Tập đoàn LVMH vừa đề nghị sẽ mua lại toàn bộ thương hiệu Tiffany & Co. nổi tiếng với “chiếc hộp xanh”. Theo nguồn tin, LVMH đã đề nghị mức giá chuyển nhượng khoảng 14.5 tỷ đô-la Mỹ, tức 120 đô-la Mỹ/cổ phiếu. LVMH sẽ chi tiền mặt toàn bộ cho thương vụ.
Nếu mua lại Tiffany & Co, đây sẽ là giao dịch mua bán và sáp nhập đắt đỏ nhất của tập đoàn LVMH. Gấp nhiều lần so với mức giá 5.2 tỷ đô-la Mỹ khi LVMH mua lại BVLGARI năm 2011; hay mức giá 13 tỷ đô-la Mỹ của Christian Dior năm 2017.
Thương hiệu Tiffany & Co. lao đao
Như Harper’s Bazaar đã đưa tin, thương hiệu “chiếc hộp trang sức xanh” đang gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2019, Tiffany & Co tiếp tục cắt giảm ước lượng doanh thu.
Tại Mỹ, thị trường lớn nhất của Tiffany, doanh số giảm đều 2% từ 2017. Thương hiệu đã cố gắng tăng cường bán hàng qua mạng; tái đầu tư vào cửa hàng flagship ở Đại lộ số Năm New York; tiếp cận những ngôi sao có uy tín trong giới trẻ như Lady Gaga; và cho ra mắt bộ sưu tập mới nhắm đến nam giới và giới trẻ millenial. Nhưng kết quả thu về chưa đạt được như mong đợi.
Tiffany cho biết lý do một phần từ mức thuế nhập khẩu tại Mỹ tăng cao. Một phần khác vì đồng đô-la tăng giá do kinh tế Mỹ phát triển mạnh, khiến dân du lịch đến Mỹ không còn chi tiêu nhiều như trước. Thương hiệu cho biết khoảng 12% doanh số đến từ khách du lịch.
Ngoài ra, thương hiệu cũng nhắc đến bạo động tại Hồng Kông như một nguyên nhân khác. Hơn nửa doanh số của Tiffany đến từ thị trường ngoài Mỹ. Trong đó Hồng Kông nắm giữ một vai trò quan trọng.
Tuy đối mặt với tình hình khó khăn, ban lãnh đạo Tiffany & Co. vẫn tin vào sức mạnh của thương hiệu.
Tiffany & Co. vẫn đang tiếp tục tăng trưởng tại Trung Quốc. Trong 2019, con số tăng trưởng là 25% tại Đại Lục. Tại đây, Tiffany là thương hiệu trang sức nổi tiếng nhất nhì, chỉ thua kém Cartier. Khi mua lại Tiffany, tập đoàn LVMH ngay lập tức có thể tiếp cận với thị trường này dễ dàng.
Chính vì vậy, Tiffany & Co tạm thời đã từ chối mức giá 14.5 tỷ đô-la Mỹ mà LVMH đưa ra. Họ cho rằng mức giá này quá thấp so với giá trị thật của thương hiệu Tiffany.
Vì sao tập đoàn LVMH muốn mua lại Tiffany & Co.
LVMH là tập đoàn xa xỉ lớn nhất toàn cầu. Sở hữu 75 thương hiệu khác nhau từ thời trang, làm đẹp đến du lịch. Năm ngoái, tập đoàn thu về 51.9 tỷ đô-la Mỹ.
Dù là tập đoàn lớn nhất nói chung về ngành hàng xa xỉ, nhưmg LVMH còn khá yếu ở mặt trang sức và đồng hồ. Hiện tại, các thương hiệu chuyên trang sức và đồng hồ tại LVMH gồm BVLGARI, Hublot và TAG Heuer. Dior, Louis Vuitton dù có trang sức nhưng doanh thu không đáng kể. Tính đến đầu năm 2019, phân khúc này chỉ mang về 9% doanh thu cho tập đoàn.
Việc mua lại Tiffany & Co mang lại nhiều lợi ích cho LVMH. Với doanh thu 4 tỷ đô-la Mỹ, Tiffany sẽ ngay lập tức nhân đôi doanh thu của LVMH ở thị phần trang sức. Chưa kể là giúp LVMH tiếp cận đến thị trường trang sức tại Mỹ và Trung Quốc. Sức mạnh của cái tên Tiffany cũng quan trọng trong thị trường ngày càng bị chia khúc thành các thị phần nhỏ (niche market fragmentation).
Oliver Chen, chuyên gia tư vấn tại công ty Cowen, cho rằng LVMH phải đưa ra mức giá tối thiểu khoảng 19.3 tỷ đô-la Mỹ, tức 160 đô-la Mỹ/cổ phiếu.
Nếu đề nghị mức giao dịch qua thấp, LVMH có thể để vuột mất Tiffany vào tay tập đoàn Richemont. Tập đoàn Thụy Sỹ sở hữu Cartier, Van Cleef & Arpels, Montblanc và Chloé đang tăng cường các thương vụ mua bán và sáp nhập. Tháng 9 vừa qua, Richemont đã mua lại Buccellati nổi tiếng với các thiết kế nữ trang cưới. Tập đoàn Kering cũng đang tiến công vào thị trường nữ trang cao cấp khi cho ra mắt bộ sưu tập haute joaillerie mới nhất từ Gucci.
>>> Xem thêm: GUCCI LẦN ĐẦU TIÊN THIẾT KẾ TRANG SỨC CAO CẤP VỚI HORTUS DELICIARUM
Làm cách nào để LVMH vực dậy thương hiệu Tiffany?
Tuy doanh thu sụt giảm, Tiffany & Co. vẫn có cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn. Nếu thật sự mua lại Tiffany, tập đoàn LVMH sẽ phải tái cấu trúc hình ảnh thương hiệu. Như cách LVMH đã làm với BVLGARI khi mua lại thương hiệu này năm 2011.
Cái khó của Tiffany bây giờ là thương hiệu đang bành trướng vào rất nhiều thị phần khác nhau. Khác với BVLGARI tập trung vào mảng trang sức cao cấp; Tiffany có đủ loại dòng trang sức khác nhau. Từ dòng trang sức bạc dễ mua (với mức giá từ 200 đô-la Mỹ, chỉ 4.5 triệu đồng), đến nữ trang cao cấp triệu đô. Nếu muốn định vị Tiffany theo con đường xa xỉ của BVLGARI, LVMH sẽ phải bỏ ra một khoản lớn để thực hiện những bộ sưu tập trang sức cao cấp (haute joaillerie).
Có thể thấy CEO tập đoàn LVMH, ông Bernard Arnault, vẫn bình chân như vại. Không phải tập đoàn nào cũng đủ lớn để có tiền rủng rỉnh trong túi như LVMH để vừa mua lại Tiffany, vừa xây dựng lại thương hiệu. Chưa kể, bạo động và khủng hoảng kinh tế tại Hồng Kông, thị trường nữ trang lớn thứ 4 toàn cầu, sẽ tiếp tục hạn chế doanh số của Tiffany nói chung. Hãy chờ xem thương vụ này sẽ tiến triển ra sao.
Harper’s Bazaar Việt Nam