Nhà thiết kế người Pháp, Jean-Paul Gaultier xuất hiện cùng ngôi sao Dita Von Teese ở cuối phần trình diễn Haute Couture Xuân- Hè 2014 của ông tại Paris. Ảnh: nydailynews
Cách đây gần một thế kỷ, một sự kiện lớn diễn ra đã đặt nền móng cho sự ra đời của các fashion show: tuần lễ thời trang. Edna Woolman Chase, tổng biên tập Vogue Mỹ, e ngại rằng công việc của các nhà mốt ở Pháp rất có thể sẽ chững lại vì bóng đêm của Thế chiến thứ nhất, nghĩa là sẽ không có thời trang ở nước Mỹ cũng như bài trên Vogue. Chase đã tập hợp các nhà may xuất sắc nhất lại trong một show diễn từ thiện với các thiết kế của riêng họ, tổ chức ở khách sạn hạng nhất Ritz Carlton.
Đến năm 1943, thời trang lại rơi vào tình cảnh tương tự nhưng nghiêm trọng hơn. Thế chiến thứ hai ập đến, người hoạt động trong lĩnh vực này đều không thể đến Paris và kinh đô thời trang của thế giới đang bị phát xít chiếm đóng. Trước tình hình đó, pulicist vĩ đại Eleanor Lambert đã Tổ chức một sự kiện gọi là Press Week để giới thiệu đến các biên tập viên thời trang những thiết kế của các nhà thiết kế tại New York.
Sự kiện thành công vang dội này đã khiến báo chí Mỹ “để mắt” đến các nhà tạo mốt trong nước và bắt đầu giới thiệu họ trên báo của mình. Press Week ấy chính là tiền thân của New York Fashion Week. Ba mươi năm sau đó, tức năm 1973, Tuần lễ Thời trang Paris cũng bắt đầu con đường lịch sử của mình. Tiếp theo là Milan năm 1979 và London hơn một thập kỷ sau đó.
Bốn thánh địa thời trang thế giới
Cứ đến tháng Hai, các biên tập viên của những tờ báo danh tiếng, giới stylist, fashion blogger, người nổi tiếng lại tập trung về bốn kinh đô thời trang New York, London, Milan và Paris để theo dõi Tuần lễ Thời trang Thu Đông. Và đến tháng Chín là thời điểm mà mọi sự chú ý đều đổ dồn về các Tuần lễ Thời trang Xuân Hè.
Fashion Week là thời điểm mà giới tạo mốt giới thiệu các xu hướng, mẫu thiết kế mới cho mùa sắp đến, trước khi các bộ sưu tập được tung ra thị trường. Từ những màu sắc, chất liệu, họa tiết, kiểu dáng… được “lăng-xê” trên sàn catwalk tại sự kiện này, những nhà sản xuất của các hãng thấp cấp hơn sẽ có định hướng cho những sản phẩm tiếp theo của mình.
Ngoài bốn tuần lễ thời trang lớn này, ước tính trên thế giới còn có khoảng 140 sự kiện tương tự diễn ra ở các thành phố như Berlin, Barcelona, Rome, Dubai, Bangkok, Jakarta, Seoul, Tokyo…
Thông tin bên lề fashion Week:
– Khách mời của Fashion Week thường rất giới hạn trong nhóm các đối tượng: nhà thiết kế thờitrang, tổng biên tập, biên tập viên thời trang hàng đầu của các tạp chí thời trang, diễn viên, người mẫu, stylist, fashion blogger, ca sỹ nổi tiếng và các khách hàng đặc biệt…
– Máy bay hạng thương gia cho các chuyến bay đi về giữa các thành phố tiêu tốn trung bình 6.000 đô-la Mỹ cho mỗi biên tập viên, tổng biên tập.
– Chi phí khách sạn cho 8 đêm tại những địa điểm yêu thích của một biên tập viên hàng đầu sẽ tốn khoảng 9.000 đô-la Mỹ. Ngoài ra, các chi phí khác như ăn uống và đi lại cũng mất khoảng gần 4.000 đô-la Mỹ cho một tuần ở Paris.
– Để có được những người nổi tiếng ngồi tại front row của các show diễn lớn, nhà tổ chức hoặc thương hiệu phải chi một số tiền không nhỏ. Ngôi sao hạng A như ca sỹ Rihanna hay Beyoncé nhận được khoảng 100.000 đô-la Mỹ chỉ để xuất hiện tại một show diễn. Tuy nhiên, việc này cũng đang dần thoái trào. Thay vào đó, các ngôi sao sẽ nhận được tài trợ đi lại, khách sạn, chi phí trang điểm với chuyên gia trang điểm nổi tiếng, quần áo… Nếu được trả tiền, người nổi tiếng phải đảm bảo chỉ đến dự một show trong suốt tuần lễ thời trang.
Bài: Trinh Pax (tổng hợp)