không lâu, nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ trên Facebook về việc anh không đồng ý với quan điểm “Đàn bà hơn nhau ở tấm chồng”. Bài viết thu hút cả nghìn lượt like.
Câu thành ngữ phổ biến này luôn chia thành hai luồng ý kiến trái ngược: Phụ nữ truyền thống xem đàn ông là trụ cột thì nghĩ ông bà nói không bao giờ sai. Làm thân con gái như hạt mưa sa, hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày. Rồi phận con gái mười hai bến nước, trong thì nhờ đục phải chịu… Phụ nữ cấp tiến có vẻ không đồng tình, thậm chí kỳ thị câu thành ngữ cổ hủ ấy. Họ ủng hộ Hoàng Anh Tú và cho rằng: “Vì sao lúc nào cũng phải quan trọng ông chồng, chẳng lẽ bản thân mình không có chút giá trị nào. Tại sao phụ nữ ngồi với nhau cứ phải lấy các ông chồng làm thước đo mà không so từ chính bản thân mình?”
Tôi đã có ý định chia sẻ ý kiến phản biện quan điểm trên, nhưng cứ lần lữa mãi vì bận bịu. Cho đến tận đêm qua, khi người em họ gửi tin nhắn cho tôi mong nhận được lời khuyên về chuyện gia đình. Miệt mài trả lời tin nhắn, tôi nghĩ em gởi tin đi vào lúc 0 giờ chắc cũng đã tới lúc tuyệt vọng lắm rồi.
Trường hợp của em tôi gặp không ít, và có nhiều người cũng đã hỏi tôi câu ấy. Bạn bè, đồng nghiệp nữ của tôi nhiều người bất hạnh với muôn hình vạn trạng, nguyên nhân có lẽ đều do đàn ông mà ra cả. Còn người thực sự hạnh phúc trên đời này không nhiều. Càng nghĩ lại càng thấy ông bà nói đúng quá! Các thành ngữ, tục ngữ đều có tính triết học lồng vào trong ấy, vấn đề ở chỗ cả hai phe truyền thống và cấp tiến đều hiểu sai đi mà thôi.
Giữa sự nghiệp và vợ, đàn ông chọn…
“Đàn bà hơn nhau tấm chồng” chứ không ai nói “Đàn ông hơn nhau tấm vợ”, là vì trong tất cả các cuốn sách thể loại self-help về hôn nhân gia đình thì các chuyên gia đều cho rằng, đối với phụ nữ dù học thức nhiều hay ít, bần hàn hay danh giá, vô danh hay thành đạt, tình yêu hầu như là tất cả. Họ đặt tình yêu lên trên mọi thứ khác, trong khi đối với đàn ông, phụ nữ chỉ là một phần trong vô vàn các mối quan tâm của họ.
Đàn ông thường xếp sự nghiệp lên hàng đầu. Không ít lần tôi đọc báo thấy đàn ông thành đạt trả lời thẳng thắn rằng: “Sự nghiệp đối với tôi là quan trọng nhất, và gia đình thường xếp phía sau”. Báo phát hành rộng rãi, đương nhiên những người vợ của họ cũng sẽ đọc được. Tôi nghĩ từ lâu họ đã chấp nhận quan điểm này của các đức ông chồng. Vì thế, việc phụ nữ có thể hy sinh một suất học bổng tại nước ngoài để ở lại với chồng con không hiếm, nhưng đàn ông bỏ một suất nghiên cứu sinh ở nước ngoài để khỏi phải xa gia đình quả là rất hiếm.
Đàn ông có mối trăn trở lớn nhất: “Làm trai đứng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Họ sẽ luôn cảm thấy không thoải mái nếu sự nghiệp không đạt được thành tích mà liên tục bị các đồng nghiệp nam khác vượt lên, thậm chí với những người có tham vọng và hoài bão lớn, đó còn là áp lực khi chí nam nhi chưa thỏa.
Trong cuốn sách best-seller Cư xử như đàn bà. Suy nghĩ như đàn ông, tác giả Steve Harvey khẳng định rằng: “Đàn ông luôn bị thúc đẩy bởi ba vấn đề: Anh ta là ai? Anh ta làm gì? Anh ta kiếm được bao nhiêu tiền? Ba điều này làm nên ADN cơ bản của tính cách đàn ông – ba thành tựu mà mỗi người đàn ông phải đạt được trước khi anh ta cảm thấy thực sự đã hoàn thành định mệnh của phái mạnh. Và chừng nào anh ta còn chưa đạt được mục đích của mình trong ba phạm trù trên, thì người đàn ông của bạn sẽ còn bận rộn và khó lòng tập trung vào bạn”.
