Rap Việt mùa 2 trở lại và ngay lập tức leo lên top trending YouTube Việt Nam. Chương trình gây sốt không chỉ vì lời nhạc xúc động mà còn vì những màn giành giật thí sinh siêu hài hước giữa các huấn luyện viên.
Trong tập 3 Rap Việt, HLV Karik tìm cách lôi kéo thí sinh T.C. về đội mình khi nhận xét về trang phục biểu diễn của chàng trai trẻ. T.C. là một thí sinh từng tham gia vòng Chinh phục mùa 1 Rap Việt. Karik chắc mẩm rằng lúc đấy, T.C. từng mặc quần rằn ri khi tham gia thi đấu. Nhưng hóa ra, cậu chàng lại mặc…quần đen. Oái oăm quá!
Tuy Karik hơi “bé cái nhầm”, nhưng lời nhận xét này nói lên rất nhiều về con người anh: Một rapper mê thời trang.
Karik yêu thích Fear of God
Trong số những hãng thời trang Karik ưa thích, một thương hiệu là Fear of God. Đây là một thương hiệu streetwear rất nổi tiếng trong cộng đồng mê rap và hip hop. Nếu yêu thích Karik, rap và hip hop, bạn không thể bỏ qua hãng thời trang này.
Fear of God từng có những màn bắt tay đỉnh cao với Virgil Abloh (nhà sáng lập Off-White và giám đốc sáng tạo mảng thời trang nam của Louis Vuitton), Kanye West và thương hiệu Yeezy của anh. Hãng cũng thiết kế thời trang biểu diễn cho Justin Bieber trong chuyến lưu diễn thế giới Purpose năm 2016. Đặc biệt, Fear of God được Alessandro Michele của Gucci yêu thích đến nỗi cho phép Jared Leto, một đại sứ Gucci, trở thành gương mặt quảng cáo của hãng năm 2018.
Vậy Fear of God có gì hay mà lại khiến các nhân vật tên tuổi này yêu thích đến vậy? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.
Thương hiệu streetwear của Jerry Lorenzo
Fear of God là một thuơng hiệu thời trang đường phố do anh Jerry Lorenzo sáng lập năm 2013. Thương hiệu được định vị ở tầm cao của làng streetwear, với mức giá khởi điểm từ khoảng 100 đô-la Mỹ/sản phẩm. Các thiết kế được dựa trên văn hóa thể thao Mỹ, kết hợp cùng tính chất may đo thủ công thường thấy ở phân khúc thời trang cao cấp.
Fear of God là một thuơng hiệu thời trang hoàn toàn độc lập. Dù không có nhà đầu tư rót vốn, doanh số của thương hiệu vẫn nhân đôi mỗi năm, tính từ 2013 đến 2019.
Cái tên thương hiệu Fear of God (tạm dịch: kính sợ đức chúa trời), đến từ nguồn gốc tín ngưỡng của gia đình nhà sáng lập Jerry Lorenzo, cũng như hình ảnh về Đức chúa trong quyển sách My Utmost for His Highest của tác giả Oswald Chambers.
Jerry Lorenzo không phải là một nhà thiết kế được đào tạo bài bản
Con đường của Jerry Lorenzo đến với thời trang rất vòng vèo. Anh không theo học ngành thiết kế, đồ họa, hay thậm chí ngành mỹ thuật. Anh cũng không biết vẽ. Vì vậy, anh không tự nhận mình là một nhà thiết kế thời trang. Jerry Lorenzo tự gọi bản thân mình là curator – một người tìm ra những sản phẩm khác biệt và mai mối chúng với nhau trong một bộ sưu tập thuận mắt.
Bố Jerry Lorenzo từng là một vận động viên bóng chày chuyên nghiệp, rồi khi nghỉ hưu chuyển sang làm công việc quản lý. Còn Jerry theo học ngành quản trị thời trang. Khi đang học MBA, anh từng là một nhân viên kiểm kho của một cửa hàng Diesel. Nhưng lúc ấy, anh chán ghét thời trang vì cho rằng mình không đủ cool ngầu để trở thành người bán hàng, nên cứ bị kẹt kiểm hàng trong kho.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp, Lorenzo không tiếp tục làm thời trang mà trở về với cái gốc của mình là bóng chày. Năm 2008, anh trở thành quản lý của ngôi sao của đội bóng chày Dodgers, Matt Kemp. Một nhiệm vụ của anh là tìm trang phục cho những lần xuất hiện trước truyền thông của Kemp, nhưng gặp khó khăn trong khâu chọn lựa sản phẩm vừa ý. Lúc này, anh quyết định tự sản xuất vài sản phẩm theo đúng nhu cầu của mình.
“Tôi làm điều này vì anh ấy, nhưng cũng chính tôi”, Lorenzo từng chia sẻ với Complex. Anh cho rằng nếu có điều gì đó thiếu vắng trong tủ đồ của anh Kemp, của chính bản thân mình, thì chắc chắn sẽ có ai khác có nhu cầu tương tự. Jerry Lorenzo bước vào làng thời trang như vậy, khởi nghiệp với những sản phẩm mình muốn sở hữu nhưng chẳng có ai thực hiện.
Lúc ấy, Jerry Lorenzo chỉ có 14.000 đô-la Mỹ tiền tiết kiệm. Anh dùng toàn bộ số tiền đó để khởi nghiệp. Anh thậm chí mất gần chục nghìn đô-la Mỹ khi bị người ta lừa trong giai đoạn sản xuất. Nhưng điều này không khiến anh chùn bước.
Những sản phẩm làm nên tên tuổi của Fear of God
Fear of God khởi đầu với những chiếc áo thun. Anh Jerry Lorenzo thích áo thun tay dài, nhưng phát hiện rằng các mẫu áo thun hàng hiệu trên thị trường lúc này có tay áo quá chật. Thế là anh thiết kế nên một mẫu có tay rộng hẳn, chiều dài phủ quá mông, cổ áo cũng nới rộng ra để có thể để lộ các loại vòng đeo cổ bling bling mà các rapper và dân thể thao thường đeo.
Các sản phẩm của Fear of God cũng được tạo nên bởi chất liệu vải và phụ tùng thượng thặng. Khóa kéo của các sản phẩm là khóa RiRi, mệnh danh “Rolls Royce của thị trường khóa kéo”. Chất liệu vải được đặt dệt từ Ý và Nhật Bản. Các bộ suit của thương hiệu cũng được may đo ở Ý, quốc gia nổi tiếng với những nhà xưởng thủ công bậc nhất.
Bên cạnh dòng chính Fear of God, Jerry Lorenzo cũng tung ra dòng phụ Essential. Đây là các sản phẩm basic hơn, có thể được dùng mix match và layer với các item từ dòng chính. Cá nhân Karik cũng sở hữu nguyên bộ athleisure từ dòng Essential.
Một thương hiệu thành công vì những sự mâu thuẫn
Có thể thấy, thương hiệu Fear of God của Jerry Lorenzo đầy những sự mâu thuẫn.
Jerry Lorenzo lớn lên với bóng chày nhưng lại từ đó nhảy vào làng thời trang đầy xuất sắc. Anh tin vào Đức Chúa trời, nhưng lại dùng cái tên của Ngài để in lên áo thun cho kẻ ngoại đạo. Anh làm việc với những tập đoàn lớn như Nike, Adidas, nhưng thương hiệu cá nhân lại hoàn toàn độc lập. Chưa bao giờ anh dự kiến sẽ thiết kế thời trang cho đám đông, nhưng lại tìm thấy sự thành công ngoài mong đợi với những bộ sưu tập cháy hàng trong tích tắc.
Giới chơi hip hop và rap tìm được sự đồng cảm trong những mâu thuẫn của Fear of God. Vốn rap và hip hop là âm nhạc underground (không thị trường), không được chấp thuận trong quá khứ, nhưng bây giờ các rapper lại là những ngôi sao sáng giá nhất. Âm nhạc của họ kể câu chuyện riêng tư, nhưng lại chạm đến cảm xúc của đám đông. Có lẽ sự đồng cảm này là lý do giới rapper yêu thích thời trang Fear of God.
“CHA ĐẺ” CỦA FEAR OF GOD BẮT TAY ADIDAS TUNG RA ĐÔI GIÀY BÓNG RỔ HUYỀN THOẠI
SUPREME ĐÃ BỊ THÂU TÓM VỚI MỨC 2,1 TỶ ĐÔ-LA MỸ. ĐIỀU NÀY NÓI GÌ VỀ THỊ TRƯỜNG STREETWEAR?
Trích Grailed, BOF
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam