Ảnh minh họa đăng trên tạp chí The Designer thập niên 1900
Vào đầu thế kỷ XX, Paris là trung tâm thời trang tập trung các nhà mốt lớn và khởi tạo xu hướng, kế đến là London. Những tạp chí thời trang khắp nơi sẽ gửi biên tập đến dự các show thời trang ở Paris như ngày nay. Các cửa hàng bách hóa cũng cử người đến Paris để mua vải và công khai sao chép các mẫu thiết kế từ các nhà mốt lớn. Do đó, những salon thời trang may đo riêng và các cửa hàng bán đồ may sẵn đều lăng xê cùng một lúc những xu hướng mới nhất ở Paris. Lúc này, các tạp chí bắt đầu sử dụng hình ảnh minh họa cập nhật các xu hướng thời trang và làm đẹp. Những tạp chí này bán đắt như tôm tươi tại các thành phố lớn và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến gu thời trang của công chúng.
Vào thời gian này, thời trang cao cấp haute couture và ready-to-wear chưa hoàn toàn tách biệt. Chúng tồn tại trong cùng một nhà mốt và được làm bởi cùng những người thợ. Các nhà mốt lớn sẽ trình diễn bộ sưu tập haute couture cho các khách hàng thượng lưu và những người phụ nữ giàu có này sẽ yêu cầu may riêng theo số đo, màu sắc và chất liệu họ yêu thích. House of Worth của nhà thiết kế Charles Frederick Worth – cha đẻ của haute couture là một trong những nhà mốt khởi xướng nên cách làm này.
Thập niên 1900 nằm trong giai đoạn cuối của “Kỷ nguyên tươi đẹp”- Belle Époque (1871-1914) tại Pháp. Đây là giai đoạn trước khi thế chiến I bùng nổ, lúc mà người dân vẫn còn sống trong hòa bình, hy vọng. Văn hóa, khoa học và thời trang vì thế phát triển thịnh vượng ở châu Âu.
Thời này, những phụ nữ trong xã hội thượng lưu ở các thành phố lớn như London, New York, St. Petersburg sẽ bay đến Paris hai lần trong năm, vào tháng 3 và tháng 9 để xem các show diễn của những nhà mốt lớn. Đây chính là khởi điểm của hai mùa thời trang chính Xuân Hè và Thu Đông vẫn được tiếp diễn cho đến ngày nay.
Tại những studio thời trang này, mỗi người sẽ có một vendeuse – gọi nôm na là người tư vấn thời trang riêng. Đây là những nhân vật nắm rất rõ sở thích, số đo và cả những bí mật tài chính của khách hàng, để từ đó họ sẽ chọn ra tất cả các trang phục mà những quý cô này cần cho 6 tháng tiếp theo. Đó là các loại trang phục gồm: đồ lót, đầm mặc buổi sáng, đầm mặc buổi chiều, đầm đi dạo, đi du lịch bằng tàu lửa hay xe hơi, đầm dạ tiệc, đầm đi dự các dịp đặc biệt như lễ cưới, xem kịch, đua ngựa. Tùy theo hầu bao của khách mà danh sách trang phục càng dài hơn.
Lúc bấy giờ, người đẹp nào cũng muốn mình thật nổi bật và khác biệt với các quý cô thượng lưu khác. Do đó họ chi tiền rất mạnh cho trang phục để khoe khoang sự xa hoa, giàu có. Chính vì thế, “tiêu dùng phô trương” (conspicuous consumption) là cụm từ chính xác để định nghĩa thời trang trong giai đoạn này.
Thập niên 1900 là giai đoạn những quý cô thượng lưu bắt đầu đi theo phong cách độc lập, thực tiễn. Vì thế, thời trang nữ càng ngày càng được giản lược bớt so với thế kỷ XIX. Tuy vậy, những chi tiết trang trí trên trang phục vẫn phải thật cầu kỳ, công phu để thể hiện đẳng cấp. Ở giai đoạn đầu thập niên, corset vẫn được ưa chuộng để tạo ra đường cong cho phái đẹp. Những thiếu nữ quý tộc luôn phải nhờ người hầu thắt chặt các dây áo corset sao cho ôm khít vòng eo (lý tưởng là khoảng 50cm hoặc nhỏ hơn). Chiếc corset còn giúp phần vai đưa ra sau, đẩy bầu ngực lên cao, ưỡn về phía trước và phần mông nhô ra sau, tạo dáng cong hình chữ S – một tiêu chuẩn quyến rũ lúc bấy giờ. Phụ nữ phải mặc corset cả suốt cả ngày, chỉ trừ lúc thay trang phục cho những buổi tiệc trà (tea gown) họ mới thoát khỏi chiếc áo lót bó buộc này. Khi đó, họ sẽ mặc những chiếc đầm trắng nhẹ bằng chất liệu cotton thoải mái.
Vào ban ngày, phụ nữ thời này ưa chuộng những chiếc áo khoác may ôm sát mặc cùng váy dài phủ gót, hơi xòe ở phần dưới cùng giày boot cao gót ngang cổ chân. Họ thường kết hợp áo màu nhạt với váy màu đậm. Chất liệu sẽ thể hiện đẳng cấp: linen dành cho người nghèo, cotton cho tầng lớp trung lưu trong khi chỉ có tầng lớp thượng lưu mới được mặc đầm bằng lụa và cotton thượng hạng. Và như đã đề cập ở trên, các chi tiết trang trí bằng đăng ten công phu và cầu kỳ là dấu hiệu thể hiện địa vị xã hội của những quý cô.
Những chiếc đầm mặc buổi chiều (afternoon dress) thường mang màu sắc pastel ngọt ngào với nhiều chi tiết trang trí, trong khi đầm dạ tiệc lại phô trương sự quyến rũ của phái nữ với cổ áo khoét sâu khoe bầu ngực và cả trang sức.
Vào khoảng năm 1905, khi việc di chuyển bằng xe hơi trở nên phổ biến, phụ nữ bắt đầu có nhu cầu về trang phục mặc khi đi phương tiện này. Những chiếc áo khoác car coat dành để đi xe trong mùa thu đông phải thật thời trang, dài qua eo khoảng 38cm. Họ sẽ mặc cùng váy short ống rộng ngắn trên cổ chân. Trong những ngày mưa tuyết họ còn choàng áo khoác duster che phủ trang phục để không bị bám bẩn và ướt.
Đến cuối giai đoạn này phom dáng trang phục nữ bắt đầu thẳng và bớt rườm rà hơn, một phần do sức ảnh hưởng của Paul Poiret. Ông là nhà thiết kế chủ trương tiết giảm trang phục lót, giúp phụ nữ thoát khỏi chiếc corset để diện những chiếc đầm thoải mái hơn. Paul Poiret còn là người khơi mào chủ nghĩa Orientalism, đưa phong cách phương Đông vào trang phục phương Tây. Những chiếc đầm lụa và satin mang cảm hứng phương Đông của ông rất được những phụ nữ thượng lưu ưa chuộng. Các thiết kế phổ biến khác của Paul Poiret còn có quần harem, đầm dạng Empire line (thắt từ dưới ngực và suôn dài xuống). Đặc biệt vào cuối thập niên 1900, Paul Poiret còn sáng tạo nên kiểu váy chụp đèn hobble skirt túm ở phần gối rất lạ mắt.
Nhà mốt Maison Redfern là nơi đầu tiên đưa ra bộ tailor suit được may đo dành cho nữ, dựa trên bộ trang phục của nam giới. Thiết kế này mang tính ứng dụng cao và thoải mái, là bước đầu tiên giải phóng phụ nữ nên sớm trở thành trang phục không thể thiếu cho những quý cô cấp tiến.
Đón đọc: Thời trang thập niên 1910
Tổng hợp: Fendi Ong