Quá trình lão hóa không chỉ diễn ra ở làn da. Nó còn phản ánh qua mái tóc. Khi càng lớn tuổi, màu tóc sẽ thay đổi từ đen sang muối tiêu. Và cuối cùng sẽ chuyển sang bạc trắng.
Tuy nhiên, ở một số cơ địa, tình trạng tóc bạc có thể diễn ra sớm hơn ở những nhóm người trẻ tuổi từ 20 tuổi. Bạn nên hiểu rõ các nguyên nhân khiến tóc bạc sớm để ngăn ngừa hay làm giảm tình trạng này. Ngoài ra, nắm các thủ thuật để “trẻ hóa” mái tóc của mình sẽ giúp bạn không hề mất đi vẻ sành điệu.
Các nguyên nhân lý giải vì sao tóc bạc (hoặc bạc sớm)
Tương tự màu da, melanin (hắc sắc tố) là yếu tố quyết định màu tóc. Cơ thể con người có hàng triệu nang lông trải trên da, bao gồm các nang tóc và các tế bào sắc tố chứa melanin. Theo thời gian, các nang tóc mất đi các tế bào sắc tố, dẫn đến màu tóc chuyển dần sang bạc. Như vậy, tóc bạc màu chỉ đơn giản là tóc đã bị giảm sắc tố. Khi thấy tóc bạc, tức là trong lớp bọc ngoài của tóc không còn chút sắc tố nào. Vậy vì sao tóc bạc?
Tóc bạc sớm vì tính di truyền
Tóc bạc sớm phần lớn có liên quan đến di truyền. Chủng tộc cũng đóng vai trò quan trọng. Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013, người da trắng có thể gặp tình trạng tóc bạc sớm ở độ tuổi 20, trong khi người châu Á là 25 tuổi và người Châu Phi là 30 tuổi.
Thiếu hụt vitamin và khoáng chất
Cơ thể thiếu hụt vitamin B6, B12, biotin, vitamin D hoặc vitamin E cũng có thể dẫn đến tình trạng tóc bạc sớm.
Một báo cáo năm 2015 đăng trên chuyên san khoa học Development ghi nhận các nghiên cứu về sự thiếu hụt vitamin D3, vitamin B12 có liên quan đến tình trạng tóc bạc. Sự thiếu hụt dưỡng chất sẽ gây ảnh hưởng đến sắc tố nang tóc, khiến tóc bạc. Một nghiên cứu khác vào năm 2016 trên tạp chí International Journal of Trichology đã xem xét các yếu tố liên quan đến việc khiến tóc bạc sớm ở thanh niên Ấn Độ, độ tuổi dưới 25. Kết quả phát hiện hàm lượng thấp ferritin huyết thanh dự trữ chất sắt, cùng vitamin B12 và cholesterol tốt HDL-C thường gặp ở những người có tình trạng tóc bạc sớm.
Stress ô-xy hóa gây bạc tóc
Tuy phần lớn tình trạng tóc bạc sớm là do di truyền, nhưng stress ô-xy hóa có thể chiếm một phần. Stress oxy hóa gây mất cân bằng khi chất chống ô-xy hóa trong cơ thể không đủ chống lại tác hại của gốc tự do. Các gốc tự do là những phân tử không ổn định làm tổn thương tế bào, góp phần đẩy nhanh quá trình lão hóa và bệnh tật.
Tình trạng stress ô-xy hóa kéo dài sẽ thúc đẩy sự phát triển của các bệnh, bao gồm bệnh bạch biến. Bệnh này có thể khiến tóc trở nên bạc sớm do tế bào melanin bị phá hủy hoặc mất chức năng tế bào.
Các bệnh lý dẫn đến tóc bạc
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2008 đã chỉ ra mối liên hệ giữa những bất thường về tóc và chứng rối loạn chức năng tuyến giáp. Các bệnh tự miễn dịch cũng có thể làm tăng nguy cơ tóc bạc sớm ở một số người. Điển hình là chứng rụng tóc từng mảng – một bệnh tự miễn ở da gây mất tóc hay lông ở đầu, mặt và các bộ phận khác. Khi mọc trở lại, tóc sẽ có xu hướng trở nên bạc trắng do sự thiếu hụt sắc tố melanin.
Căng thẳng kéo dài (stress kinh niên)
Căng thẳng cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng tóc bạc. Một nghiên cứu từ Đại học New York phát hiện ra các tế bào chịu trách nhiệm tạo ra màu tóc sẽ trở nên cạn kiệt sinh lực khi cơ thể căng thẳng kéo dài.
Hút thuốc
Một nghiên cứu vào năm 2013 được báo cáo trên Tạp chí da liễu trực tuyến của Ý, cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ tóc bạc sớm trước tuổi 30 cao hơn gấp 2,5 lần so với những người không hút thuốc. Và một nghiên cứu năm 2015 trên Tạp chí của Học viện da liễu Hoa Kỳ chứng minh rằng hút thuốc gây nên tình trạng tóc bạc ở nam giới trẻ tuổi.
Bạc tóc do sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc thấp cấp
Thuốc nhuộm tóc và các sản phẩm chăm sóc tóc, ngay cả dầu gội chứa các thành phần có hại như sodium lauryl sulfate (SLS), parabens, cồn, silicone, dầu khoáng… làm giảm sắc tố melanin. Đặc biệt là thành phần hydrogen peroxide có trong nhiều loại thuốc nhuộm tóc sẽ khiến tóc bạn dễ bạc sớm.
Cách chăm sóc tóc bạc đúng cách
Khi tóc đã bắt đầu bạc, bạn cần thay đổi phương thức chăm sóc tóc. Có nhiều cách để chăm sóc và tạo kiểu với tóc bạc. Bạn có thể chọn nhuộm hoặc để tự nhiên. Dù là phương thức tạo kiểu nào, tóc đen hay tóc bạc cũng cần được nuôi dưỡng và phục hồi từ bên trong.
Tóc bạc cần được tăng cường dưỡng tóc suôn mượt, mềm mại
Việc chăm sóc tóc suôn mượt luôn cần thiết. Tóc đã bạc mà còn bị khô xơ thì càng mất thẩm mỹ.
“Nhiều người cho rằng tóc bạc thường to và thô ráp. Thực ra, lúc này da đầu hạn chế sản sinh dầu thừa, dẫn đến trường hợp ít dầu trên tóc nên mái tóc trở nên khô hơn. Còn chính sợi tóc bạc lại mỏng đi khi so với sợi tóc giàu melanin”, trích lời dược tiến sỹ Joseph Cincotta của Federici Brands.
Hấp dầu 1–2 lần/tuần để nuôi dưỡng tóc mềm mại. Sử dụng dầu gội, dầu xả phù hợp với tình trạng của da đầu và tóc. Sử dụng dầu dưỡng tóc sau khi gội đầu giúp tăng cường dưỡng ẩm và cải thiện độ bóng mượt rõ rệt cho tóc.
>>> Xem thêm: 3 CÔNG THỨC MẶT NẠ SỮA DỪA CHO TÓC KHÔ BẠN CÓ THỂ TỰ LÀM TẠI NHÀ
Tóc bạc cũng cần chống nắng đúng cách
Có một sự thật là tóc bạc vẫn bị cháy nắng. Bạn nên đội mũ, sử dụng sản phẩm chống nắng cho tóc khi ra ngoài. Khi cháy nắng, phần tóc ở đỉnh đầu sẽ chuyển sang màu vàng và bạn phải mất hàng tháng trời để phục hồi và cải thiện tình trạng trên. Ngoài ra, da đầu sẽ dễ bị tổn thương bởi tia cực tím, gây nên tình trạng kích ứng và rụng tóc.
Có nên nhổ tóc bạc?
Cảm giác dùng nhíp nhổ đi sợi tóc bạc đem đến cho bạn cảm giác rất đã ngứa! Một số quan điểm cho rằng khi nhổ tóc bạc, chúng sẽ mọc ra nhiều hơn.
Tuy nhiên, đó chỉ là kinh nghiệm truyền miệng chưa được khoa học kiểm chứng. Trường Y của Đại học Arkansas giải thích rằng việc nhổ đi một sợi tóc bạc không khiến tóc bạc mọc nhiều thêm. Một sợi tóc chỉ có thể phát triển trên mỗi nang tóc. Những sợi tóc xung quanh sẽ không chuyển bạc cho tới khi những tế bào sắc tố của các nang tóc chết.
Tiến sỹ Shaskank Kraleti giải thích: “Khi bạn nhổ đi một sợi tóc bạc, một sợi tóc mới sẽ mọc lên ở vị trí đó. Vì các tế bào sắc tố của nang tóc này không còn sản xuất sắc tố nữa, nên sợi tóc mới mọc cũng sẽ có màu trắng”. Dù vậy, tiến sỹ cũng không khuyến khích việc nhổ tóc.
Nếu bạn không muốn tóc bạc xuất hiện, hãy cắt bỏ nó. Tuy nhiên, tuyệt đối đừng nhổ mất gốc. Việc dùng nhíp nhổ mất gốc sợi tóc sẽ gây tổn thương nang tóc, gây nhiễm trùng, hình thành sẹo hoặc tệ hơn là dẫn đến tình trạng hói đầu.
Chống tóc bạc sớm khi dưỡng tóc với hà thủ ô
Nếu bạn muốn mái tóc của mình giữ được màu đen tự nhiên lâu hơn, hạn chế tình trạng tóc bạc sớm, hãy tìm đến hà thủ ô. Nấu rễ hà thủ ô lấy nước, và uống đều đặn hằng ngày sẽ giúp bạn duy trì mái tóc đen mềm mượt lâu dài.
Hà thủ ô đỏ có tên khoa học là Polygonum multiflorum. Đây là một loại thuốc cổ truyền được sử dụng lâu đời trong lịch sử Trung Quốc nhằm kích thích tóc mọc nhanh và làm đen tóc. Một nghiên cứu về tác dụng của loại thảo dược này được thực hiện vào năm 2015 với thời gian nghiên cứu hơn 6 tháng. Nghiên cứu đã cho thấy các chế phẩm từ hà thủ ô đỏ có tác dụng cải thiện chất lượng tóc rõ rệt đối với mái tóc của phụ nữ trước và sau mãn kinh. Việc sử dụng hà thủ ô đỏ qua đường uống hoặc sử dụng bên ngoài đều mang lợi ích trong việc điều trị tóc bạc.
Các chế phẩm từ hà thủ ô đỏ bao gồm PMR (Polygonum Multiflorum Radix dạng thô) và PMRP (Polygonum Multiflorum Radix Preparata, đã qua chế biến) có tác dụng bổ thận và gan. Do đó, chúng có thể được sử dụng để điều trị chứng tóc bạc.
Việc sử dụng PMR và PMRP đều thúc đẩy sự phát triển của tóc. PMR thích hợp sử dụng qua đường uống (nấu củ hà thủ ô đỏ lấy nước) và PMRP sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khi sử dụng bên ngoài (dầu gội có chiết xuất hà thủ ô đỏ).
Sống lành mạnh là cách chăm sóc tóc bạc từ bên trong
Bên cạnh sử dụng các sản phẩm chăm sóc và bảo vệ tóc khỏi tác hại của môi trường bên ngoài, bổ sung dưỡng chất cho cơ thể luôn là điều kiện tiên quyết để tóc giữ được sắc tố lâu hơn và chắc khỏe.
• Bạn nên bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây tươi và rau quá, trà xanh, dầu o-liu, các giống cá béo.
• Hải sản, trứng và thịt là nguồn cung cấp vitamin B12 dồi dào. Cá hồi, sữa và phô mai cung cấp vitamin D.
• Hạt mè đen chứa nhiều biotin. Vì vậy, hãy bổ sung hạt mè đen 2–3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 1 muỗng canh để làm chậm và cải thiện tình trạng tóc bạc mọc ra nhanh.
• Đừng quên các siêu thực phẩm như cá hồi, quả bơ và quả óc chó bổ sung omega-3 cho cơ thể để giữ nước cho tóc và da đầu, hạn chế tình trạng tóc khô xơ, gãy rụng.
• Nếu bạn là người nghiện thuốc lá, bỏ thuốc là cách chăm sóc tóc bạc, ngừa tóc bạc sớm nhanh nhất. Thuốc lá là nguyên nhân khiến tóc bạc nhanh hơn. Bỏ hút thuốc sẽ giảm rất nhiều tác động xấu đến cơ thể và cả mái tóc.