Điều dễ khiến đàn ông đau khổ, tuyệt vọng, mặc cảm, tự ti và trầm uất hơn cả chính là sự nghiệp bị thất bại. Thậm chí nhiều đàn ông Nhật Bản, Hàn Quốc còn nhảy lầu tự sát nếu bị phá sản hay sự nghiệp xuống dốc. Thất bại trong sự nghiệp là một nỗi đau chẳng thể nào an ủi đối với đàn ông. Nhưng phụ nữ thì khác, nếu họ gặp lại một cô bạn học sau 20 năm giờ đã rất giàu có, thành đạt và vẫn xinh đẹp rạng ngời với vòng eo 60, trong khi bản thân họ chỉ là một nhân viên bình thường thì cùng lắm chỉ chạnh lòng lúc ấy, về nhà chồng hôn vài cái lên má là quên luôn.
Đàn ông cũng thích đặt các thú vui khác lên hàng đầu. Phụ nữ đa số có thể bỏ cuốn sách hấp dẫn đang đọc sang một bên nếu cảm thấy người đàn ông cần mình. Họ cũng có thể bỏ những cuộc vui với bạn bè, bỏ những buổi khiêu vũ, những chuyến du lịch tận nước ngoài. Thậm chí tạm gác hẳn sự nghiệp đang ở đỉnh cao, như diễn viên Nicole Kidman và Victoria Adams, để được ở bên cạnh chồng nhiều hơn, chỉ cần với một câu nói: “Anh cần em bên cạnh”. Mà có khi chẳng cần nói gì thì phụ nữ cũng vẫn tình nguyện hi sinh, kể cả với những phụ nữ Mỹ cấp tiến (trừ khi họ đã hết yêu rồi).
Nhưng đàn ông thì không mấy ai chỉ vì một ánh mắt khắc khoải của vợ mà bỏ buổi đánh gôn, bỏ cuộc nhậu tưng bừng với bạn bè, bỏ trận bóng đá hoặc tạm gác công việc dang dở trên máy tính để ở bên cạnh người phụ nữ của mình. Điều đó không hẳn là xấu, hoặc tốt, mà là đặc thù về giới tính thôi.
Giữa chồng và sự nghiệp, phụ nữ chọn…
Phụ nữ luôn coi tình yêu là số một, nên họ dễ bị tổn thương, dễ đau khổ, dễ thất vọng rồi dẫn đến tuyệt vọng. Ở những nước châu Á, điểm yếu đó còn bị nhiều người đàn ông lợi dụng để bắt nạt. Đàn bà bất hạnh là người đàn bà không hạnh phúc trong tình yêu và hôn nhân. Còn đàn ông không mấy khi lại cảm thấy cuộc đời mình bất hạnh chỉ vì một người phụ nữ.
Hiếm anh chồng nào than phiền rằng mình bất hạnh vì có một cô vợ chẳng ra gì, đặc biệt là khi những người phụ nữ Việt Nam luôn nổi tiếng giỏi chịu đựng và hy sinh nhất thế giới. Cũng chỉ bởi phụ nữ luôn coi người chồng là cả thế giới của mình, chí ít thì cũng là mối quan tâm lớn nhất. Trong khi đàn ông lại có quá nhiều mối bận tâm và đam mê: sự nghiệp, thể thao, các thú vui giải trí, thậm chí là cả những người phụ nữ khác nữa. Vì thế, đàn ông có thể hơn thua nhau ở sự nghiệp vì sự thành đạt mang lại cho họ niềm vui, còn phụ nữ hơn nhau là ở hạnh phúc, tình yêu, sự quan tâm và chia sẻ của người chồng.
Như vậy, một số người hiểu “Đàn bà hơn nhau tấm chồng” là phải hơn nhau ở một ông chồng danh giá. Anh ta phải là đại gia, là quan chức, là nghệ sỹ nổi tiếng hay ít ra cũng là một anh công chức tử tế, hết giờ làm về nhà và cuối tháng nộp lương cho vợ. Suy cho cùng, tất cả những điều ấy đâu phải là điều làm nên một tình yêu bền vững và một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Ông bà ngày xưa chỉ ví von như vậy, chứ không thể đòi hỏi ông bà vừa nói văn hoa, vừa đi vào bản chất của vấn đề: Điều mà đàn bà hơn nhau nhất, đó là một hạnh phúc thực sự được phủ kín bởi tình yêu. Và thứ mỹ phẩm tuyệt vời nhất chính là nụ cười rạng ngời hạnh phúc trên đôi má ửng hồng của người đàn bà đang yêu.
Bài: nhà văn Di Li
Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam