Ngành thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nặng nhất toàn cầu. Đây là điều không ai có thể phủ nhận. Chính vì vậy mà trong 2019 xuất hiện rất nhiều dự án giúp cải thiện sự bền vững của ngành thời trang; giảm lãng phí tài nguyên; tăng cường tái chế (recycling và upcycling) trong vải vóc.
Nhưng bạn có biết, sữa cũng là một sản phẩm gây ô nhiễm môi trường rất nặng?
Khoan nói về việc nuôi bò sữa hao tốn rất nhiều tài nguyên; chưa kể gây mùi khó chịu ở khu vực lân cận (mà tại Việt Nam có đầy rẫy minh chứng). Chính sữa cũng làm ô nhiễm nguồn nước khi bị lãng phí. Khi đổ sữa thừa, hư, xuống cống, nó tạo nên môi trường giúp vi khuẩn sinh sôi nảy nở trong sông ngòi, rạch nước. Vi khuẩn trong sữa thừa “tham lam” chiếm dụng oxy trong nguồn nước. Cạnh tranh với tôm cá và các loài thủy hải sản khác.
Chính vì vậy, nếu như có thể làm nên một sản phẩm giúp bảo vệ môi trường cho cả hai ngành trên, thì quả là tuyệt vời, đúng không?
Đây là suy nghĩ của MiTerro, một công ty khởi nghiệp tại Los Angeles, Mỹ.
CEO và nhà đồng sáng lập, anh Robert Luo, đã thành lập thương hiệu MiTerro năm 2018. Với mục tiêu “giải quyết vấn đề môi trường và xã hội qua thời trang xanh”. Tên công ty có nghĩa là “Trái đất của tôi”. Anh bắt đầu sự nghiệp với chiếc túi duffel được làm từ nắp bần rượu vang và rác thải nhựa tái chế. Chiếc áo thun làm từ sữa là sản phẩm thứ hai của thương hiệu.
Áo thun làm từ sữa, tại sao không?
Công đoạn làm nên áo thun làm từ sữa tương đối phức tạp. Đầu tiên, MiTerro phải tìm mua sữa thừa từ các trang trại sữa bò lân cận. Sau đó, sữa được lên men và “sấy khô”. Phần protein sữa còn sót lại dưới dạng bột được hoà tan trong một dung môi và kéo sợi. Phương thức dệt sợi từ sữa thương tự như phương thức làm nên vải sợi modal hay lyocell.
Cuối cùng, để dệt nên nên áo thun từ sữa, MiTerro kết hợp sợi protein sữa với sợi micromodal.
Vì được làm từ protein, nên sợi vải sữa có các tính năng tương tự như lụa tơ tằm (chất sợi làm từ protein thiên nhiên). Các tính năng này bao gồm: có độ co giãn tự nhiên; không nhăn; có khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể; và hút ẩm tốt.
Theo lời của Robert Luo, cứ năm chiếc áo thun làm từ sữa sẽ tái chế lại một ly sữa thừa.
Hiện tại, một chiếc áo thun làm từ sữa có giá bán 59 đô-la Mỹ (khoảng 1,4 triệu đồng).
>>> Xem thêm: 4 QUY TẮC ÁP DỤNG TRONG XU HƯỚNG THỜI TRANG BỀN VỮNG
Theo ibtimes
Harper’s Bazaar Việt Nam