>>> Xem thêm: XU HƯỚNG TÓC TRÊN THẢM ĐỎ LIÊN HOAN PHIM CANNES 2021: YÊU MÁI TÓC BẠC TỰ NHIÊN
Những điều bạn cần biết về nhuộm tóc bạc
1. Để nhuộm đen tóc bạc tốn nhiều công chăm sóc
Nếu tóc bạc ngày càng mọc lên nhiều, chứng tỏ mái tóc bạn đang bắt đầu quá trình lão hóa. Nhuộm đen là một trong những lựa chọn đầu tiên nhiều người tìm đến để che đi sự xuất hiện của tóc bạc.
Tuy nhiên, tóc luôn không ngừng mọc dài ra, vì thế việc dặm đi dặm lại chân tóc sẽ tốn nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, nếu muốn nhuộm tóc bạc thay vì để tóc mọc ra tự nhiên, bạn sẽ phải dặm chân khoảng 2 đến 3 tuần/lần.
2. Biết gì trước khi nhuộm tóc bạc màu đen?
Màu nhuộm tóc đen thực ra không giống với màu đen nguyên thủy của mái tóc. Khi nhuộm tóc đen, có thể mái tóc của bạn sẽ không trông bóng bẩy như thời chưa bạc. Vì vậy, màu nhuộm tóc bạc nâu sáng có lẽ là lựa chọn tốt hơn.
Ngoài ra, sau khi nhuộm tóc bạc với màu đen, nếu bạn đổi ý muốn nhuộm một gam màu sáng hơn trong tương lai, bạn sẽ phải sử dụng sản phẩm tẩy màu thuốc nhuộm đen vĩnh viễn. Những sản phẩm giúp loại bỏ thuốc nhuộm đen đều có khả năng làm tóc bạn hư tổn rất cao.
Một giải pháp khác cho bạn là đợi đến khi phần tóc mới mọc ra. Khi tóc đã đủ dài, bạn có thể cắt bỏ đi phần tóc nhuộm cũ. Tất nhiên, phải cần rất nhiều thời gian để tóc mọc đủ dài.
Ưu điểm của nhuộm đen là bạn không cần phải tẩy tóc, có thể tự thực hiện tại nhà.
3. Sao không thử nhuộm tóc bạc với các gam màu thời trang?
Một lựa chọn khác táo bạo là bạn hãy thử phá cách với các gam màu sáng nổi bật như tím, xám bạc, vàng hồng, ánh kim, nhuộm đủ màu sắc như unicorn hoặc nhuộm balayage. Bạn có thể nhuộm nguyên đầu để che đi những phần tóc bạc. Nhuộm balayage thiên về tạo màu tóc loang tự nhiên, khi tóc bạc mọc ra sẽ ít gây mất thẩm mỹ và ý bị chú ý hơn.
Nhược điểm chính của phương pháp này là bạn không thể tự nhuộm tại nhà. Bạn sẽ phải tìm một tiệm làm tóc uy tín, thực hiện việc nhuộm tóc bài bản và kỹ lưỡng. Ngoài ra, bạn cần phải thường xuyên quay lại tiệm làm tóc để chỉnh sửa.
>>> Xem thêm: 13 Ý TƯỞNG NHUỘM BALAYAGE CHO NÀNG SÀNH ĐIỆU
4. Cách chăm sóc tóc bạc trẻ trung là tạo kiểu phù hợp
Nhiều người cho rằng khi tóc đã bạc thì nên mau chóng cắt tóc. Thực ra suy nghĩ này không hẳn là đúng. Các nhà tạo kiểu khuyên bạn nên để tóc dài vì sẽ dễ tạo kiểu. Bạn thử tưởng tượng mái tóc hoa râm với những đường gợn sóng, bóng khỏe, nghe thích không nào?
Quan trọng nhất là thường xuyên cắt tỉa tóc gọn gàng và tìm kiểu tóc phù hợp nhất với gương mặt của bạn. Tóc bạc dù dài hay ngắn sẽ trở nên tinh tế và mới lạ hơn rất nhiều khi bạn biết cách tạo kiểu. Một mái tóc phù hợp với gương mặt và hợp thời trang sẽ khiến bạn tự tin hơn.
>>> Xem thêm: TÓC MỎNG THƯA NÊN ĐỂ KIỂU GÌ? 10 KIỂU NÊN ĐỂ VÀ 6 KIỂU NÊN TRÁNH
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam