Thói quen nặn mụn tệ hơn bạn nghĩ. Làm sao ngăn ngừa?

Thói quen nặn mụn khiến da tổn hại nhiều hơn bạn nghĩ! 

BZ-thoi-quen-nan-mun-selena

Các chuyên gia da liễu khuyên rằng bạn không nên chạm tay vào mặt của mình. Tay mang một lượng vi khuẩn lớn, khi để tay tiếp xúc với da mặt, bạn có thể sẽ trải qua nhiều vấn đề không mong muốn ở da. Hơn hết, điển hình là thói quen nặn mụn còn gây ra nhiều tổn hại tới da. 

Vì sao thói quen nặn mụn là nguyên nhân gây mụn

Bất cứ khi nào da bị trầy xước nhẹ, nó cũng sẽ dễ bị nhiễm trùng.

Làn da được xem như một hệ sinh thái thu nhỏ. Vì thế, làn da luôn có một lượng vi khuẩn nhất định – còn gọi là lợi khuẩn – giúp cân bằng da. Ở điều kiện bình thường, mức độ vi khuẩn có trên da ở mức thấp giúp duy trì sức khỏe làn da.

Tuy nhiên, nếu vi khuẩn xâm nhập vào bên trong da, đó là một môi trường rất khác. Trong đó, các vi khuẩn vô hại có thể phát triển và gây ra những vấn đề không mong muốn như viêm da và nhiễm trùng. Điển hình là thói quen nặn mụn ở một số người khiến cho tình trạng da trở nên tệ hơn. 

BZ-thoi-quen-nan-mun-1

Các tác hại làn da gặp phải khi nặn mụn

Khiến tình trạng mụn trên da xấu đi

Một ví dụ điển hình: Mụn trứng cá.

Cảm giác có một nốt sưng trên da dẫn đến việc một số người cố gắng loại bỏ chúng bằng cách cào, nặn hay lột. Nhưng hành động nặn, lột mụn hoặc cào mặt mở đường cho các vi khuẩn thâm nhập vào da, phá vỡ hàng rào bảo vệ da, và gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Mụn trứng cá lúc này có thể trở thành mụn bọc.

Khiến mụn bị viêm nhiễm nặng hơn

Thói quen nặn mụn có thể khiến làn da bị tổn hại. Tổn thương da không chỉ xảy ra bên dưới bề mặt da. Đặc biệt nếu bạn nặn mụn có thể khiến vết mụn trở nên đỏ và sưng tấy nhiều hơn.

Nói về hình thức nghiêm trọng nhất của mụn bọc là chúng phát triển khi hình thành một lớp màng bao quanh vùng nhiễm trùng ở lớp hạ bì, tạo ra cục mềm, chứa đầy chất lỏng. Và tình trạng này khiến bạn phải đến gặp bác sỹ da liễu để chữa trị. 

Để lại vết thâm, sẹo

Ngoài các biểu hiện như hình thành nốt mụn sưng tấy và đóng vảy, nặn mụn có thể khiến làn da bị sẹo. Mỗi khi làn da bị tổn thương, có khả năng khi da lành lại, mô sẽ bị mất đi. Tổn thương da càng lớn thì khả năng mất mô càng lớn. Ngay cả vết sẹo lõm không phát triển, các vết thâm vẫn hiện diện. Những đốm đen xuất hiện trên da, được gọi là chứng tăng sắc tố sau viêm. Việc nặn mụn gây nên tình trạng viêm nhiễm. Vì thế, bạn có nhiều khả năng bị tăng sắc tố sau viêm khi mụn lành lại. 

BZ-thoi-quen-nan-mun-the-pluviophile-writer

>>> Xem thêm: LÀM QUEN VỚI KEO ONG, THÀNH PHẦN ĐIỀU TRỊ SẸO MỤN TỪ THIÊN NHIÊN

Vì sao không thể ngừng thói quen nặn mụn?

Vì sao thói quen nặn mụn khó bỏ? Lý do vì nó khiến não bộ của bạn bị “nghiện”.

• Khi bạn nặn mụn, não bộ giải phóng dopamine, một hormone vui vẻ. Điều này khiến bạn cảm thấy thoải mái, phấn khích. Và nó kích thích duy trì thói quen nặn mụn.

• Nhìn thấy nhân mụn xấu xí, ta bị rùng mình. Cảm giác rùng mình trước những gì ghê tởm, sợ hãi cũng là một nhân tố gây kích thích. Đây cũng là lý do chúng ta thích chơi trò chơi cảm giác mạnh hay xem phim kinh dị. Vì chúng ta bị hấp dẫn bởi những gì ghê rợn, nhưng hiểu rằng nó không thể mang lại nguy hại trong thực tế cho bản thân.

Trong một số trường hợp, đây còn liên quan đến yếu tố tâm lý, không phải muốn bỏ là được. Ví dụ như nếu bạn mắc chứng Dermatillomania.

Dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang mắc phải chứng tâm lý Dermatillomania bao gồm:

• Không thể ngừng chạm tay vào mặt. Không chỉ đơn thuần là lột mụn, bạn còn thích cào mặt, cạo nốt ruồi, tàn nhang hoặc bóc vẩy sẹo.

• Bạn hiếm khi nhận thức rằng mình đang chạm tay vào mặt.

• Kể cả khi bạn ngủ hoặc những lúc bạn cảm thấy lo lắng hay căng thẳng, bạn đều có xu hướng đưa tay lên vân vê mặt.

Chứng Dermatillomania phát triển vì hai nguồn gốc. Một là để phản ứng với các trạng thái tâm lý như lo âu, căng thẳng, tức giận. Hai là do thói quen khó bỏ, những hành vi này bộc phát khi con người rơi vào trạng thái buồn chán, nhàn rỗi hay mệt mỏi. 

Ngoài ra, đây cũng có thể là một dấu hiệu của rối loạn ám ảnh cưỡng chế nếu nó xảy ra cùng với các hành vi như sạch sẽ quá mức, hay liên tục bứt, nhổ tóc. 

>>> Xem Thêm: DA NỔI MỤN, DỊ ỨNG, NGỨA NGÁY? LÝ DO CÓ THỂ VÌ NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC

Cách khắc phục thói quen nặn mụn

Tìm hiểu rõ các tác nhân dẫn đến thói quen nặn mụn để có cách khắc phục hiệu quả. 

Nếu tình trạng bạn đang gặp phải như đối mặt với mụn trứng cá, bạn có thể áp dụng những phương pháp sau:

• Cắt ngắn móng tay. Điều này giúp tránh tình trạng bạn có thể cạo, nặn hay móc các nốt mụn. 

• Luôn kiếm việc làm khỏa lấp thời gian rảnh. Điều này giúp hạn chế sự chú tâm của bạn vào các nốt mụn.

• Bạn có thể che nốt mụn với băng dính cá nhân. Thị trường có nhiều loại băng dính tròn nhỏ, giúp che phủ hoàn hảo các nốt mụn, tiệp màu với da. Điều này giúp bạn không tập trung vào các nốt mụn trên mặt, từ đó quên đi cảm giác muốn nặn mụn.

• Nếu thói quen nặn mụn của bạn có thể đến từ chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế hoặc Dermatillomania, bạn có thể tìm đến chuyên viên tư vấn tâm lý để nhờ sự giúp đỡ.

• Tăng cường điều trị mụn dứt điểm. Bạn có thể tìm đến các liệu pháp can thiệp sâu tại các viện thẩm mỹ để có kết quả chữa trị nhanh nhất.

>>> Xem thêm: MỐI LIÊN HỆ GIỮA STRESS VÀ MỤN CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm