Tôi luôn tự hỏi vì sao chiếc tất lại được dùng để đựng quà cho trẻ nhỏ trong mỗi dịp Giáng Sinh. Tất, từ món đồ thời trang bình thường không mấy ai chú ý, vô hình trung đã trở thành biểu tượng của những ước mong con trẻ. Và cũng từ đó, nó được chú ý hơn, yêu mến hơn, chỉ nhờ sự hình tượng hoá vô tình nhưng rất thú vị ấy.
Giờ đây, chiếc tất chân lại một lần nữa được “hồi sinh”, qua cuộc chơi của những nhà thiết kế. Góp mặt trong bộ sưu tập Resort 2018, đôi tất lóng lánh có in logo thương hiệu của Gucci đã làm biết bao tín đồ thời trang điêu đứng. Đã là hàng cao cấp, thì cố nhiên, một chiếc tất cũng không hề rẻ. Và đôi tất ấy có giá xấp xỉ 1.000 USD.
Trong khi đó, Off-White và Gosha Rubchinskiy lại đưa những chiếc tất thể thao lên đỉnh cao mới, thấm đẫm chúng bằng hình ảnh đồ hoạ, và khiến thế hệ millennials không thể làm ngơ. Nổi tiếng với tay nghề cắt may thuộc hàng thượng thặng, Thom Browne cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi đưa tên thương hiệu vào hàng loạt đôi tất mốt. Nhưng đi xa nhất, có lẽ phải kể đến Vetement, Loewe và Fendi, khi kết hợp giày – tất để tạo nên những ảo ảnh thị giác.
Điều rõ ràng nhất chính là giờ đây, những chiếc tất chân đang được chú ý hơn bao giờ hết. “Ở Gucci, tất đang trở thành xu hướng”, Chelsea Power, một buyer trên trang MatchesFashion.com nhận định, khi nhận thấy doanh số bán tất đã tăng gấp 4 lần trong 2 năm trở lại. “Cách đây hai năm, ở Gucci hoàn toàn không có tất. Các nhà thiết kế bây giờ hiểu rằng tất đang trở thành một mảnh đất màu mỡ, cũng giống như kính mát – nó dễ tiếp cận hơn với những người không đủ tiền mua cả bộ trang phục trên sàn diễn, nhưng vẫn thích hợp với những người muốn sắm toàn bộ món đồ từ runway”.
>>> Đọc thêm: Quy tắc 6 inches và cẩm nang quyến rũ chỉ bằng mẩu bút chì
Đối với nam giới, tất từ lâu đã là một cách thể hiện cảm quan duy mỹ – những đôi tất rực rỡ, nhiều màu sáng thường nằm bên dưới chiếc quần của một bộ suit sắc sảo đầy phong cách. Và xu hướng này cũng tương thích với những khách hàng nam theo hơi hướm casual. Fiona Firth, giám đốc bán hàng của Mr Porter, người cũng góp công trong sự bùng nổ của những đôi tất thời trang, cho biết: “Nhờ vào sự tăng trưởng của dòng đồ thể thao và sneaker từ các thương hiệu lớn, những đôi tất thể thao đã đi tiên phong trong phong cách thời trang nam giới. Song hành cùng quần tây và quần jean, tất đang ngày càng có vị trí quan trọng hơn để hoàn tất bộ trang phục”.
“Về cơ bản, tất cả chúng ta đều đang mang giày giống nhau – Stan Smiths, Converse, Vans, Nike – vì vậy, việc mang chúng theo cách khác nhau thật sự rất tuyệt vời”, Donna Wallace, biên tập viên chuyên phụ trách mảng phụ kiện tại Elle UK nhấn mạnh. “Những món đồ dệt kim đang trở lại rầm rộ, và tất đi cùng sandals – từ khi được công nhận là bộ đôi thời trang thế hệ mới – đã mang đến cái nhìn hoàn toàn khác. ‘Bình thường’ giờ trở thành concept. Những gì trước đó bị cho là xấu, nay được cho là đẹp. Tất cả đều nằm ở nghệ thuật phối kết cao – thấp, giữa những cái bình thường và những cái độc đáo”.
Bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận tình trạng chuộng mang mác thương hiệu đang trở lại trên hầu hết món đồ thời trang – một hành động pha giữa sự nhận thức về tính trung thành với một thương hiệu, và thái độ tự cao của một tín đồ đích thực.
“Logomania đang trở lại và chúng ta đang chứng kiến điều này trên những khách hàng mang đôi tất đính logo hàng hiệu”, Hollie Harding, buyer tại Browns cho biết. “Sự thật là chiếc tất có thể hiện diện trên mọi set đồ, từ bộ thể thao cho đến chiếc váy đính sequin trong bữa tiệc, và điều tuyệt vời nhất là nó không phân biệt giới tính – đàn ông mang tất của phụ nữ và ngược lại”.
“Tất đang trở thành mảnh đất màu mỡ, cũng giống như kính mát vậy”
Cơ hội kinh doanh béo bở này đã được nhiều nhà khởi nghiệp chú ý. Bombas, start-up chuyên về tất được hành lập năm 2014 ở New York, đã bán hơn 150.000 đôi tất thể thao chỉ trong 30 ngày đầu. “Chúng tôi thu được khoảng 1.8 triệu USD vào năm 2014, 4.6 triệu USD năm 2015, và năm ngoái, con số này là 17.2 triệu. Năm nay, chúng tôi đang hướng đến khoản thu 50 triệu USD”, David Heath, chủ doanh nghiệp cho biết. Trong số những chiếc tất bán được, có đến 45% nghiêng về mẫu có đường sọc đôi, loại tất thể thao được gắn logo Bombas được biết đến nhiều nhất của thương hiệu này.
Nói đến thị trường tất toàn cầu, Heath nói chúng không khác gì cà phê cả. “30 năm trước, hầu hết mọi người đều uống Maxwell House mà không thật sự quan tâm hạt cà phê của họ đến từ đâu, hay chúng được rang xay như thế nào. Khi Starbucks xuất hiện, họ chiếm lấy toàn bộ thị trường cà phê, khi thuyết phục mọi người thay vì mua 25 cent cà phê từ quán nước địa phương, hãy dành ra 3, 5 hay 6 USD cho tách cà phê của họ. Cơn sóng này tiếp tục trở lại khi StumpTown, Intelligentsia và Blue Bottle bắt đầu thuyết phục mọi người chi từ 8 đến 12 USD cho một tách cà phê”.
Sau khi được thành lập từ năm 2009, Stance, thương hiệu chuyên về tất, nay đã trở thành một trong những điểm đến cung cấp tất cao cấp được ưa chuộng nhất. Năm 2015, cái tên Stance xuất hiện chính thức trên sân NBA. Stance trở thành thương hiệu đầu tiên từ năm 2009 được đưa logo lên các thiết bị thi đấu. Cùng năm đó, họ bắt tay với Rihanna và Ronie Fieg, và sau này thêm những cái tên như Willow Smith, Hanne Gaby Odiele vào danh sách các thương vụ hợp tác lớn.
Tất: Món đồ nhỏ thể hiện đẳng cấp lớn
John Wilson, chủ tịch Stance, cho biết: “Hầu hết mọi người chỉ mặc một chiếc quần và áo sơ mi vào mỗi ngày, trong khi tất có thể được thay thường xuyên, và mang đến cho bạn nét cá tính mà không thứ gì khác có thể”. Tháng 5 năm 2017, Justin Trudeau, Thủ tướng Canada, đã gây ra chấn động khi được chụp lại khoảnh khắc mang đôi tất Star Wars của Stance đến gặp Enda Kenny, cựu thủ tướng Ireland.
Các phương tiện truyền thông xã hội và báo chí như phát điên khi thấy một quan chức chính trị, trong bộ suit điển hình tại sự kiện ngoại giao thông thường, lại phô bày hình ảnh R2-D2 và C-3P0 ngay trên mắt cá chân. Một chi tiết nhỏ nhặt, nhưng thể hiện rất nhiều điều về cá tính của ông – một người không tuân theo những tiêu chuẩn thông thường.
“Khi mới bắt đầu, mọi người đều nghĩ chúng tôi điên rồ khi làm ra những đôi tất có giá 14 USD. Nhưng sau đó, họ bắt đầu tròn mắt nhìn nó khi nhận thấy sự khác biệt khá xa về độ thoải mái khi mang chúng lên người”, ông Wilson nói tiếp. “Và đó thật sự là những gì đã xảy ra: Tất có thể trở thành một mặt hàng xa xỉ, vì ấn tượng chúng tạo ra và cảm giác chúng mang lại”.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam