THƯƠNG HIỆU FAST FASHION FOREVER 21 CÓ KHẢ NĂNG PHÁ SẢN

Nguồn tin nội bộ cho biết Forever 21 dự kiến khai báo phá sản nhằm vực dậy việc kinh doanh của mình

Khi nói về thời trang nhanh (fast fashion), chúng ta thường nghĩ ngay đến Zara, H&M, TopShop hay Forever 21. Tuy có những bước tiến thần tốc từ thập niên 1990 đến nay, cả 3 ông lớn này đều phải trải qua một giai đoạn lao đao. H&M đầu tiên, kế tiếp là TopShop. Zara khéo léo vượt qua được nhờ các quyết định đầu tư vào thời trang bền vững. Bây giờ, theo sát gót là Forever 21.

Thương hiệu Forever 21 từng là “giấc mơ Mỹ hoàng kim”

Một chuỗi bán lẻ giá rẻ, thuộc phân cấp fast fashion, có hơn 800 cửa hàng toàn nước Mỹ. Đây là thương hiệu tượng trưng cho “giấc mơ Mỹ” – khả năng làm giàu từ hai bàn tay trắng, cho dù bạn có là ai; do cặp đôi người nhập cư Hàn Quốc Do Won và Jin Sook Chang sở hữu. Được biết, hai vợ chồng người Hàn Quốc này di dân sang Mỹ năm 1981. Ba năm sau, họ mở cửa hàng Forever 21 đầu tiên tại Los Angeles khi trong túi chỉ có 11,000 đô-la Mỹ (khoảng 165 triệu đồng lúc ấy). Bây giờ họ được ước tính có tổng tài sản khoảng 1,5 tỷ đô-la Mỹ, và vẫn nắm quyền điều hành thương hiệu.

Tình cảnh hiện tại

Thương hiệu fast fashion này chưa thông báo quyết định chính thức. Tuy nhiên, việc đệ đơn xin phá sản sẽ giúp thương hiệu nhanh chóng loại bỏ những mảng kinh doanh không mang lại lợi ích; tái cấu trúc công ty, để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Được biết, doanh thu của Forever 21 ngày càng giảm. Doanh thu 3,4 tỷ đô-la Mỹ/năm không đủ để thương hiệu trả tiền mặt bằng và các nhà cung cấp. Forever 21 đã bắt đầu nghiên cứu các phương án vay tiền và huy động vốn mới; tuy nhiên, theo tạp chí tài chính Bloomberg, thì những kế hoạch này chưa ngã ngũ.

Việc xin phá sản có thể giúp Forever 21 lập tức đóng các cửa hàng không mang lại doanh thu tốt. Chuỗi bán lẻ này có hơn 800 địa điểm toàn nước Mỹ. Tiền vốn thuê mặt bằng có thể được tái đầu tư cho mảng e-commerce, vì việc bán hàng qua mạng ngày càng là tương lai.

Một vài mẫu thiết kế của Forever 21. Ảnh: Instagram

Một vài mẫu thiết kế của Forever 21. Ảnh: Instagram

Vì sao Forever 21 không còn được giới trẻ ưu ái?

Thương hiệu fast fashion này từng là lựa chọn shopping hàng đầu cho giới thanh thiếu niên. Với các bộ sưu tập rực rỡ, ra mắt nhanh chóng, ở mức giá hữu nghị. Tuy nhiên, việc bành trướng quá rộng đã khiến Forever 21 trở nên đại trà.

Cửa hàng Forever 21 như một nồi lẩu thập cẩm. Nào là thời trang trẻ em; thời trang nam; rồi cả phụ kiện cho…chó; với các mẫu thiết kế dường như vừa dành cho một cô gái 17 tuổi, vừa dành cho…mẹ cô ta. Chuỗi bán lẻ có hàng ngàn mẫu thiết kế, từ trang phục streetwear phong cách thể thao, đến trang phục công sở. Thương hiệu phải có nhiều kích thước dành cho người ngoại cỡ, lẫn những phiên bản cho người rất cao gầy.

Việc mong muốn làm hài lòng quá nhiều đối tượng khiến Forever 21 mất đi định hướng trong thiết kế và quảng cáo. Hãy cùng xem Forever 21 liệu có vực dậy được sau cơn khủng hoảng này.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm